đăng 06:15 26 thg 4, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Biên Hòa - Đồng Nai là vùng đất có lịch sử hình thành lâu đời bậc nhất ở miền Nam. Quá trình phát triển hơn 320 năm, vùng đất này đã trở thành nơi an cư của bao người gốc các miền Bắc, Trung, Tây. Cùng với sự ra đời của các khu dân cư, các ngành nghề, nơi trao đổi hàng hóa cũng dần hình thành tại đây.
Khách mua rau xanh ở chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) Mặc dù không có sự phân biệt rạch ròi, nhưng nếu để ý các mặt hàng ẩm thực, cách bày trí, thói quen mua bán, giao tiếp, người ta dễ dàng nhận ra chợ Bắc, chợ Nam.* Lòng heo, thịt chó, tương bần... Đây là những mặt hàng ẩm thực đặc trưng của miền Bắc có bán tại các chợ: Sặt, Tân Hiệp, Cổng 2, Tân Phong, Tân Mai... Bên cạnh đó là bột sắn dây, miến dong, măng khô, bóng bì. Các loại gia vị như: hạt dổi, mắm tôm, mắm chua, thính...
Ở TP. Biên Hòa có nhiều chợ mang màu sắc văn hóa vùng miền. Điều đó được thể hiện thông qua các mặt hàng ẩm thực, cách bài trí, văn hóa mua bán. Bên cạnh những chợ mang đậm văn hóa đất Bắc như: Sặt, Tân Hiệp, Tân Mai, Tân Phong..., là những chợ đậm chất Nam bộ như: Biên Hòa, Đồn, Hiệp Hòa, Tân Hạnh. Ngày nay, các chợ đều có giao thoa văn hóa, giao thoa mặt hàng, giao thoa kẻ bán người mua, nhưng có những loại mặt hàng người ta phải đi đến đúng chợ Bắc hoặc chợ Nam mới mua được hàng ngon, giá rẻ.
|
Một trong những nơi mang đậm nét văn hóa ẩm thực vùng quê Bắc bộ nhất ở Biên Hòa là chợ Sặt (P.Tân Biên). Những người buôn bán lâu năm ở chợ Sặt cho biết, sau năm 1954, nhiều người dân gốc Bắc vào Biên Hòa định cư. Để ổn định cuộc sống, họ bắt tay làm miến khô, bánh khô, bánh chưng, bánh gai để ăn và trao đổi với người dân địa phương. Về sau, giao dịch mua bán phát triển, chợ Sặt hình thành ngay bên quốc lộ 1 và phát triển thành chợ quy mô nhất nhì Biên Hòa. Hiện tại, chợ Sặt được xem là chợ đầu mối về các mặt hàng như: miến làm từ gạo, củ dong, củ mì; bánh quy, quẩy, bánh cá, bánh đa, bánh cuộn; bánh chưng, bánh gai. Các mặt hàng này đa phần do người dân gốc Bắc quanh khu vực Hố Nai làm ra và đưa về chợ phân phối. Ngoài ra, chợ có bán nhiều loại gia vị Bắc như: tương bần, hạt dổi, hạt mắc khén, quả sấu, khế chua, nấm hương, hành tăm. Bên cạnh đó là những mặt hàng công nghiệp như: quần áo, giày dép, mỹ phẩm.Còn chợ Tân Hiệp có đầy đủ các loại mặt hàng như chợ ngoài Bắc nhưng có xen kẽ món hàng của người Nam nên đa dạng hơn. Chẳng hạn, như cùng gia vị chát ăn kèm với món gỏi, chợ có bán cả quả sung, quả vả lẫn quả bần (đặc trưng rừng ngập mặn); chợ bán mắm cá bên cạnh mắm tôm, mắp tép; có cả xoài chín lẫn xoài non ăn kèm mắm ruốc. Chợ Tân Hiệp có mặt hàng mà hầu như các chợ Nam thậm chí chợ Bắc ở miền Nam ít nơi có đó là chó, mèo con. Nhiều người buôn bán ở chợ cho biết, trước đây, chợ có khu bán heo giống, gà giống, chó mèo giống, nhưng hiện tại chỉ còn chó và mèo. Có khi người ta bán bên trong chợ, có khi đưa ra mặt tiền Đồng Khởi để bán.Nếu lo đi chợ Sặt phải gửi xe, đi chợ Tân Hiệp phải trả giá thì về chợ Cổng 2 (hay còn gọi chợ bộ đội, P.Trung Dũng). Mặc dù đây là khu buôn bán tự phát nhưng từ lâu người dân quanh vùng xem đây là chợ. Chỉ việc ngồi trên xe máy chạy chậm khoảng 200m là có thể mua đầy đủ các món ăn cho cả gia đình. Về thực phẩm chế biến sẵn, chợ có: chè, bánh gai, bánh chưng, bánh cuốn; nem Bắc, bê thui, dưa cà muối, thịt chó làm sẵn, lòng heo luộc chín. Về gia vị, chợ có: lá chanh, củ riềng, lá mơ, rau thì là, quả chay, quả sấu, hành tỏi Bắc, tương bần, mắm tôm, thính, mẻ. Ngoài ra, chợ còn có bán trầu cau vào những ngày rằm, mùng 1, Tết; đồ vàng mã. Ưu điểm của chợ này là người bán rất ít nói thách, người mua không phải trả giá.* Khô, mắm - gian hàng đặc trưng ở chợ NamBên cạnh những ngôi chợ mang màu sắc văn hóa đất Bắc là những ngôi chợ lâu đời đậm chất Nam bộ. Đó là các chợ: Biên Hòa, Đồn, Hiệp Hòa, Tân Hạnh, Bửu Long... Ngày nay, giao thương phát triển, các chợ đều có sự giao thoa ngành hàng, người mua kẻ bán, tuy nhiên, nếu để ý vẫn dễ dàng nhận ra chợ Nam có gian hàng khô và mắm; thực phẩm tươi sống như ốc, tôm, cua, cá nhiều hơn thịt heo, thịt bò; không hoặc ít bán thịt chó, mèo; bưởi tính 1 chục bằng 12 trái...
Lòng heo ở chợ Tân Mai, ẩm thực đặc trưng của chợ Bắc Chợ Biên Hòa là chợ Nam lâu đời ở đất Biên Hòa. Chợ có bán đầy đủ các loại mặt hàng nhưng nhiều và đặc trưng nhất là gian hàng khô và mắm. Ở đây có bán rất nhiều loại mắm làm từ cá; tôm khô, cá khô, đồ muối ngọt. Có thể kể đến mắm cá linh, mắm cá sặc, mắm cá cơm, ba khía... giá khoảng 100-150 ngàn đồng/kg; khô cá lóc, khô cá đù, khô cá đuối, khô cá sặc... giá từ 200-500 ngàn đồng/kg; tôm khô các loại giá từ 300-700 ngàn đồng/kg. Các loại rau muối ngọt như: đu đủ, dưa leo, cà pháo vài chục ngàn đồng/ký. Người mua có thể mua cả ký, cũng có thể mua vài ngàn đồng ăn trong ngày.Bà Lê Trần Bích Liễu, chủ quầy mắm Bích Liễu ở chợ Biên Hòa cho biết, gia đình bà buôn bán ở chợ đã hơn 50 năm. Không giống như những quầy “hàng xén” của người Bắc, bà Liễu chỉ bán khô và mắm cá các loại. “Tất cả những mặt hàng tôi bán đều lấy mối từ dưới miền Tây: khô sặc lấy từ Bạc Liêu, Cà Mau; mắm lóc, mắm linh vùng Châu Đốc (An Giang)... Trước đây, các tiểu thương ở chợ hùn xe về tận miền Tây chở hàng. Sau này, mối giao tận chợ. Tôi vừa bán lẻ, vừa bỏ mối cho các quán ăn, tiểu thương ở các chợ khác” - bà Liễu chia sẻ. Bà cho biết thêm, ngày nay, chợ cóc, cửa hàng tạp hóa, hàng quán đều bán khô, mắm nhưng những người sành ăn, mối quen vẫn vào chợ Biên Hòa mua cho yên tâm. Chợ Biên Hòa phân ra loại giá rẻ, bình dân, cao cấp.Cạnh đó là quầy hàng khô của ông Sáu Thảo. Quầy hàng này có rất nhiều loại cá khô, tôm khô, xúc xích. Riêng mặt hàng tôm khô đã có đến gần chục loại, có loại chỉ có giá vài trăm ngàn đồng/kg nhưng cũng có loại gần triệu đồng/kg. Ông Sáu Thảo kể, mình đã gắn bó với chợ Biên Hòa từ khi còn nhỏ, những năm 1950. Hồi đó, mỗi dịp Tết ông được mẹ cho ra chợ để trông hàng vì người mua kẻ bán nhiều, chợ không có camera giám sát như ngày nay. Trong trí nhớ của ông Sáu Thảo, chợ Biên Hòa có bán nhiều đồ gia dụng làm từ chất liệu gốm, gỗ mỹ nghệ và mây tre, nhưng hiện tại còn rất ít, một số mặt hàng không còn, thay vào đó là hàng công nghiệp.Cùng với chợ Biên Hòa, chợ Đồn (chợ Bửu Hòa, thuộc P.Bửu Hòa) nằm kế bên sông Đồng Nai cũng là chợ Nam lâu đời ở đất Biên Hòa. Không bề thế như chợ Biên Hòa, chợ Đồn mang nét dân dã của người dân Nam bộ. Người bán, người mua ở chợ Đồn đa phần là công nhân, dân lao động nên giá cả cũng rẻ hơn so với chợ Biên Hòa. Các mặt hàng đặc trưng: bông súng, bông điên điển, đọt bèo tây cho rau đắng, bắp chuối bào có khi được để trên cái mẹt, trong cái thau. So với các chợ Bắc ở Biên Hòa, ở chợ Đồn hàng cá, tôm, cua, ốc chiếm ưu thế hơn hàng thịt...Hoàng Lộc |
đăng 04:47 4 thg 7, 2020 bởi Pham Hoai Nhan
Tháng 3-4 (âm lịch) nước hồ Trị An bắt đầu dâng cao, cá lìm kìm qua mùa sinh sản trưởng thành nổi dềnh trên mặt nước. Đây là thời điểm ngư dân đánh bắt được nhiều cá lìm kìm nhất so với các tháng khác trong năm.

Ngư dân Lê Văn Cường (ngụ ấp Bến Nôm 2, xã Phú cường, H.Định Quán) với chiếc ghe vồn bắt cá lìm kìm của mình Theo những ngư dân đánh bắt cá lìm kìm ở ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường (H.Định Quán), vào mùa cá lìm kìm, một đêm (từ 7 giờ tối tới 4 giờ sáng) đi ủi vồn (là một loại dụng cụ đánh bắt cá làm bằng tre với phần phía trước rộng, phần phía sau hẹp), chí ít mỗi ghe cũng thu được từ 40-50kg cá, còn nhiều thì từ 70-100 kg/ghe. Giá cá ngư dân đem lên bờ bán được 30 ngàn đồng/kg.
* Không sợ “mo” chỉ sợ mưa
Ấp Bến Nôm 2 có 7 ghe vồn đánh bắt cá lìm kìm. Vào mùa đánh bắt cá lìm kìm, nét mặt ngư dân nào cũng hồ hởi. “Gió càng mạnh, sóng càng lớn thì cá càng dễ say đèn. Vồn được cất lên nặng trịch hay nhẹ tênh là phụ thuộc vào tài nghệ lướt sóng, “chặt cua” của ngư dân ghe vồn chuyên đánh bắt cá lìm kìm” - ông Lê Quang Cường (ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường) nói.
6 tuổi, ngư dân Cường đã biết theo cha lênh đênh trên mặt hồ Trị An lùng bắt đủ loại cá như: lóc, rô, trắm cỏ, chép, mè... bằng tất cả các loại ngư cụ mà cha của ông có được trên ghe. Riêng nghề ủi vồn cá lìm kìm thì ông có 17 năm kinh nghiệm và đã đào tạo gần chục “đệ tử” chuyên đánh bắt cá này trên hồ Trị An.
Được ví là “con rái cá” của hồ Trị An, “sát thủ” cá lìm kìm bến cá Bến Nôm 2, ngư dân Cường tuyên bố chắc nịch, nghề ủi vồn cá lìm kìm không sợ “mo” (thất bát), chỉ sợ trời mưa. Vì hạt mưa lay động mặt nước, cá lìm kìm không “ăn đèn” buộc phải ngừng đánh bắt. Còn trong thời điểm hiện nay, thời tiết khá thuận lợi vì mùa này hồ Trị An có sóng to, gió lớn, cá lìm kìm rất dễ “ăn đèn”, ngư dân tha hồ đánh bắt.
Ông Cường chia sẻ, để đánh bắt được mẻ cá lớn, ông phải điều khiển chiếc ghe hướng mũi vồn về đàn cá đang bay nhảy trước đèn xúc. Sau đó, ông nhanh tay bẻ bánh lái quay đầu ghe trở lại và cứ vậy khi nào bầy cá lìm kìm tản mát ra khỏi ánh đèn pha trước mũi ghe thì ông đi tìm luồng cá khác.
Trong nghề đánh bắt cá trên hồ Trị An, nhiều ngư dân cho rằng, nghề ủi vồn cá lìm kìm có hai cái sướng. Cái sướng thứ nhất là ít khi bị “mo”, có mối lái thu mua và chế biến ngay tại chỗ nên cá đánh bắt được không sợ dội chợ. Cái sướng thứ hai là cứ cho ghe chạy cặp bờ hồ hoặc theo các phao chỉ dẫn lòng hồ mà xúc cá, không phiền phức, va chạm chuyện làm nghề với người làm các ngư cụ khác vì miệng vồn chỉ ăn xuống mặt nước 30cm.
* Đặc sản khô lìm kìm
Những năm 2000 trở về trước, cá lìm kìm nổi dềnh trên mặt hồ Trị An mỗi khi gặp ánh đèn của ngư dân. Tuy nhiên vào thời điểm đó, cá lìm kìm không có giá, ngư dân đánh bắt cá lìm kìm chủ yếu để làm thức ăn cho cá ở các bè cá, bán lẻ ra thị trường rất ít. Do đó, ngư dân ấp Bến Nôm 2 và nhiều nơi khác ở hồ Trị An xem việc đánh bắt cá lìm kìm chỉ là nghề tay trái.

Phụ nữ ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường (H.Định Quán) làm sạch cá lìm kìm tươi để phơi khô Đến năm 2011, ông Nguyễn Thanh Hoàng (lúc đó là Trưởng ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường) mới mày mò học cách làm khô cá lìm kìm. Sau đó, ông phổ biến cho nhiều gia đình ngư dân khác trong ấp cùng làm. Khi sản phẩm khô cá lìm kìm bán được ra thị trường thì cá lìm kìm có giá trị hơn hẳn. Tuy vậy, lúc đó, đầu ra của khô cá lìm kìm vẫn còn quanh quẩn trong xã, trong huyện.
Nghề làm khô cá lìm kìm bắt đầu phát triển mạnh tại ấp Bến Nôm 2 vào năm 2017 khi khô cá lìm kìm hồ Trị An được phân phối ở chợ đầu mối, bán ra ngoài tỉnh. Từ đó địa phương tập hợp những hộ đánh bắt, làm khô cá lìm kìm lại để thành lập Tổ hợp tác khô cá lìm kìm sông nước ấp Bến Nôm 2. Lúc này, khô cá lìm kìm trở thành đặc sản của vùng hồ Trị An, theo đúng tinh thần của chủ trương xây dựng nông thôn mới: “Mỗi địa phương một sản phẩm”.
Từ đó, nghề ủi vồn cá lìm kìm ở ấp Bến Nôm 2 phát triển mạnh mẽ. Từ vài ghe chuyên đánh bắt cá lìm kìm lúc đầu, nay số ghe làm nghề này lên tới hơn chục chiếc (ấp Bến Nôm 2 có 7 chiếc, ngoài ấp có 6-7 chiếc). Tổ trưởng Tổ hợp tác khô cá lìm kìm sông nước ấp Bến Nôm 2 Nguyễn Thanh Hoàng cho biết, hiện tổ hợp tác có 15 thành viên (người đánh bắt và làm khô). Cá lìm kìm tươi được các tổ viên thu mua, làm sạch, phơi khô để bán. Hiện sản phẩm cá lìm kìm khô của tổ hợp tác cung không đủ cầu nên nghề đánh bắt và làm khô cá lìm kìm đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho trên 100 lao động địa phương.
Vào sáng sớm những ngày tháng 4 mặt nước hồ Trị An dậy sóng, ngồi nơi bến ghe Bến Nôm 2 nhìn các vồn cá đầy của các ngư dân sau một đêm đánh bắt cá bội thu trở về khiến ai cũng phấn khởi. Nhờ giá cả ổn định, không lo đầu ra sản phẩm nên vào mùa này, ngư dân đánh bắt cá lìm kìm có thu nhập cao hơn, đời sống của họ cũng sung túc hơn.
Theo các ngư dân ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường (H.Định Quán), cá lìm kìm hồ Trị An chủ yếu ăn thức ăn từ nguồn nước tự nhiên nên chất thịt thơm ngon, ngọt và mềm. Khi được phơi khô, thịt cá lìm kìm ngọt và dai. Cá lìm kìm và khô cá lìm kìm có thể chế biến thành nhiều món ngon, hấp dẫn như: cá lìm kìm chiên giòn, cá lìm kìm kho tiêu, gỏi xoài với khô cá lìm kìm, cá lìm kìm khô nướng chấm nước mắm me... |
Bài, ảnh: Đoàn Phú |
đăng 18:45 12 thg 3, 2020 bởi Pham Hoai Nhan
Khu vực cầu La Ngà (xã Phú Ngọc và La Ngà, H.Định Quán) lâu nay trở thành điểm dừng chân của nhiều khách đi đường trong và ngoài tỉnh mỗi khi có dịp đi qua, bởi sự hấp dẫn của những gian hàng bán các loại cá khô, cá tươi ngay cạnh sông La Ngà.

Người đi đường chọn mua cá khô tại khu vực cầu La Ngà Các loại cá bày bán tại khu “chợ đặc sản” này được nuôi ngay trên sông La Ngà, khu vực tập trung hàng trăm hộ nuôi cá bè, cũng có khi là cá thiên nhiên được đánh bắt trên sông từ những ngư dân làng bè.
* Món ngon từ sông nước
Buổi chiều, dù nắng trên sông La Ngà đã xuống thấp nhưng những gian hàng cá khô và tươi vẫn đón khách ghé thăm. Khách hàng dừng chân vào thời điểm này phần lớn là những khách đường xa từ TP.HCM, Bình Dương, Vũng Tàu... dừng chân để mua cá khô, thậm chí cả cá tươi để mang về nhà sử dụng hoặc làm quà biếu.
Ngoài “chợ đặc sản” bán các loại cá ở khu vực cầu La Ngà, trên địa bàn H.Định Quán còn một số khu vực bán các loại đặc sản khác như: xoài, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, măng tre… do người dân địa phương bày bán dọc quốc lộ 20 và tại một số trạm dừng chân, trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực xã La Ngà, Phú Ngọc. Những điểm bán đặc sản này đã tồn tại nhiều năm nay. Theo đánh giá của một số khách đi đường, tại những điểm bán đặc sản không có tình trạng “chặt chém” cũng như tranh giành khách. |
Đã từng được chồng đi công tác ở TP.HCM về mua cho vài ký khô cá lóc từ các gian hàng cá khô khu vực cầu La Ngà, nay khi có dịp đi TP.HCM thăm bà con, chị Phùng Thị Phương (H.Đạ Huoai, T.Lâm Đồng) cũng không quên dừng xe mua thêm vài ký khô cá lóc để biếu bà con món đặc sản trên sông La Ngà. Chị Phương cho biết, lần đầu tiên ăn cá khô do chồng mua về, chị đã rất ấn tượng bởi hương vị thơm và độ ngọt của cá. Khô cá lóc tại đây được làm từ cá còn tươi nên thịt không bị bở và có mùi thơm tự nhiên. “Mấy đứa nhỏ lạ miệng ăn cơm ngon hơn, cá mua về tôi để tủ lạnh ăn được cả tháng nên rất yên tâm. Nay có dịp đi thăm người thân nên ghé mua để làm quà, gia đình tôi rất thích món ăn này nên mai mốt khi về lại Lâm Đồng tôi sẽ mua thêm để nhà dùng dần” - chị Phương chia sẻ. Cũng là khách hàng thường xuyên ghé khu “chợ đặc sản”, ông Nguyễn Văn Đông (TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) là “mối ruột” của những tiệm bán cá tươi. Mỗi khi dừng chân là tốn tiền triệu nhưng ông Đông chưa bỏ qua lần nào để mua về các loại cá lăng, cá chình, cá lóc…cho gia đình. Ông Đông chia sẻ, mua cá tươi ở đây không sợ cá chết khi về tới nhà vì người bán sẽ giúp thổi oxy vào bao đựng cá, bên trong có sẵn nước cho cá thở. “Nếu đi ngang khu vực này ngay giờ cơm thì chúng tôi sẽ dừng lại một số quán cơm ở khu vực cầu La Ngà để thưởng thức các món ăn được chế biến từ đặc sản trên sông như: khô cá lóc, canh chua cá lăng, cá lăng kho… những món ăn được chế biến rất ngon vì cá tươi và hợp khẩu vị” - ông Đông cho biết thêm.
* Đa dạng sản phẩm
Khu vực cầu La Ngà không chỉ trở thành điểm tập trung bán các loại cá đặc sản trên sông, mà nơi đây còn có những cơ sở sản xuất cá khô, những quán ăn với nhiều món ngon được chế biến từ cá thu hút ngày càng đông khách dừng chân thưởng thức.

Bà Hồ Thị Thủy, chủ một cơ sở sản xuất cá khô tại xã Phú Ngọc cho biết, mỗi ngày cơ sở của bà sản xuất khoảng 150-200kg cá tươi các loại, với từng ấy cá, sau khoảng 2-3 ngày phơi nắng sẽ thu về khoảng 50-70kg. Theo bà Thủy, hầu hết cá để làm khô đều do các nhà nuôi cá bè, người đánh bắt trên sông cung cấp nên cá luôn tươi, thịt cá sau khi phơi khô vẫn giữ được vị thơm ngon nên cá làm ra được bà cung cấp cho các quán ăn, quầy bán cá khô khu vực cầu La Ngà. Ý thức được phải giữ gìn uy tín về sản phẩm để duy trì tiếng thơm cho đặc sản trên sông La Ngà cũng như “níu” thêm khách cho các cửa hàng đặc sản, không chỉ bà Thủy mà một số cơ sở sản xuất cá khô khác cũng luôn tuân thủ các nguyên tắc về lựa chọn nguyên liệu và giữ vệ sinh khi chế biến.
Các sản phẩm từ cá khô cũng khá đa dạng như: khô cá kìm, cá lóc, cá cơm, cá sặc… có giá bán từ 130-350 ngàn đồng/kg. Cá tươi cũng có giá từ trên 100 ngàn đến trên 500 ngàn đồng/kg, chủ yếu là cá lăng, cá chình, cá lóc, diêu hồng. Ông Cường, chủ một quầy bán cá cho biết, không chỉ khách ngoài tỉnh, khách tại địa phương cũng ghé mua vì giá bán bình dân, khách địa phương cũng như khách qua đường đều bán cùng một giá nên khách hàng rất yên tâm khi mua.
Thủy Mộc |
đăng 00:19 18 thg 1, 2019 bởi Pham Hoai Nhan
Có một xóm làm lồng chim ngay trong lòng thành phố Biên Hòa, người ta hay gọi cái tên gần gũi là “Xóm lồng chim”. Ở đây, cả xóm làm lồng chim. Từ trẻ con lên 10 cho đến những cụ ông, cụ bà gần 80 tuổi đều tham gia làm lồng chim. Sản phẩm lồng chim của xóm đã có mặt ở thị trường trong và nước ngoài, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Đó chính là xóm thuộc tổ 4, khu phố 10, phường Tân Biên, TP. Biên Hòa.

Theo lời kể của người dân trong xóm, nghề làm lồng chim có cách đây chừng hơn 20 năm trước. Khi đó, vùng này chỉ chuyên trồng táo và có khoảng 20 hộ sinh sống. Cuộc sống vất vả, thiếu thốn nên một số người đàn ông trong xóm đã quyết định đi học thêm nghề gì đó để tranh thủ làm kiếm thêm tiền. Lúc đó, nhận thấy nhu cầu sử dụng lồng chim ngày càng cao nên một số ít người trong làng đã lặn lội đi khắp nơi để học nghề và sau đó truyền lại cho mọi người. Rồi người này học truyền lại cho người kia, cha mẹ truyền nghề cho con cháu. Ngoài trực tiếp làm lồng chim, cũng có những hộ chuyên phân phối nguyên vật liệu, hoặc làm đầu mối thu mua lồng chim để phân phối đi các nơi. Thời gian đầu, chỉ có chừng hơn 20 hộ làm nghề này dần dần cả xóm có gần 200 cơ sở, hộ gia đình chuyên làm lồng chim.

Ngày trước tất cả các công đoạn sản xuất lồng chim đều phải làm thủ công, trải qua nhiều công đoạn, như: vót nan, làm đáy, vành, ráp lồng… Nhưng điều kiện đầu tiên khi làm lồng chim là phải chuẩn về công đoạn vót nan. Vót nan trăm cái đều phải như một, vì người sành chơi chim sẽ có cách nhận biết lồng tốt, đạt tiêu chuẩn. Lồng chim phải đáp ứng được 3 tiêu chí: bền, sang và đẹp, nên đòi hỏi người thợ phải rất tỉ mỉ, kỳ công.

Ngày nay, các cơ sở, các hộ làm lồng chim đều đã đầu tư máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất, chứ không còn làm thủ công như trước. Máy móc được sử dụng vào hầu hết các công đoạn, kể cả chuốt tre để làm lồng. Nhờ có máy móc nên nâng suất lao động tăng, người thợ có nhiều thời gian hơn để trau chuốt, chạm trổ làm đẹp và nâng cao giá trị của sản phẩm. Đáp ứng mọi nhu cầu tùy theo đơn đặt hàng. Từ hàng đại trà theo kiểu lồng chợ, giá rẻ cho người mới tập chơi với giá khoảng hơn 100.000 đồng/cái hay loại lồng chim cao cấp cẩn xà cừ, chạm trổ long phụng có giá đến cả chục triệu đồng đều có. Thu nhập tăng, cuộc sống của người dân xóm lồng chim ngày càng phát triển. Xóm lồng chim ngày nào giờ đông đúc hơn, xôm tụ, nhộn nhịp hơn, hòa cùng với nhịp sống hiện đại nơi thành phố công nghiệp. Người dần lành nghề, sản phẩm dần tinh sảo, nườm nượp được chuyển đi muôn nơi, qua tận nước ngoài để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nghề nào cũng có nỗi vất vả, nhưng đây chính là động lực cho người thợ, người nghệ nhân tâm huyết với nghề làm lồng chim.
Mai Phương |
đăng 20:08 25 thg 8, 2018 bởi Pham Hoai Nhan
Người Tày là dân tộc có dân số đông sau người Kinh, người Hoa và người Nùng ở Đồng Nai. Tụ cư ở những vùng có đồng ruộng hay đất rẫy để làm nông nghiệp, người Tày sống tập trung tại huyện Tân Phú, Định Quán.

Năm 1954, người Tày di cư từ vùng núi phía Bắc vào Đồng Nai lập nghiệp. Tới sau giải phóng 1975, số lượng di cư đông đúc hơn tạo thành các bản làng, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, làm ruộng, rẫy và chăn nuôi… Mặc dù sinh sống hàng chục năm nay trên đất mới Ðồng Nai, thế nhưng họ vẫn giữ giữ nét sinh hoạt của cộng đồng trong tập quán sinh sống, phương thức canh tác, sinh hoạt văn nghệ và xây dựng cơ sở tín ngưỡng nơi cư trú.

Đối với đồng bào Tày ở xã Thanh Sơn (huyện Ðịnh Quán), xã Tà Lài (huyện Tân Phú), hát Then là một trong những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng không thể thiếu. Bà con nơi đây hát Then vào những dịp trọng đại như: lễ hội Lồng Tồng vào dịp năm mới, sinh con đầu lòng hay giải trừ tà ma, chữa bệnh..., thường hát Then luôn đi cùng đàn tính, chuông, lắc… trong khi hát có múa Then. Ngoài ra, múa nhảy sạp, múa xòe là những điệu múa dân gian đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày, trong các ngày lễ hội đầu xuân.

Hai năm trở lại đây, người Tày tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) và một số xã lân cận đã khôi phục tổ chức lễ hội Lồng Tồng (còn gọi là lễ hội xuống đồng). Đồng thời các trò chơi dân gian như ném còn, đánh đu, đánh cầu… cũng được phục dựng để đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa, văn nghệ, cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Tày trên đất Đồng Nai. |
đăng 01:45 8 thg 8, 2018 bởi Pham Hoai Nhan
Nếu bạn là một người yêu thích tìm hiểu và khám phá bản sắc của 54 dân tộc anh em tại Việt nam thì đừng bỏ qua cơ hội đến với Tà Lài nơi các dân tộc anh em như Stieng, Mạ, Tày, Nùng sống với nhau rất gần gũi. 
Đến đây không khó để các bạn có thể bắt gặp hình ảnh những cô gái Mạ, S’tiêng thong thả đi trên đường. May mắn hơn trong một ngày nắng đẹp của tháng 5, các bạn sẽ còn được chiêm ngưỡng một rừng cây hoa móng cọp (hoa đào rừng) nở rợp cả vùng trời và từng đàn bướm vàng tung tăng bay lượn cảnh vật như ở trốn thần tiên. Ở xa xa, những cô sơn nữ nhẹ nhàng hái hoa tươi cười khoe sắc ngân nga câu hát vút cao nhưng ngọt ngào giữa đại ngàn ấy.
Vẻ đẹp của thiên nhiên cũng như những cô sơn nữ đẹp bởi họ khoác trên mình những trang phục rất đặc trưng và bạn sẽ tò mò không biết trang phục được làm như thế nào. 
Trang phục của người S’tiêng khá đơn giản, đàn bà mặc váy, đàn ông đóng khố. Mùa đông người ta choàng một tấm vải để chống rét.Với hoa văn bắt mắt chủ đạo là các hình học như: Hình tam giác, hình vuông, hình thoi, kể cả hình người…. Đây là trang phục truyền thống của đồng bào, phụ nữ và trẻ nhỏ ngay từ nhỏ đã phải học dệt rồi, đặc biệt phụ nữ trong làng mà không biết dệt sẽ không lấy được chồng. Nếu bạn đã đến xã Tà Lài Cát Tiên thì không thể bỏ qua trải nghiệm dệt thổ cẩm. Quy trình để làm nên một chiếc áo cũng lắm công phu. Chúng tôi theo chân anh K’yếu đúng lúc anh đến thăm gia đình một nghệ nhân dệt thổ cẩm ưu tú của làng. Nhìn đôi tay cô thoăn thoắt đưa thoi bên những vuông vải màu chàm, màu trắng, màu xanh. Chỉ với một khung dệt đơn giản, những cuộn dây sợi chỉ với bản tay khéo léo điêu luyện của cô, chúng đã chở thành những tấm thổ cẩm thật đẹp, thật tinh xảo. Tôi cũng tranh thủ học dệt và lắng nghe cô trò chuyện. Ở làng này con gái năm tuổi đã được mẹ dạy cho cách dệt vải. Ngày trước muốn dệt cho được cái áo, cái quần thì phải tự lên nương thu hoạch bông về làm chỉ nhưng bây giờ cây bông không còn được trồng nữa mà nhường đất để trồng cây keo, cây mì, cao su, vì yêu cái đẹp của thổ cẩm S’tiêng và mong muốn phải giữ được cái nghề của tổ tiên nên cô và các chị các bà nơi đây vẫn cố gắng lưu truyền nghề dệt cho con cháu trong bản làng. 
Tại Tà Lài Cát Tiên còn có hang rơi một nơi đã gắn bó với làng S’tiêng từ rất xa xưa. Nhưng muốn đến được đây phải đi sâu vào bên trong rừng và phải được người địa phương dẫn đi không là sẽ lạc trong rừng sâu. Người S’tiêng tin rằng vạn vật hữu linh mỗi một vật dụng đều có linh hồn do đó họ tín ngưỡng đa thần và thần rừng xanh là vị thần tối thượng nhất được kính trọng. Những người thờ phụng liên quan đến thần thì thường nằm khá sâu trong rừng. Hang dơi đã từng là một nơi như thế. Để đến được hang dơi chúng tôi phải vượt qua một quảng đường dài leo đồi, vượt dốc khó khăn vô vàn nhưng tất nhiên để hành trình không quá mệt mỏi, bạn sẽ được giới thiệu các loại cây thuốc mọc ven đường, những loại cây dây lấy nước, cây trái hoang dại ăn được giữa rừng một lớp kỹ năng sinh tồn khá thú vị và bổ ích. Hang dơi nằm treo leo ở một con dốc hang tối và đầy huyền bí đi sâu vào bên trong, lớp đất ngàn nằm cùng với hình ảnh hàng ngàn chú dơi treo mình treo leo ngủ sâu chắc chắn sẽ làm bạn choáng ngợp. Một vẻ dẹp linh thiêng nơi núi Rừng đã được người đồng bào nơi đây ngàn năm tôn thờ.
Đêm xuống, là thời điểm các dân tộc anh em nơi đây quây quần cùng múa hát cồng chiêng bên đống lửa trại, uống rượu cần, ăn thịt nướng cùng với các anh chị người Tày múa, hát Then, nhảy sạp thật thú vị. Đến với Xã Tà Lài Cát Tiên, chúng tôi đã hiểu thêm về nét văn hóa cộng đồng bản địa nơi đây, một nét văn hóa rất riêng của núi, rừng Phương Nam.
|
đăng 02:04 25 thg 7, 2018 bởi Pham Hoai Nhan
Dân
tộc Mạ được gọi bằng nhiều tên khác nhau như Chau Mạ (Chau: người; Mạ:
tên tộc người), Chê Mạ, Mạ Ngan… Người Mạ được coi là dân bản địa, sống
chủ yếu ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Phước, Đồng Nai…
Tại
Đồng Nai, người Mạ tập trung ở một số ấp, xã như Hiếu Nghĩa huyện Định
Quán, xã Tà Lài, Phú Bình, Phú Sơn huyện Tân Phú… Với những nét đặc
trưng rất riêng, văn hóa người Mạ thể hiện trong các phong tục, cách
ăn,mặc, ở…và suy nghĩ lối sống đã góp phần làm đa dạng văn hóa các dân
tộc trên mảnh đất Việt Nam nói chung, và Đồng Nai nói riêng.
Người
Mạ sống thành từng bon (làng), mỗi bon có từ 5 đến 10 nhà sàn dài (nhà
dài là nơi ở của các thế hệ có chung huyết thống). Đứng đầu bon là quăng
bon (ông già trưởng làng). Từ xa xưa, họ đã làm nương rẫy trồng lúa và
các loại cây khác. Người Mạ coi cây lúa là nguồn lương thực chính nuôi
sống gia đình, ngoài ra còn cây lương thực phụ trợ như sắn, ngô. Công cụ
sản xuất thô sơ, có các loại dao xà gạc, cuốc xà bách, rìu, gậy chọc lỗ
tra hạt.

Ở
vùng lưu vực sông Đồng Nai, xưa kia người Mạ làm ruộng nước bằng kỹ
thuật lùa cả đàn trâu xuống ruộng để trâu giẫm đất đến khi sục bùn thì
gieo lúa giống (xạ lúa). Thế là cứ đến mùa gieo hạt, dân làng lại lên
đồi lùa trâu về, sau chăn đến đám ruộng cần gieo cho trâu dẫm, đạp làm
đất sục bùn lên. Khi thấy ruộng đã nhũn, lúc này người dân mới đem hạt
thóc ra rải và kể từ đó chờ đến ngày thu hoạch. Ngoài ra, người Mạ nuôi
trâu, bò… theo cách thả rông, lùa vào rừng sống thành đàn, chỉ khi cần
giết thịt hoặc giẫm ruộng mới tìm bắt về.
Người Mạ
tin có rất nhiều thần: Yang (trời) là thần tối cao, ngoài ra có thần
sông, thần núi, thần lửa… Cũng như các dân tộc khác thuộc nhóm ngôn ngữ
Môn-Khơmer, người Mạ thường tổ chức lễ đâm trâu vào dịp tết cổ truyền
(sau tết Nguyên đán khoảng 1 tháng và mùa lễ hội đâm trâu kéo dài tới
1-2 tháng).
Phụ nữ Mạ nổi tiếng về nghề dệt vải
truyền thống với những hoa văn tinh vi hình hoa lá, chim thú với nhiều
màu sắc. Nghề rèn sắt cũng từng nổi tiếng ở nhiều bon làng. Họ tự luyện
quặng lấy sắt để rèn các công cụ sản xuất và vũ khí như dao xà gạc lưỡi
cong, lao… Ở những vùng ven sông Đồng Nai, người Mạ làm thuyền độc mộc
để đi lại, vận chuyển và đánh cá trên sông. Phụ nữ Mạ thường mặc váy
quấn, dài quá bắp chân, nam giới thì đóng khố. Mùa làm nông, nhiều người
ở trần, mùa rét choàng tấm mền.

Phong
tục làm đẹp của người Mạ xưa là “cà răng, căng tai”, đeo nhiều vòng
trang sức. Cà răng thì đàn ông làm, căng tai thì dành đàn bà, phụ nữ.
Tục cà răng xuất phát từ ý nghĩa để hàm răng vĩnh viễn không bao giờ
phải thay. Vì người Mạ quan niệm cái gì thuộc về thân thể thì không được
vứt đi, cũng có quan niệm cho rằng, họ sống trong rừng nên để không
“nhầm” với hàm răng sắc nhọn của con thú thì phải cà cho bằng hoặc cụt
bớt đi. Thế nhưng đến nay thì tục lệ đó đã không còn nữa, do điều kiện
sống và quan niệm đã thay đổi. Còn tục căng tai thì chỉ còn dấu tích
trên những đôi tai dài thỏng của người già. Căng tai là cách làm đẹp của
con gái và phụ nữ người Mạ, người ta quan niệm dái tai càng dài, đeo
được nhiều vật nặng có nghĩa là đẹp, người giàu có thường đeo ngà voi
cưa ra thành đoạn, còn phần lớn người bình thường thì đeo những loại
trang sức khác.

Hôn
nhân của người Mạ ở Đồng Nai theo chế độ phụ hệ, một vợ một chồng và
tuyệt nhiên không có quan niệm trọng nam khinh nữ. Đặc biệt, khi con cái
trong nhà đến tuổi trưởng thành, khoảng 15 - 17 tuổi được thoải mái tự
do tìm hiểu. Nhà trai chủ động trong hôn nhân, nhưng sau lễ cưới chú rễ
phải sang ở nhà vợ, đến khi nộp đủ đồ sính lễ cho nhà gái mới được đưa
vợ về ở hẳn nhà mình.
Có
một tục lệ mà đến nay người Mạ vẫn còn giữ nguyên đó là tục “chia của”
cho người đã mất. Chia của ở đây có nghĩa là sự san sẻ những tài sản của
người đang sống với người đã mất. Người Mạ quan niệm có cả cõi dương và
cõi âm, trần thế sao thì âm phủ vậy, đều có buồn, vui, đau thương, giận
hờn... Vì thế, họ cho rằng khi người ta đi xuống cõi âm cũng cần mang
theo của. Nếu trong nhà có đám tang, công việc đầu tiên của người nhà là
mua cho người đã mất những bộ trang phục rất đẹp mặc vào. Rồi phân chia
đồ đạc cho người đã mất như thuở còn sống. Trang sức, vật dụng thường
ngày thì bỏ vào quan tài, nếu là con vật lúc sinh thời gắn liền với
người chết thì đem giết thịt ngay trong những ngày tang lễ để cả dân
làng ăn, lúc nào hết mới thôi. Sau khi chôn cất và chia của xong, người
Mạ sẽ bỏ luôn ngôi mộ đó không quay lại nữa. Nhưng về sau này, khi người
Mạ định cư gần người Kinh thì tập tục một số phần bị phai nhạt, vì họ
nhận thấy việc thờ cúng, chăm sóc mồ mả tổ tiên cũng là nét đẹp truyền
thống nên phát huy. Đến nay thì người Mạ đã có nghĩa địa dành riêng cho
làng dành cho việc chôn cất người đã khuất.
Kho
tàng văn học dân gian Mạ rất phong phú, gồm nhiều truyện cổ, truyền
thuyết, huyền thoại độc đáo... Nhạc cụ có bộ chiêng, đồng, trống, khèn
bầu, khèn sừng trâu, đàn lồ ô, sáo trúc 3 lỗ gắn vào trái bầu khô. Một
trong những loại hình tiêu biểu cho vốn văn hóa dân gian của cư dân Mạ ở
Đồng Nai là thể loại văn thơ truyền miệng: hát Tăm pớt. Một loại hình
hát kể đối đáp tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể như khi kết bạn, giao
duyên, uống rượu cần, lúc lên nương rẫy hay tại nhà đón khách, hoặc được
dùng để thể hiện tâm tư tình cảm.
Ngày
nay, đời sống phát triển hơn, với nhiều nguyên nhân chủ quan hoặc khách
quan, một số phong tục tập quán, văn hóa của người Mạ đã có những phần
bị mai một. Nhưng vẫn còn đó những bon, làng người Mạ, sống giữa núi
rừng. Do vậy, hiện tại các cơ quan chức năng đã và đang thực hiện việc
bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mạ nhằm giữ gìn nét đẹp,
nét hay của dân tộc bản địa tại Đồng Nai.
Mai Phương |
đăng 01:57 19 thg 7, 2018 bởi Pham Hoai Nhan
Lần theo con đường quốc lộ 1A, tôi tò mò tìm ngôi chợ Quảng Biên mà người dân Đồng Nai gọi thân mật đó là “Chợ Huế”. Nghe nói có những nét rất Huế, ẩm thực rất Huế và con người rất Huế tại nơi đây. Chợ Quảng Biên hiện tại thuộc xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Thoạt nhìn, chợ cũng giống như bao ngôi chợ khác, có đầy đủ, đa dạng các mặt hàng, thực phẩm, nhu yếu phẩm, đồ dùng trong gia đình, rau củ quả, đồ khô và các món ăn chế biến sẵn…
Bỏ qua những điểm chung của các ngôi chợ, tôi luồn lách vào các ngách nhỏ, tìm kiếm những thứ mà chỉ có được ở xứ Huế. Bắt gặp đầu tiên là quầy hàng đồ mã, trong đó có mặt hàng nón Huế. Cô bán hàng nói đặc tiếng Huế, giới thiệu từng loại nón, quai nón và độ bền, độ đẹp của nón. Cầm trên tay chiếc nón lá mỏng, quai lụa, kết chỉ tạo họa tiết, lại được nghe giọng Huế từ cô bán hàng, cảm giác rất lạ, bởi bắt gặp một dáng Huế nơi xứ Đồng Nai này.

Định bụng sẽ phải thưởng thức ẩm thực đặc trưng Huế, nên tôi đảo mắt, bước nhanh tới những quầy thực phẩm chế biến sẵn. Không ít chút nào đâu nhé. Nào là bánh bột lọc, bánh ram ít, bánh bèo, bánh lưỡi mèo vị Huế….đến bún bò Huế, các loại chè Huế…
Người Huế làm bánh không phải để ăn cho thật no, mà để thưởng thức hương vị, thế nên tôi đều dùng thử mỗi món một ít, những thứ bột trắng, mềm ngọt, kết hợp với vị tôm tươi hay rắc chút bột tôm chấy màu gạch, quyện với nước chấm vị mặn ngọt đặc trưng lại khiến người thưởng thức mê mẩn đến vậy. 
Chị bán hàng tươi cười chia sẻ, ngày nào cũng bán bánh từ trưa tới sáu giờ chiều, những ngày thứ bảy hay chủ nhật, lượng khách đông, hàng hóa bán được gấp đôi ngày thường. Ở đây chủ yếu là dân Huế di cư vào sinh sống, nên những món Huế dễ bán và rất được ưa chuộng.
Quầy chè Huế có từ bảy đến chín loại chè đủ loại. Chè chủ yếu là chè đặc, nguội, múc bằng chén nhỏ xíu, để khách ăn có thể thưởng thức đủ loại chè trong một lần ăn. Chè trôi nước vỏ mỏng, nhân bùi, vị gừng thơm ấm; chè hạt sen thơm sen, bùi hạt, mềm nhưng không nát; chè môn tím thơm dẻo khoai, ngậy béo ngọt cốt dừa; rồi các loại chè ngô, chè bưởi, chè đậu ngự, đậu xanh nguyên hạt, đậu xanh cà nhuyễn… Ăn đến no bụng mà miệng vẫn cứ thèm.
Tiến sâu vào khu vực bên trong sẽ là những quầy hàng đồ khô, thấy ngay các hũ tôm chua Huế hiện diện giá giao động trên dưới một trăm ngàn đồng tùy lớn nhỏ, dưa mắm, ruốc Huế cũng có mặt tại đây. 
Một vòng quanh khu chợ Quảng Biên khiến tôi như lạc giữa chợ Đông Ba. Nơi xa xứ mà người Huế vẫn giữ được nếp sinh hoạt, lối ăn nói, cách bán mua. Giữa thời buổi hiện đại, những điều giản dị nhất khiến người ta lắng đọng, bình yên. Chợt nhớ ra một điều, chưa thưởng thức được bún bò Huế chính hiệu, vì theo các cô, các chị thì chỉ có vào buổi sáng. Hơi tiếc nuối, nhưng vậy có khi lại hay, tôi tự nhủ chắc chắn sẽ quay lại thêm lần nữa, để có cơ hội được nếm thử bún bò Huế từ dân Huế tại chợ Quảng Biên, Đồng Nai.
|
đăng 01:56 19 thg 7, 2018 bởi Pham Hoai Nhan
Người Chăm ở Đồng Nai đa phần là Chăm Islam hiện có trên dưới 3.000 người, đa số sống tập trung tại ấp 4, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc và ấp 6 xã Bình Sơn, huyện Long Thành, số còn lại sống rải rác ở các địa phương trong tỉnh.

Một năm theo Hồi lịch, người Chăm tổ chức nhiều lễ hội, trong đó có tháng Ramadan. Tháng Ramadan của người Chăm Islam còn được gọi đơn giản là Tháng ăn chay hay Tháng nhịn ăn. Tuy nhiên cách gọi chính xác nhất là tháng Ramadan vì các tín đồ Chăm Islam chẳng ăn chay hoàn toàn, cũng không nhịn ăn hoàn toàn.
Ramadan là tên gọi tháng thứ 9 của âm lịch Ả Rập. Tháng Ramadan theo dương lịch thay đổi từng năm, không có ngày thống nhất. Năm nay, tháng Ramadan rơi vài khoảng thời gian từ 16/5 – 14/6/2018. Ramadan là 1 trong 5 tín bắt buộc đối với những người theo đạo Hồi. Trong đó bao gồm tin tưởng thượng đế, hành lễ, bố thí, lễ Ramadan và hành hương đến Mecca.
Ý nghĩa của tháng Ramadan là nhịn ăn uống để có sự thông cảm với những người nghèo đói, những đồng đạo còn chưa đủ ăn, đủ mặc. Đồng thời, hành động này nhằm luyện cho con người một sự tiết chế, chống những cám dỗ vật chất, để tạo thuận lợi cho việc sau này lên thiên đàng.

Trong suốt tháng lễ người Chăm nhịn ăn, nhịn uống, không hút thuốc và ngay cả yêu đương vào khi trời còn sáng và chỉ được phép ăn uống khi không có ánh sáng mặt trời, và đọc kinh Koran trong những ngày lễ.

Mỗi ngày họ ăn chay từ 4 giờ đến 18 giờ, trong thời gian này mọi người không được ăn uống gì, kể cả nuốt nước miếng (chỉ được nuốt từ họng xuống), không được nhìn ngắm, tham gia vào các sinh hoạt vui chơi, giải trí… Thân thể, răng miệng phải luôn sạch sẽ. Buổi sáng có thể đi làm (thường là những việc nhẹ nhàng) buổi chiều nghỉ ngơi và chuẩn bị thức ăn cho buổi tối.
Đây là tục ép xác, chịu khổ để nhớ lại những thời kỳ gian khố nhất của Giáo chủ Mohammed khi sáng lập đạo Islam cũng như răn dạy mọi người phải nên biết quý trọng thành quả lao động và tỏ lòng biết ơn thượng đế đã ban của cải cho mình. Trong tháng chay Ramadan, những người khá giả thường làm phúc cho người nghèo. Một điểm đặc biệt là trong tháng Ramadan, không chỉ đàn ông, mà phụ nữ cũng có thể tới thánh đường dự lễ nhưng phải mặc lễ phục mackhana và che kín khuôn mặt.
Luật của đạo cũng quy định rõ những người đang ốm, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi và những người đang đi du lịch ở nước ngoài mà nước này không lấy đạo Hồi làm quốc giáo, được miễn trừ. Nhưng họ phải bù vào những dịp khác.
Người Chăm Islam hân hoan hạnh phúc khi tháng Ramadan kết thúc. Ngoài ý nghĩa thiêng liêng tự có của tháng Ramadan của Islam, người Chăm xem đây là dịp hội ngô. Dù đi làm ăn ở khắp mọi nơi đều quay trở về cùng gia đình, người thân, công đồng, cùng chia sẻ niềm vui hạnh phúc với những cảm nhận đói khát, để hiểu thêm người khó khăn hơn mình, để mở lòng nhiều hơn với những điều thiện nguyện.
Mai Phương |
đăng 21:15 27 thg 5, 2018 bởi Pham Hoai Nhan
Trong số các cư dân của Đồng Nai xưa, có 4 dân tộc được xác định là dân tộc tại chỗ, có mặt từ rất lâu đời gồm: Chơro, Mạ, S’tiêng và K’ho. Trong đó, 2 dân tộc Chơro, Mạ được đánh giá có nền văn hóa riêng, đặc sắc và có tác động nhất định đến không gian văn hóa vùng Đông Nam bộ.

Người Chơro Lý Lịch (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) biểu diễn cồng chiêng ở nhà dài.
Trong lịch sử phát triển, dân tộc Chơro là lớp cư dân cư trú từ xa xưa ở vùng đồi núi thấp phía Nam, chủ yếu sinh sống tập trung ở khu vực miền Đông Nam bộ. Theo số liệu điều tra, người Chơro ở Đồng Nai hiện chiếm 56,5% tổng số người Chơro trong cả nước, cao nhất so với các tỉnh, thành trong khu vực (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương). Còn người Mạ chủ yếu sinh sống tại tỉnh Lâm Đồng - trước đây gọi là vùng Đồng Nai Thượng (chiếm tỷ lệ gần 80%), số còn lại ở Đắk Nông (14,4%) và Đồng Nai, sinh sống tập trung ở 2 huyện Định Quán và Tân Phú. Cả 2 dân tộc đều thuộc ngữ hệ Nam Á, nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer.
* Tín ngưỡng tâm linh đặc sắc
Trong Địa chí thành phố Hồ Chí Minh, nhiều học giả có sự đánh giá về tác động của văn hóa tộc người Mạ - Chơro và nhận định ngay cả vùng Sài Gòn xưa cũng thuộc phạm vi không gian văn hóa xã hội của nhóm cư dân này. Theo sách Các dân tộc ít người ở Việt Nam, tên tự gọi của dân tộc là Chrau - Jro, trong đó Chrau có nghĩa là nhóm người, hay tập đoàn người. Tộc danh Chrau Jro còn gắn liền với tên gọi một giống lúa nước cổ truyền mà đồng bào rất thích gieo trồng. Tương tự, cộng đồng người Mạ tự nhận là Cau Mạ (Cau đọc thành Chau, có nghĩa là người, còn Mạ có thể là một phương thức sinh hoạt kinh tế của người làm rẫy).
Người Mạ và Chơro có tín ngưỡng thờ đa thần theo quan niệm “vạn vật hữu linh”. Những hiện tượng thiên nhiên, sự vật trong môi trường sống đều có linh hồn, thần linh thuộc về thế giới siêu hình, có khả năng chi phối đến đời sống con người. Vì thế, người Mạ có hệ thống thần linh mà cao nhất là Yang N’du - vị thần tạo ra thế giới; bên dưới là các vị thần: Yang Koi (thần lúa), Yang Bri (thần rừng), Yang Dah (thần nước), Yang Bơnơm (thần núi…). Hàng năm người Mạ có các lễ cúng quan trọng là cúng thần núi và thần lúa. Theo quan niệm của người Mạ, con số 7 có tính chất là sự vẹn toàn, thể hiện sự tốt lành. Người Chơro thì có lễ hội cúng thần lúa (Ốp Yang Vá, sau này gọi là Sa Yang Va).
Cả dân tộc Mạ lẫn Chơro đều không có chữ viết nên lịch sử được truyền miệng trong cộng đồng, qua nhiều thế hệ. Một số “chuyện đời xưa” của người Mạ đề cập đến thần K’Boong tạo nên mặt đất với trái bầu và 3 cái gùi chứa đựng những yếu tố để dựng nên thế gian và sự sống của loài người. Truyện kể Mạ cũng nhắc đến những tổ tiên ban đầu là Paang Kha và Paang Khem “chui ra” từ các bụi cây; 3 người phụ nữ sinh ra các giống loài con người, trong đó Ka Grum sinh ra Kon Chau (nhóm người Thượng, trong đó có người Mạ), Ka Grúp sinh ra Kon Grum (người Chăm) và Ka Grau sinh ra Kon Yoan (người Kinh).
Người Chơro thì có các chuyện kể về phân bố địa bàn sinh sống. Theo đó, 3 người phụ nữ trong tộc bị lạc nhau, đi về 3 hướng để sinh sống từ đó hình thành cộng đồng gồm: Pôprưng (từ suối Tambung quay ngược đến xã Túc Trưng, huyện Định Quán), Pốptoi (khu vực ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) và Pôplau (vùng đất từ Gia Huynh đến Trảng Táo, nay thuộc huyện Xuân Lộc).
Giống như nhiều dân tộc thiểu số khác, cách thức tổ chức cư trú truyền thống của người Mạ theo từng buôn (bon), còn người Chơro là làng (plây). Già làng (kwang bon, hoặc voq plây, tức chủ làng) có vị trí rất quan trọng, thường là người lớn tuổi, có uy tín, hiểu biết và được cộng đồng kính trọng. Trước đây người Chơro theo chế độ mẫu hệ, thể hiện qua việc đặt tên con theo họ mẹ, quyền thừa kế tài sản thuộc về con gái…
Kiến trúc nhà ở của người Mạ và Chơro là nhà sàn bằng vật liệu sẵn có như: gỗ, tre, mây, độ dài ngắn của nhà tùy thuộc vào gia chủ. Trong gia đình có thành viên lập gia đình thì nhà dài được nối tiếp về phía Tây, trước đây có những ngôi nhà sàn dài đến 100m. Điểm khác biệt so với các dân tộc khác là vách nhà của người Mạ, Chơro thường vát nghiêng từ sàn lên mái. Khi bắt đầu làm nhà, già làng đào một hố nhỏ để chôn cột chính, trong hố bỏ một vài cục than hồng rồi mới trồng cột lên, với ý nghĩa than hồng làm ấm áp ngôi nhà đồng thời là dạng “chú yếm” để ma quỷ không xâm nhập.
Gạo là lương thực chính của người Mạ và Chơro. 2 dân tộc này cũng có tập quán nấu cơm trong ống tre lồ ô (cơm lam, tiếng Chơro là piêng đinh), thuận lợi cho môi trường sống trong rừng nhiều ngày khi đi làm rẫy hoặc săn thú. Gạo nếp thì được nấu thành xôi hay làm bánh dày (piêng puh) trong các dịp lễ tiết. Người Mạ và Chơro cũng ăn lương thực phụ là khoai mì, bắp, củ nần, củ chụp. Về thực phẩm, người Mạ và Chơro khai thác chủ yếu từ môi trường xung quanh như: cá suối, cá sông, ốc, tôm tép, thịt rừng, rau rừng các loại (rau má, rau nhíp, rau dền, đọt rau lang, mướp, bí, bầu, măng, đọt mây) được chế biến đơn giản bằng cách luộc, nấu canh, nướng.
Người Mạ và Chơro cũng có tập quán chế biến rượu cần để uống và sử dụng trong lễ tiết, lễ hội; là lễ vật dâng lên thần linh và phương thức bày tỏ lòng mến khách. Rượu cần chế biến từ gạo nấu thành cơm, trộn thêm trấu bổi và men rượu làm từ lá, vỏ và rễ một số loại cây rừng (lá cây Gàng, lá cây Vlân, vỏ cây Ktờram…). Theo già làng Năm Nổi ở làng Chơro ấp Lý Lịch, có đến 37 loại lá, vỏ, rễ cây để làm men rượu cần. Nguyên liệu chế biến rượu cần được cho vào ché sành, ủ trong một vài tháng. Khi uống rượu cần thì đổ nước vào ché, hút bằng cần (làm từ ống trúc nhỏ).
* Đời sống văn hóa phong phú
Trang phục truyền thống của người Mạ và Chơro khá đơn giản: đàn ông mặc khố, phụ nữ mặc váy, tất cả đều ở trần, trời lạnh thì khoác thêm tấm chăn trần (sau này nam nữ đều mặc áo). Ban đầu, y phục được làm từ vỏ cây rừng lành tính không có độc, đem đập giập, phơi khô rồi kết lại bằng các sợi dây. Sau này, phụ nữ Mạ và Chơro biết xe sợi, dệt vải thổ cẩm và may quần áo. Thổ cẩm của người Mạ lấy màu trắng làm chủ đạo, còn người Chơro là màu nâu đất. Hoa văn thổ cẩm Mạ dạng hình học đơn giản nhưng váy áo được may khá cầu kỳ, thường được trang trí các viền tua len đỏ, đồng tiền bạc, khoen bạc, lục lạc. Trong khi đó, hoa văn trên vải của người Chơro là đầu chà gạc (tong yih), đường viền (tong têch), mắt cú mèo (mat ncau), khung quay sợi (khiya)…

Không chỉ phụ nữ Mạ, mà đàn ông Mạ cũng thích sử dụng trang sức. Những đồ trang sức truyền thống như: vòng đeo cổ, vòng đeo tay, hoa tai (làm bằng chất liệu ngà voi, đồng, bạc hoặc ống tre), dây quấn đầu dệt từ sợi có hoa văn. Tục đeo hoa tai gắn liền với tục căng tai, căng càng lớn càng thể hiện “bản lĩnh đàn ông”. Đầu tóc đàn ông Mạ để dài, cắt thành riềm ở trán; búi tó ở gáy được giữ chặt bằng kẹp đôi bằng đồng thau, tô điểm thêm những chiếc lược, hạt trai có màu, con dao nhỏ cán cong, lông chim óng ánh, búp tô len đỏ. Phụ nữ Mạ thì thích quấn trên cổ những chuỗi hạt cườm nhiều màu sắc, gắn thêm những đồng bạc hoặc khoen bạc, khoen ngà voi.
Về âm nhạc, tại khu vực người Mạ từng sinh sống đã phát hiện đàn đá, nhưng chưa xác định chính xác người Mạ là chủ nhân. Người Mạ hiện còn sử dụng các loại nhạc cụ như: đàn tre (ding dut, có 6 dây), kèn mô (tồng), kèn t’diếp (giống tù và), kèn bầu (làm từ trái bầu và 8 ống nứa), cồng, chiêng, chinh. Tương tự, người Chơro có các nhạc cụ: chinh, chiêng, goong k’la, kèn lúa, kèn môi, talood (nhạc cụ gõ làm từ thân gỗ). Cả 2 dân tộc đều có các bài dân ca về đề tài sinh hoạt lao động, tình yêu, hát ru, đồng dao… với đặc điểm là ngắn, ca từ mộc mạc, đơn giản; múa dân gian…
Có một vương quốc Mạ?
Trên địa bàn của người Mạ sinh sống hiện nay, các nhà khảo cổ đã thu thập được nhiều hiện vật, khai quật di chỉ cho thấy dấu vết của những lớp cư dân cổ. Trong đó, một phát hiện quan trọng vào năm 1986 về một quần thể phế tích kiến trúc chạy dài gần 15km dọc theo bờ Bắc thượng nguồn sông Đồng Nai (thuộc địa bàn huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng). Ngoài chất liệu đá, gạch đa dạng dùng để kiến trúc đền tháp, còn có bộ ngẫu tượng linga - yoni, tượng Ganesa, mảnh vỡ các loại bình, cốc, chân đèn, lọ; các loại hiện vật bằng bạc, đồng, sắt, đặc biệt là 166 hiện vật chế tác từ kim loại màu vàng (mảnh trang trí các vị thần vũ nữ, thiên tiên theo đề tài tôn giáo và sử thi Ấn Độ, mảnh vàng khắc văn tự, tự dạng Sanskrit thế kỷ 10-11.
Những phát hiện khảo cổ trên đã dẫn đến một số ý kiến phỏng đoán của các nhà dân tộc học: Khu di tích Cát Tiên có thể là một phần của văn hóa Óc Eo. Khi văn hóa Óc Eo bị lịch sử chi phối dần lụi tàn thì nơi đây vẫn tồn tại và độc lập trở thành thánh địa của một tiểu quốc mà lịch sử gọi là Nhà nước Mạ - S’tiêng, một tiểu quốc nằm giữa 2 quốc gia Chămpa và Phù Nam, mà chủ nhân của thánh địa là tộc người Mạ - S’tiêng, phù hợp với những truyền thuyết dân gian để lại trên vùng đất Nam Tây Nguyên về một Nggar Chau Mạ (nước người Mạ) có lãnh thổ nằm trên phần lớn cao nguyên Di Linh, từ Đạ R’Nga (sông La Ngà) kéo dài đến vùng Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) và Bình Thuận, Bình Phước hiện nay. Khi chúa Nguyễn mở rộng bờ cõi về phía Nam, nước người Mạ không thể tồn tại độc lập nữa vì nằm ngay trên đường giao thông từ Khánh Hòa - Bình Thuận vào Biên Hòa - Gia Định, nên suy tàn và các bộ lạc tản cư lên địa bàn hiện nay. |
PGS-TS. Lâm Nhân |
|