Những dấu ấn của người Hoa ở Đồng Nai

đăng 08:55 7 thg 3, 2011 bởi Admin VINACOM Garden   [ cập nhật 02:01 25 thg 7, 2018 bởi Pham Hoai Nhan ]
Đồng Nai được xem là địa đầu trong tiến trình khai khẩn của Nam Bộ. Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh là người “điểm nhãn” về mặt pháp lý trong việc khẳng định biên cương ở vùng đất phương Nam trong diễn trình lịch sử nước Việt. Sự có mặt, khai phá của cư dân Việt là nhân tố quan trọng và sự khai phá của nhóm cộng đồng người Hoa là nhân tố tích cực, cả hai đã góp phần tạo nên cơ sở “dân khai mở trước, nhà nước quản lý sau” để Nguyễn Hữu Cảnh thực hiện việc thiết lập bộ máy hành chánh đầu tiên ở Nam Bộ trong chuyến kinh lược vào năm 1698.

Cho đến nay, dù chưa biết đích xác những lưu dân Việt đặt chân lên xứ Đồng Nai vào thời điểm nào, nhưng chắc chắn, họ đã có mặt trước năm 1623, khi chúa Nguyễn thiết lập đồn thu thuế tại Preikor (địa điểm được xác định thuộc nội ô Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay). Sự có mặt của nhóm cộng đồng người Hoa được sử sách chép với mốc thời gian định vị rõ ràng. Sách Gia định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cho biết: “Tháng 5 năm Kỷ vị (1679), Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch, bầy tôi nhà Minh, không phục nhà Minh, đã dẫn 3.000 người với 50 chiếc thuyền nhập cửa biển Tư Dung, xin định cư ở nước Việt. Chúa Nguyễn chấp thuận và sai các tướng Vân Trình, Văn Chiêu hướng dẫn cho vào đất Đông Phố. Nhóm Long Môn của Dương Ngạn Địch theo cửa Đại, cửa Tiểu đến định cư tại Mỹ Tho. Nhóm Cao, Lôi, Liêm của Trần Thượng Xuyên theo cửa biển Cần Giờ đến sinh sống ở xứ Bàn Lân (tức Biên Hòa ngày nay)”.

Hơn ba trăm năm có lẻ, kể từ khi đặt chân đến vùng đất Đồng Nai “xứ sở lạ lùng, con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh”, nhóm người Hoa bắt đầu tạo lập cuộc sống trên vùng đất mới. Họ cùng với người Việt – số di dân đến định cư trước, cần mẫn khai khẩn, mưu cầu về một cuộc sống ấm no hơn, hạnh phúc hơn nơi mà họ đã ra đi, dù trước mắt còn nhiều chông gai, trắc trở. Bao thế hệ người Hoa, từ đoàn di dân đầu tiên đến những đợt di cư  về sau, đã đến Đồng Nai để khai khẩn, xây dựng vùng “tị địa”, trước còn xa lạ, sau trở thành “quê hương” thân quen, bao dung họ.

Trải qua bao biến cố lịch sử, lúc thăng, lúc trầm trong suốt quá trình di cư, định cư ở Đồng Nai, người Hoa đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc khai phá, xây dựng vùng đất này. Bao cái còn, cái mất với thời gian bể dâu, cộng đồng người Hoa đã để lại những dấu ấn trong diễn trình lịch sử Đồng Nai nói riêng, Nam Bộ nói chung. Mà ở đó, không chỉ là hoài niệm trong quá khứ của một thời đoạn lịch sử, của những cái đã từng tồn tại nay đã mất mà cả những điều tưởng chừng như vô hình lại trở thành hữu thể trong một đời sống tinh thần được thể hiện phong phú, đa dạng cho đến hôm nay.

Ngày nay, đi trên những nhánh sông chảy ngang địa phận thành phố Biên Hòa (Phước Long Giang xưa) ôm trọn Cù lao Phố êm ả, nếu không có sách sử chép, chúng ta khó nhận diện được một thương cảng sầm uất của xứ Đồng Nai – Gia Định cách nay hàng mấy thế kỷ. Tên gọi Cù lao Phố dân dã ấy lại là danh xưng dễ quen, dễ nhớ về một nơi từng được định danh “xứ đô hội” mà công đầu tạo dựng là của nhóm người Hoa do Trần Thượng Xuyên dẫn đầu thực hiện. Thương cảng Cù lao Phố được miêu tả tường tận dưới cái nhìn của Trịnh Hoài Đức như sau: “Trần Thượng Xuyên tướng quân chiêu tập người buôn nước Tàu đến kiến thiết phố xá, mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng, dọc theo bờ sông liền lạc tới năm dặm, chia vạch làm ba đường phố, đường phố lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng, kẻ buôn tụ tập, ghe thuyền ở biển và ở sông đến đậu neo, có những chỗ liên tiếp nhau, một chỗ đại đô hội, những nhà buôn to lớn duy ở đây là nhiền hơn.” Trong lịch sử tồn tại, Cù lao Phố là nơi phát triển nhiều ngành nghề như dệt, làm chiếu, làm gốm, mộc, đúc đồng, làm pháo hay chăn nuôi tằm, trồng mía nấu đường… Đặc biệt, sản phẩm đường ở Cù lao Phố được xem là hàng đặc sản, được nhiều quốc gia lân cận đặt mua. Ngoài nguồn hàng cung cấp tại chỗ, thương cảng Cù lao Phố còn tiếp nhận các nguồn hàng từ các địa điểm vệ tinh vùng miệt thượng và hạ sông như Phước Thiền, Bến Gỗ, Bến Cá là những nơi có những người Hoa thạo nghề buôn bán sinh sống. Có thể nói, thương cảng Cù lao Phố là nơi hội nhập, phát triển nhiều mặt, trong đó mạnh mẽ nhất là thương mại thời bấy giờ ở Nam Bộ với cảnh: “…phố chợ thương mãi, giao thông với người Tàu, người Nhật Bản, Tây Dương, thuyền buôn tụ tập đông đảo, phong hóa Trung Quốc từ đây làm tỏa khắp vùng Giản Phố vậy”.

Thế nhưng, thương cảng sầm uất, kiến trúc phong quang của Cù lao Phố bị ảnh hưởng và tàn phá nặng nề qua cuộc bạo loạn của khách thương người Phúc Kiến là Lý Văn Quang năm 1747 và đặc biệt trong cuộc tranh chấp giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh vào năm 1776: “Từ đấy, chỗ này biến thành gò hoang, sau khi trung hưng, người ta tuy có trở về nhưng dân số không được một phần trăm như lúc trước”. Qua thời cuộc bể dâu, thời kỳ hoàng kim của Cù lao Phố tức xứ đô hội của Nông Nại đại phố đã trở thành dĩ vãng. Dấu vết của thương cảng, đô thị cổ vào loại bậc nhất ấy của Nam Bộ đã bị xóa nhòa. Những điều sử sách ghi chép về thương cảng nầy giúp cho thế hệ hậu sinh khi đến với mảnh đất nầy biết rằng: Ở đây, đã có một thời…

Làng nghề đá Bửu Long nổi tiếng ở Biên Hòa do cộng đồng người Hoa bang Hẹ đến tạo dựng. Từ khi hình thành cho đến nay, những sản phẩm đá của làng nghề Bửu Long, đặc biệt là các công trình, tác phẩm mang tính nghệ thuật điêu khắc của làng nghề đã có mặt nhiều nơi trên vùng đất Nam Bộ. Những sản phẩm từ những bàn tay nghệ nhân làng đá Bửu Long xuất hiện trong các thành tố kiến trúc chủ yếu từ những công trình kiến trúc tín ngưỡng cổ xưa như Thất phủ cố miếu (miếu Quan đế), Thiên hậu cổ miếu (miếu Tổ sư nghề đá)…cho đến các sản phẩm nghệ thuật, trang trí, kiến trúc nhà ở, thờ tự, tượng đài hoành tráng hiện nay.

Hành trang đến với vùng đất phương Nam của nhóm lưu dân người Hoa ngoài sự cần cù, khéo léo trong buôn bán để mưu cầu cuộc sống no ấm, họ còn mang trong tâm thức mình hình ảnh của tổ tiên, thần thánh, tập tục, tín ngưỡng. Do vậy, khi đã ổn định và thành công trong cuộc sống, người Hoa xây dựng nhiều ngôi chùa, đền miếu để tỏ lòng thành, ghi nhớ công lao đối với tổ tiên, phúc thần. Họ quan niệm rằng, chính tổ tiên, thánh thần đã giúp đỡ, chở che cho cộng đồng người Hoa trong suốt chặng hành trình đầy hiểm nguy và con đường lập nghiệp nơi vùng đất mới.

Tín ngưỡng thờ Quan thánh đế quân với nhiều tên gọi khác nhau đều  để chỉ nhân vật lịch sử thời Tam quốc là Quan Vân Trường, được cụ thể hóa bằng các đền, chùa khá phổ biến trên vùng Đồng Nai. Nói cách khác, có thể căn cứ vào sự tồn tại hoặc tàn tích của những ngôi miếu hoặc chùa thờ Quan công là nhận diện được nơi có cộng đồng người Hoa sinh sống trong lịch sử 300 năm của xứ Đồng Nai – Gia Định. Ở Đồng Nai, tồn tại nhiều ngôi chùa Ông, mà điển hình là các địa điểm Phước Thiền, Bến Gỗ, Cù lao Phố, Bến Cá. Hiện nay, kiến trúc hiện tồn của chùa Ông chỉ còn ở Phước Thiền, Bến Gỗ và Cù lao Phố. Ở Bến Cá, ngôi đền thờ Quan công đã bị tàn phá bởi chiến tranh. Chùa Ông ở Cù lao Phố là một kiến trúc điển hình, là cơ sở văn hóa tín ngưỡng được xây dựng sớm và có quy mô lớn của người Hoa. Theo một số sử sách (Đại Nam nhất thống chí, Gia Định thành thông chí), đây là một miếu điện nguy nga ở phía nam châu Đại Phố huyện Phước Chánh (tức Biên Hòa ngày nay), trông ra sông Phước Long (sông Đồng Nai), đền đài rộng rãi, tráng lệ với hai Hội quán Phước Châu và Quảng Đông. Di tích được xây dựng vào năm 1884 do bảy phủ người Hoa đóng góp công, của (Phước Châu, Chương Châu, Truyền Châu, Quảng Châu, Triều Châu, Quỳnh Châu và Ninh Ba). Vì vậy, chùa Ông còn có tên gọi là “Thất phủ cổ miếu”. Kiến trúc chùa được xây theo lối chữ khẩu, bố trí kiểu “nội công ngoại quốc”. Trong chùa lưu giữ một tập hợp tượng thờ đông đảo về hệ thống thần linh chính yếu của cộng đồng người Hoa: tín ngưỡng thờ Quan công, thờ Thiên hậu, Mẹ sanh Mẹ độ, Phúc thần, Tài thần... Di tích là một công trình kiến trúc độc đáo, dù đã qua bao đợt trùng tu. Hiện nay, mặt tiền chùa được trang trí đặc sắc bởi những quần thể tượng gốm, đá liên hoàn sắc sảo, thể hiện những lễ hội của người Hoa: hát tuồng, hát bội, múa hát cung đình, đả cầu...  Mái hiên di tích dựng hai tượng gốm ông Nhựt, bà Nguyệt tạo nên nghi dung đặc trưng của một ngôi chùa Hoa, bên cạnh những thành tố nghệ thuật điêu khắc gỗ, đá... thể hiện qua các hoành phi, liễn đối cùng góp phần tạo nên giá trị nghệ thuật của di tích. Vượt lên trên cái hiện tồn của kiến trúc di tích, chùa Ông hay Thất phủ cổ miếu là cái tâm, cái lòng thành của cộng đồng người Hoa muốn hướng đến: đó là lòng chung thủy, danh dự, sự công minh chánh trực, lòng độ lượng bao dung, nghĩa khí... mà chính họ chọn Quan công là vị đại diện thần linh để tôn thờ.

Bên cạnh tín ngưỡng thờ Ông qua đền chùa, cộng đồng người Hoa còn thờ các vị nhân thần khác có gốc tích từ quê nhà. Di tích Phụng Sơn tự ở thành phố Biên Hòa là một điển hình của người Hoa bang Phúc Kiến. Họ tôn thờ Quảng Trạch tôn vương, một con người xuất thân từ tầng lớp nghèo khổ nhưng có chí hướng ở vùng Phụng Sơn, Nam An, sống giúp dân dẹp loạn, chết oai linh hiển hách, bảo vệ dân làng nên người Hoa Phúc Kiến suy tôn ông lên bậc thánh, gọi là Quách Thánh vương.

Đồng thời với tín ngưỡng thờ Ông, cộng đồng người Hoa còn tín ngưỡng thờ Bà – mà nhân vật được tôn thờ là bà Thiên hậu. Hầu hết các di tích tín ngưỡng của người Hoa ở Đồng Nai đều có miếu thờ Bà bên cạnh. Nguyên ủy, bà Thiên hậu là một nhân vật tài năng nhưng chết trẻ và thường hiển linh cứu độ người dân đi biển khi gặp dông bão, tai ương. Có lẽ, cảm nhận được sự linh ứng, và cũng có thể quan niệm chính Bà đã độ trì giúp cho họ trong chuyến vượt biển tìm đến nước Nam mà cộng đồng người Hoa ở vùng đất Đồng Nai đã không quên lập miếu thờ Bà ở Đồng Nai. Miếu hoặc chùa thờ Bà Thiên hậu khá phổ biến, nhưng có lẽ di tích tiêu biểu và quy mô thì phải kể đến Thiên hậu cổ miếu (còn có tên gọi chùa Bà) ở Bửu Long, thành phố Biên Hòa. Nơi đây vốn là một ngôi miếu nhỏ của những người Hoa bang Hẹ làm nghề đá tạo dựng để thờ tổ sư Ngũ Đăng. Sự linh ứng của Bà Thiên hậu thu hút nhiều người tôn thờ nên người Hẹ đã rước Bà vào phối tự tại di tích. Đây là một công trình kiến trúc khá độc đáo được phối hợp bởi nhiều thành tố xây dựng nhưng chủ yếu vẫn là kiến trúc đá, được thể hiện tinh xảo bởi các nghệ nhân của người Hoa bang Hẹ.

 

Cùng với thời gian, những dấu tích của cộng đồng người Hoa những ngày đầu mới định cư ở Đồng Nai gần như không còn nhiều. Thế nhưng, trong mạch nguồn của cuộc sống trên vùng đất này, thời kỳ quá khứ ấy luôn có bóng hình trong cuộc sống hiện tại, và từ lâu đã tạo nên một phần nguồn chảy không bao giờ tắt. Mà sự lưu giữ, khắc ghi ấy là cả một ký ức sống động của cả  một cộng đồng, được bao thế hệ lưu giữ, nối truyền.

Thế hệ những người Hoa đi trước đã ra đi và những gì họ tạo dựng buổi đầu  đã mai một với thời gian, âu cũng là cái lẽ thường tình của vạn vật. Nhưng cái còn lại chính là những hình ảnh, giá trị tốt đẹp của cuộc sống luôn được khắc ghi trong lòng của các thế hệ nối tiếp nhau.

Nhân vật lịch sử Trần Thượng Xuyên - người có công nhất trong việc dẫn đoàn người Hoa nhóm Cao, Lôi, Liêm đến định cư ở Đồng Nai, được suy tôn, ngưỡng vọng không chỉ riêng người Hoa mà còn cả người Việt. Ngôi chùa làng Thanh Lương khiêm tốn đối diện phía Tây Cù lao Phố (phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa) là nơi thờ Phật nhưng vẫn còn lưu thờ bài vị về vị tướng quân có công khai phá vùng đất này. Di tích đình Tân Lân là cơ sở tín ngưỡng của dân làng vùng đất Biên Hòa tôn thờ phúc thần  Thành hoàng Trần Thượng Xuyên. Di tích là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo mà sự thể hiện là mảnh tượng gốm trang trí trên mái nóc tiền đình. Đó là kiểu kiến trúc dung hợp Hoa - Việt được tạo tác bởi bàn tay khéo léo của những người thợ Biên Hòa. Đình Tân Lân còn có tên gọi Đền thờ Trần Thượng Xuyên là di tích kiến trúc nghệ thuật và danh nhân lịch sử mà giá trị của nó đã được nhà nước liệt hạng. Hằng năm, các ngày lễ vía ở đền thờ đã thu hút đông đảo người dân ở Biên Hòa đến dự với lễ thức trang nghiêm và hội hè náo nhiệt.

Dấu ấn của người Hoa còn thể hiện trong các kiến trúc chùa cổ ở Đồng Nai mà chủ yếu là vùng Biên Hòa. Những ngôi danh lam Bửu Long, Đại Giác, Long Thiền hay Kim Cang của vùng Bến Cá tương truyền do tổ sư Nguyễn Thiều và các đệ tử khai sơn lập thạch. Vấn đề niên đại tạo dựng của chùa chiền hay chủ nhân khai mở vẫn còn đó. Nhiều điều cần tìm hiểu thêm, song phải xác định rằng: ảnh hưởng của dòng Phật giáo truyền từ phương Bắc theo bước chân của những nhóm người Hoa qua các thời kỳ vẫn để lại những nét tiêu biểu trong sự hợp dung kiến trúc, bài trí tại các di tích cổ ở Đồng Nai dẫu đã qua bao lần trùng tu, trùng kiến.

Tất cả mọi thứ rồi sẽ qua đi, kể cả con người. Song, con người “trường tồn” có lẽ nhờ vào sự truyền giữ và phát huy của ý thức từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nói một cách khác, nhóm cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai đã hơn ba thế kỷ qua cũng không là một ngoại lệ. Họ đã để lại dấu ấn của mình trên vùng đất này bằng chính con người của cộng đồng mình.

Cộng đồng người Hoa đến với Đồng Nai buổi ban đầu đầy khó khăn gian khổ trong cả một chặng đường dài khai khẩn và họ đã nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, môi trường để vươn lên, khẳng định vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển của vùng đất này. Nghề làm gốm, lu của nhóm người Hoa ở Tân Vạn, làm nghề đá của bang Hẹ ở vùng Bửu Long hay những phố chợ buôn bán ở Phước Thiền, Bến Gỗ... đã minh chứng cho sự thích ứng của người Hoa. Không chỉ có những thế mạnh về kinh tế, người Hoa còn có tinh thần ham học hỏi, cầu tiến nên một số người tài giỏi đã được các chúa Nguyễn tin dùng, ban phong những chức vị quan trọng, trở thành sứ thần, trọng thần của triều đình, gánh vác những trọng trách của xã hội như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định với huyền thoại về “Gia Định tam gia thi” hay “Gia Định tam hùng” Đỗ Thành Nhân, Võ Tánh, Châu Văn Tiếp đầy nghĩa khí và tinh thần thượng võ trung quân, giúp chúa Nguyễn tạo dựng cơ đồ từ vùng đất Đồng Nai – Gia Định.

Đi tìm dấu ấn của cộng đồng người Hoa ở vùng Đồng Nai là một cuộc hành hương mang ý nghĩa thiêng liêng. Qua những dấu tích kiến trúc, văn hóa vật chất hiện tồn và cả những nét sinh hoạt văn hóa thông qua các tập tục, tín ngưỡng, ngành nghề, lễ hội... cộng đồng người Hoa đã tạo nên một sức sống mãnh liệt trong dòng chảy của lịch sử xứ Đồng Nai. Chính trong dòng chảy ấy, người Hoa đã hòa vào mạch của một nguồn nước khi chọn Việt Nam, chọn Đồng Nai làm đất sống. Từ thân phận của lưu dân kiều ngụ trở thành công dân của quê hương mới, qua nhiều thế kỷ trộn hòa dòng huyết quản Việt – Hoa, người Hoa đã dung hòa nền văn hóa mà họ mang theo vào văn hóa Việt. Tiêu biểu cho sự kết hợp hài hòa của hai dòng văn hóa ấy là nhân vật Trịnh Hoài Đức. Một con người mang trong huyết quản của mình dòng máu Hoa - Việt. Cuộc đời và sự nghiệp của ông trở thành một nhân cách lớn đáng cho nhân thế noi theo. Xứ Đồng Nai quê hương ông là nơi ông chọn để trở về trong giấc ngủ vĩnh hằng của cuộc đời.

 

Những dấu tích một thời của người Hoa gần như ngày càng mất đi tính bản nguyên nhưng dấu ấn của một cộng đồng vẫn còn đó. Và nó thực sự được bảo lưu trong cuộc sống cộng đồng hiện tại dù đã trải qua bao biến động của lịch sử. Vùng đất mới xa lạ trước đây giờ đã trở thành quá đỗi thân quen, là quê hương thực sự.


Đến với một vùng đất, tìm về cội nguồn của một cộng đồng cư dân, không chỉ là để hoài niệm với một quá khứ đã là dĩ vãng mà là sự soi mình vào trong đó để nhìn thấy bước đi của tương lai.

Thạc sĩ Phan Đình Dũng
Comments