Đạo Tin Lành ở Đồng Nai

đăng 08:19 25 thg 11, 2011 bởi Pham Hoai Nhan   [ đã cập nhật 08:19 25 thg 11, 2011 ]
Đạo Tin Lành là một tôn giáo cải cách, tách ra từ đạo Công giáo từ thế kỷ XVI ở châu Âu. Đạo có đường hướng hoạt động năng động, luôn luôn đổi mới từ nội dung đến hình thức để thích nghi với hoàn cảnh xã hội của mọi quốc gia dân tộc mà đạo truyền đến, đặc biệt là chủ trương "nhập thế" lấy hoạt động xã hội làm phương tiện, điều khiển để thu hút tín đồ.

Đạo Tin Lành truyền vào Việt Nam từ những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX do tổ chức Tin Lành Liên hiệp Phúc âm và Truyền giáo Mỹ (CMA) thực hiện. Những năm đầu truyền đạo ở Việt Nam, CMA gặp nhiều khó khăn về chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, trong đó phải kể đến sự chèn ép, cấm cách của Pháp. Mãi đến năm 1911, CMA mới đặt được cơ sở Hội thánh đầu tiên, rất ít tín đồ ở Đồng Nai, chỉ phát triển từ năm 1954 đến năm 1975.

Đạo Tin Lành truyền vào Đồng Nai chưa lâu, số lượng tín đồ ít, đến nay toàn tỉnh có 8530 tín đồ thuộc 16 hội thánh với 16 thánh đường và 12 tụ điểm nằm rải rác trên khắp các địa bàn từ thành phố, nông thôn đến các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh. Đạo Tin Lành ở Đồng Nai đã trở thành một tôn giáo tương đối hoàn chỉnh, lại có mối quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng nên có điều kiện để tiếp tục phát triển.

Hội thánh Tin Lành ở Biên Hòa

Về tổ chức, đạo Tin Lành không lập ra tổ chức giáo hội mang tính chất phổ quát cho toàn đạo, mà đi theo hướng xây dựng các giáo hội riêng rẽ, độc lập với các hình thức khác nhau tùy theo hệ phái, hoặc theo từng quốc gia. Trong cơ cấu tổ chức giáo hội, các hệ phái Tin Lành chủ trương giao quyền tự trị cho các giáo hội cơ sở: chi hội, các cấp hội thánh bên trên hình thành phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cho phép. Trước năm 1975, tổ chức hội thánh Tin Lành miền Nam có 3 cấp: tổng liên hội, địa hạt, chi hội (hay hội thánh cơ sở). Các chi hội ở Đồng Nai thuộc địa hạt miền Đông Nam bộ. Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay, đạo chưa xây dựng được tổ chức giáo hội bên trên cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh mới, các hội thánh cơ sở đều độc lập, nhưng với tinh thần đồng đạo, tín đồ các hội thánh vẫn có mối quan hệ tình cảm với nhau, chịu sự tác động và ảnh hưởng lẫn nhau và được phép cử đại diện phối hợp giữa các Hội thánh trong tỉnh để tiến hành một số hoạt động chung như tổ chức bồi linh, mở các lớp giáo lý, các hoạt động từ thiện xã hội

Trích Địa chí Đồng Nai
Comments