Đồng Nai là địa bàn Phật giáo đã được truyền vào từ xa xưa trong lịch sử và đã từng là một trong những cái nôi của Phật giáo Đàng Trong thời các chúa, các vua nhà Nguyễn, có ảnh hưởng không những đối với Phật giáo ở Nam bộ mà còn ảnh hưởng cả đến Phật giáo ở miền Trung. Nhiều nhà sư nối tiếp ở Đàng Trong đã từng tu hành, hoằng hóa ở Đồng Nai và có nhiều đệ tử nổi danh khác đi hoằng hóa ở các nơi. Đồng Nai có nhiều ngôi chùa cổ kính, trong đó có ba ngôi đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa là chùa Long Thiền, chùa Đại Giác, chùa Bửu Phong. ![]() Chùa Đại Giác - Ảnh: Phạm Tường Nhân Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, phật tử ở các nơi, nhất là ở miền Trung về Đồng Nai làm ăn sinh sống, tăng ni ở các nơi về Đồng Nai tu hành làm cho Phật giáo Đồng Nai có bước phát triển mới. Hơn 20 năm qua, số tăng ni gấp ba lần sau giải phóng. Toàn tỉnh chỉ có 419.286 tín đồ nhưng đã có 2.250 tăng ni, trong đó có 4 hòa thượng, 38 thượng tọa và 12 ni sư. Trong thời gian ngắn từ năm 1980 đến nay đã có hơn 100 chùa, tu viện... được trùng tu, xây dựng mới, đưa số cơ sở thờ tự ở Đồng Nai là 448. Nhiều chùa, thiền viện, tịnh xá được xây dựng mới khang trang và hiện đại, được kiến trúc và trang trí khác nhau theo từng hệ phái càng tô điểm thêm cho sự phong phú, nhiều màu sắc của Phật giáo Đồng Nai. Phật giáo Đồng Nai có nhiều tông môn, hệ phái cả Bắc tông và Nam tông, bao gồm: Cổ truyền, Phật giáo Việt Nam thống nhất, Thiền tông, Khất sĩ, Tịnh Độ tông, Nam tông Theravada, Phật giáo Khơ - me... Nhưng Thiền tông nhập thế hòa nhập với tín ngưỡng dân gian truyền thống là chủ yếu, có ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian, không chỉ có ảnh hưởng trong phật tử mà còn có ảnh hưởng cả trong những người theo đạo thờ cúng ông bà tổ tiên... theo quan niệm Thần, Phật ở bên cạnh con người để "hộ quốc an dân". Trích Địa chí Đồng Nai |
Làng nghề & Tập quán >