Tranh ghép gốm – vũ điệu của những sắc màu

đăng 20:43 26 thg 6, 2011 bởi Pham Hoai Nhan   [ đã cập nhật 19:38 2 thg 9, 2011 ]

Tranh gốm có nhiều loại. Có loại được vẽ men sống trực tiếp trên mặt phẳng. Có loại họa sĩ tô men trên một bức phù điêu mỏng… Tại các trường mỹ thuật hiện nay cũng phổ biến loại tranh chất liệu, thực hiện bằng nhiều loại vật liệu kết hợp – trong đó có gốm - trên một bề mặt phẳng… Ngoài ra, còn có một loại tranh gốm khác, thuần chất gốm, được lắp ghép từ nhiều, rất nhiều các mảnh gốm màu bé xíu: tranh ghép gốm, hay còn gọi là tranh gốm mosaic.

Mosaic (hay khảm, ghép), là một kỹ thuật cổ xưa. Từ thiên niên kỷ thứ 3 trước công nguyên, mosaic đã xuất hiện ở vùng Lưỡng Hà, như một thể loại trang trí bằng đá màu và ngà voi. Khoảng 1.500 năm trước công nguyên, mosaic gốm ra đời, nhưng chỉ thật sự phát triển từ thời đế chế Ba Tư (thế kỷ thứ 8 trước công nguyên) cùng với các loại vật liệu mosaic khác, chủ yếu dùng trong trang trí các cung điện và đền thờ. Mosaic tiếp tục ảnh hưởng sang các nền văn minh Hy Lạp, La Mã, phát triển cả về kỹ thuật và màu sắc, được nhiều thế hệ nghệ sĩ kế tục, trở thành một thể loại nghệ thuật đặc thù, và định danh tên gọi. Mêhicô, Liên Xô (cũ) và một số nước khác đã có nhiều thành công về thể loại này.

Tranh mosaic có nhiều loại: ghép từ mảnh thủy tinh, ghép từ đá, sỏi, hay ghép từ mảnh gốm. Ở Châu Âu, phổ biến là tranh ghép thủy tinh hay ghép đá. Tại Châu Á, nhiều công trình cổ Trung Quốc có tranh ghép gốm sứ. Ở Việt Nam, khách du lịch cũng thường được giới thiệu về chùa Chén kiểu ở Sóc Trăng, Lăng Khải Định ở Huế, và một số ngôi chùa cổ của người Hoa ở TP. HCM có nhiều mảng trang trí làm từ mảnh gốm, sứ hay sành.

Tại Đồng Nai, người dân qua lại trên đường Nguyễn Ái Quốc cũng có thể thấy các mảng gốm ghép trang trí hai bên cầu vượt trước trường Tiểu học Hùng Vương. Chùa Ông, một ngôi chùa cổ nổi tiếng trên đất Cù lao cũng có một vài chi tiết ghép gốm.

Tuy nhiên, trong hầu hết các công trình tại Châu Á và Việt Nam, kỹ thuật ghép gốm thường chỉ mang tính chất trang trí. Không ít người còn hiểu sai: ghép gốm như một kỹ thuật tận dụng các mảnh chén vỡ, là việc làm chỉ của thợ xây dựng ở các vùng quê!

Lần đầu tiên, từ một số cuộc triển lãm uy tín tại TP. HCM và Bình Dương năm 2010, khách tham quan được làm quen với những tác phẩm mỹ thuật thực sự, từ nguyên liệu gốm và kỹ thuật ghép mosaic.

Hằng ngàn mảnh gốm nhỏ nhiều sắc màu, qua bàn tay tỉ mỉ của các nghệ nhân, được ghép lại cạnh nhau theo một chủ ý nhất định và hình thành nên những tác phẩm nghệ thuật thực sự, chắc khỏe, độc đáo, có một sức thu hút khó kềm chế được. Đây là những sản phẩm bền bĩ với thời gian, có thể trưng bày cả trong nhà và ngoài trời, hay tự tạo nên những mảng tường trang trí độc đáo, phù hợp cho các công trình thể thao, văn hóa, tôn giáo…

Quy trình chế tác một bức tranh ghép gốm cũng thật công phu. Bắt đầu từ ý tưởng, họa sĩ phác thảo nên bức tranh mẫu với đầy đủ sắc màu dự kiến. Căn cứ trên sắc màu này, các nghệ nhân bắt đầu pha chế men gốm. Sau khi qua lò nung ở nhiệt độ khoảng 1.200oC, các miếng gốm với đủ sắc màu cần thiết cho bức tranh hình thành. Bắt đầu công đoạn chế tác, căn cứ vào hình dạng cụ thể của từng mảng màu và tông màu, sắc độ màu của từng vị trí trên tranh, nghệ nhân dùng kềm bấm tạo hình chi tiết cho từng mảnh gốm. Các mảnh gốm thường chỉ nhỏ khoảng 0.5 đến 2cm. Một bức tranh có thể có từ vài trăm đến vài chục ngàn mảnh ghép thủ công như thế tùy theo độ phức tạp. Về màu sắc, để hoàn thiện, tác phẩm sẽ cần có từ vài chục đến vài trăm màu men khác nhau. Không có mảnh gốm nào giống nhau hoàn toàn về hình dạng và màu sắc, nhưng tất cả sau khi ghép chung với nhau, làm nên một vũ điệu gốm lung linh sắc màu! Có thể nói không ngoa, quy trình chế tác tranh ghép gốm là quy trình sáng tạo hai lần: lần thứ nhất họa sĩ thực hiện bức tranh mẫu gần như một bức tranh hoàn chỉnh; lần thứ hai, nghệ nhân chép lại bức tranh với đầy đủ chi tiết, màu sắc… nhưng không phải bằng cọ với màu sơn, mà là bằng kềm và các mảnh gốm. Mỗi một mảnh gốm do nghệ nhân cắt ra, đặt vào tranh có thể xem như một nhát cọ của họa sĩ, nhưng được thực hiện bằng kềm bấm và màu sắc phải được chuẩn bị trước trong lò nung ở nhiệt độ 1.200oC!

Tìm đến với các nghệ nhân làm ra nó, chúng tôi thực sự ngạc nhiên, vì dòng tranh này xuất xứ từ Biên Hòa, và nhóm nghệ nhân làm ra nó, hầu hết là con dân xứ Đồng Nai!

Ai cũng biết gốm Biên Hòa từng một thời vang bóng. Tại những cuộc đấu xảo trong thập niên 30 của thế kỷ trước ở châu Âu, màu men xanh đồng trổ bông cùng với kiểu dáng khác lạ, kỹ thuật sáng tạo của các nghệ nhân Đồng Nai đã làm ngỡ ngàng những nhà sưu tập sành điệu trên thế giới. Trải qua thời gian, với nhiều tác động của thị trường, gốm Biên Hòa cũng thăng trầm như những người tâm huyết đã làm ra nó. Những năm gần đây, trong sự giao lưu với các vùng gốm khác, cùng với sự mở rộng thị trường xuất khẩu, gốm Biên Hòa đang dần được hồi sinh…

Và hôm nay, tranh ghép gốm Đồng Nai với thương hiệu Mosa (hai âm đầu của từ mosaic), kế thừa kỹ thuật cổ châu Âu, kinh nghiệm của người Hoa, sự khéo léo của người Việt, truyền thống men Biên Hòa, cùng với một số kỹ thuật mới và tin học bổ trợ, có thể hy vọng là một dòng sản phẩm sẽ tạo nên sự khác biệt, bổ sung cho truyền thống gốm Biên Hòa?

Một số hình ảnh tranh ghép gốm MOSA


Đoạn tranh ghép gốm do công ty MOSA thực hiện trên Con đường Gốm sứ -
Công trình kỷ lục Guiness chào mừng 1.000 nămThăng Long


Địa chỉ tham khảo

Công ty TNHH 1 thành viên MOSA
151, đường 30 tháng Tư, Biên Hòa
Web: http://mosa.com.vn
http://www.mosa-ceramic.com

Thành Nhân

Comments