Hơi thở dồn dập của cuộc sống - dòng sông Đồng Nai vẫn cuộn trôi...

Ghi trên đỉnh Chứa Chan – Đồng Nai: Quái chiêu giải nạn

đăng 09:22 29 thg 5, 2013 bởi Pham Hoai Nhan

Đón một năm mới an lành, tài lộc dồi dào, đường công danh hanh thông… ai lại chẳng có mong ước ấy. Với những người có máu dị đoan trong năm liên tục gặp vận hạn xúi quẩy, làm ăn sa sút, sức khỏe tổn hao, gia cảnh trục trặc, lại thêm tình duyên lận đận thì những mong ước bình yên, tài lộc kia càng thêm cháy bỏng!

Để cầu được ước thấy, để chư thần đoái hoài những khát khao mong cầu của mình, không dừng lại ở việc đến đình đền chùa miễu khấn suông cầu suông, dân Sài thành lắm người quyết tâm giải hạn để trục xui xẻo, xúi quẩy.


Ông Thịnh, một chủ kinh doanh phòng trọ ở quận 9, là một trong số đó. Ông cho rằng mọi điều may mắn, tốt lành chỉ đến với ai đó một khi tà ma, những thế lực âm binh hắc ám bị trục xuất, triệt dẹp: “Bởi một khi còn dáng dấp của yêu tà vây quanh thì ánh hào quang của các đấng toàn năng chẳng thể nào chiếu tới mình. Ví như nhà mình bầy hầy, dơ dáy, hôi hám thì dẫu có quý mình cỡ nào đi nữa đố có ai muốn đến!”.

Đón năm mới, nhiều người dân ở TP HCM đua nhau cúng giải hạn dưới nhiều hình thức cũng vì suy niệm oái ăm ấy!

Cận cảnh bia mộ trinh nữ được đồn thổi linh thiêng. Ảnh do ông Khải cung cấp

1. Năm con rồng 2012 trôi qua với dư chấn nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến nhiều đại gia từng phát tài nhờ các ngành nghề kinh doanh liên quan đến bất động sản ngã ngựa. Trong vòng xoáy nhiều tai ương, lắm bi kịch ấy, để "sinh tồn", trong khi nhiều quý ông quý bà tồn tại ngoi ngóp bằng cách chụp bên này đắp bên kia, hay rắp tâm phục hận theo kiểu thua keo này bày keo khác thì một bộ phận "đại gia" xuống dốc hay đang trên bờ vực khốn đốn tin rằng sở dĩ mình gặp năm xui tháng hạn bởi bị những thế lực âm binh quấy quá, làm hại.

"Đó là những âm hồn thường là trinh nữ chết oan như bị kẻ tà dâm hãm hại, bị tai nạn giao thông, bị những nhát dao chí mạng của người tình xuyên thủng lồng ngực vì ghen tuông, hay vì cuồng yêu mù quáng... Vì lý do gì đó mà sau khi chết đi, những linh hồn trinh nữ này không tan biến, chẳng đầu thai vào cõi kiếp khác mà trở thành những oan hồn đeo bám như hình với bóng những ai có cùng ngày tháng năm sinh. Các pháp sư, thầy tướng số nói ai đó khi chẳng may bị hồn ma như thế "dựa xác" sẽ luôn gặp hạn vận, nhẹ thì vợ chồng lục đục rồi ly tán hay bị những tai nạn khiến mẻ trán u đầu, nặng thì biết rồi đó, làm gì cũng bại, bại thê thảm với tai ương tới liên tục chẳng thể nào chống đỡ nổi, có khi là cái chết thê thảm vì xe tông, nhà sập…".

Chẳng thể tin được đấy là tâm sự của ông T.Q.Khải, 49 tuổi, giám đốc một công ty địa ốc từng tiếng tăm lẫy lừng khi bung ra nhiều dự án đất nền lẫn căn hộ chung cư cao cấp mà khách tới mua phải năn nỉ dằn chỗ trước. Cái thời vàng son người ta mua nhà đất như mua rau củ ấy giúp ông Khải phất như diều gặp gió, tiền vào như nước. Nhưng rồi bóng ma khủng hoảng ập đến, ông Khải như nhiều đại gia phất lên nhờ đất cát nay… méo mặt.

Luận về chuyện thất bại thảm hại của mình, bên cạnh những lý do không nói ai cũng biết như do khủng hoảng, do ngân hàng thắt chặt cho vay đầu tư bất động sản, do thị trường bất động sản lâu nay bị thao túng bởi một nhóm người chuyên mua đi bán lại nhưng nay kẹt đạn bởi tiền của đã và đang bị chôn vào nhà đất đóng băng…, ông giám đốc địa ốc vàng son ngày nào còn liệt kê thêm lý do khiến mình ngã ngựa là bởi bị người cõi âm… "dựa".

Theo ông Khải, trước quá nhiều cú sốc trong chuyện làm ăn khiến mình gần như thân bại danh liệt, chẳng biết bấu víu vào đâu, nghe một số chiến hữu cùng cảnh ngộ râm ran "linh lắm", "thần hiệu lắm" nên ông "bò" lên núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) để nhờ một cao nhân ẩn trong tịch cốc trên đỉnh núi xem chuyện bổn mạng. Ông thầy sau khi bấm mấy đốt ngón tay đã nặng lời quở thân chủ lẽ ra năm tuổi thì nên khu trú chuyện làm ăn, tích cực bố thí, dành tâm huyết cho sự nghiệp giúp người, đằng này lại cãi số mệnh, ham hố chuyện đầu tư đầu cơ nên giờ mới ra cớ sự này.

Ông Khải tâm sự lúc nghe ông thầy nói như thế, ông xám hồn bởi sự thể đúng là năm con rồng 2012 vừa rồi chính là năm tuổi của ông: "Khiếp nhất lúc ông thầy giải thích một người khi bước vào năm tuổi của mình thì bổn mạng rất dễ bị người cõi âm đeo bám. Người dương bị người âm quấy quá như thế gặp nạn liên tục. Nếu thế lực âm binh ấy lớn mạnh, độc ác thì người bị dựa khó tránh khỏi số kiếp bị tai nạn chết người, hoặc thân bại danh liệt".

Để trục xuất âm hồn của một cô gái chết vì dục vọng đê hèn của kẻ sát nhân "hiếp-giết-cướp" khỏi số kiếp của mình, theo lời của cao nhân núi Chứa Chan, ông Khải tiến hành việc giải hạn bằng cách đợi đêm đến, lập đàn cầu hồn cho trinh nữ bạc phận. Phẩm vật cúng hồn trinh nữ trong đêm gồm có heo quay, tiền vàng mã các loại nghe đâu đến 7 cần xé theo quan niệm nam thất nữ cửu (nam 7 nữ 9) và tất nhiên không thể thiếu hình nhân kích cỡ người thật là một cô gái được làm từ giấy, lụa, vải. Theo giải thích của ông thầy phải "hóa kiếp" hình nhân thế mạng để trinh nữ chết oan có bầu bạn, từ đó không quấy quá người dương thế…

Đến hẹn lại tới, tháng Giêng là tháng cao điểm dân tứ xứ đổ đến núi Chứa Chan đông nghìn nghịt để van vái khấn cầu.

2. Thoạt đầu nghe chuyện ông Khải lập đàn cúng hồn ma trinh nữ, chúng tôi chẳng mấy tin nhưng khi được ông cho xem sê-ri ảnh mình lên núi Chứa Chan, kính cẩn quỳ lạy trước bia mộ của một cô gái nằm lưng chừng núi, mới rõ chẳng phải ông nói đùa. Hỏi sau khi lập đàn cúng tế hình nhân thế mạng cho mình để làm bạn với hồn ma thì tình hình có đổi khác, ông Khải hắng giọng bảo ông lập đàn vào đêm mồng 7 tết mới có mấy ngày chưa nói được điều gì nhưng tự trong sâu thẳm, ông tin mình đã vượt qua cái hạn hồn ma quấy quá ấy!

Khi yêu đương, người ta thường mù quáng, họ bất chấp, họ mất hết lý trí để rồi thường làm trò rồ dại khi bị bội tình, bị cấm cản và xét trong chuyện cúng giải hạn của nhiều cư dân Sài Gòn, nhất là những người lắm tiền lại có máu dị đoan như ông Khải thì cái sự mù quáng, mất lý trí ấy càng thêm rõ nét. Khi tìm đến núi Chứa Chan tìm ngôi mộ của trinh nữ mà ông Khải tin đó là oan hồn đeo bám mình, người viết mới vỡ lẽ chuyện nực cười. Đấy thực chất là mộ của một cô gái mấy năm trước cùng mẹ lên núi hành hương nhưng vì bệnh suy tim tái phát đã đột tử giữa lưng chừng núi, xác được người thân nhanh chóng đưa về quê ở tỉnh Bình Dương, an táng.

Cái chết đáng thương của cô gái tưởng khép lại như thế nhưng không, phường buôn thần bán thánh nhận thấy đây là cơ hội vàng để trục lợi từ những kẻ dị đoan nên phịa ra đủ chuyện ma mị nào là trinh nữ rất thiêng đã vật chết nhiều kẻ tỏ ý xấc láo. Rồi chuyện trinh nữ hay nhập vào xác những ai yếu vía, với kẻ thành tâm thành ý sẽ được phù hộ mọi sự và với kẻ gian tà sẽ bị nghiêm trị, có khi vật chết tươi… Tóm lại cả thảy những sự huyền linh từ hồn trinh nữ mà nhiều người râm ran, tin sái cổ được lưu truyền theo kiểu càng qua cửa miệng nhiều người càng ghê gớm quyền năng… chỉ là màn quăng lựu đạn của phường gian manh chuyên làm giàu bằng cái nghề buôn thần bán thánh. Và ông giám đốc địa ốc T.Q.Khải chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân của cái màn quăng bom ấy!

Cần nói rõ để bạn đọc được biết, núi Chứa Chan còn được gọi là núi Gia Lào, thuộc địa phận xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Sở dĩ nơi này được nhiều đoàn người, trong đó có ông Khải rồng rắn kéo đến hành hương, chiêm bái đầu xuân vì tiếng đồn trên đỉnh núi có "thần mộc" 3 gốc 1 ngọn khổng lồ, cao hàng chục mét là nơi sơn thần trú ngụ. Ăn theo thần mộc, phường buôn thần bán thánh "đẻ" ra đủ chuyện ma mị, chúng lập am miễu bày vẽ chuyện xem bổn mạng, cúng giải hạn dưới nhiều hình thức. Khi đến đỉnh núi này, chúng tôi mới vỡ lẽ bên cạnh màn cúng heo quay, cúng hình nhân cho người cõi âm…, nhiều nhà giàu ở Sài Gòn có máu dị đoan còn được đám thầy bà tào lao căn cứ vào độ mê tín, độ máu me… mà chỉ vẽ đủ kiểu cúng giải hạn kỳ quái, tốn kém khác.

Bà Chín Phảng, Giám đốc Công ty S.Mai ở quận 1 chuyên cung ứng đồ nội thất cao cấp trang trí cho các căn hộ cao cấp là một trong số đó. Thị trường bất động sản đóng băng, căn hộ ế ẩm chẳng ma nào dòm ngó thì đồ nội thất bán được cho ai, nhập hàng về quá nhiều nhưng chẳng tiêu thụ được, hàng tồn ứ khiến bà Phảng… kêu trời. Chuyện làm ăn khi được lúc ế là bình thường nhưng chẳng hiểu sao bà Phảng đổ mọi chuyện "do vong phá".

Để phá vong đặng chuyện kinh doanh trở lại bình thường, bà Phảng rủ nhóm bạn cũng dân làm ăn kéo lên núi Chứa Chan tổ chức cúng giải hạn bằng cách mua đủ thứ lễ vật đến dâng cúng cây 3 gốc 1 ngọn rồi dập đầu vái gốc cây lia lịa. Và theo mách bảo của đám người chuyên bày vẽ chuyện cúng giải hạn trừ tà vốn nhan nhản trên đỉnh núi, bà Phảng khi thượng đỉnh thiên sơn mang theo quần áo cũ của mình và người thân với số lượng "nam thất nữ cửu" rồi nổi lửa đốt xem đó là cách mình trục hết xú uế, các thế lực âm binh ra khỏi cơ thể. Thiệt quái dị khôn tả!".

Quang cảnh bãi bình địa dưới gốc “thần mộc” - nơi nhiều người đổ đến cúng giải hạn dưới nhiều hình thức như tế heo, đốt đồ, thiêu hình nhân…

3. Núi Chứa Chan cách TP HCM khoảng 120km, những ngày này để len được lên đỉnh núi gặp sơn thần hay trinh nữ "chết oan"… khách nhàn du phải mất hơn một giờ đồng hồ trong cảnh chen chúc, nhích từng bước một trong khi ngày thường chưa đến 30 phút. Và trên từng nhịp bước của khách hành hương (chủ yếu là người dân TP HCM - PV), bóng dáng các am miếu dạng cải gia thành tự cùng đội ngũ thầy bà, cò cúng, cò khấn thuê hiện ra nhan nhản, bày vẽ đủ chuyện cúng giải hạn để năm con rắn trôi qua được bình yên, tốt lành?!

Tháng Giêng là tháng hành hương, là lúc người người có biết bao điều mong ước nên dòng người từ khắp nơi đổ lên núi Chứa Chan cầu xin sơn thần cùng những hồn ma trinh nữ, hồn ma đồng nhi, các thế lực âm binh đông nghìn nghịt?! Hòa cùng dòng người này thượng đỉnh thiên sơn, người viết còn phát hiện nhiều kiểu cúng tẩy trừ xú uế, tiêu dẹp hồn ma quái dị khác như phóng sanh rắn, mang hình nhân bằng sáp chôn đâu đó giữa núi rừng bao la gọi là "nạp nô lệ" cho các vong có bầu bạn.

Có người còn điên cuồng hơn khi lần mò kiếm tìm và cắm trại tại ngôi mộ nào đó trên đỉnh núi, gắn chặt với ngôi mộ 24/24 giờ mấy ngày liền vì tin và làm theo lời đám thầy bà âm binh rằng dưới mộ là vong hồn cô đơn, nếu thành tâm hầu hạ, cúng kiếng thì không những không bị vong dựa mà còn được vong phù trợ muốn gì cũng được!

Tất cả, suy cho cùng chỉ là những màn bịp của đội quân buôn thần bán thánh vốn dĩ đầy rẫy trên đỉnh thiên sơn. Điều oái ăm là trong khi dân địa phương ai nấy đều rõ những trò ba trợn này nhưng đám khách phương xa, bất kể nam - phụ - lão - ấu, bất luận giàu nghèo đều tin sái cổ và cứ thế tung tiền, hao phí thời gian, sức lực tổ chức các màn cúng giải hạn… xằng bậy!

Thành Dũng (thanhdungpv@yahoo.com)





Vũ Minh Trí: Người xây nền công nghệ cao

đăng 07:34 8 thg 7, 2012 bởi Admin VINACOM Garden

Đó là Vũ Minh Trí, sinh năm 1973, người vừa được bổ nhiệm làm CEO Microsoft Việt Nam. Trước đó, anh từng làm CEO của một số tập đoàn đa quốc gia

Vũ Minh Trí kể: “Những năm đầu 1990, việc chọn trường rất đơn giản, thích thì chọn chứ ít ai nghĩ nhiều đến yếu tố danh giá kiểu “nhất y, nhì dược”. Tôi cũng thế và đã trở thành sinh viên ngành kỹ sư hóa dầu Trường ĐH Bách khoa TPHCM theo cách đó”.

CEO Vũ Minh Trí. Ảnh: TRẦN MINH CHUYÊN

Khẳng định tên tuổi

Từ thời sinh viên, Trí đã được đánh giá cao về sức học, năng khiếu lãnh đạo như một tố chất bẩm sinh. Sau khi tốt nghiệp với đề tài về dầu khí, anh được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tuyển thẳng. “Nhà mặt phố, bố làm dầu khí”, người ta hay nói thế và khi ấy ai cũng bảo Trí may mắn. Nhưng sau một thời gian miệt mài ở phòng thí nghiệm của tập đoàn, chàng kỹ sư trẻ cảm thấy mất hứng thú với những công việc khô khan, trùng lặp. “Vẻ như tôi chọn nhầm nghề. Soi vào gương, thấy đó không phải hình ảnh của mình. Cứ như vậy, chẳng lẽ 5-10 năm sau mình sẽ là một kỹ sư già? Đắn đo vài lần, tôi quyết định chia tay ngành dầu khí” - Trí cho biết.

Trong suốt 10 năm, Vũ Minh Trí trải qua công việc sales, marketing ở nhiều tập đoàn đa quốc gia như P&G, BP, BAT… Rồi chàng kỹ sư năm nào bước lên tầm cao mới với vai trò CEO của Sony Ericsson. Giai đoạn năm 2006-2007, khi Vũ Minh Trí về Sony Ericsson, thị phần của hãng chỉ là 2%. Dưới bàn tay của CEO trẻ này, con số đó nhanh chóng cán mức 12%, rồi tăng chóng mặt đến 600%.

Năm 2008, Trí chia tay Sony Ericsson, được mời về làm CEO cho Yahoo! Việt Nam. Lúc này, trên thế giới và tại Việt Nam, Yahoo! đã là “gã khổng lồ” trong làng công nghệ. Và từ đây, “thương hiệu” Vũ Minh Trí được biết đến nhiều hơn khi anh xin giấy phép thành lập công ty internet nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam - điều mà đến giờ vẫn chưa có ai làm, ngoài Vũ Minh Trí. Đam mê công nghệ và hiểu tâm lý cư dân mạng, Trí và Yahoo! luôn quyết tâm phải làm cho khách hàng hài lòng ngay cả khi cung cấp dịch vụ miễn phí, đó là phải bảo mật thông tin cá nhân cho họ. Sự thành công của Yahoo! Việt Nam, nhất là blog trực tuyến Yahoo! 360, ghi đậm dấu ấn Vũ Minh Trí.

Tầm nhìn xa

Hai năm sau, kết thúc hợp đồng tại Yahoo! Việt Nam, anh về với Qualcomm, cũng vai trò CEO phụ trách khu vực Đông Dương và Thái Lan. Tại đây, anh cảm thấy hài lòng vì được làm theo triết lý riêng của mình: Đối thủ cũng chính là đối tác, vì thế phải hỗ trợ nhau cùng thúc đẩy thị trường điện thoại công nghệ 3G phát triển.

Nhiệm vụ của CEO Vũ Minh Trí ở Qualcomm là tập trung phát triển công nghệ 3G và điện thoại di động bằng cách phối hợp với các mạng viễn thông nâng cao chất lượng mạng. Rồi Qualcomm ký hợp đồng bán chip cho các OEM (Originally Equipment Manufacturer - nhà sản xuất thiết bị gốc) của Trung Quốc và Đài Loan. Sau đó, các OEM bán điện thoại di động có chip Qualcomm cho những thương hiệu Việt Nam như Q-Mobile hay FPT, khuyến khích khách hàng chuyển từ công nghệ 2G sang 3G. Và đến giờ, dòng smartphone (điện thoại thông minh) vẫn tăng trưởng rất nhanh, chiếm lĩnh thị trường điện thoại với các dòng máy dưới 150 USD, “chạy ào ào” trên nền tảng 3G. Điều đó chứng minh cho tầm nhìn xa của Vũ Minh Trí.

“Người ta nhớ đến “Trí Qualcomm” nhiều hơn so với khi tôi làm ở Yahoo! nhưng chưa chắc đó là nơi thành công nhất” - anh chia sẻ. Với một người giàu khát vọng như Vũ Minh Trí, sự thành công không dừng lại ở bấy nhiêu đó mà phải đầy lên theo năm tháng.

Góp sức phát triển công nghệ cao

Đang sôi nổi trò chuyện về những bước đi mới trong ngành công nghệ, chợt nhắc đến lĩnh vực sản xuất điện thoại di động của Việt Nam, Vũ Minh Trí trở nên suy tư. Anh kể rằng mỗi lần đến thăm các trung tâm công nghệ trên thế giới, anh đều tự hỏi: Điện thoại “made in Vietnam” đang ở đâu? Bao giờ có?... Đến nay, ngành thiết bị đầu cuối các nước đều phụ thuộc vào “công xưởng thế giới” Trung Quốc. Bằng nhiều chính sách mở, Trung Quốc lôi kéo các nhà máy trên thế giới về nước mình rồi tranh thủ học hỏi công nghệ, cách làm. Đến giờ, công nhân của Trung Quốc có thể làm được tất cả quy trình lắp ráp, phát triển thiết bị đầu cuối, có khi còn giỏi hơn cả kỹ sư điện tử của Việt Nam. Các hãng điện thoại nổi tiếng như Nokia, Samsung, LG, Apple… đều đặt nhà máy lắp ráp tại Trung Quốc. Mỗi năm, Việt Nam có 21 triệu chiếc điện thoại di động mới được bán ra, trong đó dòng smartphone chiếm khoảng 20% nhưng chủ yếu là của đối tác nước ngoài. “Chúng ta không có gì ngoài lắp ráp. Một chiếc điện thoại giá 100 USD, trị giá phần lắp ráp chỉ chiếm… vài USD, phần thiết kế, phát triển sản phẩm chiếm đến 30%-40%...” - Vũ Minh Trí ưu tư.

Có lẽ vì thế mà thay vì hài lòng với thành công, Vũ Minh Trí lại bộc bạch: “Tôi nể anh Thân Trọng Phúc (cựu tổng giám đốc Intel Việt Nam) vì đã dày công đưa nhà máy Intel về đặt ở Khu Công nghệ cao TPHCM; phục anh Võ Quang Huệ (tổng giám đốc Tập đoàn Bosch Việt Nam) với nhà máy viết phần mềm cho những thiết bị tự động cao cấp đặt tại KCN Long Thành - Đồng Nai”.

Giờ đây, khi đảm nhận cương vị mới, rất quan trọng là CEO của tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Microsoft tại Việt Nam, anh vẫn hằng ngày âm thầm góp từng “viên gạch” xây nền móng cho ngành công nghệ cao của nước nhà.  “Microsoft Việt Nam vẫn đi theo chiến lược chung của tập đoàn nhưng sẽ được sáng tạo và đổi mới để phù hợp với thị trường Việt Nam. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình và quyết tâm lèo lái con thuyền Microsoft tiến những bước vững chắc để mang đến những sản phẩm, giải pháp công nghệ hữu ích nhất cho người dân Việt”.

Bên mái ấm gia đình

Bạn đời của Vũ Minh Trí cũng là bạn học từ thời đại học, gắn bó nhiều năm nên rất hiểu tính chồng. Từ khi anh bận rộn chinh phục những vị trí mới, chị lùi lại phía sau thầm lặng chăm lo cho gia đình. “Vợ tôi thích nấu ăn, làm bánh, khi ở nhà cô ấy sẽ có thời gian làm theo sở thích của mình” - anh chia sẻ.

Trí cho biết giai đoạn này anh rất bận rộn nên hy vọng sau 45 tuổi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, nhất là 2 nhóc xinh xắn của mình.


THÁI PHƯƠNG

Bạn thân mến, nếu đọc đến  cuối bài, bạn phân vân tự hỏi: Chẳng hiểu vì sao bài viết về doanh nhân Võ Minh Trí lại được đưa vào website về Đồng Nai này? Thì xin được giải thích ngay cho bạn rõ: Có một chi tiết mà bài báo không nêu lên, đó là Vũ Minh Trí là người sinh trưởng ở Định Quán, Đồng Nai. Anh vẫn thường về thăm quê hương Đồng Nai của mình đấy các bạn!

Phạm Hoài Nhân

Nấm mối có giá cao: 200-350 ngàn đồng/kg

đăng 01:13 15 thg 6, 2012 bởi Admin VINACOM Garden

(Báo Đồng Nai, 1/6/12) Vài ngày gần đây, giá nấm mối tại chợ Biên Hòa dao động từ 200-350 ngàn đồng/kg, tùy theo chất lượng của từng loại. Trong đó, mức giá bình quân đã cao gấp đôi so với cùng thời điểm năm trước. Đáng kể là loại nấm còn búp, thân to có giá 350 ngàn đồng/kg. Theo các tiểu thương, sở dĩ nấm mối có giá cao vì đây là loại mọc tự nhiên, không thể cấy meo nuôi trồng như những loại nấm khác và thường chỉ mọc mỗi năm 1 lần vào khoảng tháng 4 đến tháng 6 âm lịch. Tiểu thương đã đến tận các nhà vườn ở Long Thành, Thống Nhất, Long Khánh… để mua nấm mối đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở TP.Biên Hòa.

Nấm mối được bán tại chợ Biên Hòa. Ảnh: K.Liễu

K.L

Khai mạc triển lãm "Ký ức Biên Hoà - Đồng Nai xưa"

đăng 05:30 23 thg 1, 2012 bởi Admin VINACOM Garden   [ cập nhật 01:18 3 thg 2, 2012 bởi Pham Hoai Nhan ]

(ĐN) - Chiều 20-1, tại Văn miếu Trấn Biên, Trung tâm văn hoá Trấn Biên thuộc Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) phối hợp với Sở Văn hoá-thể thao và du lịch tổ chức khai mạc triển lãm "Ký ức Biên Hoà - Đồng Nai xưa".

Triển lãm trưng bày 80 bức ảnh màu, đen trắng với 3 chủ đề: Đất và người Biên Hoà - Đồng Nai xưa, những sự kiện tiêu biểu, di sản văn hoá lịch sử Biên Hoà - Đồng Nai. Đặc biệt dịp này, Trung tâm văn hoá Trấn Biên còn giới thiệu một không gian phố hoa nghệ thuật mùa xuân thu nhỏ phía trước và trong cổng Văn miếu Trấn Biên.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Triển lãm "Ký ức Biên Hoà - Đồng Nai xưa"

Một góc phố hoa nghệ thuật tại Văn miếu Trấn Biên

Công Nghĩa

“Trời Nam - Nguyên khí Trấn Biên”: Bức tranh thêu mang hồn người mở cõi

đăng 07:06 13 thg 11, 2011 bởi Admin VINACOM Garden   [ đã cập nhật 07:06 13 thg 11, 2011 ]

Ngày 17-9, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Đồng Nai phối hợp với Công ty XQ Đà Lạt tổ chức nghi lễ rước bức tranh thêu “Trời Nam - Nguyên khí Trấn Biên” vào trưng bày tại gian nhà “Quả phúc tổ tiên” (tại XQ sử quán, tỉnh Lâm Đồng) cho công chúng chiêm ngưỡng trước khi đưa về Đồng Nai.

Sau 3 năm được các nghệ nhân dày công thực hiện, bức tranh thêu đã hoàn tất. Không phụ sự kỳ vọng của mọi người, “Trời Nam - Nguyên khí Trấn Biên” là một kiệt tác của nghề thêu thủ công, không chỉ chuyển tải được nét mỹ thuật, mà còn kết đọng được tinh hoa của vùng đất Trấn Biên trong mỗi đường kim, mũi chỉ.

Các đại biểu là lãnh đạo tỉnh Đồng Nai chứng kiến kết nối mũi kim cuối cùng

Được thực hiện từ bức ảnh “Văn miếu Trấn Biên - nhìn từ tầm cao” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Quốc Định, về tổng thể, bức tranh đã thể hiện được ý tưởng mà nhà nhiếp ảnh muốn gửi gắm. Dưới bàn tay tài hoa của những nghệ nhân thêu, Văn miếu Trấn Biên với mái ngói xanh cổ kính, nhà bia truyền thống, Khuê Văn Các, hồ Tịnh Quang, cổng tam quan cùng các chi tiết như cỏ cây, hoa lá… hiện lên rạng ngời, đan xen hài hòa và uyển chuyển giữa các tông màu đậm - nhạt, sáng - tối một cách tài tình. Nếu ở bức ảnh chụp, tác giả đã nắm bắt được thời điểm tác động đẹp nhất của ánh sáng để làm tôn lên vẻ lung linh của Văn miếu, thì ở bức tranh, những nghệ nhân thêu bằng sự cảm nhận, thẩm định tinh tế của mình đã chuyển tải được hết ngôn ngữ thầm lặng trên của tác giả.

Nhưng nếu bức tranh thêu chỉ là sự sao chép, chuyển tải hiện thực thì đó cũng mới chỉ là một tác phẩm đạt về trình độ mỹ thuật. Ở đây, các nghệ nhân tài hoa của XQ Đà Lạt còn thổi vào tranh một cái “hồn” rất riêng. Nếu chú ý nhìn, trong rừng màu xanh của cỏ cây trong tranh, mỗi loài cây, hoa đều có những đường vân, phiến lá, thế đứng… tạo nên nét riêng không cây nào giống cây nào. Thỉnh thoảng, không gian tranh lại có những nét điểm xuyết, như thêm đóa hoa đỏ, khóm trúc vàng giữa ngàn cây xanh, vết nắng bừng lên trên nền trời… Ngay cả những lối đi trong Văn miếu của bức ảnh chụp tỏ rõ đường nét thẳng tắp rạch ròi, thì ở bức tranh thêu lại trở nên mềm mại uyển chuyển thật nên thơ. Độc đáo hơn, nếu như bầu trời phía trên mang nét cổ kính, thâm u trầm mặc của chốn thiêng liêng của đạo học, thì phong cảnh bên dưới lại toát lên sức sống mãnh liệt - nét đặc biệt trong truyền thống mở cõi của vùng đất Trấn Biên. Người xem tranh dường như có thể nhận biết được cả luồng gió mát đang len lỏi qua từng ngọn cây, lá cỏ đang ngả nghiêng, không khí ấm áp và sức sống tươi mới qua từng vệt nắng vàng, từ đó cảm nhận hết được sự kết nối giữa con người với thiên nhiên, đất trời. Đó là sự sáng tạo tài tình riêng của các nghệ nhân thêu để bức tranh thêu trở thành tác phẩm kết tinh của văn hóa.

Bà Hoàng Lệ Xuân, một trong những người sáng lập Công ty XQ Đà Lạt, cũng là nghệ nhân chủ trì nhóm thêu tranh cho biết, muốn đạt đến trình độ cao trong nghề thêu, nghệ nhân không chỉ bắt tay vào công việc bằng tay và bằng mắt, mà phải thực hiện bằng cả tâm hồn. Vì thế, trước khi bắt tay vào thực hiện bức tranh, bà và nhóm nghệ nhân thêu đã đến Văn miếu Trấn Biên để đón nhận những cảm xúc mà nơi này mang đến. Ngày nào cũng vậy, trước khi bắt tay vào thêu bức tranh “Trời Nam - Nguyên khí Trấn Biên”, nhóm nghệ nhân đều thực hiện nghi thức nhập định để tạo ra một sự thuần khiết và sức mạnh nguyên thủy về đức tin nơi chốn thiêng liêng. Có những lúc thấy sự sáng tạo dường như cạn nguồn, nhóm nghệ nhân âm thầm quay trở lại Văn miếu Trấn Biên để tìm cảm xúc mới. Chính từ tấm lòng ấy, nghệ nhân đã thổi được hồn “nguyên khí Trấn Biên” vào trong tác phẩm.

Bức tranh thêu “Trời Nam - Nguyên khí Trấn Biên”

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới, ý nghĩa của bức tranh thêu “Trời Nam - Nguyên khí Trấn Biên” không nằm ở sự hoành tráng hay tính mỹ thuật, dù bức tranh đã đạt đến cả 2 yếu tố này, mà nằm ở điểm bức tranh chính là sự kết tinh văn hóa từ Thăng Long - Hà Nội, tiếp nối và lan tỏa đến vùng đất Trấn Biên ở phương Nam. Bởi từ trước khi làm lễ khởi chỉ để thêu bức tranh “Trời Nam - Nguyên khí Trấn Biên” vào năm 2008, các nghệ nhân XQ Đà Lạt cũng đã bắt tay thực hiện bức tranh “Ước vọng ngàn năm Thăng Long - Hà Nội”, và bức tranh này đã được hoàn thành vào năm 2010 nhân sự kiện kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Có thể nói, tính văn hóa đã được nối liền mạch thông qua 2 bức tranh thêu, thể hiện được dòng chảy văn hóa từ Thăng Long đến phương Nam và kết tinh bởi “nguyên khí Trấn Biên”, do đó bản thân bức tranh đã trở thành một sự kiện văn hóa, có sức sống lâu dài.

Trong gian nhà trưng bày bức tranh “Trời Nam - Nguyên khí Trấn Biên”, có trưng bày 6 bức tranh thêu hoa sen tượng trưng cho 6 tỉnh phương Nam lân cận, và gian nhà thì nằm trong chuỗi nhà bảo tàng mang tên “Ước nguyện ngàn năm”, nhằm tỏ nguyện ước kết nối, mở rộng, giao lưu thắt chặt tình cảm giữa con người với con người, kết nối tinh hoa văn hóa Thăng Long ngàn năm xưa và Trấn Biến ngày nay, mở ra một chân trời không xa cội quên nguồn.

Nam Hà

Báo Đồng Nai Online

Lấy lại thương hiệu khu du lịch Bửu Long!

đăng 07:25 28 thg 10, 2011 bởi Admin VINACOM Garden   [ đã cập nhật 07:26 28 thg 10, 2011 ]

Nằm cách trung tâm thành phố Biên Hòa 6km, khu du lịch Bửu Long được xác định là quần thể danh thắng quốc gia (Bộ Văn hóa - thông tin trước đây công nhận là di tích văn hóa). Qua nhiều năm nghiên cứu, Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) đã quyết định đầu tư phát triển dự án (DA) Bửu Long theo hướng doanh nghiệp (DN) và dân cư cùng khai thác…

Dự án Bửu Long gồm khu du lịch và khu dân cư vừa được UBND tỉnh thông qua quy hoạch chi tiết và DN đang chuẩn bị cho việc đầu tư. DA thuộc địa bàn xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) và phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) có diện tích trên 323 hécta. Dự kiến, kinh phí đầu tư, xây dựng DA gần 440 tỷ đồng được thực hiện làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2011-2016 và giai đoạn 2 từ năm 2016-2021.

 * Không gian du lịch phong phú

Trước đây, khu danh thắng Bửu Long và hồ Long Ẩn được nhân dân các địa phương biết đến như một bức tranh thu nhỏ của vịnh Hạ Long. Núi đá Bửu Long và hồ Long Ẩn qua thời gian, tạo thành một cảnh sắc tuyệt đẹp gồm có núi cao, hồ rộng, sơn thủy hữu tình. Hồ Long Ẩn và hồ Long Vân thơ mộng với những vách đá dựng đứng. Thời hoàng kim của khu du lịch Bửu Long những ngày cuối tuần đón hàng ngàn khách du lịch khắp nơi đến tham quan, vui chơi thư giãn và viếng chùa cổ Bửu Phong. Sau này, do ít được đầu tư nên du khách cũng vắng dần.

Theo đồ án quy hoạch, Bửu Long là khu du lịch văn hóa, sinh thái và vui chơi giải trí, kết hợp với làng nghề truyền thống nhằm phục vụ du khách trong và ngoài nước. Diện tích đất dành cho xây dựng chiếm trên 65% tổng diện tích. Dự kiến, khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ đón tiếp khoảng 5 ngàn khách mỗi ngày. Khu du lịch được chia thành nhiều phân khu chức năng khá phù hợp với địa hình tự nhiên và không gian hiện hữu. Các công trình văn hóa tâm linh ở đây như: Văn miếu Trấn Biên; Chùa Bửu Phong trên cụm núi Bình Điện; Long sơn thạch động trên núi Long Ẩn; Tiên sư tổ miếu (chùa bà Thiên Hậu) dưới chân núi Long Ẩn; Tịnh thất Khổ Hạnh… sẽ được đầu tư đúng mức.

Một góc khu du lịch Bửu Long

Đối với khu giải trí trung tâm gồm: trò chơi trên sông, mặt hồ; trò chơi mạo hiểm; giải trí trong nhà; trò chơi cho trẻ em và gia đình; trò chơi khám phá - thế giới ảo. Ở đây còn có cả khu thể dục thể thao và trò chơi vận động; khu văn hóa lịch sử Việt Nam; khu văn hóa dân tộc Đồng Nai; khu động thực vật; khu dành cho cắm trại dã ngoại; khu nghỉ dưỡng ven sông Đồng Nai; cụm dịch vụ cao cấp với hệ thống nhà hàng, khách sạn cao cấp đáp ứng được cả nhu cầu tổ chức hội thảo, du lịch.

Những điểm nhấn trong xây dựng khu du lịch được xác định như: xây dựng quảng trường, một không gian mở để đón du khách; cổng dẫn vào khu Văn miếu Trấn Biên và các công trình văn hóa. Ngoài ra, còn được kết nối cảnh quan giữa các quần thể núi, hồ, mảng vườn hoa và những công trình trò chơi  để tạo ra nét đặc sắc của một khu du lịch hiện đại.

 * Người dân cùng khai thác du lịch

Khu dân cư của DA Bửu Long có quy mô dân số 12.500 người, được chia làm 3 địa điểm: một thuộc xã Bình Hòa (diện tích 41,6 hécta cho 5 ngàn người ở); hai thuộc phường Bửu Long (diện tích 5,52 hécta, dân số sinh sống 1 ngàn người) và ba cũng thuộc phường Bửu Long (diện tích 48,78 hécta, dân số 6.500 người). Dân cư được phân theo khu du lịch sinh thái, khu kết hợp du lịch và khu dịch vụ.

Bửu Long là ngọn núi đẹp nhất vùng hạ lưu sông Đồng Nai, với quần thể núi non, sông hồ; có chùa Bửu Phong, chùa Hang kỳ bí và quyến rũ. Khu danh thắng Bửu Long có độ cao trung bình 100 m so với mặt nước biển, không khí trong lành tạo cảm giác sảng khoái cho du khách. Đứng trên cao, du khách có thể chiêm ngưỡng một màu xanh trải dài của cỏ cây, đồng lúa, xen lẫn màu bàng bạc của những kênh rạch, bắt nguồn từ sông Đồng Nai, tạo nên bức tranh thơ mộng. Bao bọc núi là hồ Long Ẩn, được ví là bức tranh thu nhỏ của vịnh Hạ Long. Với vô số vách đá soi bóng trên mặt nước trong xanh tạo cho hồ vẻ đẹp hấp dẫn. Có núi cao, hồ rộng, hài hòa với các công trình kiến trúc nghệ thuật mang dấu ấn tôn giáo của nhiều thời đại, khu du lịch Bửu Long đã để lại nhiều ấn tượng cho du khách khi đến đây thưởng ngoạn…

Nhận định về hướng phát triển DA khu du lịch Bửu Long, bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, Tổng giám đốc Dofico chia sẻ: “Rút kinh nghiệm từ nhiều khu du lịch trên thế giới là khai thác thế mạnh của dân cư tại chỗ, chúng tôi xem đây là yếu tố rất quan trọng. Trong DA Bửu Long còn tính đến việc, làm sao để mọi người dân ở đây cùng tham gia làm du lịch và hưởng lợi ích từ chính dự án này”.  Theo bà Hồng, khi triển khai dự án sẽ có khoảng 1.800 hộ dân đang sinh sống bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, vấn đề giải tỏa đền bù, tái định cư được chủ đầu tư rất quan tâm. Trong giải tỏa đền bù, ngoài việc theo đúng chính sách, quy định của nhà nước thì DN cũng sẽ cân nhắc đến tính đặc thù của khu vực. Tại buổi làm việc với chủ dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã nhấn mạnh: DN phải phân kỳ cụ thể dự án để triển khai có hiệu quả. Khi tiến hành xây dựng, cần xem xét kỹ đến khu dân cư truyền thống và làng nghề. Đặc biệt, khu tái định cư phải được ưu tiên thực hiện trước để người dân có đất nằm trong DA nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Không chỉ đến bây giờ, đã từ lâu, người dân Biên Hòa rất mong muốn khu danh thắng Bửu Long là địa điểm du lịch tầm cỡ. Do đó, việc “lấy lại” thương hiệu cho Bửu Long, hoặc nâng tầm cao hơn đang được nhiều người kỳ vọng.

Vân Nam

Báo Đồng Nai

Tê giác Java tại Việt Nam đã thực sự tuyệt chủng

đăng 07:18 25 thg 10, 2011 bởi Admin VINACOM Garden

(Dân trí) - Kết thúc cuộc điều tra, khảo sát, hôm nay (25/10), WWF và Quỹ Bảo tồn Tê giác Quốc tế (IRF) khẳng định: Tê giác Java một sừng đã tuyệt chủng tại Việt Nam. Cá thể cuối cùng là con tê giác bị sát hại tại vườn quốc gia Cát Tiên tháng 4/2010.

Đại diện WWF (Tổ chức phi chính phủ về bảo tồn) cho biết, kết quả phân tích gen của 22 mẫu phân do nhóm khảo sát của WWF và Vườn Quốc gia Cát Tiên thu thập từ năm 2009 đến năm 2010 cho thấy tất cả các mẫu phân này đều thuộc về xác cá thể tê giác được tìm thấy tại Vườn vào tháng 4, năm 2010. Xác cá thể này, cùng với một viên đạn tìm thấy ở chân và sừng đã bị lấy đi, đã được tìm thấy ngay sau khi cuộc khảo sát kết thúc. Kết luận này được công bố trong một báo cáo mới nhất của WWF, trong đó nêu rõ săn bắn trộm có thể là nguyên nhân gây ra cái chết của cá thể này.

WWF cũng cho rằng mất sinh cảnh sống là yếu tố then chốt dẫn đến sự tuyệt chủng của tê giác Java (Rhinoceros sondaicus annamiticus) tại Việt Nam. Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới đồng thời cảnh báo việc thực thi pháp luật không thỏa đáng, quản lý thiếu hiệu quả, xâm lấn đất và xây dựng cơ sở hạ tầng bên trong và gần các khu vực được bảo vệ chỉ làm tăng thêm áp lực cho các quần thể loài vốn đã dễ bị tổn thương trong các khu vực này.

“Cá thể tê giác Java cuối cùng tại Việt Nam đã chết. Chúng ta đã đánh mất vĩnh viễn một phần di sản của thiên nhiên, một biểu trưng của giá trị đa dạng sinh học tại Việt Nam.” - bà Trần Minh Hiền, Giám đốc WWF Việt Nam khẳng định. 

Phục hồi bộ xương phát hiện được tại vườn QG Cát Tiên. (Ảnh: WWF)

Tê giác Java từng được coi là tuyệt chủng tại đất liền châu Á cho đến khi người ta phát hiện một cá thể tê giác bị săn bắn vào năm 1988 tại khu vực Cát Tiên. Sự tồn tại của một quần thể nhỏ tê giác đã được biết đến. Bắt đầu từ giữa những năm 1990, một số tổ chức đã tham gia sâu vào công tác bảo tồn quần thể tê giác Java còn lại ở Vườn quốc gia Cát Tiên.  

Tuy nhiên báo cáo của WWF nhấn mạnh, công tác bảo vệ thiếu hiệu quả tại VQG chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự tuyệt chủng. WWF cho biết đây là một vấn đề phổ biến của hầu hết các khu bảo tồn tại Việt Nam và là nguyên nhân đe dọa sự sống còn của rất nhiều loài khác.

Săn bắt động thực vật hoang dã trái phép nhằm cung cấp cho các đường dây buôn bán và tiêu thụ trong nước và khu vực đã khiến cho nhiều quần thể loài tại Việt Nam bị suy giảm và cô lập. Hổ, voi châu Á và các loài đặc hữu như Sao la, voọc mũi hếch và cá sấu Xiêm đang cũng đang trên bờ tuyệt chủng.

Ông Nick Cox, Quản lý Chương trình Loài của WWF-Greater Mekong cho rằng, vấn đề bảo vệ môi trường sống tự nhiên và ngăn chặn nạn săn bắn và buôn bán động vật hoang dã trái phép là yếu tố quan trọng nhất để bảo vệ các loài này khỏi sự tuyệt. Và nếu tình trạng này không được cải thiện, nhiều loài nữa tại Việt Nam sẽ bị tuyệt chủng là điều không thể tránh khỏi. Do đó, các khu bảo tồn tại Việt Nam cần phải có nhiều kiểm lâm hơn, họ cần được đào tạo và giám sát tốt hơn nữa, đồng thời chịu trách nhiệm giải trình cao hơn.

Ông Christy Williams, điều phối viên Chương trình Voi và Tê giác châu Á của WWF cho biết: “Đưa tê giác trở lại Việt Nam là một việc làm tốn kém và không khả thi. Loài này đã vĩnh viễn mất khỏi Việt Nam”.

Hiện nay, chỉ còn lại một quần thể tê giác Java duy nhất tại một vườn quốc gia nhỏ của In-đô-nê-xi-a với số lượng chưa đến 50 cá thể. Loài này đang bị đe dọa nghiêm trọng, trong khi nhu cầu đối với sừng tê giác dùng cho các loại thuốc cổ truyền ở châu Á gia tăng mỗi năm khiến cho hoạt động bảo vệ và mở rộng quần thể tê giác tại In-đô-nê-xi-a trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu.

 P. Thanh

Dân Trí

Hội quán Sinh vật cảnh Đồng Nai: Mang thiên nhiên vào lòng phố thị

đăng 03:42 14 thg 10, 2011 bởi Pham Hoai Nhan

Dù khá muộn màng so với các tỉnh, thành khác trong cả nước, nhưng sáng 8-10, Hội Sinh vật cảnh (SVC) Đồng Nai cũng chính thức ra đời và tổ chức Đại hội lần thứ 1...

Một mái tam quan thuần Việt cổ kính, hai nếp nhà cổ đậm nét đặc trưng Nam bộ, dọc theo lối đi là vô vàn những cây kiểng, bon sai, đá được trưng bày xen kẽ nhau. Điểm xuyết đây đó là những gốc gỗ lũa được chế tác thành hình rồng, xe ngựa thật công phu. Đệm cho khung cảnh nên thơ đó là tiếng hót véo von thánh thót của những chú chích chòe lửa ẩn mình dưới vòm cây râm mát khiến người lạc vào phải ngơ ngẩn không muốn rời xa. Đó là không gian của Hội quán Hội SVC Đồng Nai (tọa lạc bên hông Bảo tàng Đồng Nai trong khuôn viên Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh). Ông Vũ Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH cây xanh Biên Hòa, thành viên của Hội cho biết, chỉ riêng kinh phí tạo dựng các kiến trúc trong hội quán đã lên đến gần 4 tỷ đồng, đều do các hội viên tự nguyện góp tay để hình thành sân chơi cho mình và bè bạn.

Một tác phẩm nghệ thuật chế tác từ gỗ lũa trưng bày trong khuôn viên Hội quán Hội Sinh vật cảnh Đồng Nai

THÚ ĐAM MÊ CỦA NHỮNG “NÔNG DÂN CAO CẤP”

Theo ông Hà Duy Thiện (chủ nhân Hội quán Cội Nguồn), người tự nhận là nghiệp dư nhưng lại rất say mê SVC, ngành này có 4 bộ môn chính được gọi là tứ kỳ môn, gồm: chim, cá, đá, cây. Mỗi bộ môn lại bao gồm nhiều nhánh khác nhau, như bộ môn cây có bon sai, phong lan, kiểng đại thụ; đá có đá mỹ nghệ, hóa thạch, lũa; trong bộ môn chim, ngoài chim cảnh, chim hót lại có cả gà kiểng, công, trĩ…
Tuy nhiên, theo xu hướng chơi SVC chung hiện nay, mỗi bộ môn có thể không còn đứng tách biệt riêng lẻ, mà người chơi thường phối hợp với nhau để tạo thành tiểu cảnh. Một tiểu cảnh có thể nói là một thắng cảnh thiên nhiên thu nhỏ, có đá tạo thành những thế núi đẹp, kỳ vĩ, có cỏ cây tạo thành cảnh vật, có những thác, suối nước và thậm chí có cả những kiến trúc điểm xuyết để khung cảnh thêm hoàn mỹ.
Nhưng dù là cây, đá, cá, chim hay “bốn môn phối hợp”, thì người chơi SVC phải đều là những người có máu mê, có tâm huyết, bởi nghề chơi này đòi hỏi phải dụng nhiều công phu, ngoài năng khiếu thẩm mỹ còn phải có tính kiên trì, nhẫn nại. Từ một phôi cây ban đầu, người chơi không chỉ phải biết tạo dáng cho cây thành những thế đẹp, “độc” theo cái gu của riêng mình, mà còn phải chăm chút nâng niu, kiên nhẫn uốn từng ngọn cây, và chuyện mất cả chục năm trời mới tạo được một cây bonsai đẹp là điều bình thường của người trong nghề. Với đá cũng vậy, phải say mê vẻ đẹp của từng đường vân đá, thế đá thì mới có thể trăm phương ngàn cách biến phiến đá vô tri thành tác phẩm nghệ thuật để mọi người có thể cảm nhận được vẻ đẹp. Hay với việc tưởng chừng đơn giản là luyện giọng hót cho chim thì phải “có nghề” mới huấn luyện được một chú chim có giọng hót tuyệt vời mà “không đụng hàng”. “Người có tiền có thể bỏ ra hàng chục triệu, trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để sở hữu một cây bon sai, phiến đá đẹp, nhưng họ sẽ không thể biết đến niềm đam mê, thú vui khi tạo tác sản phẩm, và càng không ai xem họ là nghệ nhân hay “người trong giới” - ông Sang giải thích.

“THÈM” SÂN CHƠI CHO NGƯỜI TRONG NGHỀ

Ông Huỳnh Phước Thành, một nghệ nhân bon sai có tiếng ở Biên Hòa kể, cách đây mấy năm, ông có một cây sam núi rất đẹp. Trong giới bon sai đồn đãi nhau về cây sam núi của ông, thế là có người đến “nghía” và đưa giá 400 triệu đồng. Ông Thành gật đầu, không ngờ cây sam núi vừa đẩy ra khỏi cổng đã được hét giá lên gấp đôi, sau cùng nghe nói đã về tay một đại gia với giá trên một tỷ đồng. “Nếu như mình có Hội, có sự trao đổi thông tin, giao lưu rộng rãi thì đã không bị ép giá tới vậy” - ông Thành tiếc rẻ.
Cũng theo ông Thành, ở Đồng Nai hiện có ông Châu Chí Hùng (chủ nhân An Phát quán ở Tân Vạn) là nghệ nhân có tiếng về đá. Nhiều lần dự Hội Hoa xuân ở công viên Tao Đàn (TP. Hồ Chí Minh) và các hội thi trong khu vực, các tiểu cảnh do ông Hùng thiết kế đều đoạt giải cao, nhưng đều lấy danh nghĩa cá nhân chứ không thể tự hào trưng thương hiệu Đồng Nai. Có lần “nóng mặt” với các tỉnh, thành khác quá, anh em bàn nhau treo “lụi” tấm biển Hội SVC Đồng Nai lên tác phẩm được giải của mình mà trong lòng “thèm” có được tổ chức riêng của giới mình, không phải lủi thủi chơi một mình hoặc “chơi ké” với hội của các tỉnh, thành bạn.

Ông Vũ Văn Sang cho biết, so với khu vực miền Nam thì Đồng Nai hiện rất mạnh về tiềm năng, nhân lực và thành tích trong ngành SVC. Nói về bon sai, người trong nghề không ai không biết đến các nghệ nhân: Trần Đình Thành (đã từng xuất bản tập sách giới thiệu về bon sai, đoạt giải thưởng Sách đẹp Việt Nam), Huỳnh Phước Thành... Về đá thì phải “ngả nón” trước nghệ nhân Châu Chí Hùng với vô số giải thưởng khu vực và quốc gia. Về chim thì các anh: Tiếng, Quang (Tân Mai), Nghĩa (Long Bình Tân)… lừng danh tại các hội thi chim hót khu vực phía Nam. Hay nhóm các anh: Hải, Phú, Mẫn thì nổi tiếng về gà kiểng, thường được mọi người tham vấn ý kiến qua trang web gatrevietnam.com. Còn về cá cảnh, vùng Tân Mai hiện là nguồn cung cấp rất lớn cho TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ. Thế nhưng, có một thiệt thòi là các bộ môn này từ trước đến nay hoạt động riêng lẻ, chưa có sự nối kết để tạo thành thương hiệu mạnh. Vì thế, sau nhiều nỗ lực, đến nay Hội SVC Đồng Nai đã được ra đời trong niềm kỳ vọng của người trong giới, với mong mỏi Hội sẽ tập hợp được những tiềm năng riêng lẻ trước đây trở thành sức mạnh chung đưa ngành SVC địa phương vươn lên, khẳng định đẳng cấp của mình trong cả nước.
Thanh Thúy
Báo Đồng Nai

Phát hiện xác ướp hơn 200 năm

đăng 08:44 18 thg 9, 2011 bởi Pham Hoai Nhan

(ĐN)- Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch đã tổ chức khai quật mộ cổ Cầu Xéo để giải phóng mặt bằng xây dựng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Đoàn khai quật do PGS.TS Phạm Đức Mạnh, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) và Nhà nghiên cứu mộ cổ Đỗ Đinh Truật phụ trách. Ngày 16-9, cuộc khai quật cơ bản hoàn thành với việc xử lý toàn bộ phần kiến trúc ngôi mộ và đưa quan tài, trong đó có xác ướp về bảo quản tại Bảo tàng tỉnh.

Mộ cổ Cầu Xéo ở tổ 23, khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành. Kết quả khai quật ban đầu cho thấy, mộ Cầu Xéo có kiến trúc khép kín, hình chữ nhật. Nếu tính cả phần tường bao, mộ có chiều dài khoảng 8,5 met, rộng cỡ 4,5 - 4,6 met.

Quan tài chứa xác ướp được khai quật.

Mộ được cấu tạo trong quan ngoài quách gồm: quách hợp chất bao quanh 6 mặt (cả phần đáy và nắp) dày khoảng 50cm; bên trong có quách bằng gỗ và trong cùng là quan tài với nắp hình bán nguyệt, bên trên có phủ vải với họa tiết hoa văn dây, lá và hoa cúc; khi mở nắp quan tài, phát hiện bên trong là khối xác ướp được bao bọc bằng vải và trên cùng phủ lá sen. Theo chuyên gia mộ cổ Đỗ Đinh Truật, sau khi thăm dò ở vị trí đầu xác ướp thì phần xác bên trong được bảo quản rất tốt.

Căn cứ những thông tin bên ngoài và phần xác ướp bên trong quan tài có thể khẳng định người trong quan tài là cụ bà, hoặc có thể là một mệnh phụ phu nhân gắn bó mật thiết với triều Nguyễn. Mộ cổ Cầu Xéo đặc biệt quan trọng vì ngoài kiến trúc nghệ thuật độc đáo, đây là lần đầu tiên khảo cổ học Đồng Nai phát hiện xác ướp với niên đại trên 200 năm, hứa hẹn lý giải nhiều vấn đề về tư liệu để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, thời khai phá vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Trong những ngày tới, Đoàn khảo cổ sẽ phối hợp với các chuyên gia thuộc Trường đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh để xử lý xác ướp và tiếp tục nghiên cứu những vấn đề bên trong quan tài.

Công bố quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành

đăng 06:46 12 thg 8, 2011 bởi Admin VINACOM Garden

(TNO) Sáng 12/08/11. Bộ GTVT và UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ công bố quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành.


Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng trên diện tích 5.000 ha (thuộc các xã Long Phước, Bàu Cạn, Long An, Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, huyện Long Thành, Đồng Nai).

Đây là cảng hàng không cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), với chức năng trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á, có khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không lớn trên thế giới, tiếp nhận được các máy bay A380 - 300 hoặc tương đương, công suất phục vụ 100 triệu hàng khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Theo đó, dự án được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 được thực hiện từ năm 2015 đến 2020 gồm hai đường hạ cất cánh, đường lăn, khu đậu máy bay, nhà ga hành khách có công suất 25 triệu lượt khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn/năm, khu điều hành khai thác, khu quản lý hoạt động bay, khu công nghiệp hàng không, khu phụ trợ… và sân đậu máy bay có 34 chỗ. Tổng mức đầu tư giai đoạn này hơn 6.744 triệu USD. 

Giai đoạn 2 (từ năm 2020 đến năm 2030) sẽ có ba đường cất hạ cánh, hai nhà ga công suất 50 triệu khách/năm, ga hàng hóa 1,5 triệu tấn/năm; khu công nghiệp hàng không và thành phố sân bay phát triển theo nhu cầu.

Giai đoạn 3 (từ năm 2030 đến năm 2035 và sau năm 2035) sẽ gồm bốn đường cất hạ cánh song song với mỗi đường dài 4.000m và rộng 60m, và bốn nhà ga tổng công suất 100 triệu khách/năm, ga hàng hóa công suất 5 triệu tấn/năm.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: Cảng hàng không quốc tế Long Thành có nhiều tuyến giao thông đường sắt, đường bộ kết nối là điều kiện thuận lợi để trở thành cảng trung chuyển hàng không lớn của cả nước. Bộ trưởng đề nghị các bên liên quan cùng hợp tác, nhanh chóng đưa dự án trở thành hiện thực.

Kim Cương
Thanh Niên Online 12/08/11

1-10 of 13