Đất lành chim đậu

Nơi đầu tiên gia đình tôi đến ở trên đất Biên Hòa là một căn nhà thuê trong khu dân cư cạnh nghĩa địa “Đất Thánh Tây” thuộc vùng Dốc Sỏi nổi tiếng “giang hồ” một thời với hoạt động gần như công khai của các tay anh chị, gái ăn sương, trẻ con trộm cắp...

Cha tôi kể lại rằng vào một ngày cuối năm 1955, khi ông vừa bước xuống ga xe lửa Biên Hòa, còn chưa biết sẽ hỏi thăm ai để tìm một căn nhà thuê trên địa phương hoàn toàn xa lạ này thì có một bà già bước đến gần ông. Chỉ nhìn vào cách ăn mặc, gương mặt và điếu thuốc rê trên môi bà già, cha tôi đã biết bà là người Nam bộ rặt. Bà tò mò nhìn cha tôi rồi bước tới gần hơn, ghé tai ông nói nhỏ:

- Chú ở nơi khác mới tới phải không? Chú phải coi chừng tụi nhỏ móc túi ở đây đó!

Cha tôi gật đầu khẽ đáp:

- Cảm ơn bà. Nhưng tôi chẳng có gì quý giá để mất đâu.

- Ủa! Chú người Bắc kỳ hả? Chú tới Biên Hòa làm chi vậy?

Cha tôi kể mục đích đi tìm nhà thuê. Bà già vui vẻ nói:

- Vậy là chú gặp hên rồi. Nhà tôi đang có một phòng trống. Chú ra ngồi chỗ đợi mua vé chờ tôi đi công chuyện chút xíu rồi tôi quay lại, dẫn chú về coi nhà. Nếu thấy ưng thì chú mướn, giá rẻ thôi. Còn không ưng thì tôi giới thiệu chỗ khác cho... Xóm tôi ở cách ga chừng non cây số thôi, thiếu gì nhà cho mướn.

 

***

 

Năm 1955, từ Đà Nẵng, tôi bị bệnh thương hàn nặng, cha tôi quyết định đưa cả gia đình vào tận Sài Gòn để chữa trị cho đứa con trai duy nhất của mình. Gia đình tôi gồm năm người. Ngoài cha mẹ tôi, có tôi là con trai, một cô em gái và một bà chị nuôi. Chúng tôi xin trọ bên chái nhà một người quen của cha tôi trong “Thành pháo thủ”, đường Lê Văn Duyệt hồi ấy. Khi bác sĩ “chê” và tôi đã lịm đi nhiều tiếng đồng hồ, cha tôi không muốn làm phiền người chủ nhà tốt bụng, đã nuốt nước mắt và gom tiền bạc đi đặt sẵn một cái hòm con để có mà dùng ngay khi trái tim nhỏ bé của tôi ngừng đập. Nhưng có lẽ thấy không đáng gì một sinh mạng bé bỏng như tôi nên tử thần đã tha cho mạng sống của tôi ngày ấy. Rất sớm ngày hôm sau, sau này cha tôi nhớ lại là vào khoảng 2, 3 giờ sáng gì đó, đột nhiên tôi đã mở bừng mắt ra, nhìn ông và cố lấy hơi để hỏi: “Đây là đâu?”. Cha tôi kể lại là lúc đó, cả cha mẹ tôi đều bật khóc thành tiếng. Gia đình người chủ nhà trọ tốt bụng cũng cùng chia sớt niềm vui, cả nhà đang ngủ đều gọi nhau thức dậy cùng gia đình tôi xúm quanh “thằng bé được tử thần tha mạng”, chờ trời sáng. Chưa hẳn bình mình, cha tôi đã gọi tắc xi chở tôi tới phòng mạch của người bác sĩ đang chữa trị cho con mình. Ngồi dựa trên nệm xe, tôi nhìn ra đường phố Sài Gòn buổi sớm đã tấp nập xe cộ lại qua, ồn ào bao tiếng động với ánh mắt ngỡ ngàng. Tôi nói với cha tôi: “Khi nào con khỏi bệnh, cậu nhớ cho con đi chơi Sài Gòn...”. Lúc ấy, đứa bé năm tuổi là tôi chưa thể hiểu được vì sao khi nghe tôi nói như thế, cha tôi lại bật khóc thành tiếng khiến người tài xế tắc xi ngạc nhiên đạp thắng dừng lại gấp, rồi anh ta quay đầu xuống hỏi cha tôi: “Chú bị sao vậy?”...

Gặp lại tôi trong vòng tay bồng ẵm của cha tôi vào giường khám, ông bác sĩ đã không giấu được vẻ ngạc nhiên. Lần ấy, ông khám cho tôi rất kỹ rồi nói với cha tôi: “Mừng ông đấy! Thằng nhỏ đã thoát qua cái đoạn thập tử nhất sinh rồi. Tôi sẽ cố hết sức điều trị cho nó”.

Ở Sài Gòn chừng hơn tháng, tạm yên tâm về sức khỏe của tôi, cha tôi mới tính chuyện lâu dài. Cảm thấy sức mình khó có thể bon chen làm ăn ở đất Sài Gòn đông đúc và náo nhiệt, cha tôi hỏi ý kiến nhiều người quen biết rồi ông chọn đưa gia đình về Biên Hòa vì vốn liếng chỉ đủ để tìm công ăn việc làm, sinh sống ở một tỉnh lẻ như Biên Hòa ngày ấy. Tôi cũng chỉ mới qua cơn nguy cấp chứ vẫn chưa khỏi hẳn bệnh, nơi lập nghiệp của gia đình phải gần Sài Gòn để tiện việc đi lại thuốc thang.

Mấy tháng đầu sống trong căn phòng trọ ở cạnh khu nghĩa địa “Đất Thánh Tây” của bà già mà cha tôi tình cờ gặp ở ga xe lửa Biên Hòa, cha mẹ tôi chỉ tập trung vào việc chăm lo cho tôi dưỡng bệnh, chưa nghĩ gì đến chuyện làm ăn. Mỗi tuần, tôi vẫn được cha tôi bao xe lên Sài Gòn một lần để được khám tổng quát rồi lấy toa mua thuốc về uống. Cha tôi đặc biệt tuân thủ lời dặn của bác sĩ, cho tôi uống thuốc rất đúng loại, đúng giờ, đúng cách. Riêng chuyện ăn cơm của tôi mới thật công phu. Tôi phải tập ăn đến nửa năm, dạ dày mới có thể chấp nhận được cơm. Đầu tiên, tôi được cho ăn cháo loãng. Ít ngày sau, chuyển qua ăn cháo đặc hơn, cha tôi phải theo dõi thân nhiệt của con, nếu tăng cao thì lập tức cho ăn trở lại cháo loãng. Ăn được cháo đặc rồi, tôi lại phải tập ăn cháo đặc hơn cũng tương tự như thế, rồi đến tập ăn cơm nhão và cuối cùng mới ăn cơm được như những đứa trẻ bình thường khác.

Những người lớn giải thích cho tôi biết rằng Đất Thánh là nơi chôn cất của người có đạo Công giáo về với cõi Chúa. Còn Đất Thánh Tây là tên gọi của khu nghĩa địa có chôn cất một số người lính Tây, nằm ven Thành Kèn. Ở gần khu nghĩa địa dù chỉ có mấy tháng, nhưng cho đến tận ngày nay trong tôi vẫn còn lưu giữ mồn một tiếng dế rích, tiếng ếch nhái gọi nhau trong đêm. Đó là những âm thanh nông thôn đầu tiên trong đời tôi được nghe, được đắm chìm vào, như một lời ru thiên nhiên giúp tôi có những giấc ngủ không mộng mị. Và hình ảnh bà chủ nhà, một bà già người miền Nam tóc búi tó, miệng móm mém lúc nào cũng thấy nhai trầu, thân hình thì ốm yếu. Mỗi khi qua thăm tôi, bà sờ tay vào trán tôi thăm nhiệt, rồi gật gật đầu nói: “Thằng nhỏ này, mày ráng mà sống cho khỏe, mai mốt lớn lên lo làm ăn nuôi ba má trả ơn dưỡng dục nghen con! Tao thấy ba má mày cực vì mày quá sức!”. Cùng với hình ảnh của bà già hiền hậu yếu đuối được mọi người gọi là “Má Hai” ấy là hình ảnh của mấy người đàn ông và thanh niên lực lưỡng, mặt mày bậm trợn, trên cánh tay, bả vai hoặc sau lưng, trước ngực có xâm chàm đủ loại hình ảnh con cọp, con rồng, chim ó, dao găm, súng lục, cô gái, trái tim có mũi tên xuyên ngang... và các chữ đại loại như: “Hận đời đen bạc”, “Trái tim nhỏ máu”, “Thù tình phải trả”... Có điều, khi tạt qua thăm tôi, những con người dữ dằn ấy cũng nói năng hiền khô như “Má Hai”. Có anh gọi tôi là
”thằng nhỏ”, có anh gọi “chu nhóc”… nghe đều rất thân mật. Có lần, một anh có gương mặt bầu bĩnh, trên cằm có nốt tuồi lớn bằng hạt đậu và sợi râu dài loăn xoăn, đôi mắt ốc nhồi vừa đen vừa sáng, cổ đeo sợi dây chuyền vàng thật lớn, không biết ở đâu đến thăm “Má Hai” rồi tạt qua thăm tôi. Tôi nghe “Má Hai” gọi anh là “thằng Út”. Anh cho tôi hộp sữa, ngồi nhìn tôi hồi lâu rồi không hiểu sao nước mắt anh lăn dài trên gương mặt bầu bĩnh. Anh chẳng thèm quệt nước mắt, cứ để thế mà nói với tôi: “Mai mốt phải lo học hành tử tế, đừng có đi giang hồ như tụi tao, cực nhục lắm nghe chưa nhóc con!”.

Ở đây, tôi còn được biết thế nào là “ma trơi” khi đêm về, những đốm sáng nhỏ như lửa cháy xuất hiện, chập chờn phía những ngôi mả. Chính một anh “bậm trợn” nói với tôi: “Ma quỷ khỉ gì! Khí lân tinh ở xương người chết bốc lên thành lửa đó mà!”. Tôi nghe vậy thì biết vậy... Vì đối với tôi ngày ấy, những anh “bậm trợn” còn đáng sợ hơn “ma quỷ” nhiều lần. Tôi nghĩ thế vì trước nhà "Má Hai" có một căn nhà vách gỗ, mái lá khá rộng cất biệt lập sau một hàng rào bằng dâm bụt, trong nhà có mấy chị tuổi đôi mươi ở, khách ra vào toàn là đàn ông lạ và thỉnh thoảng tôi lại nghe hai anh "bậm trợn" ở bên ấy la hét, đánh đập một chị nào đó. Một lần duy nhất, trong khi tôi đang nằm lim dim ngủ thì bên ấy có chuyện. Tôi nghe có tiếng ly tách bị ném vỡ rồi tiếng chân người rượt đuổi nhau. Một chị chạy tạt vào phòng tôi, vẻ mặt hốt hoảng, một tay bịt chặt vết thương trên đầu đang rỉ máu. Một anh "bậm trợn" đuổi theo, chỉ tay vào mặt chị kia quát hỏi: "Mày có về không thì biểu? Hay mày muốn tối nay tao quăng xác mày ra nghĩa địa?". Sau đó, vừa nắm một cánh tay chị kia lôi về, anh "bậm trợn" vừa quay lại "cười hiền" và nói với tôi:

- Nè thằng nhóc, hổng có chuyện gì đâu. Tụi anh giỡn chơi một chút đó mà! Ngủ đi cho khỏe nghen nhóc!

 

***

 

Gia đình tôi còn dọn nhà một lần ra gần Ngã ba Thành Kèn. Căn nhà mà cha mẹ tôi mua nằm đối diện với Sở Y tế bây giờ, hồi ấy còn là một bãi đất trống, rộng, phía trong có mấy cây cổ thụ mà bọn trẻ con chúng tôi đồn với nhau là trong bọng cây nào cũng có ma mặc áo trắng, để tóc xõa và chân đi không chấm đất! Phía đối diện nhà tôi cũng còn một bức tường Thành Kèn xây bằng đá ong, một loại đá đặc biệt ở vùng này vốn là đất sét dưới sâu bị oxy hóa khi được đưa lên mặt đất tạo thành những cái lỗ như tổ ong. Cha mẹ tôi bày ra một quầy tạp hóa phía trước nhà để mưu sinh. Nhưng xem ra việc buôn bán ế ẩm lắm. Tôi kết bạn với mấy đứa trẻ trong xóm, qua lại nhà nhau chơi những trò chơi nhẹ nhàng như đánh ô quan, bịt mắt bắt dê, lò cò… mà tôi thường bị thua cả bọn.

Sức khỏe của tôi có vẻ khá hơn. Tôi được gửi đi học chữ ở "trường học" trong chùa Hưng Bình Tự cách nhà non cây số. Sáng sớm tất cả học trò phải ra sân tập thể dục, ngay buổi thứ nhì tôi đã trốn vì với sức khỏe kém cỏi của mình tôi không thể nào theo kịp các bạn, xem ra đều lớn tuổi hơn tôi. Hôm trước, sau những cố gắng hết mình, tôi đã không thở nổi mà còn bị một chú tiểu cho là "giả bộ". Tôi bị phạt quỳ trước hiên chánh điện thờ Phật, hai lòng bàn tay ngửa lên trời, giữ hai hòn gạch thẻ. Được chừng hai phút, hai cánh tay tôi bắt đầu run lên. Trái tim tôi cũng đập những nhịp nhanh hơn, dồn dập hơn. Cuối cùng, tôi phải bỏ cả hai hòn gạch xuống nền gạch bông chánh điện rồi chống tay loạng choạng đứng dậy. Chú tiểu đang quét sân gần đó trông thấy, kêu lên: "Nè, thằng nhỏ kia!", rồi bắt tôi phải quỳ trở lại. Tôi không còn biết sợ hãi là gì, một tay tôi với lấy cặp táp, mắt tôi như trợn lên và miệng thì hét to:

- Không thèm học ở đây nữa!

Rồi tôi bỏ chạy ra phía cổng, thất thểu leo dốc Ngã ba Thành Kèn về nhà. Vì chuyện này mà cha tôi phải đến nhà chùa xin lỗi, đồng thời cũng giải thích cho các nhà sư hiểu về tình trạng sức khỏe của tôi vốn không phù hợp với việc nặng. Hôm sau, ông bảo tôi cứ đi học vì nhà chùa đã đồng ý miễn cho tôi khỏi tập thể dục sáng. Nhưng tôi nhất định ở nhà. Dỗ dành thế nào tôi cũng không bước ra khỏi cửa, cha mẹ tôi đành chịu thua. Sau này, tôi nghe mẹ tôi kể là hồi gia đình tôi còn ở Đà Nẵng, tôi cũng từng được gửi "thọ giáo" một bà giáo già. Không hiểu tôi lười tập viết sao đó mà bà giáo dọa sẽ “lấy kìm bẻ răng”. Thế là tôi nhất quyết không đi học với bà giáo nữa. Mẹ tôi hay mắng con - mà tôi không hiểu là bà mắng yêu hay mắng thật: "Thằng này lớn lên bướng bỉnh lắm đây. Mà như thế thì chỉ khổ thân thôi con ạ".

Ở khu Ngã ba Thành Kèn không lâu, cha mẹ tôi tìm thuê được một thửa đất ruộng bên quốc lộ 1, cách trung tâm tỉnh chừng ba cây số với ý định lập nghiệp lâu dài tại đây. Trong khi gia đình vẫn ở Ngã ba Thành Kèn, một mình cha tôi đến đây mua chục xe đất đổ nền, rồi thuê thợ cất ba gian nhà ngói, vách gỗ ghép, nền láng xi măng. Xong xuôi, gia đình tôi mới dọn đến ở. Có lần, cha tôi kể cho tôi nghe chuyện ở quê ông. Chuyện rằng ngày trước khi ông nội tôi được cho ra ở riêng thì đất thổ cư của gia đình đã hết, ông phải nhận một phần đất ruộng. Vì thế, để có thể cất nhà, ông đã phải đào ao lấy đất vượt mặt ruộng làm nền. Cha tôi nói, bây giờ đến đời ông cũng phải vượt mặt ruộng làm nhà y hệt thế. Ông mong sao đến lượt tôi sự việc ấy không phải lập lại. Thực tế đã diễn ra đúng như điều mong ước của cha tôi. Chính trên mảnh đất này từ giữa năm 1956 cho đến nay, gần năm mươi năm qua đi, tôi đã lớn lên, đi học và làm việc.

Hồi ấy quốc lộ 1 ngang nhà tôi là con đường chính để đi từ Sài Gòn thẳng ra miền Trung hay đến Dầu Giây rẽ trái lên Đà Lạt. Để lấy bóng mát sân trước, cha tôi trồng một giàn dưa tây. Vào mỗi đợt dưa tây ra hoa, những cái đài hoa nở lớn như hình bông sen úp ngược, bên trong có mấy tua nhụy đực bao quanh bầu nhị cái. Cha tôi thụ phấn nhân tạo cho cả giàn dưa, trái dưa tây phát triển và lớn lên đợt nào cũng có vài chục, nhìn rất thích mắt. Dưa tây chín lấy phần thịt và cả ruột lẫn hột dằm đường cát trắng và nước đá ăn vừa ngọt, vừa chua, là một món giải khát hấp dẫn. Du khách đi Đà Lạt về, ngang nhà tôi, thấy giàn dưa tây lúc lỉu trái, nhiều xe hiếu kỳ dừng lại, hỏi mua dăm ba trái về làm quà. Lúc đầu thì chỉ là tình cờ, sau đó, cha tôi chăm chút giàn dưa tây hơn, xem đấy như một phần thu nhập cho gia đình. Quốc lộ 1 khi ấy còn hẹp, chỉ vừa hai chiếc xe ngược chiều và thêm chỗ cho một chiếc thứ ba lách tránh, vì vậy khi có xe chở du khách từ Đà Lạt về dừng lại mua dưa tây nhà tôi, đoạn đường này chật chội hẳn đi. Nhưng tôi lại rất thích cái hình ảnh xe đậu nối đuôi nhau hai ba chiếc, khách thì người vào mua dưa, người đi lại bên đường, rồi tiếng còi xe của những chiếc xe chạy đường trường inh ỏi. Cả một đoạn đường ngoại ô thành phố trở thành một xóm nông thôn.

Về chuyện học hành của tôi, do vẫn phải dưỡng bệnh, không ngày nào không phải uống thuốc, lại sợ tái diễn việc bà giáo già ở Đà Nẵng hay việc tập thể dục sáng ở Hưng Bình Tự, cha tôi quyết định không cho tôi đến trường học nữa. Hồi ấy trẻ con ở miền Nam không bắt buộc phải đi học từ lớp đầu cấp mà có thể ghi tên vào một trường tư, học bất cứ lớp nào vừa sức mình của bậc tiểu học. Cha tôi mua một bộ bài có 24 chữ cái về dạy tôi đánh vần rồi ghép chữ. Ông cũng dạy tôi làm bốn phép toán cộng, trừ, nhân, chia. Tôi được học chữ, học bốn phép toán như thế, như một trò chơi. Khi tôi lên tám tuổi, phía trước nhà tôi có một "cô giáo" tuổi chỉ khoảng mười sáu, mười bảy, không biết ở đâu dọn đến thuê nhà để ở, vừa đi học trung học trên tỉnh, vừa mở lớp dạy học trò tiểu học. Cha tôi cho tôi qua bên kia đường đi học ở cái lớp đủ thứ lớp ấy!

Cô Thư - tên "cô giáo" là Thư - đã được cha tôi cho biết về tình trạng sức khỏe và nhất là cái tính "bướng" của tôi, nên đã dạy tôi học với những lời lẽ hết sức ngọt ngào và có lẽ còn có cả sự nín nhịn. Đi học cô Thư, tôi không học theo một lớp nào nhất định. Về trình độ đọc chữ, tôi đã đọc thông được cả chữ trong sách, chữ trên báo. Nhưng viết chữ thì tôi phải ngồi chung với bọn lớp Năm (Lớp Một bây giờ). Làm toán thì bốn phép tính cộng trừ nhân chia và bảng cửu chương với tôi là "đồ bỏ", bởi vì tôi đã biết giải những bài toán đố! Tôi còn làm tính nhẩm rất nhanh. Vì thế cô Thư cho tôi học toán chung với bọn lớp Nhì (lớp Bốn bây giờ).

Ngày ấy phía nhà tôi còn là một khu ruộng lúa của một tư nhân.  Còn phía bên kia đường, nơi cô Thư thuê nhà ở và dạy học, là đất trồng cao su được nhà cầm quyền phá bỏ để làm nhà ở cho một nhóm dân di cư. Khu ruộng lúa khá rộng và tính từ một phía đầu ruộng thì căn nhà của gia đình tôi nằm vào quãng thứ năm, thứ sáu, cuối cùng. Nghĩa là phía sau và phía trái nhà tôi vẫn là ruộng lúa. Đêm đêm, tôi nằm ngủ trong nhà còn nghe tiếng ếch nhái, tiếng dế rả rích, thỉnh thoảng cả nhà lại phải một phen hoảng hồn khi phát hiện một con rắn nước từ ngoài ruộng bò vào sân sau hoặc vui mừng bắt được một chú rùa con đi lạc, một con cào cào to bằng ngón tay hoặc con bướm cánh nâu chấm đen to bằng cái quạt giấy ở đâu bay lạc đến... Rắn, cha tôi đập đầu cho chết hẳn rồi giao cho mẹ tôi làm món chả rắn, ăn rất ngon. Nhưng rùa thì ông không cho làm thịt mà thả đi vì theo ông, rùa là con vật thiêng, biết “quy y” đạo Phật!

Ở bên kia đường, mấy cây cao su còn lại đến mùa, trái nổ rơi xuống đất những cái hột nhỏ bằng đầu ngón tay có màu nâu nền và những đường vằn trắng cứ như ai đó vẽ vào! Bọn trẻ con chúng tôi rất thích nhặt hột cao su để chơi. Chúng tôi khoét hai cái lỗ trên và dưới chiều đứng hột rồi lòn vào một cái que, phía trên là cái chong chóng giấy; lại khoét thêm một cái lỗ ngang hông để lấy ra một đầu dây cột sẵn vào cái que thân chong chóng trong hột. Dĩ nhiên là trước đó, phần ruột hột đã được moi bỏ đi rồi. Một tay cầm hột cao su, tay kia cầm đầu dây, chúng tôi kéo mạnh cho chong chóng quay rồi buông tay, sợi dây được tự động kéo vào để tiếp tục một vòng quay sau. Món đồ chơi tự tạo ấy xem có vẻ dễ làm nhưng không phải đứa nào cũng “sản xuất” được, nhưng chơi nó cũng mau chán. Một thằng bạn tôi không nhặt hột cao su để làm đồ chơi như thế mà nó rất siêng nhặt cất để dành, được một hai ký lô thì đem bán cho người ta "nấu xà bông" - Nó giải thích. Với cái hột cao su ấy, chúng tôi còn dùng để "chữa bệnh". Ấy là khi bị con côn trùng nào đó đốt, chích sưng, ngứa trên tay chân, chúng tôi lấy hột cao su chà mạnh vào ống quần, tay áo một lúc rồi áp mạnh vào chỗ đau. Chỉ vài lần là sức nóng của hột cao su làm giảm hẳn cơn đau ngứa! Ở bên đường khi ấy cũng có một cây bông gòn mà khi trái gòn già, vỏ trái nứt ra, bông gòn trong trái theo gió bay đi khắp nơi trong xóm. Có người xin hái trái gòn về lấy bông nhồi được cả mấy cái gối! Trong vùng cũng có nhiều cây bông gòn khác mà sau này người ta chặt hạ dần, đến nay chỉ còn sót lại vài ba cây, trong đó có một cây ở phía bên kia suối Mương Sao, quốc lộ 15.

Đi học "trường cô Thư", tôi không mặc quần ngắn như đám con trai mà phải mặc bộ pygiama màu trắng. Nước da trắng xanh bệnh hoạn của tôi cũng rất hợp với bộ quần áo này và vì thế, tôi bị tách ra khỏi đám con trai. Có điều tôi cũng rất ghét đám con gái vì trong số ấy có một con bé tên là Cầu mà mỗi khi xem bài tập viết của tôi cô Thư thường nói: "Em phải cố gắng tập viết đẹp như bé Cầu". Tôi thầm nghĩ: "Việc gì tôi phải cố gắng bằng con bé Cầu ấy chứ?". Giờ ra chơi, tôi không ra sân mà cứ ngồi trong lớp, khi thì giải trí bằng cách tự đặt cho mình một bài toán nhân, chia gì đó rồi ngồi làm; khi thì đánh ca rô một mình, tay phải đánh với tay trái; đôi khi tôi cũng "lén"... tập viết! (Và nghĩ là mình tập viết không phải vì để... bằng con bé Cầu!).

Đi học như thế được chừng ba tháng thì tôi bắt đầu... chán vì phải "ngồi" mấy lớp khác nhau. Có lẽ cô Thư cũng nhận ra điều ấy nên một hôm, cô đã qua bên này đường thưa chuyện với cha tôi rằng để có lợi cho việc học của tôi, cô sẽ giới thiệu tôi vào học trường tư thục Khiết Tâm trên tỉnh lỵ Biên Hòa để tôi được đi học chính thức. Cha tôi còn ngần ngừ vì sợ tôi phải đi xa thì tôi đã hăng hái xin đi. Cha tôi đâu biết đứa trẻ sáu tuổi là tôi ngày ấy trong lòng háo hức biết bao với một lớp học và những đứa bạn mới trên tỉnh!

 

***

Khu nhà tôi ở hồi ấy là một vùng ngoại ô cách khu trung tâm tỉnh lỵ hơn hai cây số, người nội ô đi hết dốc Kỷ Niệm đã thấy đường sá vắng vẻ, nói chi phải đi thêm hơn cây số nữa, lại qua một khu nghĩa trang, khu Đài Kỷ Niệm, khu Vườn Mít còn vắng vẻ hơn… Sự có mặt của những gia đình người Bắc di cư cũng chỉ làm cho khu vực này bớt hoang vắng đôi chút. Những căn nhà lợp ngói như của gia đình tôi đã hiếm và chỉ có ở phía bên này đường, nhà lợp tôn cũng chẳng nhiều nhặn gì mà đa số là nhà lợp lá, vách gỗ ván ghép hoặc vách đất trộn rơm! Nắm được nhu cầu ấy, cha tôi mở tiệm buôn bán lá lợp nhà, cây cừ, tre, lá buông...

Hàng hóa có hai nguồn cung cấp. Tre và lá buông thì từ miệt Long Khánh chở xuống. Những tấm lá buông được kết lại cao khoảng hai mét thường dùng để quây vách, chiều dài nhiều cỡ nhưng đều được gấp hoặc cuộn lại còn khoảng ba, bốn tấc vừa dễ vận chuyển mà lưu kho cũng gọn. Tôi nghe một người bạn hàng kể với cha tôi rằng ở vùng Long Khánh giáp với Bình Thuận có cả một rừng cây buông. Đây là một loại cây giống như cây cọ, khi già mới trổ bông một lần rồi chết. Lá của loại  cây này được dân địa phương chặt xuống, đem phơi vài nắng đến khô thì từ màu xanh ngả qua màu vàng nhạt. Những người khai thác lá gọi tên là “lá buôn” với “buôn” mang ý nghĩa là “buôn bán”. Do giọng đọc Nam bộ “buôn” nghe giống như “buông” nên lâu ngày, người ta ghi chép trên sách báo là “lá buông” rồi cứ giữ luôn như thế. Để giữ lá buông khỏi ẩm mốc, nhất là vào mùa mưa, người ta xông hóa chất bảo quản nên trong kho chứa lá buông bao giờ cũng có mùi khó chịu mà phải mấy tháng sau, cả nhà tôi mới “quen” được.

Lá lợp nhà và cây cừ thì cha tôi là “mối” của một vựa lá ở vùng Khánh Hội, Sài Gòn. Mỗi tuần, họ cho xe tải nhỏ chở hàng về tỉnh Biên Hòa, phân phối cho các tiệm “mối”, trong đó có nhà tôi. Tôi còn nhớ như in hình ảnh những anh chị công nhân người nào cũng khoác thêm chiếc áo thứ nhì, tay đeo găng, chân đi giầy ống màu đen đứng thành hàng dài, nữ đội nón lá, nam đội mũ rộng vành, chuyền tay nhau từng tệp lá kết bằng lá dừa nước đã khô có màu nâu nhạt, chiều dài hơn một mét, từ xe vào đến kho hàng nhà tôi. Cha hoặc mẹ tôi đứng cùng một người áp tải đếm: “Năm, mười, mười lăm, hai mươi...” từng xấp năm lá một, lần lượt được xếp cứ vài ba xấp lại trở đầu để chồng lá ngay ngắn, không bị đổ. Họ làm việc xong, giành nhau uống nước trà đá mẹ tôi pha sẵn, thỉnh thoảng còn được chiêu đãi mỗi người vài múi cam hoặc quý hơn là vài múi bưởi chính gốc Biên Hòa. Có lần, tôi được cha tôi dẫn theo lên vựa lá ở Khánh Hội, được đi đò mà người đưa đò chẳng cần chèo, chỉ dùng một cây sào tre dài chống xuống đáy rạch đẩy thuyền đi tới. Không khí sinh hoạt ở vựa lá còn sôi nổi gấp bội cảnh giao nhận hàng ở nhà tôi. Người ta chuyển hàng từ dưới thuyền lớn lên bờ, không chỉ có lá dừa nước đã kết thành miếng để lợp nhà, mà còn có cả những cây tràm thân mốc thếch, những cây tre đủ kích cỡ dài, ngắn, lớn, nhỏ... Xe tải nhỏ hai ba chiếc phải xếp hàng chờ đến lượt “gie” đuôi vào vựa “ăn hàng”. Vậy mà vẫn có một đám mấy người ngồi đánh bài, có những người khác xúm quanh bàn nhậu...

Khu ngoại ô gia đình tôi ở được gọi tên là Phúc Hải, thay cho cái tên tạm gọi trước đó là Nhà Dù. Theo lời kể của cha tôi thì một năm trước khi chính quyền cho chặt khu rừng cao su phía đối diện nhà tôi để phân chia cho dân di cư làm nhà ở thì họ đã cho làm những căn nhà bằng dù lớn căng lên ở phía khu đất trống cạnh doanh trại quân đội để bà con ngụ tạm. Vì vậy trong một thời gian ngắn, khu vực này được gọi là "khu nhà dù" (Ngày nay rất ít người còn biết đến cái tên gọi Khu Nhà dù ấy). Dân di cư được phân bố ở đan xen. Phía bắc quốc lộ 1, kế bên doanh trại quân đội là một khu dân cư tự do, phần lớn gia đình theo đạo Phật từ các nơi đến thuê đất ruộng, vượt nền cao làm nhà như gia đình tôi. Ở khu dân cư này, một ông cư sĩ tên là Cao đã dựng lên một ngôi chùa Phật giáo nhỏ ở cách mặt đường nhựa hơn trăm mét để bà con theo đạo Phật có chỗ cúng bái, thờ tự (Những năm sau này bà con đã mời nhiều nhà sư lần lượt về trụ trì và nhiều lần chùa được sửa sang, xây dựng, nay đã thành một ngôi chùa khang trang là chùa Đức Quang). Hết khu ruộng là vùng đất cao hơn có đường dẫn vào một khu gia binh dành cho gia đình lính sư đoàn 4 thời ấy, kế đó là khu dân cư công giáo, chính là bà con giáo xứ Phúc Hải ngày nay. Bà con một giáo xứ khác là Tân Hải (nay là giáo xứ Thuận Hòa) ở liền cạnh đó, cách một con đường nhỏ mà bà con quen gọi là "đường đất đỏ", kéo dài đến Cầu Đúc (Cầu Tân Hiệp bây giờ), còn phía bên kia suối Máu là khu Bàu Hang, khu dân cư của bà con người gốc Biên Hòa. Ở bên kia đường, phía nam quốc lộ 1, dân cư cũng ở đan xen. Ngoài mặt đường còn có những người dân tự do mua lại đất nền của dân di cư công giáo được cấp, còn phía trong cho đến đường rầy xe lửa, toàn là gia đình công giáo sống bằng nghề trồng rau xanh. Vì thế khu này một thời đã có tên là "Khu Vườn rau" mà bây giờ là khu giáo xứ Bình Hải. Bên kia đường rầy ra đến quốc lộ 15, bà con người Nam bộ quần tụ sinh sống và được gọi là "Khu Làng Nam". Có một con đường tắt đi từ quốc lộ 1 qua quốc lộ 15, gần đầu đường lộ 1 có ngôi chùa của phái Phật giáo Tứ Ân gốc từ một tỉnh miền Tây, trong sân có đặt tượng một con ngựa nên bà con quen gọi là "Chùa con ngựa"; còn gần đầu đường lộ 15 thì có đình thờ anh hùng chống Pháp Trương Công Định.

Dù thế nào thì lâu dần, những người xa lạ, là người Nam, người Bắc, theo đạo Công giáo, Phật giáo hay trong nhà chỉ thờ tổ tiên... cũng đã như ông cha ta xưa, "bán anh em xa mua láng giềng gần", trở thành hàng xóm, ngày một thân thiện nhau hơn. Cha tôi được xem như một người có uy tín của khối bà con Phật giáo, được cha Khanh, cha xứ Phúc Hải ngày ấy rất quý trọng, thường mời vào nhà thờ dự tiệc (Và tôi cũng được cha xứ rất cưng, thường gửi cho khi thì trái táo, lúc là chùm nho..., hoặc cho người dẫn vào sân nhà thờ xem chiếu phim, thường là phim cao bồi Mỹ vừa cưỡi ngựa, vừa bắn súng). Cha tôi cũng được Hội Đình thờ danh nhân Trương Công Định ở khu Làng Nam mời vào Hội đồng hương chức. Chưa hết, ông còn cùng với hai người khác mà tôi thường gọi một người là "cụ Niệm", người kia là ông "Hội Ngữ", vận động bà con thành lập một Hội “tập thiện” và xây dựng ngôi đền thờ Trần Hưng Đạo ở phía đối diện, chếch với cổng chính doanh trại quân đội ngày ấy. Chính tại Đền thờ Đức Thánh Trần này, cha mẹ tôi đã "bán" tôi cho Thánh đến năm 12 tuổi mới làm lễ chuộc về. Mẹ tôi giải thích mỗi lần đưa tôi lên Đền dự lễ chính vào ngày Hai mươi tháng Tám âm lịch hằng năm: "Vì con bệnh hoạn khó nuôi nên phải bán cho Thánh để ma quỷ nó không dám quấy nhiễu, bắt đi. Trước khi đủ mười hai tuổi, con vừa là con của cậu mợ vừa là con nuôi của Thánh. Vì vậy con phải đi lễ Thánh thành kính, biết chưa?". Tôi không hiểu lắm, chỉ biết là đi lễ Thánh, tôi thấy mọi người ai cũng trang trọng, ít nói hoặc chỉ nói lầm rầm và như đang lạc vào một thế giới nào khác! Tôi luôn ngồi bên cạnh mẹ tôi, không rời nửa bước vì nỗi sợ bao giờ cũng xuất hiện trong tôi ngay từ khi bước đến cửa Đền, nhìn thấy tượng hai ông Thiện, Ác đặt ở hai bên. Thế nhưng khi đến "truờng cô Thư" hoặc những lúc chơi đùa cùng chúng bạn, tôi lại rất hãnh diện với chúng nó vì mình là "con nuôi của Đức Thánh Trần"! Đền thờ Đức Thánh Trần có ban Tế lễ mà vào thời gian đầu, khi “cụ Niệm” còn sống thì ông là chủ tế. Sau này, “cụ Niệm” mất đi thì đến lượt cha tôi chủ tế. Ông may áo dài khăn đóng màu xanh dương có thêu hoa văn, trước buổi tế Thánh vào hai mươi tháng tám, bao giờ ông cũng tắm gội, chay tịnh cả tuần, đồng thời ôn tập vòng tay, bước chân theo đúng bài bản tế lễ. Có mấy lần tôi đến Đền Đức Thánh Trần xem tế. Ban hội tế ai cũng nghiêm nghị, bước từng bước theo tiếng hô, ánh mắt và nét mặt trang trọng giữa vòng người đứng xem. Lễ hội diễn ra trong một khoảng không gian nhỏ, khói hương nghi ngút và gần như tuyệt đối im lặng khiến đứa trẻ “con nuôi” như tôi dù chưa hiểu biết nhiều và kể cả chưa có niềm tin gì, cũng phải nghĩ ngợi về sự tôn kính của người đời sau dành cho vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo…

***

 

Tên chiếc cầu ấy ngày nay là cầu Tân Hiệp, nhưng những người sống kỳ cựu trong khu Phúc Hải như tôi vẫn quen gọi là Cầu Đúc. Có lẽ đầu tiên hai chữ "cầu đúc" được dùng để gọi chiếc cầu căn cứ vào phương thức xây dựng cầu để phân biệt với các loại cầu sắt, cầu cây; lâu dần đã trở thành tên riêng "Cầu Đúc". Đó là một chiếc cầu bê tông ngang qua đường chảy xuyên quốc lộ 1 của con suối Máu để đổ nước tiếp tục ra sông Đồng Nai cách đó vài cây số đường chim bay. Cầu Đúc ngày xưa chỉ ngắn hơn chục thước, chiều ngang cầu cũng không rộng rãi gì, vừa bằng chiều ngang quốc lộ với hai làn xe hơi, hai thành cầu chỉ cao chừng non thước. Sau này, người ta có sửa sang thì cũng chỉ là trải thêm những lớp nhựa đường trên mặt cầu. Mãi gần đây, chiếc cầu mới được mở rộng để phù hợp với việc mở rộng quốc lộ 1 từ mười mấy mét lên hơn hai mươi mét.

Nhà tôi ở cách Cầu Đúc non một cây số, ngược về phía nội ô Biên Hòa. Phía bên kia Cầu Đúc còn có hai địa danh nổi tiếng cả nước xưa nay: Nhà thương điên Biên Hòa và trại giam Tân Hiệp. Đó cũng là hai nơi gắn với đời tôi bằng nhiều kỷ niệm khó quên.

Ngày ấy, con suối chảy dưới chân Cầu Đúc vào mùa nắng, nước thường cạn đến đôi khi khô kiệt, lộ ra những lườn cát óng ánh ánh mặt trời. Khi mới dọn đến ở khu Phúc Hải, tôi còn là một đứa trẻ lên sáu, thường có những buổi chiều lén trốn nhà theo chúng bạn lên phía Cầu Đúc, xuống lội suối và nghịch cát. Chúng tôi có thể đi bộ dọc theo lòng suối từ đó qua địa phận khu “Làng Nam” rồi đến tận cầu Mương Sao bên quốc lộ 15 mới quay về. Cái thú của chúng tôi là từ dưới lòng suối thấp, chúng tôi nhìn ngược lên hai bên bờ, có nơi là vườn tược, có nơi là ruộng đồng, có nơi là phía sau nhà dân mà nếu có điều kiện, chúng tôi sẵn sàng thót lên bờ hái trộm một thứ trái cây nào đó, hoặc dầm ruộng bắt cá lòng tong về nuôi...

Buổi chiều một ngày đầu tháng 12 năm 1956, đang ngồi chờ cơm, tôi nghe có tiếng súng nổ phía Cầu Đúc. Một lúc sau thì lại nghe người lớn kháo nhau: "Tù vượt ngục ở Trung tâm Cải huấn, họ chạy được nhiều lắm nhưng cũng có nhiều người bị bắn chết...". Đứa trẻ sáu tuổi như tôi ngày ấy không thể biết gì về chuyện người lớn, chỉ biết "tù vượt ngục" và "có nhiều người bị bắn chết" nghe ra đầy hấp dẫn và gợi sự tò mò. Sáng hôm sau, vừa ra cổng tôi đã thấy mấy đứa bạn thập thò rủ đi xem "người chết". Chúng tôi mau chóng đến Cầu Đúc và thấy ở phía bên kia cầu đã có nhiều người lớn đứng lố nhố, hướng mắt về khoảng đất trống của sân banh bên đường đối diện cổng Trung tâm Cải huấn Tân Hiệp. Tôi chen lấn tìm một chỗ để xem. Trên khoảng đất sân banh ấy, nhiều xác người nằm đó đang được lính tráng xếp lại thành hàng. Tôi đoán đó là "tù". Một lát thì lại nghe người lớn nói chuyện với nhau "họ là tù chính trị", "họ là Việt Minh" nhưng tôi không hiểu gì cả.

(Có hai điều tôi hoàn toàn không ngờ là:

Một, khi tốt nghiệp dược sĩ, tôi mở nhà thuốc tây và trong một thời gian đã cung cấp thuốc cho những người tù trong Trại giam Tân Hiệp thông qua một vị linh mục tuyên úy vào làm lễ cho tù nhân hàng tuần. Vị linh mục này nhận những thư kể bệnh của tù nhân, được viết trên giấy báo gói bánh mì, giấy lót đáy bánh bao, giấy gói xôi... bằng bút chì hay bút bi rồi chuyển cho tôi. Căn cứ vào các “thư kể bệnh” đó, tôi soạn thuốc và viết giấy hướng dẫn cách dùng, cho tất cả vào hộp các-tông giao lại cho vị linh mục chuyển cho tù nhân. Tù Tân Hiệp vào những năm 70 đa số là tù chính trị, cộng sản có, sinh viên học sinh đấu tranh, phản chiến có. Chính vì thế mà hồi tháng 3/1975, cảnh sát xã Bình Trước đã gọi tôi tới trình diện và nhắc nhở “không nên tiếp tục việc đang làm”! Sau ngày giải phóng, có người bảo tôi nên “báo công” nhưng tôi không làm vì đó chỉ là một hành động nhân đạo của một người làm nghề y tế còn tràn đầy nhiệt huyết với nghề và với đời như tôi.

Hai là, hai mươi bảy năm sau, vào năm 1983, khi từ giã đơn vị dược để chuyển về công tác tại Hội Văn nghệ tỉnh Đồng Nai, tôi đã gặp và làm việc dưới quyền một người tù vượt ngục ngày xưa ấy: nhà văn Lý Văn Sâm, chủ tịch Hội. Sau này, tôi còn có nhiều dịp gặp bác Nguyễn Trọng Tâm, người lãnh đạo cuộc vượt ngục, cùng nhiều người tù ngày xưa ấy trong công tác và đời thường).

 

***

 

Sau này, cha tôi xin được làm đại lý (quen gọi là đề bô) bán bia, nước ngọt, nước đá bẹ cho hãng BGI có cơ sở chính ở đường Hai Bà Trưng, Sài Gòn. Cùng với trào lưu xã hội dần ổn định và kinh tế tương đối phát triển ngày ấy, cha tôi cho sửa nhà, thay vách gỗ bằng tường gạch, đặc biệt làm lại nền xi măng thật chắc để đủ sức chứa những thùng bia, nước ngọt nặng nề được xếp từng chồng cao quá tay với của một người lớn. Phía trước nhà, cha tôi treo tấm biển hiệu "Đề bô Thanh Hải" để nhớ về quê ông: làng Hải Triều, thôn Thanh Triều.

Hàng tuần, hãng BGI cho xe chở bia và nước ngọt từ Sài Gòn đến Biên Hòa để phân phối cho các đại lý của mình. Một người đại diện của hãng mà tôi nghe người lớn gọi là "thầy ký" đi đến trước để làm sổ sách, hóa đơn. Khi xe chở bia và nước ngọt đến, người áp tải chỉ việc bỏ hàng xuống theo số lượng đã ghi và nhận thùng vỏ chai không tương ứng lên xe. Bia chỉ có một loại "Con cọp" nhưng nước ngọt thì khá phong phú, nào nước cam đỏ, nước limônát trong veo, nước bạc hà xanh, nước kem sô đa vàng nhạt, nước xá xị nâu đỏ, nước sô đa lắm bọt. Sau này, tôi thấy đề bô của cha tôi còn nhận mua hàng của hãng SEGI ở bến Vân Đồn, khu Khánh Hội, Sài Gòn với các mặt hàng nước ngọt như nước cam vàng, Côcacôla, "bialây" (nước cam ép không ga)...

Thời ấy, ngành chế biến nước giải khát chưa có sự cạnh tranh mạnh. Hãng BGI của Pháp được xem là lớn nhất và độc quyền về bia. Hãng SEGI nhỏ hơn, của Mỹ thì phải, số mặt hàng nước ngọt tham gia thị trường không nhiều. Riêng có hãng Phương Toàn của người Hoa với lôgô “con nai” thì có hướng vươn lên. Họ cũng sản xuất nhiều thứ nước ngọt tương tự hãng BGI trong đó nước xá xị “con nai” có mùi vị thuốc Bắc khá nổi tiếng, sau này họ còn làm đại lý cho hãng Pepsicôla, đối thủ chính của Côcacôla. Chính vì vậy mà khá nhiều đề bô loại trung bình như của cha tôi bị hãng BGI ràng buộc không được nhận hàng của hãng Phương Toàn về bán. Theo tôi được biết thì cả tỉnh lỵ Biên Hòa, chỉ có đề bô Phúc Chấn Xương ở bên chợ Kỷ Niệm là đại lý lớn nhất nhì tỉnh lỵ, mới dám nhận phân phối nước ngọt cho hãng Phương Toàn.

Nước đá bẹ được gọi theo đơn vị "cây", có thiết diện chừng 2x3 tấc và dài hơn một thước. Chính hãng BGI cũng cho xe chở nước đá từ Sài Gòn xuống Biên Hòa bán cho các đại lý của mình. Xe chở nước đá có thùng xe đóng bít bùng, gồm một người tài xế và một người áp tải kiêm giao hàng. Khi cửa sau xe mở ra, hơi lạnh tỏa ra theo, từ xa nhìn như có lớp sương mù rất đẹp đang phủ kín anh áp tải. Một tay bợ vào vị trí khoảng 1/3 phía trên của cây nước đá, tay kia cầm cái móc, móc vào đầu còn lại, anh áp tải di chuyển cây nước đá nhẹ nhàng từ xe đậu ngoài lề đường vào các bể chứa cho khách.

Biên Hòa cũng có hãng nước đá làm đá bẹ như của hãng BGI nhưng sản lượng thấp, chất lượng cũng kém hơn: có những bẹ đá còn đục màu ngà thay vì đúng chuẩn là phải trong suốt, nhiều bẹ ở một đầu đọng cả cặn bẩn và có vị mặn của muối lọt qua khuôn vào. Hãng nước đá này nằm trong một khu đất phía ngoài nhà ga Biên Hòa. Vào mùa nắng, khi nào bán hết số nước đá nhận mối từ hãng BGI, cha tôi bảo anh giúp việc đạp xe ba gác lên ga Biên Hòa mua thêm nước đá “hãng nhà”, thường là phải với giá cao hơn một chút.

Ở nhà tôi, để chứa nước đá, cha tôi cho xây hai cái bể chứa bằng gạch tô xi măng, chiều dài một thước sáu, chiều ngang vừa xếp ba cây nước đá sát nhau mà vẫn còn dư mỗi bên một tấc để nhồi trấu thật chặt vào ủ giữ lạnh. Tôi vẫn thường xin cha tôi mỗi ngày một chai nước ngọt đem vùi vào bể chứa nước đá, gọi là "lát xê", lúc lấy ra khui chỉ uống không cũng mát lạnh rất ngon. Bù lại, công việc của tôi là mỗi ngày phải phụ người giúp việc "dũi" trấu, tức là đảo lớp trấu ướt phơi ở sân sau bằng đôi chân "dũi" qua "dũi" lại hoặc bằng cái bồ cào gỗ răng thưa.

 

***

 

Đề bô Thanh Hải của cha tôi có một khách hàng quen: bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Nhà thương điên Biên Hòa ngày ấy. Chính ông cũng là vị bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho tôi tận đến năm tôi 15 tuổi, trở thành một đứa trẻ bình thường như chúng bạn - trừ quả tim hầu như không phát triển thêm bao nhiêu và lúc nào cũng sẵn sàng đập loạn nhịp.

Bác sĩ Tuấn Anh có phòng mạch tư ở khu phố ngang dốc Kỷ Niệm. Ông có rất đông thân chủ vì với những người nghèo, ông khám bệnh, cho toa mà không nhận tiền thù lao. Bệnh nhân của ông từ các nơi trong tỉnh Biên Hòa, ở cả tỉnh Bình Dương kế cận, đặc biệt là những người ở các vùng nông thôn, có mặt ở phòng đợi rất sớm để lấy số, chờ đến lượt mình được vào khám bệnh. Định kỳ mỗi tháng một lần, tôi được cha tôi đưa đến phòng mạch tư của bác sĩ Tuấn Anh khám sức khỏe tổng quát và nhận toa thuốc ra nhà thuốc tây gần đó mua về uống bồi dưỡng. Khoảng sáu giờ sáng, chúng tôi mới đi xe lam đến. Bệnh nhân đến trước ngồi đợi dễ chừng không dưới hai mươi người, trên tay người nào cũng có một miếng thẻ ghi số thứ tự. Nhưng cứ khi tôi đến thì chị y tá lại rời chỗ ngồi của mình sau cái bàn phủ "ra" trắng để dắt tay tôi vào phòng khám ngay khi có một bệnh nhân vừa khám xong đi ra. Chị nói với mọi người: "Em này là người nhà của bác sĩ".

Bác sĩ Tuấn Anh rất lịch sự ngay cả với một đứa trẻ như tôi. Ông vừa khám bệnh, vừa hỏi chuyện học hành và vui chơi của tôi như một người cha hỏi han đứa con yêu của mình. Tôi được biết ông cũng có một người con trai bằng tuổi tôi. Có lần, ông hỏi tôi lớn lên thích làm nghề gì? Tôi trả lời ngay không cần suy nghĩ: "Cháu muốn làm bác sĩ". Ông cười rất tươi và dặn: "Nếu thế thì cháu phải chịu khó học thật giỏi". Mỗi khi chị y tá chích thuốc vào mông, tôi lại ngoái đầu lại để xem. Bác sĩ Tuấn Anh lại cười cười bảo: "Thế mới làm bác sĩ được". Tôi không nói gì vì thực ra tôi hay bị giật mình, cứ phải nhìn tận mắt lúc nào chị y tá phóng cây kim vào mông mới yên tâm, tuy cảm giác đau nhói vẫn có.

Trên đường từ phòng mạch tư trở về nơi làm việc, ngang nhà tôi, bác sĩ Tuấn Anh thường dừng xe, tháng đôi ba lần, để mua nước sô đa hay nước suối Vĩnh Hảo đóng chai về uống. Một lần, ông bảo tôi lên xe rồi chở tôi vào Nhà thương điên. Thấy tôi có vẻ sợ, ông trấn an: "Bác sĩ không để cháu gặp những người bệnh nặng đâu. Có điều cháu cần biết là: muốn làm bác sĩ thì cháu phải tiếp xúc với mọi loại bệnh nhân chứ không được phép chọn lựa". Lần ấy tôi được dẫn đi một vòng quanh Nhà thương điên, chủ yếu là những phòng làm việc phía ngoài con suối Máu chảy dọc theo khu vực và một hai trại bệnh ở phía bên kia suối. Tôi nhìn thấy những người điên nhẹ mặc đồng phục đi lại cùng những người bác sĩ, y tá mặc áo choàng trắng. Người nào cũng kính cẩn khi gặp bác sĩ Tuấn Anh.

Tôi quên cả sợ, hào hứng nói với ông:

- Cháu sẽ học làm bác sĩ rồi về đây chữa bệnh cùng bác sĩ.

Ông cười rất tươi với tôi:

- Nhưng không chừng lúc ấy thì bác sĩ đã già, đã nghỉ hưu mất rồi!

(Mơ ước của tôi và dự đoán của bác sĩ Tuấn Anh chẳng bao giờ là sự thật vì tôi chỉ thi đậu vào trường Dược, ra trường lại quay qua đi viết văn, làm báo! Những lần trở lại nơi này chỉ là những lần liên hệ công tác).

 

***

Comments