Thời khai trí

Cô Thư dẫn tôi lên trường tư thục Khiết Tâm nằm trong khuôn viên nhà thờ Biên Hòa xin cho tôi vào học lớp Nhì (lớp Bốn bây giờ). Thầy giáo dạy lớp Nhì nhìn tôi khá lâu không hiểu vì nước da xanh xao hay đôi mắt ngơ ngác của tôi nhìn quanh lớp, rồi thầy kiểm tra tập vở của tôi mà trước khi đi, cô Thư còn nhắc phải đem theo. Thầy chỉ lật lật vài trang xem qua đã lắc đầu nói với cô Thư:

- Viết chữ xấu thế này thì làm sao vào học lớp Nhì được. Em đưa xuống xin học lớp Ba là vừa!

Tôi chẳng hề quan tâm đến chuyện mình sẽ được học lớp mấy vì trước khi đi, cha tôi đã nói với cô Thư là "Chuyện học của cháu, trăm sự nhờ cô lo giúp". Cô Thư còn nài nỉ thầy giáo lớp Nhì một lúc nhưng thầy nhất quyết không chịu nhận tôi vào học. Thế rồi tôi được dẫn qua lớp Ba (cũng là lớp Ba bây giờ). Cô giáo lớp Ba chẳng cần xem tập vở đã vui vẻ nhận tôi vào học, xếp tôi ngồi bàn gần cuối lớp vì so với đám học trò cũ của cô thì tôi có vẻ “lớn con” hơn. Buổi học ấy cô cho cả lớp làm một bài toán đố. Cô đọc cho tất cả chép đề bài xong rồi bảo:

- Các em ngồi im lặng làm bài. Em nào làm xong thì giơ tay cho cô biết.

Năm phút sau, tôi giơ tay:

- Thưa cô em đã làm xong ạ.

Cô giáo nhìn tôi ngạc nhiên:

- Sao? Em làm xong rồi à? Thật không đấy cậu bé?

Tôi nghĩ trong bụng: "Sao lại không thật cơ chứ! Toán đố kiểu này, em đã học rồi, thậm chí còn tự ra đề bài được nữa kìa!".

Cô giáo xuống chỗ tôi cầm tập vở xem bài giải tôi vừa làm xong. Bên cạnh tôi, mấy đứa bạn mới nhìn tôi tò mò. Cô giáo vẫn cầm tập vở của tôi và nói với cả lớp:

- Các em ngồi làm toán, không được ồn ào. Cô chỉ vắng mặt vài phút thôi đấy!

Rồi cô bảo tôi thu xếp cặp vở theo cô đi ra khỏi lớp. Tôi ngơ ngác chẳng hiểu gì cho tới khi lại cùng cô đứng trước mặt thầy giáo lớp Nhì. Cô giáo lớp Ba đưa cho thầy xem bài giải toán đố của tôi và nói:

- Sức học của em này có thể theo lớp Nhì được. Thầy có thể chiếu cố cho em ấy học lớp Nhì thì tốt hơn là bắt nó phải học lớp Ba.

Thầy giáo lớp Nhì xem bài giải toán của tôi trong tập. Rồi thầy nhỏ giọng:

- Cô đã nói vậy thì tôi nhận. Có điều, học lớp Nhì mà viết chữ to đến hai ô ly tập vở, chữ lại xấu nữa thì khó cho tôi quá...

Cô giáo lớp Ba cúi xuống bảo tôi:

- Nghe chưa cậu bé! Học toán giỏi đã đành, còn phải siêng năng tập viết chữ đẹp nữa nghe chưa?

Tôi vâng dạ và tự bảo mình sẽ nghe lời cô. Dù sao thì lời khuyên của cô vẫn “dễ chịu” hơn sự so sánh của cô Thư khi cứ nhắc tới tên con bé Cầu!

Trường Khiết Tâm bấy giờ dạy cả hai bậc Tiểu học và Trung học, cơ sở gồm một dãy phòng học có lầu nằm trong khuôn viên nhà thờ Biên Hòa. Tôi nhớ đám học trò tiểu học chúng tôi học ở tầng trệt và vẫn thường ngóng lên tầng lầu mà mơ ước sẽ có ngày được lên trung học. Tôi có một người bạn mà tôi nhớ mãi cái tên dù đã quên mặt từ lâu: bạn Nữa! Chuyện là có đến mấy lần, khi một đứa nào đó bị gọi lên trả bài học thuộc lòng, tới đoạn chưa thuộc kỹ, đang ấp úng thì thầy giáo nhắc: “Nữa”. Anh bạn Nữa của chúng tôi có lẽ tính hay lơ đãng nên lập tức đứng dậy, khoanh tay lễ phép: “Dạ thưa thầy…”. Cả lớp cười ồ. Thầy giáo cũng phải phì cười.

Tôi học lớp Nhì trường tư thục Khiết Tâm rồi năm sau được lên lớp Nhất. Thầy giáo dạy tôi lớp Nhất là thầy Can, người ở xóm công giáo Tân Hải gần Cầu Đúc. Cha tôi hỏi thăm biết nhà thầy liền dẫn tôi tới chào và gửi gắm. Thầy Can vóc người nhỏ nhắn thư sinh nhưng nét mặt nghiêm nghị. Thầy nhìn tôi bằng đôi mắt sáng và bảo: "Việc học hành thế nào, dốt giỏi ra sao là do con quyết định chính. Con học thế nào để ba con không buồn, để thầy không buồn là tốt rồi". Về nhà, cha tôi còn dặn thêm: "Cậu chỉ được học hết sơ học, là lớp Ba thôi. Cậu ít chữ, phải chấp nhận sống khổ nên cậu muốn con phải học giỏi, phải có thật nhiều chữ để mai này còn học làm bác sĩ". Tôi hứa là tôi sẽ học để có "nhiều chữ" hơn cha tôi. (Bây giờ ngẫm lại, cái việc "nhiều chữ" ấy như một sự ứng nghiệm: tôi theo đòi việc viết văn, làm báo, hầu như cả đời mình đã gắn liền với chữ nghĩa!).

Tôi học không đến nỗi tồi, quyển học bạ mà tôi còn giữ đến bây giờ vẫn ghi rõ điểm từng môn học của tôi ở lớp Nhất thầy Can, ghi rõ cả những lời phê của thầy hằng tháng: "Còn nhút nhát", "Ngoan. Đã dạn dĩ hơn", "Chịu khó học", "Học giỏi, ngoan"... Con số thứ hạng trong lớp cũng nhích lên dần và hai tháng cuối cùng, tôi đã đứng nhất lớp.

Mỗi dịp Tết âm lịch, cha tôi đều dẫn tôi tới nhà thầy Can để tết thầy. Lần đầu tiên tôi được thầy cho ăn bánh chưng chấm đường, lại cho uống cả một ly rượu vang đỏ có bỏ nước đá. Sau này khi tôi lớn lên, đi học Trung học rồi Đại học, cha tôi cũng vẫn cùng tôi đến thăm thầy Can mỗi dịp Tết, ngày mồng Ba.

Học ở trường đạo, cứ đến thứ sáu là có giờ giáo lý. Tôi chỉ học hai ba buổi đầu thì xin thôi. Tôi nói với thầy Can: "Nhà con theo đạo Phật thì con học giáo lý Thiên chúa để làm gì?". Thầy bảo: "Nếu học, con sẽ có thêm hiểu biết về một tôn giáo khác với đạo Phật. Biết thêm một điều cũng có lợi chứ. Nhưng nếu con không muốn học thì thôi vậy. Tới giờ giáo lý, con được nghỉ ra ngoài chơi".

Tuần sau, tôi nghỉ học giờ giáo lý. Thơ thẩn ngoài sân trường trong giờ học, tôi đâm hoảng, chỉ sợ bị các Cha trong khuôn viên nhà thờ bắt gặp lại phải giải thích mà chưa chắc đã được tin. Tôi đi như một đứa học trò trốn học lén lút ra khỏi cổng nhà thờ, qua bên kia đường chơi. Mà vào giờ học thì bên ấy cũng chẳng có đứa học trò nào! Chưa hết! Chú bán gỏi đu đủ đang tán dóc với chị bán vé số, quay nhìn tôi mỉm cười: “Nói chuyện trong lớp bị thầy đuổi học hả? Thôi, làm một đĩa gỏi giải sầu đi nha?”. Thứ sáu kế đó, tôi không ra khỏi lớp nữa mà xin thầy Can cho ngồi trong lớp để "nghe" chứ không "học". Thầy Can mỉm cười chẳng hiểu nghĩ gì. Dù sao thì thầy tôi cũng nói đúng, chỉ “nghe”, tôi cũng có một số hiểu biết về đạo Công giáo và cho đến bây giờ vẫn còn nhớ cách làm dấu Thánh khi đọc câu: “Nhân danh Cha, và Con, và Thánh, Thần. Amen!”. Có lần kể chuyện này với cha tôi, thầy Can cười nói: "Thằng bé này bướng lắm. Ép nó không được đâu. Rồi ông xem, lớn lên khi nó muốn làm điều gì thì chẳng ai cản được". Tôi lại nghĩ thầm: "Con chỉ muốn được làm điều con thích chứ con đâu có bướng".

Khu nhà thờ Biên Hòa có hàng rào xây không kín bao bọc phía công trường Sông Phố, phía trong hàng rào trồng những hàng cây me keo được cắt tỉa ngay ngắn. Trong khuôn viên thì có một cây sung lớn, học trò chúng tôi hay ra gốc sung chơi vào giờ ra chơi. Leo lên cây sung hái trái là một cái thú. Thế nhưng cha Sở là người trông coi khu vực nhà thờ thì lại rất nghiêm khắc, ông cấm lũ "thứ ba học trò" chúng tôi leo cây, sợ bị té. Mỗi lần đang ở trên cây, thấy bóng cha Sở từ xa với chiếc áo chùng thâm và mái tóc cắt ngắn là chúng tôi bảo nhau buông tay nhảy xuống chạy trốn. Tôi yếu và nhát nhất bọn, không lần nào dám buông tay mà chỉ lần theo gốc cây tụt xuống, có lần bị cha Sở bắt, đánh cho mấy roi. Tôi "thù" ông từ ấy cho đến khi lớn lên, hiểu thế nào là trách nhiệm của một người lớn với thế hệ trẻ.

Trường Khiết Tâm là một trường tư. Thời ấy người ta quy định nếu là học sinh tiểu học các trường công lập như trường Nguyễn Du (chỉ toàn nam sinh ở phía bên kia đường đối diện với nhà thờ Biên Hòa) hoặc trường Nữ tiểu học (chỉ toàn nữ sinh ở khu Cây Chàm) thì sau năm học lớp Nhất, nếu đủ điểm trung bình là đương nhiên đậu bằng Tiểu học. Còn học sinh truờng tư như tôi thì phải dự thi Tiểu học, có đậu mới được lên học bậc trung học. Nhưng sau một năm học với thầy Can, cuối năm học ấy tôi lại không được đi thi vì thiếu 1 tuổi (tôi mới 10 tuổi tròn). Thế là tôi phải học thêm một năm lớp Nhất nữa. Thầy Can an ủi tôi: "Học thêm một năm rồi đi thi Tiểu học thì càng chắc ăn. Thi vào đệ Thất trường công cũng có nhiều hy vọng hơn". Tôi chẳng vui chút nào vì học lại chương trình đã học thì rất chán, nhưng biết sao bây giờ!

Từ khu Phúc Hải, tôi đi học trường Khiết Tâm bằng xe lam ba bánh. Đến trường sớm, tôi ít khi vào trường ngay mà băng qua bên kia đường, phía Tòa hành chính tỉnh quay mặt ra mé sông Đồng Nai và trường Mỹ nghệ Thực hành có những phòng thực tập đối diện với hông trường tiểu học Nguyễn Du. Ở trên lề đường phía đó, có một chú người Hoa bán nước giải khát: đá nhận chế sia rô màu xanh, đỏ (nước đá được bào nhỏ rồi bỏ vào cái ly, ép chặt thành một khối, sau đó thêm sia rô rồi dốc ra khỏi ly), chè đậu bánh lọt, nước ngọt có ga..., một chú khác người Nam bộ (mà tôi đã kể ở trên) bán gỏi khô bò mà đứa nào muốn có thêm một miếng gan thì phải thêm tiền - sòng phẳng. Nhưng hấp dẫn tôi nhất lại là chú bán giấy bìa cứng in sẵn mua về cắt dán thành những ngôi nhà nhiều màu sắc, thành chiếc xe hơi, máy bay, xe tăng... Tôi mua rất nhiều tấm giấy bìa cứng như thế về cắt dán và chẳng bao lâu trên bàn học của tôi đã đầy những căn nhà giấy cùng xe hơi (Tôi ghét xe tăng và máy bay nên chẳng bao giờ mua loại này). Sau này, tôi tự vẽ những kiểu nhà trên giấy bìa cứng rồi cắt, dán để có những ngôi nhà theo ý riêng của mình. Cha tôi thấy thế có lần bảo tôi: "Hay là lớn lên con đi học làm kiến trúc sư. Nghe nói làm nghề này cũng danh giá và cũng dễ làm giàu lắm". Tôi không hình dung được kiến trúc sư là gì nên chẳng hào hứng nói theo. Thỉnh thoảng, có một chú chạy xe gắn máy môbilét phía sau cho gắn một cái thùng chiếu phim. Học trò chúng tôi, đứa nào muốn xem phim thì phải mua vé rồi đợi đủ ba đứa mới được ghé mắt vào ba cái ống nhìn ở ba vị trí thùng, xem phim. Phim nhựa đàng hoàng, đen trắng thôi, đa số là phim hoạt hình, chạy bằng cái máy chiếu phim nhỏ kêu xành xạch mà hình ảnh rõ. Có điều phim nào cũng rất ngắn. Ở khu vực này còn có ông bán kẹo kéo có quay số, quay được số lớn thì cây kẹo dài hơn (và... nhỏ hơn!).

Ở lề đường này, tôi còn được xem đến mê mẩn những anh là học sinh trường Mỹ nghệ Thực hành ngồi nặn tượng bằng đất sét trắng thông qua những cửa sổ rộng có chấn song, mở cửa. Các anh ấy nặn tượng đầu người, nặn tượng cô gái ngồi... tay cầm con dao nhỏ xíu chăm chút gọt tỉa cho đến khi hoàn chỉnh. Có một anh cùng tên với tôi, cũng ở khu Phúc Hải là học sinh ở đây nhưng tôi chưa nhìn thấy qua những ô cửa sổ rộng này lần nào. Một hôm thầy Can cho lớp tôi đề bài thủ công là nặn trái xoài, tôi đã sang đây xin đất sét trắng về nặn và khi nộp cho thầy, thầy Can đã phải phì cười bảo là tôi nặn rất giống trái... cam! Từ đây tôi tự bảo là minh đừng có mơ mộng gì để trở thành một người làm nghề mỹ thuật!

Công trường Sông Phố hồi đó cũng có một cái bùng binh nhỏ. Trong khuôn viên Tòa hành chính tỉnh, trường Mỹ nghệ Thực hành, trường tiểu học Nguyễn Du và một phía đường đối diện nhà thờ Biên Hòa, có những cây dầu trồng từ hồi đầu thế kỷ hai mươi cao ngất trời. Vào mùa trái rụng, những trái dầu có đuôi hệt như những trái cầu đá từ trên cao xoay xoay rơi xuống. Tiếc là hình ảnh ấy ngày nay không còn đầy đủ nữa, khu công trường Sông Phố bây giờ tuy thoáng đãng hơn hẳn, hiện đại hơn hẳn nhưng sao tôi vẫn cảm thấy nó trơ, nó lạnh lùng thế nào ấy! Vì quá ít  bóng cây lâu năm chăng?

Đi đến cuối đường bên hông trường Mỹ nghệ Thực hành là công viên bờ sông, có chiếc Cầu Mát làm bằng sắt là một nhà thủy tạ nghe nói có từ thời vua chúa phong kiến để các quan lại làm việc trong Tòa Bố hoặc khách của triều đình Huế ra xem đua thuyền trên khúc sông rộng như một cái hồ và được gọi tên là "Kính Hồ". (Trong một truyện ngắn của mình, nhà văn Lý Văn Sâm gọi khúc sông này là Sông Phố. Cũng chính vì vậy mà một thời gian báo văn nghệ của tỉnh Đồng Nai được đặt tên là báo Sông Phố. Một thời gian dài, phía trước đình Tân Lân, cất gie ra sông cũng có một nhà hàng lấy tên là Sông Phố). Nhiều người lớn ra đây câu cá. Nhiều cặp thanh niên nam nữ hẹn nhau ra đây "tâm tình". Còn đám học trò tiểu học chúng tôi thì ra đây hóng gió, nhìn núi Châu Thới mờ mờ bên kia sông hoặc dõi mắt theo những chuyến đò ngang chở khách qua lại phía bến cá chợ Biên Hòa... vào những giờ được nghỉ học, những buổi được về sớm... Cũng có đứa nhân lúc không có người lớn, cởi quần áo bỏ trên sàn Cầu Mát cùng cặp vở rồi nhảy ùm xuống sông bơi tắm, lẫn người với những giề lục bình bập bềnh ven sông...

Những ngày được nghỉ học sớm, thường vào buổi chiều, thỉnh thoảng tôi cùng đám bạn đi bộ ngang chợ Cá, ra tận phía xóm Lò Heo. Đi ngang đình Tân Lân thờ ông Trần Thượng Xuyên, không đứa nào dám chỉ trỏ vào vì sợ phạm thượng sẽ bị thần thánh quở phạt. Ra bến sông có chiếc cầu thoai thoải để xe hơi đến rửa, đứa nào gan lắm cũng chỉ dám nhúng chân xuống nước chứ chẳng dám nhảy xuống tắm vì người ta đồn ở đây có "ma da" thích kéo chân con nít xuống sông rồi ăn thịt. Cả đến cái Cồn Gáo nhỏ xíu, có mấy gia đình trú ngụ trên đó đi lại với bà con ở bờ sông bằng mấy chiếc ghe nhỏ, cũng có nhiều chuyện kể "đáng sợ". Như chuyện trên đó có cặp rắn thần có thể nuốt trọn một đứa trẻ con như chơi, khiến chúng tôi chỉ dám đứng trên bờ nhìn ra và... tưởng tượng đủ thứ chuyện trên đời! (Ngày nay, Cồn Gáo đã biến mất có lẽ do dòng chảy của sông Đồng Nai sau khi người ta làm cầu Hóa An và nó chỉ còn trong ký ức của những người sống ở Biên Hòa lâu năm).

Tôi đi thi tiểu học, ngồi làm bài thi tại một phòng sát mé đường của trường tiểu học Nguyễn Du. Tôi nhớ hồi ấy thi Tiểu học có môn “nhiệm ý” và tôi đã chọn thi nhạc. Thí sinh thi “nhiệm ý” nếu điểm trên trung bình thì phần trên trung bình sẽ được cộng thêm vào tổng số điểm thi để xét trúng tuyển. Tôi đem theo bài hát “Lòng mẹ” của nhạc sĩ Y Vân được in trên tờ bướm, khổ bằng hai tờ giấy A4. Thầy giám khảo môn “nhiệm ý” bảo tôi hát một đoạn. Tôi hát đúng và được thầy khen là “có triển vọng thành ca sĩ” nhưng chẳng biết mình được bao nhiêu điểm! (Lời khen của thầy cũng chẳng bao giờ thành hiện thực!)

Đậu Tiểu học, tôi lại thi vào đệ Thất (lớp 6 bây giờ) trường trung học Ngô Quyền. Buổi chiều thi toán xong, vừa ra khỏi cổng khu Dòng Thánh Phao Lồ cạnh trường Khiết Tâm, nơi được mượn làm trường thi, thì tôi thấy cả cha tôi và thầy Can cùng ngồi đợi ở mé đường. Giống như nhiều bậc phụ huynh và thầy cô khác, họ vội đứng lên hỏi tôi đáp số mấy bài toán đố. Tôi mở giấy nháp đọc đáp số. Thầy Can nghe xong tươi cười nói với cha tôi: "Thằng bé đậu rồi!". Tôi chẳng hiểu vì sao thầy lại khẳng định ngay như vậy. Nhưng chuyện ấy chẳng phải là chuyện tôi cần quan tâm. Tôi đã hoàn tất hai kỳ thi mà cha tôi bảo là rất quan trọng. Bây giờ thì tôi có thể bắt đầu những ngày nghỉ vui vẻ với bạn bè lối xóm.

Mặc dù sức khỏe kém so với các bạn nhưng tôi lại được xem là "thủ lĩnh" vì học giỏi nhất đám, lại là con trai một của cha tôi, một người có uy tín cao trong khu Phúc Hải. Việc buôn bán của đại lý bia nước ngọt phát triển thuận lợi nên cha tôi ngưng, không buôn bán lá lợp nhà nữa. Vả lại, vào thời gian này đời sống kinh tế của dân trong khu vực đã khá hơn, nhiều nhà đã thay mái lá dừa nước bằng mái tôn, mái ngói. Ngày ấy chỉ có một nhãn hiệu bia là bia "Con cọp" chai dung tích 650ml của hãng BGI. Vào một đợt khuyến mãi, hãng bia sản xuất thêm loại bia "trái thơm" và cứ mỗi két 24 chai (Sau này người ta mới đóng két gỗ chỉ còn 12 chai để dễ vận chuyển) lại có một hoặc hai chai bia "trái thơm" xen vào. Tôi nghe người lớn nói bia "trái thơm" uống ngon hơn bia thường và khách hàng đến mua đều đòi loại bia này, giá đắt hơn một chút cũng chịu. Về sau, loạt vỏ chai có in thêm "trái thơm" cạnh hình đầu con cọp của đợt khuyến mãi duy nhất được thu hồi về hãng, tuy chỉ được đóng nắp với loại bia thường bên trong, nhưng người ta vẫn cứ đòi mua loại “trái thơm” và uống vẫn khen "ngon"! Tôi buồn cười lắm nhưng cha tôi bảo mình là người bán thì cứ chiều theo ý khách hàng, chẳng thiệt hại gì. Ông lại nói: “Ngon theo tâm lý thì cũng là ngon vậy!”. Xem ra cha tôi không phải không có lý!

Tôi chỉ uống nước ngọt và sưu tầm các loại nắp chai mà khách hàng đến “đề bô” mua lẻ, nhờ khui nắp rồi đổ vào gamen hay ca nhựa đem về. Tôi bắt chước bọn trẻ con trong xóm lấy những nắp chai ấy chế thành "nắp phéng" bằng cách gỡ bỏ miếng li-e lót dưới nắp rồi lấy búa đập dẹp ra. Những cái nắp phéng ấy, chúng tôi chơi chọi đáo cùng một miếng chì đổ hình tròn như tiền xu hoặc “nghèo nghèo” thì bằng mảnh ngói được làm tròn, mài nhẵn cạnh. Một đôi lần, tôi thấy mấy đứa bạn cùng xóm tôi đã chơi chọi đáo “ăn tiền”, nghĩa là chơi bằng những đồng tiền cắc của thời ấy, loại năm mươi xu, hai mươi xu thay vì chơi “nắp phéng”. Cha tôi cấm tôi chọi đáo ăn tiền vì như thế là “đánh bạc”. Ông dạy tôi: “Cờ bạc là bác thằng bần”. Tôi bèn nói lại câu ấy với mấy đứa bạn đang chơi đáo ăn tiền, lập tức tụi nó sừng sộ khiến tôi sợ bị đánh, phải bỏ chạy về nhà.

Tôi có rất nhiều nắp phéng mà lại chơi chọi đáo thuộc hàng dở nhất xóm, nên đám bạn tôi luôn có dịp "hốt bạc" mà tôi cũng chẳng buồn bã gì. Thua hết nắp phéng đang có, tôi lại có những nắp phéng khác, chỉ mất công đập dẹp các nắp chai. Đôi khi nổi máu "anh chị", tôi đập một số lượng lớn nắp phéng rồi gọi đám bạn đến để chia đều. Có lẽ bởi vậy mà bọn chúng hay rủ tôi cùng đi chơi đây đó trong vùng. Dẫu sao, nơi xa nhất mà chúng tôi dám đến cũng chỉ là khu Nhà máy cưa Tân Mai ở phía quốc lộ 15. Nơi đây có một rạp hát nhỏ mà các gánh hát cải lương hạng trung bình hay về diễn. Chúng tôi đến rạp chỉ là "coi cọp" - tức không mua vé mà thừa lúc các chú soát vé không để ý thì lẻn vào xem. Vào rạp, nếu bị phát hiện thì chịu trận cho người lớn tóm cổ "điệu" ra ngoài! Vậy mà tôi cũng có mấy lần "coi cọp" được. Nào coi tuồng "Mộc Quế Anh dâng hương", nào xem mặt và nghe danh ca Chín Sớm ca điệu xàng xê tuyệt hay...

Muốn đến khu Nhà máy cưa, chúng tôi phải băng qua đường rày xe lửa. Đứa nào trong bọn chúng tôi cũng ít nhất một lần được nghe người lớn bảo rằng phải hết sức cẩn thận khi băng qua đường rày xe lửa. Kèm theo là những câu chuyện thương tâm về tai nạn xe lửa mà đứa trẻ con nào cũng phải khiếp sợ. Nhưng đứa nào cũng muốn xem xe lửa chạy qua, muốn được vẫy tay với những người khách ngồi trên những toa tàu nối nhau, thích được nghe tiếng còi tàu, nghe tiếng bánh xe sắt nghiến trên đường ray. Chúng tôi đã hẹn nhau canh giờ tàu chạy qua và đã có một lần được thấy, được nghe tất cả những gì mình muốn. Cái cảm giác lúc ấy thật lạ lùng. Cứ như mình đang được nhập vào một cuộc phiêu lưu kỳ thú để rồi sau khi đoàn tàu đi qua, cả bọn nắm tay nhau vượt qua đường rày mà vẫn còn hồi hộp sợ… nguy hiểm!

Một lần kia, đám bạn dẫn tôi lên phía xóm Lò Than, tạt vào khu rừng cao su đối diện để nhặt hột cao su về chơi. Một thằng ra vẻ hiểu biết, chỉ mấy anh thanh niên đang từ trong xóm Lò Than đi ra, nói: "Mấy ổng đi chơi bời về đó". Về nhà, tôi thật thà kể cho cha tôi nghe. Ông nghiêm mặt cấm tôi không được héo lánh tới khu vực đó. Thì ra Lò Than ngày ấy cũng là một địa danh nổi tiếng ăn chơi như Dốc Sỏi mà gia đình tôi từng ở bên khu nghĩa địa Đất Thánh Tây.

Một hôm tôi đang lui cui dưới cái mương khô trước nhà tìm những viên bi ve từ nơi khác trôi đến sau mỗi trận mưa, thì thằng bạn hàng xóm chạy qua báo tin: "Mày đậu vào Ngô Quyền rồi. Tao cũng đậu. Lên trường mà xem kết quả đi". Tôi mừng lắm, vội vẫy xe lam đi lên trường Ngô Quyền mà chẳng báo cho ai trong nhà biết. Đến nơi, xuống xe tôi mới hết hồn vì trong túi không có đồng nào để trả tiền xe. Bác tài nghe tôi ấp úng thú thật liền trừng mắt: "Tao biết nhà mày rồi. Nhà đề pô phải không? Bữa nào tao ghé lại lấy tiền, đừng có chối là không đi xe của tao nghe chưa?".

Tôi chen vào đám đông cả người lớn lẫn trẻ con để xem bảng kết quả. Người ta niêm yết danh sách trúng tuyển đâu hơn hai trăm thí sinh theo thứ tự điểm bài thi đạt được từ cao xuống thấp vì vậy phải dò tên mình trên từng tờ kết quả. Tôi dò từ... dưới lên trên vì nghĩ chắc mình chỉ thuộc hạng đậu thấp. Thế mà tên tôi cũng nằm ở tờ giữa, thứ tự chín mươi mấy. Đúng là tên tôi rồi. Điểm toán rất cao nhưng điểm bài luận văn thì chỉ trung bình. Thế là hợp lý!

Tôi quay ra và chuẩn bị đi bộ về nhà thì trông thấy cha tôi đạp xe đạp đến. Ông hỏi ngay:

- Có đậu không?

Tôi đáp:

- Con đậu rồi!

- Thế thì giữ xe đạp cho cậu vào xem một tí!

Tôi đứng nơi mé đường cùng chiếc xe đạp. Lúc cha tôi quay ra, tôi giao xe cho ông, không hiểu vô ý thế nào mà trượt chân ngã ngay xuống đất. Cha tôi la: "Đứng ngay đầu dốc thế này mà không để ý! Thôi, đứng dậy phủi quần áo cho sạch rồi về!". Bấy giờ tôi mới để ý đến con dốc từ mặt đường xuống cổng trường Ngô Quyền. Con dốc ấy ám ảnh tôi mãi đến nỗi sau này khi theo đuổi việc viết văn, tôi đã viết hẳn một truyện dài với đề tài học sinh, sinh viên và đặt tựa là "Con dốc cổng trường". (Trong cuộc đời của tôi, nghiệm lại, dường như cũng có gì đó thường dính dáng tới những “con dốc”. Hồi làm báo Lao Động Đồng Nai của Liên đoàn Lao động tỉnh, mỗi ngày tôi phải đi qua đoạn dốc Tòa, còn làm việc ở hội Văn Nghệ thì lại lên xuống cái dốc ngắn sát cổng Hội. Bởi Biên Hòa lắm dốc hay tại cái số tôi làm việc gì cũng phải "vượt dốc" theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng?)

 

***

Comments