Đường đi tới

Tôi trở thành học sinh trường Trung học công lập Ngô Quyền từ năm 1961. Đậu đệ Thất Ngô Quyền, đó là điều hãnh diện của học sinh lúc bấy giờ vì cả tỉnh Biên Hòa chỉ có một trường trung học công lập, hằng năm tuyển vào 4 lớp đệ Thất với khoảng 200 học sinh. Khi làm đơn thi, tôi nhớ là mình đã ghi xin học sinh ngữ Anh văn, nhưng được xếp học lớp đệ Thất 3, buổi con trai, đến lúc chép thời khóa biểu thì tôi mới biết là mình bị chuyển qua học Pháp văn! Về nhà, tôi kể cho cha tôi biết và đòi ông đến trường xin cho tôi qua lớp tiếng Anh. Nhưng cha tôi bảo: "Học tiếng nào thì cũng là ngoại ngữ thôi. Quan trọng là học tiếng Việt cho giỏi! Với lại, đậu vào Ngô Quyền là oách quá rồi, còn đòi hỏi gì nữa!". Tôi không bằng lòng với cách giải thích của cha tôi nhưng quả tình là sau đó, tôi bị ám ảnh rất lâu câu nói của ông: "Quan trọng là học tiếng Việt cho giỏi!". Thêm nữa, được là học sinh Ngô Quyền, đúng là rất "oách"! Xem đó, khu ngoại ô Phúc Hải tôi ở, số học sinh đậu vào Ngô Quyền như tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Buổi đầu tiên "đi học Ngô Quyền", tôi thật sự lúng túng vì chuyện mặc đồng phục. Thế là chẳng còn được thoải mái như hồi tiểu học trước đây nữa: đi học chỉ mặc cái quần soọc, áo bỏ bên ngoài là xong. Lên trung học, tôi đã là "người lớn". Cha tôi giúp tôi bỏ áo vào quần, xỏ chân vào đôi giày ba-ta mới còn bó chật, chỉ dẫn cả cách cột dây giầy. Ông kiểm tra lại cái phù hiệu trên ngực áo, sửa lại cái nón kết trắng trên đầu tôi. Cuối cùng, tôi thót lên xe đạp, đạp vội vã ra khỏi nhà, không khỏi đỏ mặt khi liếc thấy những người lối xóm đang nhìn mình! (Cái cảnh ngượng ngùng học trò ấy, nhiều năm sau này tôi lại bắt gặp và hoàn toàn thông cảm với những thế hệ sau. Đó là vào một năm học sau giải phóng, sau nhiều năm không bắt buộc đồng phục, trường PTTH Ngô Quyền đã quy định nữ sinh lớp 10 phải mặc áo dài đi học. Năm ấy, con gái lớn của tôi cũng vừa vào học Ngô Quyền, giống như những cô bé bạn học trang lứa, dù đã mặc áo dài vẫn cứ thập thò trong nhà, chờ thấy trên đường phố có một nhóm nữ sinh mặc áo dài đi qua mới vội vã lên xe đạp nhanh ra nhập bọn).

Nằm thấp hơn mặt đường nhựa, trường Ngô Quyền ngày ấy chỉ có hai dãy lớp, mỗi dãy gồm một tầng trệt và một tầng lầu. Giữa hai dãy lớp là một khoảng sân rộng để chào cờ, có hai hàng cây dương, quanh gốc là bồn hoa xây tròn trịa mà giờ ra chơi, chúng tôi hay ra ngồi trên bờ bồn hoa, nhặt những chiếc lá dương hình kim đố nhau chỗ ngắt được nối lại. Các lớp thuộc bậc Trung học đệ nhất cấp chúng tôi (từ đệ Thất đến đệ Tứ, tức lớp 6 đến lớp 9 bây giờ) học ở dãy gần đường, còn các lớp đệ nhị cấp (từ đệ Tam đến đệ Nhất, bây giờ là lớp 10 đến lớp 12) thì học ở dãy sau. Mỗi tuần, nam sinh học ba buổi sáng và ba buổi chiều, nữ sinh học các buổi ngược lại. Chúng tôi đi học phải mặc đồng phục: nam quần dài xanh, áo trắng ngắn tay, đi dép xăng-đan, đội mũ kết trắng; nữ mặc áo dài trắng, quần dài đen, đội nón lá. Riêng ngày thứ hai đầu tuần thì nam sinh phải mặc đồng phục quần trắng, áo dài tay trắng, đi giày ba-ta trắng và nữ sinh mặc áo dài xanh, quần dài trắng. Các giám thị thường kiểm tra việc mang phù hiệu nơi ngực áo học trò, đứa nào không có phù hiệu là bị phạt “cấm túc”. Thế nhưng nếu ngực áo có phù hiệu Ngô Quyền thì ngoài giờ học lỡ có đi “quậy” đâu, người ta cũng nhận ra. Đám “thứ ba học trò” bèn đối phó bằng cách thay vì may liền phù hiệu vào ngực áo thì chỉ gài kim gút, khuy bấm hoặc làm cách nào đó có thể nhanh chóng cơ động từ “không” thành “có” hoặc từ “có” thành “không”. Việc bỏ áo vào quần cũng thế. Cách đối phó của nhiều trò là thấy thầy cô giám thị từ xa, bèn gom phần vạt áo trước lên tới khoảng thắt lưng, nhìn cũng ra vẻ... áo bỏ trong quần lắm!

Tọa lạc nơi đầu dốc Kỷ Niệm, trường lại chỉ mở cổng cho học sinh vào trước giờ vào học chừng mười phút, vì vậy học sinh chúng tôi những đứa đến sớm, phải tìm chỗ trú, nhất là ba buổi học chiều trong tuần. Ngày xưa ở khu vực quanh Đài Kỷ Niệm có rất nhiều cây bã đậu. Loại cây này lớn nhanh, thân lớn hàng ôm tay, sù sì đầy gai, lá to cho bóng mát nhưng cành thì lại dễ gãy. Mùa mưa đi ngang đây, người ta dễ dàng gặp những cành bã đậu gãy rớt xuống đường chưa được thu dọn. Cây bã đậu có bông dài chừng hai lóng tay, màu đỏ bầm, khi đậu trái có hình như chiếc bánh xe nhiều khía. Trái bã đậu già, nứt ra nhiều mảnh rơi xuống đất. Chúng tôi thường lấy những mảnh trái ấy sửa lại chút đỉnh thành hình những con cá làm đồ chơi. Ở phía đề bô bia nước ngọt Phúc Chấn Xương đầu dốc Kỷ Niệm cũng có mấy cây bã đậu, là nơi trú chân cho học sinh từ các vùng nội ô và cù lao Phố, Tân Vạn, Bửu Hòa lên. Số học sinh ở vùng Tân Mai, Tam Hiệp, Phúc Hải, Hố Nai thì chọn hàng bã đậu trồng dọc khuôn viên Đài Kỷ Niệm, khi thấy một đứa nào đó ra dấu thì tất cả cùng lên xe đạp vào trường. (Cho đến nay, cây bã đậu hầu như chỉ còn hiếm hoi một vài cây rải rác trong thành phố Biên Hòa. Về cái tên dốc Kỷ Niệm, có người gọi lầm là dốc Ngô Quyền. Tên Kỷ Niệm bắt nguồn từ Đài Kỷ Niệm, nên con dốc được gọi là Dốc Kỷ Niệm, cái chợ nhỏ được gọi là Chợ Kỷ Niệm... Còn dốc Ngô Quyền chính ra để gọi con dốc ngang hông trường Ngô Quyền, nơi có tiệm hủ tiếu mì Minh Phước bây giờ).

Một năm trong khoảng thời gian tôi học đệ nhị cấp, trường Ngô Quyền xây thêm dãy phòng thí nghiệm một tầng trệt, cửa lắp kính, mái lợp ngói ở cách hàng rào trường một khoảng sân cỏ. Dãy phòng này ngày nay đã được thay bằng tòa nhà bê tông hai tầng vững chắc, còn ngày đó thì rất hấp dẫn học sinh chúng tôi khi lần đầu tiên được thấy tận mắt thế nào là axít clo-hydric, thế nào là muối suyn-phát đồng, là mùi khó chịu của khí clo... Ở đó, trong một phòng để trống, năm tôi học đệ Nhất, khối lớp chúng tôi cũng tổ chức một buổi hội thảo về các vấn đề xã hội mà tôi còn nhớ là mình được phân công nói một đề tài; giúp vui văn nghệ thì có màn độc tấu ghi-ta cổ điển của Huỳnh Quan Minh lớp đệ Nhất Anh văn, màn thổi sáo của Nguyễn Hoàng Hải, một học sinh lớp đệ Nhị, sau này là nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên...

 

***

 

Những năm 60, khu vực chung quanh Đài Kỷ Niệm còn thưa vắng lắm. Trẻ con chúng tôi đứa nào cũng sợ nếu phải đi ngang đây vào chiều tối. Không sợ sao được khi người ta đồn ở ngay cái Đài Kỷ Niệm xây từ hồi Pháp thuộc có những con ma là lính Việt Nam chết trận ở nước ngoài hiện về mỗi đêm, phía bên kia đường lại là Đất Thánh (nghĩa trang) của họ đạo Khiết Tâm. Phía quảng trường tỉnh bây giờ thì ngày ấy là một khu dân cư phức tạp nhưng còn thưa thớt lắm, lại cũng có dân anh chị thường xuyên xuất hiện. Dưới chân bồn nước là trụ sở của Ty Canh Nông. Còn phía ba trường học: Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí, Tiểu học Trịnh Hoài Đức, Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo bây giờ, mới chỉ có một là trường học đúng nghĩa: trường sơ học Trịnh Hoài Đức dạy đến lớp Ba. Khuôn viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí còn là một lò nung gốm cho học sinh của trường Mỹ nghệ Thực hành ở phía công trường Sông Phố đến thực tập và học sinh trường Ngô Quyền thỉnh thoảng qua "mượn" địa điểm để học các môn thể dục, thể thao. Trường Trần Hưng Đạo mãi sau này khi giải tỏa nghĩa trang của họ đạo Khiết Tâm mới có và vốn là cơ sở của trường tư thục Khiết Tâm dời từ trong khuôn viên nhà thờ Biên Hòa tới.

Ngoài trường Khiết Tâm, tỉnh lỵ Biên Hòa còn có mấy trường tư thục khác nữa như trường Minh Tân ở phía bờ sông, gần ngã ba Hãng Dầu, nghe nói hiệu trưởng là con trai của nhà văn Khái Hưng, con nuôi nhà văn Nhất Linh, nhóm Tự Lực Văn đoàn; mấy trường khác như trường Phan Chu Trinh ở trên đường Trịnh Hoài Đức (khu Ngân hàng, đường 30 tháng Tư bây giờ) của một ông dân biểu Hạ viện Sài Gòn xây dựng, trường Bồ Đề của một Hội đoàn Phật giáo khu dốc Kỷ Niệm, trường Dục Đức của người Hoa sát chợ Biên Hòa, phía mé sông... Nằm cạnh trường công lập Ngô Quyền là trường bán công Trần Thượng Xuyên mà hai trường không có hàng rào, học sinh bên bán công hay hát trêu ghẹo "Học sinh Ngô Quyền mập ú như con heo quay..." còn học sinh Ngô Quyền thì đáp lại: “Học sinh Trần Thượng Xuyên vừa điên vừa khùng”...

Từ khi bước chân vào trường trung học, sức khỏe của tôi khá dần. Dư chứng của bệnh thương hàn thuở nhỏ chỉ còn ở trái tim không lớn được khiến tôi không thể làm việc nặng và khi lên lầu cao không dám đứng cạnh lan can vì cứ nhìn xuống là chóng mặt. Cái tính nhút nhát, hay bẽn lẽn cũng khiến tôi ít có bạn hơn thuở nhỏ. Lớp tôi có gần năm mươi trò. Dân "Bắc kỳ" chỉ khoảng mươi "ngoe". Mấy người bạn người Biên Hòa xem ra cũng vui vẻ, hòa đồng. Họ gọi chúng tôi là dân "cọc cạch lửa" và giải thích người miền Bắc “nam tiến” hồi xưa vào đây mang theo đá lửa để đánh lửa bỏ trong túi nghe "cọc cạch". Một cái tết, trường tôi tổ chức cho học sinh đi cắm trại ở khu rừng cao su đối diện khu Lò Than, một người bạn Biên Hòa của tôi rất ngạc nhiên thấy cái bánh chưng tôi đem theo ăn. Anh bạn nói: "Hết tên rồi sao lại gọi là bánh chưng bánh cẳng". (Anh ấy nói "chưng" theo giọng miền Nam nói chữ "chân"). Tôi đáp lại: “Còn cái bánh của bạn, tên gì lại là bánh tét. Kỳ cục quá!”. Chúng tôi cùng cười và chia bánh chưng làm hai, bánh tét cũng chia làm hai để cùng ăn, gọi là “Nam Bắc kết đoàn”.

Dù sao, trong lứa học sinh chúng tôi vẫn không tránh khỏi những sự phân biệt, bè nhóm. Việc phân biệt Bắc – Nam, nhại giọng của nhau… xem ra phần lớn chỉ là chuyện đùa vui. Chứ việc phân biệt thành phần thì không thể xem là không đáng kể. Một số trong chúng tôi là con em gia đình công chức, sĩ quan… , nhà ở vùng nội ô tỉnh lỵ, thường tự kết thân với nhau. Con em gia đình lao động, buôn bán… biết điều thì tốt nhất đừng có ý gia nhập vào “tầng lớp trên”. Cách tiêu pha là một biểu hiện phân biệt. Thành tích “chơi bời” – dù mới tuổi mười bốn, mười lăm – cũng rất rạch ròi “đẳng cấp”. Cả đến chuyện nhỏ nhất là màu của những chiếc áo trắng, đám học trò ngoại ô chúng tôi cũng phải tự nhận ra mà… biết điều! (Ở các khu ngoại ô chưa có nước máy, chúng tôi phải giặt quần áo bằng nước giếng. Chỉ sau một vài lần giặt là áo trắng đã ngả vàng. Muốn đỡ vàng, phải hồ lơ xanh nhưng dẫu sao thì cũng chẳng thể bằng những chiếc áo trắng giặt bằng nước máy của đám học trò trung tâm tỉnh lỵ!)

Ít bạn, niềm vui của tôi là thỉnh thoảng đạp xe đạp lên hiệu sách Huỳnh Hiệp ở trong chợ Biên Hòa tìm mua sách. Hiệu sách Huỳnh Hiệp không lớn, các kệ sách cũng chẳng sang trọng như bây giờ nhưng người mua - kể cả học sinh chúng tôi - được vào chọn sách tự do, có coi ké sách cũng không thấy ai nói gì. Thường, tôi mua sách học vào dịp hè. Mua sách của năm học mới về xem trước cho biết, bài nào hiểu được thì tự học trước luôn. Ngay từ năm đầu tiên của bậc Trung học, tôi đã mê môn Vạn vật (Ngày nay là môn Sinh). Vì vậy, tôi mua rất nhiều sách về loại này. Ngoài hiệu sách Huỳnh Hiệp, tôi còn "lùng" sách ở hiệu sách Minh Trí thuộc khu vực rạp Biên Hùng (trên đường 30 tháng Tư bây giờ). Cha tôi không hề tiếc tiền khi tôi xin để mua sách. Điều ấy cũng là một thuận lợi lớn cho tôi.

Những lúc rảnh rỗi ở nhà, tôi thường “kết bạn” với cây đàn măngđôlin và chơi bài ruột là bài “Dừng bước giang hồ” của Hoàng Trọng với đoạn nhạc mở đầu tôi rất thích. Tôi cũng mua sách tự học đàn ghi ta về tự học cây đàn “người lớn” này.

Ở nhà, tôi còn được giao một nhiệm vụ rất đặc biệt, đó là đọc nhật báo cho cha tôi nghe vào mỗi buổi chiều, sau khi cả nhà cơm nước xong và việc bán buôn của đại lý bia nước ngọt rảnh rỗi. Sau này nghe cha tôi giải thích tôi mới hiểu là không phải ông lười đọc báo hoặc muốn được phục vụ như "vua quan", mà ông muốn tôi thông qua việc đọc báo cho ông nghe, tiếp nhận được các loại thông tin khác nhau như một người lớn. Cha tôi tâm sự, hồi ông còn ở nhà quê, ông nội tôi có lấy cho cha tôi một lá số tử vi và đoán rằng ông sẽ qua đời vào năm 53 tuổi (Điều này không đúng vì cha tôi sống thọ đến 84 tuổi). Nhẩm tính vào lúc cha tôi 53 tuổi thì tôi mới mười bảy, còn quá nhỏ để gánh vác việc nhà, vì thế ông muốn tôi trưởng thành trước tuổi và đúng năm tôi mười lăm tuổi, vừa thi đậu Trung học Đệ nhất cấp, cha tôi làm một bữa tiệc mừng gồm những người trong gia đình và vài người hàng xóm, giữa bữa tiệc ông tuyên bố từ nay tôi được giữ các loại chìa khóa của gia đình, được tham gia vào những việc hệ trọng nhất trong nhà...

Các sạp báo ở Biên Hòa dạo ấy không nhiều. Hiệu sách Huỳnh Hiệp có một sạp bán báo phía trước là tương đối đầy đủ nhất. Lần nào được đi chợ Biên hòa, tôi cũng dừng chân một chút để ngắm cảnh người ta đứng quanh sạp báo Huỳnh Hiệp chọn mua hoặc “đọc ké”. Ở các khu dân cư, nhiều người đặt mua báo tháng cho tiện. Hằng ngày, ở khu Phúc Hải của tôi cũng có một ông bán báo dạo đạp xe đạp với túi báo phía sau boọc-ba-ga đi đến từng nhà đặt mua để giao báo. Cha tôi đặt mua hai tờ nhật báo: tờ Ngôn Luận và một tờ nữa tôi không nhớ rõ tên. Dù là nhật báo “người lớn” nhưng báo Ngôn Luận ngày ấy cũng có một góc truyện tranh cho thiếu nhi đọc với hai nhân vật lấy tên của tờ báo là bé Ngôn và bé Luận do họa sĩ Văn Hiếu vẽ (nếu tôi nhớ không lầm). Phần tôi được mua một tờ báo học trò - thời gian đầu là tờ Tuổi Xanh, thời gian sau, khi tờ Tuổi Xanh đóng cửa thì đến tờ Tuổi Hoa ra nửa tháng một kỳ. Bên cạnh nhà tôi hồi ấy là gia đình một công chức có mấy người con toàn là trai. Tôi nhớ người con cả tên là Đức Tính, họ Trần thì phải, là học sinh Ngô Quyền từ khi tôi còn học tiểu học và anh từng có truyện được in trên báo Tuổi Hoa. Tôi nể phục lắm và lòng bảo lòng cũng sẽ viết truyện đăng báo như anh. Quyết tâm là thế mà phải đến năm 15 tuổi, tôi mới bịa được một cái truyện lấy tựa là "Nắng lên", được in hai kỳ trên báo Tuổi Xanh, còn Tuổi Hoa thì phải đến năm 18 tuổi tôi mới có truyện được in. Nhưng đến khi ấy thì gia đình anh Tính đã dọn đi nơi khác, tôi chẳng còn ai để khoe. Hai tờ báo Tuổi Xanh có in truyện "Nắng lên", tôi mua về bọc giấy bóng kính màu đỏ, cất giấu rất kỹ, sợ cha tôi biết thì... nguy! (Hồi ấy độc giả có truyện hoặc thơ gửi về tòa báo mà được chọn đăng là vinh dự lắm rồi, không có chuyện nhận nhuận bút như bây giờ! Chỉ những nhà văn kiêm nhà báo chuyên nghiệp mới có nhuận bút. Riêng thơ thì chắc người ta cho là lãng đãng, mơ mộng nên chẳng ai trả nhuận bút kể cả người đã nổi tiếng).

Tôi đi học bằng xe đạp. Ngày ấy xe đạp có hai loại khung ngang là xe nam và khung đầm là xe nữ. Chiếc xe đạp nào trang bị đầy đủ thì phải có đèn xe phía trước chạy bằng môbin phát điện nhỏ gắn sát bánh trước, một bên tay lái có gắn chuông và ở một vị trí trên khung xe có gắn cái ống bơm nhỏ. Nắp chuông là một, ống bơm là hai, thường bị mất cắp khi xe để ở chỗ đông người. Còn cái môbin phát điện nhỏ khi chạy xe ban đêm phải điều chỉnh cho nó áp vào vành bánh xe để tạo ra điện làm sáng đèn, cũng thường chệch vào vỏ xe làm mòn chỗ sát vành. Vì vậy người ta thường có “xu hướng” bỏ chuông, bỏ đèn và cả cái bơm cũng bỏ! Ai để ý sẽ thấy nơi khung xe, dù là khung ngang hay xe đầm, có hai cái mấu để gắn bơm bị thừa!

Trường Ngô Quyền có một nhà để xe cất ở phía hàng rào sát con dốc bên hông trường, có mái lợp đàng hoàng dành cho học sinh để xe nhưng không có người giữ xe như bây giờ. Chính vì thế mà ngay năm đầu tiên đi học ở Ngô Quyền, một hôm tôi quên khóa xe, khi ra về thì không thấy xe của mình đâu nữa! Tôi mếu máo đi tìm thầy Tí giám thị báo mất xe, thầy lắc đầu bảo chịu, chẳng biết phải làm sao: "... Lần sau em phải khóa xe cẩn thận. Còn bây giờ thì đón xe lam mà wề thôi!" (Thầy nói chữ "về" thành "wề").

Học sinh trong trường Ngô Quyền cũng có những anh lớp lớn đi xe gắn máy loại xe Môbilét xanh, Môbilét đen, Vêlô Xôlếch, Gôben... Sau này mới có thêm những nhãn hiệu xe Nhật như Honda, Suzuki, Yamaha... Nhưng hầu hết những học sinh đi xe gắn máy nhà đều ở xa trường như ở các miệt Tân Hạnh, Tân Ba, Tân Uyên bên kia sông, miệt Hố Nai cách trường hàng chục cây số...

Phương tiện đi lại trong tỉnh lỵ Biên Hòa ngày ấy phổ biến là xe lam. Đó là một loại xe ba bánh sản xuất từ nước Ý, có thùng xe với hai băng chở khách phía sau, tài xế ngồi điều khiển phía trước không có ca bin che chắn. Khi thùng xe đã hết chỗ, khách muốn đi phải ngồi ghé vào thành xe hai bên cạnh chỗ của tài xế xem ra khá nguy hiểm. Sau này, loại xe Lambro tương tự như xe lam xuất hiện với ca bin dành cho tài xế thì phía trước nhờ băng ghế ngồi dài nên có chỗ thêm cho hai người nữa (Dĩ nhiên là phạm luật giao thông rồi nhưng ít khi thấy các bác tài xe Lambrô bị phạt). Khách đi các loại xe lam thường là công tư chức, thị dân, học trò... Một số người cũng chọn xích lô để đi lại nhưng chỉ trong quãng đường ngắn. Xe tắc xi không có ở Biên Hòa, nếu thấy thì đó chắc chắn là tắc xi chở khách từ Sài Gòn đến.

Xe ngựa là một phương tiện giao thông khác, thường chở bà con buôn bán từ các vùng nông thôn tới chợ Biên Hòa, ga xe lửa Biên Hòa và ngược lại. Có một năm, cha tôi cũng tậu một chiếc xe ngựa và giao cho một anh tên Bảy, người ở Tân Vạn chạy chở khách mối. Tôi còn nhớ con ngựa của nhà tôi có bộ lông màu nâu như thường thấy và chiếc xe nó kéo thì cao lêu nghêu, cũng được đánh vẹcni màu nâu. Phải mất một, hai tháng gì đó, tôi mới làm quen được với con ngựa nhờ cho nó ăn cỏ hoặc thỉnh thoảng cho ăn thóc, ăn đậu xanh. Anh Bảy đi xe đạp từ nhà anh qua nhà tôi từ sáng sớm, dắt ngựa ra xe, anh cho nó ăn chút đỉnh rồi đánh xe đi chở mối bạn hàng, thường đến tối mới về và đưa cho cha tôi một số tiền nhỏ mà tôi không hiểu có phải là tiền thuê xe trong ngày hay không? Mãi đến một hôm sau Tết âm lịch nọ, tôi mới được anh Bảy cho lên xe ngựa đi từ nhà tôi qua Chợ Đồn, rẽ về Tân Vạn tới nhà anh để "ăn Tết". Tôi ngồi trên xe ngựa một mình, thấy mình chông chênh thế nào ấy, trái tim cứ đập rộn lên. Xe ngựa qua cầu Rạch Cát, rồi qua cầu Gành, bánh xe gỗ có bọc một lớp cao su lăn trên những miếng gỗ sàn lót ngang cầu kêu lọc cọc, thêm dòng sông chảy xiết phía dưới càng khiến tôi sợ hơn.

Tại nhà anh Bảy, bà con trong gia đình anh tụ tập rất đông, ngồi quanh mấy cái bàn kê ngoài vườn cây trái. Tôi được đưa tới một bàn gồm toàn người lớn tuổi, có ông mặc khăn đóng áo dài trịnh trọng, có ông mặc bộ bà ba trắng bong... Họ không đợi anh Bảy giới thiệu, đon đả kéo ghế cho tôi ngồi và tất cả đều gọi tôi là "cậu Hai".

Trên bàn bày ê hề là món ăn và trong chén của tôi cũng được mọi người gắp tiếp không lúc nào vơi. Dĩ nhiên không thể thiếu món bánh tét, món thịt kho hột vịt, dưa giá để cuốn bánh tráng, cả những khoanh dưa hấu tráng miệng ruột đỏ như son. Tôi không dám nói gì, chỉ lặng lẽ... ăn và nhìn, nghe mọi người trò chuyện. Mấy người lớn uống rượu đế, thứ rượu trong khe và sóng sánh như có mật được múc ra từ trong cái tô lớn đặt giữa bàn bằng một cái chung sành nhỏ. Người nào cũng ngửa cổ uống cạn chén rồi quay qua một bên, nhổ phẹt bãi nước miếng xuống đất vườn. Có người còn thốt lên một tiếng: "Đ...đ... đã...".

Sẩm tối, anh Bảy mới đánh xe ngựa chở tôi về khu Phúc Hải. Lần này thì tôi đã bớt sợ khi chiếc xe ngựa lăn bánh gỗ qua hai cây cầu bắc ngang cù lao Phố. Anh Bảy nói với tôi:

- Ba em đã đồng ý sang chiếc xe ngựa này cho anh rồi! Khi nào anh chồng đủ tiền thì được nhận xe...

- Thế còn con ngựa?

- Trời đất! Chớ anh mua riêng chiếc xe để làm chi?

Đó là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng tôi được đi xe ngựa của gia đình mình.

Xe ngựa ngày nay không còn chiếc nào chạy trên đường phố Biên Hòa nữa. Chắc có nhiều lý do hợp lý và hợp pháp để loại xe này biến mất. Giống như loại xe lam cũng bị cấm lưu thông trong nội ô vậy. Nhưng trong sự mơ mộng có thể bảo là hoài cổ của riêng tôi, tôi vẫn mong một ngày nào đó, hình ảnh xe ngựa lại tái hiện ở Biên Hòa. Dĩ nhiên đó không phải là những chiếc xe ngựa chở bạn hàng như ngày xưa nữa, mà là những chiếc xe ngựa mang hình ảnh “văn hóa Biên Hòa xưa”. Đó có thế là những chiếc xe ngựa có khung xe được thiết kế vừa lịch sự, vừa đẹp mắt, dùng để chở du khách từ trung tâm Biên Hòa đến khu du lịch văn hóa Bửu Long, viếng Văn Miếu Trấn Biên ở gần đó, thăm làng bưởi Tân Triều bên huyện Vĩnh Cửu... Những chiếc xe ngựa du lịch ấy cũng có thể chở du khách đi theo chiều ngược lại, qua cầu Rạch Cát ghé thăm cù lao Phố, viếng đình thờ Nguyễn Hữu Cảnh và những ngôi đình nằm rải rác quanh đó chẳng hạn...

 

***

 

Đi xa, người Biên Hòa ngày xưa có xe đò, xe lô. Đi Sài Gòn, muốn ngồi rộng rãi một chút thì đón xe đò hiệu Liên Hiệp có mấy chục ghế ngồi tương tự như xe buýt bây giờ; xe đò hiệu Nam Thành, Đức Hòa nhỏ hơn, cỡ xe hai mươi lăm chỗ nhưng dáng xe cao hơn, thô hơn nhiều. Muốn đi nhanh thì phải chịu ngồi chật như nêm trên xe lo, bến ở cổng ga xe lửa Biên Hòa hoặc ở trước rạp Vạn Khánh Hưng bên hông chợ Biên Hòa. Xe là tên gọi nôm na mà bà con dành cho loại xe hiệu Traction của Pháp, thường sơn màu đen, có ba băng ghế ngồi. (Hiện nay ở Biên Hòa còn vài chiếc được tân trang kiểu cọ của người chơi xe cổ, đồng thời cũng để cho thuê đóng phim). Khách đi xe có quyền mua một người hai vé để có hai chỗ ngồi rộng rãi hơn. Số khách như thế không phải hiếm, trong ấy có cả gia đình tôi. Bao giờ có việc đi Sài Gòn và cho tôi cùng đi, cha hoặc mẹ tôi cũng mua ba vé cho hai người.

Ở khu Vườn Mít, phía quảng trường tỉnh bây giờ, đối diện với cây xăng, ngày xưa cũng có một bến xe dành cho loại xe nhỏ hiệu Nam Thành, Đức Hòa, chở khách đi về các địa phương phía Đông Bắc Biên Hòa như vùng Hố Nai hay tỉnh Long Khánh hoặc các tỉnh lân cận như Bình Dương, Tây Ninh...

Xe đò chở khách từ Sài Gòn về phải đi qua cầu Gành và cầu Rạch Cát. Thường, khi tới Chợ Đồn, nếu có xe lửa đi qua thì các loại xe phải dừng lại chờ, đậu thành hàng dài trước cầu Gành. Bà con ở đây xây những ki-ốt giữa đường rầy xe lửa và lề đường nhựa để bày bán bưởi Biên Hòa cho khách đi xe – những chồng trái bưởi xếp có ngọn thật hấp dẫn, rồi những người bán hàng rong với đủ thứ mặt hàng, người tàn tật ôm đàn hát dạo... tạo nên một hình ảnh đặc biệt khó quên cho hành khách xe đò và cả những người dân địa phương một thời. Xe lửa đi qua, bánh xe sắt nghiến trên đường rày cùng tiếng còi hú dài, khách đi xe lửa nhìn xuống đoàn xe đậu nối đuôi, khách đi xe đò nhìn lên xem xe lửa... Đôi khi khách xe lửa và khách xe đò nhận ra người quen, chồm người qua cửa sổ vẫy gọi í ới…

(Xe lửa Biên Hòa đón khách đi lại Sài Gòn và một số tỉnh miền Trung, phải ngưng chạy một thời gian mấy năm trong chiến tranh, đâu khoảng thập niên 70 mới lưu thông lại. Hồi ấy, tôi đang là sinh viên trường Dược, có dạy một số học sinh trung học ở nhà. Thầy trò chúng tôi đã rủ nhau "đi xe lửa" cho biết ngay một tuần sau khi xe lửa chạy lại. Mua vé nơi quầy bán vé trong ga, qua cửa kiểm soát, leo lên toa tha hồ chọn chỗ ngồi vì các băng ghế còn rộng rinh..., chúng tôi náo nức vì đó cũng là lần đầu tiên trong đời được đi xe lửa. Tàu hú còi, máy kêu xình xịch, rồi tiếng những bánh xe sắt lăn trên đường rầy, tất cả cứ như mới xảy ra với tôi, dù đã hơn ba mươi năm qua đi. Chúng tôi reo lên khi xe lửa qua cầu Rạch Cát, cầu Gành, lại reo lên khi xe lửa vượt cầu Hang, nhìn xuống quốc lộ phía dưới, xe cộ nhỏ như những món đồ chơi di động... Đến ga Hòa Hưng ở Sài Gòn, thầy trò chúng tôi lại mua vé quay về. Chuyến này thì tâm trạng ai cũng khác).

Trên quốc lộ 1 hồi ấy còn có một loại xe đặc biệt lưu thông: xe be. Đó là những chiếc xe chở gỗ từ rừng về Sài Gòn, một số ít chở về Nhà máy cưa Tân Mai. Phía trước là ca bin xe, phía đuôi là một sàn xe rời, nối với nhau bởi những cây gỗ lớn hàng hai vòng tay ôm (gọi là cây be) và những sợi xích to. Từ đầu đến đuôi xe be, tùy cây gỗ dài hay ngắn mà chiếc xe có chiều dài đến khoảng mười mấy mét! Thỉnh thoảng, cánh xe be đậu lại trên quốc lộ để sửa máy hay nghỉ ngơi cơm nước, cả một quãng đường bị choán. Nhiều người dân nghèo lén ra rọc vỏ cây đem về làm củi. Đôi khi cũng xảy ra tai nạn do xích đứt, cây be rơi xuống nền đường rời khỏi hẳn phần sàn xe rời phía sau...

Đoạn quốc lộ ngang nhà tôi còn có những chiếc xe bò qua lại. Khung xe, bánh xe bò đều bằng gỗ, càng xe gắn vào cổ cặp bò kéo xe cũng bằng gỗ. Loại xe này thường chở nông sản, chở củi, tre, lá… với một người đánh xe ngồi nhàn nhã như bước đi thủng thẳng của cặp bò. Dĩ nhiên, xe bò chỉ được phép đi ở những đoạn đường ngoại ô tỉnh lỵ. Thỉnh thoảng cũng có xe… trâu, nghĩa là một cặp trâu đen trũi phải làm nhiệm vụ kéo xe thay bò. Hiếm hoi hơn là hình ảnh mấy chú bé cưỡi trên lưng trâu, lưng bò, lững thững đi ven đường nhựa cùng những chiếc xe hơi, xe gắn máy, xe đạp… Cái hình ảnh ngoại ô thời ấy, có cả văn minh đô thị lẫn mộc mạc nông thôn, tôi chắc chắn đã đi hẳn vào dĩ vãng.

 

***


Comments