Hương vị phố

Sáng sáng ở khu Phúc Hải của tôi có một ông bán bánh mì dạo với những ổ bánh mì dài sáu, bảy tấc, thân bánh thì nhỏ hơn loại bánh mì ổ bây giờ. Tùy theo tiền khách mua mà ông cắt ổ bánh dài thành nhiều phần bánh nhỏ. Có khách đòi phần bánh của mình là phần ở giữa, nhưng cũng có người lại yêu cầu phải có một đầu ổ bánh gốc, ăn cho dòn! Nhân bánh phổ biến là bì heo thái nhỏ có trộn thính hay thịt heo quay xắt mỏng hoặc xíu mại làm thành từng viên, có thêm một lát gan nhỏ. Lấy con dao bén xẻ đôi phần bánh ở phía trên xong, ông nhồi nhân theo yêu cầu của khách, thêm một gắp “đồ chua”, rồi rưới nước sốt, thêm cọng hành, ngò, vài lát ớt, xịt chút xì dầu. Khách thích ăn bánh mì kẹp giò lụa hay chả lụa thì ông rắc muối tiêu. Kết thúc tất cả bao giờ cũng là một miếng giấy báo được rọc nhỏ bọc quanh ổ bánh, cột bên ngoài là một sợi dây thun. Ông bán bánh mì dạo hành nghề với một chiếc xe đạp khung ngang. Nơi khung ngang là một cái túi vải cũ đựng giấy báo gói bánh, dây thun... đại loại là các thứ "văn phòng phẩm". Lại có cả một cuốn sổ nhỏ mà tôi không dám hỏi xem ông ghi chép những gì, liệu có phải là sổ ghi nợ cho khách quen hay không? Phía sau boọc-ba-ga xe là một cái thùng hình chữ U ngược được đặt đóng bằng nhôm cho nhẹ và khỏi bị han gỉ. Hai bên thành chữ U ngược, ông để được hàng chục ổ bánh mì dài, còn mặt bằng trên cùng thì là các loại nhân, nước sốt, xì dầu...

Ít khi tôi nghe ông bán bánh mì phải rao. Chính như một khách hàng thường xuyên của ông là tôi, cứ khoảng sáu giờ rưỡi sáng, mở cổng nhà nhìn về phía cột điện là đã thấy ông đứng đó đang bán bánh mì cho một hai người khách. Có lẽ ông đã nghĩ ra việc tự chọn những "trạm" bán hàng cho mình để khách quen cứ việc đến đấy mà mua.

Nhưng buổi sáng trên đường nhà tôi cũng có nhiều tiếng rao lanh lảnh, hầu hết là giọng phụ nữ. Bà bán xôi, bà bán bánh khúc, chị bán bún riêu cua... đều phải rao. Có người đội cái mẹt hàng trên đầu, có người cắp ngang eo, người thì gánh gióng nặng nề với nồi nước riêu trên cái bếp than lúc nào cũng hồng nóng. Không tự chọn "trạm" như ông bán bánh mì nhưng cứ khi có người gọi mua, gánh bún hay mẹt xôi đặt xuống lề đường được một chút là khách mua không hiểu ở đâu đã xúm quanh, tự hình thành một cái "trạm" bán hàng!

Khu Phúc Hải nhỏ là thế mà cũng có đến hai tiệm phở. Có lẽ vì đây là khu dân cư miền Bắc nên món phở Bắc được chuộng chăng? Đi ăn phở sáng là một thú sang trọng với những gia đình bình dân. Người ta hay chọn sáng chủ nhật được nghỉ, đưa cả gia đình đi ăn. Cũng có những người là bạn bè rủ nhau đến tiệm phở. Tôi không rõ khi phở Bắc mới xuất hiện ở đây thì thế nào, nhưng vào những năm của thập niên sáu mươi, khi tôi thỉnh thoảng được dẫn đi ăn "phở ông Miễn" hoặc "phở bà Đường", thì trên bàn đã có một đĩa rau nhiều loại như húng quế, ngò gai, sà lách rồi. Tương ớt loại đỏ cay, loại nâu ngọt mặn cũng đã có. Hồi đầu, ngoài bánh phở thì thịt bò chỉ đơn giản là bò tái hay chín, chứ chưa có nạm, gầu, gân... phức tạp như bây giờ. Ngoài phở nước, nhiều người còn gọi món phở xào với thịt bò, bánh phở xào chừng như dai hơn, ngon hơn. (Người ta không xào phở với lòng gà như bây giờ, cũng không thấy tiệm phở nào bán phở gà. Ở trung tâm tỉnh lỵ Biên Hòa cũng có một tiệm phở nổi tiếng là phở Tứ Hải trên đường Phan Đình Phùng - trước mặt hai Sở Lao động Thương binh Xã hội và Sở Y Tế ngày nay - mà chủ tiệm lại là người Hoa! Tiệm phở này cho đến nay vẫn bán dù quy mô không còn như trước nữa.

Ngoài món phở Bắc mà dần dần được cải biến cho hợp với khẩu vị người Biên Hòa gốc, thì món hủ tiếu và mì sợi là hai món quen thuộc khác. Hủ tiếu có khi còn được ăn chung với mì thành món hủ tiếu mì. Người ta ăn hủ tiếu khô hoặc ăn nước. Ăn nước là kiểu ăn bình thường: bánh hủ tiếu loại thường hay loại dai, thịt heo, gan, có nơi có cả tôm hay mực ống... được nấu và chan nước lèo đầy tô. Ăn khô thì trong tô chỉ có bánh và thịt..., nước lèo được múc vào một cái chén nhỏ, có thêm một hột gà đập vào hoặc một miếng xương hầm. Có tiệm cầu kỳ còn có thêm một miếng bánh tôm chiên dòn đặt lên trên cùng tô hủ tiếu!

Không hiểu sao ấn tượng nhất với tôi lại là món mì sợi. Đất Biên Hòa là một trong vài địa phương của phương Nam có những đoàn người Hoa di cư đến từ thời vua chúa nhà Nguyễn. Cù lao Phố, tức Nông Nại Đại phố ngày xưa là thương cảng tấp nập với những ông chủ kinh doanh là người Hoa. Nhiều dãy phố dọc theo bờ sông Đồng Nai là nơi cư trú của bà con người Hoa đi theo tướng Trần Thượng Xuyên đến lập nghiệp ở Biên Hòa. Có lẽ món mì sợi đã theo họ đến đất này cùng bí quyết làm mì, nấu nước lèo và cả nghệ thuật kinh doanh. Nhiều người Biên Hòa cũ kể lại rằng chú Mừng là một người Hoa làm mì rất khéo, rất ngon nhưng ông chỉ làm đến khoảng bốn giờ chiều thì nghỉ tay để đi “làm bạn” với... nàng tiên nâu! Mì chú Mừng là một "thương hiệu" nổi tiếng, đảm bảo!

Một tháng đôi lần, tôi và cô em thường được mẹ tôi dẫn đi chợ Biên Hòa vào ngày chủ nhật. Đó là những buổi hạnh phúc nhất của tuổi thơ tôi. Ba mẹ con ra lề đường đón xe lam, chọn chiếc nào ít khách để có thể ngồi rộng mới vẫy xe dừng lại. Xe đi qua Vườn Mít, xuống dốc Kỷ Niệm, qua công trường Sông Phố, rẽ phải đến mặt tiền chợ Biên Hòa. Mẹ tôi đi chợ mua vải may quần áo, mua trái cây hay hàng họ gì đó, xong xuôi bao giờ cũng dẫn anh em tôi đến một xe mì trong chợ. Tôi thường ăn đến hai vắt, khi thì mì sợi nhỏ, lúc là mì sợi lớn, hoặc có khi là một vắt mì với hoành thánh. Ngồi bên chiếc xe mì (nếu tôi nhớ không lầm thì có tên là Châu Ký) có gắn những tấm kính vẽ hình Quan Công, Trương Phi, Lưu Bị, Triệu Tử Long trong truyện Tam Quốc Chí bằng sơn màu xanh, đỏ, đen..., nghe tiếng dao xắt hành lá trên thớt, hít hà mùi nước lèo khi ông già người Hoa mở nắp thùng nước lèo... cứ như đang được bay bổng lên mây. Chiếc xe mì cũng có bày một hai cái bàn cạnh đó cho khách ngồi ăn trên ghế xếp chân sắt được thoải mái, nhưng người sành điệu phải chọn ngồi ăn tại "bàn" gắn liền với xe - chỉ là một mảnh gỗ dài theo chiều dài xe mì, bề ngang chừng ba tấc. Ngồi ở đây, chẳng những ăn tô mì của mình mà những lúc ngưng đũa, còn được nhìn thật gần ông già đầu bếp gấp những miếng bột cán mỏng gói một chút thịt bằm bên trong, làm nên những viên hoành thánh hấp dẫn.

Những đêm mẹ con tôi đi xem cải lương ở rạp Biên Hùng, vãn tuồng, mẹ tôi lại cho tôi ghé qua tiệm mì Liên Viên Viên hoặc tiệm mì Trứng cá phía đầu đường. Ngồi ăn mì Trứng cá (Tên quen gọi tiệm mì này như thế vì ở đây có một cây trứng cá lớn che mát được đến mấy bàn ăn. Tiệm còn bán sau 1975 một vài năm rồi nghỉ) người ta còn được hưởng cái thú nhìn ra vòng xoay ngã năm Biên Hùng, xe cộ qua lại tấp nập. Sau này khi lên học bậc Trung học đệ nhị cấp, tôi mới được bạn bè rủ đi ăn mì Vĩnh Vĩnh ở đầu xóm Lò Bò hoặc qua bên kia sông ăn mì Xí Mứng, mì Bà Một... Món mì truyền thống ăn với thịt heo xắt mỏng thêm ít thịt heo bằm, có thêm vài lá cải nhỏ, ăn bằng đũa và muỗng sứ. Gia vị có ớt, xì dầu..., chỉ có bột cải nhuyễn màu vàng chanh là khó ăn nhất, ít thấy người đụng đến.

(Ăn mì ở nhiều nơi tôi thấy món ăn này ngày càng được chế biến khác xa với thuở ban đầu của nó. Nhiều nơi bán mì thập cẩm với nhân có thịt heo quay xắt nhỏ, rồi nào cật heo, nào cá, mực, tôm, cua… chẳng khác nhân của món hủ tiếu. Chưa hết, có nơi tô mì còn có thêm cả miếng giò heo như món bún bò, hoặc đập thêm hột gà như món phở! Một lần ra Hà Nội, tôi được giới thiệu đến tiệm mì “Chợ Lớn mì gia” nhưng đến ăn mới biết chủ tiệm là một người Hà Nội và món mì cũng là loại chế biến!) 

Ăn mì cũng có hai cách: ăn mì nước hoặc mì khô. Vắt mì nước thường lớn hơn vắt mì khô. Một người bình thường gọi hai vắt mì nước là ăn no, nhưng phải ba, bốn vắt mì khô ăn mới "đã". Những tiệm mì người Hoa nổi tiếng không bao giờ mua mì ở những lò làm sẵn mà họ tự chế biến ra loại mì riêng của tiệm mình. Tôi nghe nói mì của những tiệm này không những được chọn bột rất kỹ mà quá trình chế biến còn thêm cả lòng đỏ trứng gà và một món gia truyền nào nữa! Chẳng thế mà sợi mì của họ vừa dai, vừa bùi.

Có điều ở Biên Hòa cả ngày xưa và bây giờ, tôi chưa gặp tiệm mì nào mà đầu bếp kèm thêm phần biểu diễn như tiệm "mì thảy" ở đường Ba Cu, thành phố Vũng Tàu: sau khi nhúng vắt mì vào thùng nước lèo cho chín, người đầu bếp thảy vắt mì lên cao rồi hứng lại bằng cái vợt để làm cho vắt mì tơi ra, trông cứ như một diễn viên xiếc đang biểu diễn! Có lẽ người Hoa ở Biên Hòa cũng trầm lắng, hiền hòa như người Biên Hòa, không thích phô trương như người sống ở thành phố du lịch biển kia chăng?

Nhà văn Lý Văn Sâm thuở sinh tiền, mỗi khi về hội họp tại Hội Văn Nghệ Đồng Nai mà ông là Chủ tịch, biết tôi thích ăn mì nên thường rủ tôi đi ăn ở một tiệm mì trên đường khu Cây Chàm, nền thấp hơn mặt đường, đối diện nhà ông Lương Văn Lựu (tác giả bộ Biên Hòa sử lược) mà nhà văn kể là nơi ông vẫn thường tới ăn sáng hồi viết báo, làm cách mạng thập niên bốn mươi, năm mươi ở Biên Hòa, trước khi bị bắt nhốt vào Trung tâm cải huấn Tân Hiệp. Ông cũng thích ăn mì khô hơn mì nước và uống cà phê một hơi, quá lắm là hai hơi đã cạn. Ông giải thích: "Hồi xưa ra lề đường uống cà phê vợt, khách đông nên mình phải tranh thủ uống cho mau để còn nhường cái ghế cóc mình đang ngồi cho người khác. Cà phê đem ra còn nóng, phải đổ ra cái dĩa để lấy mặt thoáng rộng hơn, phùng má thổi mấy hơi cho mau nguội rồi húp cái một tới hết. Uống kiểu đó riết thành quen".

 

***

 

Món ăn nổi tiếng ở Biên Hòa xưa còn có bánh canh đầu cá hay cháo cá bên Chợ Đồn, bánh canh Huỳnh Của ở gần đầu dốc Kỷ Niệm, cà ri dê Tư Dữ ở Vườn Mít...

Ngày ấy ông Tư Dữ là mối hàng mua bia, nước ngọt, nước đá của cha tôi. Ông có nuôi một bầy dê vừa để chúng sinh sản vừa để làm thịt dần. Dáng người ông thấp đậm, còn in rõ trong tâm trí tôi hình ảnh ông cầm cây roi lùa bầy dê ăn cỏ phía bên kia đường - khu vực nhà bảo tàng tỉnh bây giờ. Bà Tư Dữ, tôi cũng còn nhớ gương mặt rặt Nam bộ, hơi khắc khổ một chút. Tên Dữ nhưng tôi thấy cả hai ông bà đều hiền lành, nhất là... những lúc tôi đạp xe lên mua cà ri dê về cho gia đình. Thường thì sau khi ông Tư múc vào ga-men xong - với một sự ưu tiên - thì trước khi trao cho tôi, bà Tư lại lén chồng múc thêm một hai miếng thịt nữa. Cà ri dê phải nấu bằng ca ri nị chính gốc Ấn Độ mới vừa cay, vừa thơm. Ăn thịt dê phải chấm muối ớt vắt chanh, phải kèm một miếng cà tím, và một mẩu bánh mì chấm vào nước cà ri nữa. Sau 1975, cà ri dê Tư Dữ còn hoạt động tiếp một thời gian ở nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố Biên Hòa, do mấy người con của ông bà Tư làm chủ, nay hầu như đã nghỉ cả. Những quán thịt dê bây giờ ở Biên Hòa được mở ra khá nhiều, nhưng thường làm món lẩu, món nướng chứ ít chỗ có món cà ri. Thịt dê cũng có người bỏ mối, chưa thấy quán nào tự nuôi dê giết thịt như gia đình ông Tư Dữ.

Món vịt quay ở Biên Hòa thì cứ phải là vịt quay ở mé hông nhà hàng Hạnh Phước trước đây. Tiệm tên là Bôi Ký, nhưng mọi người quen gọi là “Vịt quay Hạnh Phước” nên tên sau này đã trở thành cái tên được vẽ trên biển hiệu của tiệm lớn hơn tên chính. Tiệm vịt quay này có từ lâu rồi, nay vẫn giữ được bí quyết chọn vịt, quay vịt, làm nước sốt theo phong cách người Hoa mà giá cả lại bình dân. Món lưỡi vịt mà nhậu rượu đế thì thật thú vị nhưng chỉ mua buổi sáng mới hy vọng có vì mỗi con vịt có hai chân, hai cánh nhưng chỉ có... một cái lưỡi! Người Biên Hòa cũ hay mới, đến nay vẫn có thói quen đi mua vịt quay Hạnh Phước, chặt nguyên con hay nửa con vịt, lấy đủ rau, dưa leo, nhất là nước chấm được pha chế đặc biệt... bỏ vào bọc ni lông; mua thêm một hai ổ bánh mì đem về nhà ăn hay tiếp khách lai rai.

Những buổi chiều, trên đường phố có nhiều người phụ nữ gánh các gánh bún riêu, bánh canh, tàu hũ... đi rao bán. Lại có một hai chiếc xe mì gõ "xực tắc" đẩy bán rong. Một cậu bé, thường là thế, đi trước xe mì một đoạn đường, tay cầm hai khúc tre gõ vào nhau theo nhịp thay cho lời rao. Khách gọi, người đẩy xe kiêm đầu bếp làm mì vào tô rồi cậu bé kia bưng đến tận cửa nhà cho khách. Có khi trên đường về, họ mới ghé lấy lại chén đũa. Có điều, mì gõ “xực tắc” chỉ ăn cho vui miệng hay ăn “cứu đói”, chứ chẳng thể so với mì ở các tiệm mì người Hoa chính hiệu về mọi mặt! Mùa mưa, coi như những gánh hàng rong, xe mì "xực tắc" gặp nạn! An ủi là khi một chị gánh bún, gánh bánh canh tạt vào một hiên nhà nào đấy trú mưa, chủ nhà động lòng - theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng - thì thế nào cũng bán được mấy tô! Thực ra, ăn món nóng như bún, bánh canh vào lúc trời mưa thì quả là ngon miệng. Gia đình tôi có bốn người, thêm một chị bếp, hai người giúp việc chạy xe ba gác bỏ mối bia, nước ngọt, vị chi là bảy người, gánh hàng rong nào ghé vào coi như “trúng số”!

Từ những khu có người miền Bắc sinh sống, một vài món ăn Bắc khác cũng được tỏa đi khắp thành phố Biên Hòa. Có thể kể đến món bánh gai hiệu Ninh Cường ở khu xóm đạo Tân Mai vừa bày bán ở cửa hàng, vừa làm theo yêu cầu của người đặt để biếu Tết, biếu đám cưới... Một dạo, có một ông trung niên đạp xe đạp rao bán bánh gai trên đường phố Biên Hòa bằng một câu “chơi chữ”: “Bánh gai – Bánh góc!”, giọng thản nhiên pha chút chán chường. (Kiểu chơi chữ như của một ông “các chú” ở Vũng Tàu rao bán bánh tét: “Ai có tiền có quyền bóc lột!”, nhưng nhẹ nhàng hơn). Bánh gai gói bằng lá chuối, được làm bằng bột nếp, lớp ngoài có màu đen của cây “tầm gai” khác hẳn với các loại bánh quen thuộc của người Nam bộ. Ngoài ra còn có món bánh giò bằng bột gạo, nhân là thịt bằm có trộn mộc nhĩ; hoặc bánh dày gồm hai miếng hình tròn, kẹp chả ở giữa cũng rất "Bắc" như món bánh chưng ngày Tết vậy.

Đặc biệt là sự "phát triển" của món... thịt chó!

Vùng Hố Nai thì khỏi phải nói, khu Tân Mai, Tam Hiệp cũng vậy, những quán thịt chó mà chủ nhân là người có đạo Thiên chúa, mở ra bán phục vụ khách hàng chủ yếu là người đồng hương, đồng đạo. Cả đến khu Phúc Hải của tôi cũng có mấy quán, trong đó có chủ quán là người đạo Phật, cứ đến mười tư, rằm, ba mươi, mồng một là đóng cửa “không sát sinh”. Cha tôi rất thích ăn thịt chó nhưng ông lại cũng là người mộ đạo Phật. Một mình ông cùng hai người khác sáng lập ra đền thờ Đức Thánh Trần như tôi đã kể, ông còn góp tay trùng tu chùa Đức Quang, chủ trương vận động xây dựng chùa Phúc Lâm bên quốc lộ 15. Ông cũng vận động lập được hai cái nghĩa trang, một cho bà con Phật giáo Phúc Hải (nay đã giải tỏa) và một cho Phật tử chùa Phúc Lâm. Nhưng... ông vẫn ăn thịt chó. Có điều, ở nhà tôi có bàn thờ Phật nên khi muốn ăn, ông đi ra quán. Sau này khi tôi vào Trung học, ông bắt đầu "rủ" tôi cùng đi ăn cho vui. Có điều ông thì vừa ăn thịt chó vừa nhâm nhi một hai ly rượu, còn tôi thì chỉ được phép ăn! Ông "lý sự" với tôi: "Phật tại tâm. Mình làm việc thiện, mình kính trọng Phật là tốt rồi. Ngày rằm, mồng một không ăn là phải thôi. Có kiêng có lành. Nhưng dù sao cũng phải công bằng, khách quan mà nói là ăn thịt chó chỉ có... bổ!". Xem ra tôi cũng khá thông cái "lý sự" ấy.

Đến quán ăn thịt chó, người ta gọi mấy món "cơ bản" như luộc, lòng, dồi, nhựa mận, sáo măng. "Sống ở đời ăn miếng dồi chó". Chẳng biết ai đã đặt ra câu ấy nhưng món dồi đã là một món đánh giá chất lượng của mỗi quán. Món nhựa mận (còn gọi là rựa mận) cũng là một món "chuẩn" để đánh giá quán thịt chó ngon hay không. Nước chấm là mắm tôm cũng thế, phải là mắm tôm đen vừa mặn, không sạn, có nơi dọn ra với chanh, ớt, đường... để khách tự pha chế gia giảm, có nơi làm sẵn với bí quyết riêng. Một số người không ăn được mắm tôm thì chấm nước mắm hoặc muối vắt chanh, nhưng như thế quả chưa thể bảo là dân sành điệu món thịt chó! Dần dần về sau, người ta chế ra nhiều món khác như nướng, chả chìa, lá lốt... mà thành phần thịt không chắc chắn chỉ là thịt chó! Ngoài các thứ rau mà trong đó lá mơ và củ riềng xắt lát không thể thiếu, người ta ăn thịt chó với bánh đa vừng hoặc bún, tùy theo món. Nhiều tiệm chọn bánh đa ngon mới mua về bán cho khách nhưng đúng ra, bánh đa phải là loại khách gọi mới nướng, đem ra còn nóng hổi, tiếng bẻ bánh ròn tan. Bún cũng thế, phải là bún mới làm xong, không bị chua. Thức uống thì chỉ có rượu đế, rượu gạo mới phù hợp. Người ăn thịt chó ngồi quanh cái bàn thấp, gắp miếng thịt đặt vào giữa một cái lá mơ, thêm lá rau húng nếu thích rồi cuộn lại, cầm nơi tay phải. Tay trái nâng ly rượu chạm với bạn bè rồi uống cạn, chấm miếng thịt gói trong lá mơ vào chén mắm tôm, bỏ vào miệng nhai nhẩn nha mà thưởng thức! Có người cầm lóng sả non tấc hoặc miếng riềng xắt mỏng cắn thêm một miếng, vừa cay vừa ấm miệng, lại “sát trùng”.

Các quán thịt chó không bao giờ được thiết kế sang trọng. Đã là quán loại "Đúng rồi", "Hạ cờ tây", "Nai đồng quê"... thì phải bình dân, tốt nhất là bàn thấp, ghế cóc, tường cũ, nền cũ, phía trước có một tủ kính treo cái đùi chó, cỗ dồi..., còn không khí trong quán phải có mùi "chó đặc trưng". Những quán đông khách đến mấy, người ta cũng không biến nó thành... nhà hàng! (Ngày nay ở vùng Nhật Tân, Hà Nội, nơi có rất nhiều quán thịt chó kiểu liên hoàn, công nghiệp cũng vẫn bày biện bình dân, dù người ở đây tự hào vùng đất của họ có cả "rừng riềng, biển rượu, nông trường chó, cánh đồng rau thơm").

Dạo Liên quân Mỹ và một số nước chư hầu qua tham chiến tại miền Nam Việt Nam, lính Đại Hàn rất thích ăn thịt chó nên các quán thịt chó mọc ra khá nhiều để phục vụ họ, chủ yếu gần khu vực lính Đại Hàn đóng quân.

Người Nam bộ ở Biên Hòa trước đây không ăn thịt chó. Nhiều người nói rằng chó là loài vật trung thành với người, ăn thịt nó rất tội nghiệp. Lại có người bảo mình thờ Ông (tức Quan Công) nên nếu ăn thịt chó sẽ bị thánh vật. Có người thì từ chối vì một lẽ rất đơn giản: thịt chó có món lá mơ khó ăn, thêm nữa, người Nam bộ gọi lá mơ bằng cái tên rất gợi về mùi vị chẳng thơm tho gì! Thế nhưng theo thời gian, nhiều người đã "thử" và đến nay thì không ít người Nam bộ Biên Hòa tỏ ra khoái cái món "cờ tây" này; nhiều người khác đã trở thành chủ quán thịt chó đông khách!

Thịt chó ngày nay đã được chế biến, sáng tạo cho hợp khẩu vị nhiều hạng khách khác nhau. Nhưng dù thế nào đi nữa thì đĩa thịt luộc mà từng miếng thịt được bàn tay thiện nghệ của ông chủ xắt từng lát mỏng vừa miệng, hay miếng dồi thơm ngậy, dĩa nhựa mận vừa mềm vừa quánh, bát sáo măng váng mỡ... vẫn cứ là “cơ bản” và không thể thiếu. Khu vực trung tâm mở rộng của Biên Hòa ngày nay, nói đến thịt chó, người ta dễ nhớ đến những cái tên quen thuộc. Trước kia thì có thịt chó chợ Tân Mai, thịt cầy Hai Thông trên đường Đồng Khởi. Sau này là Ba Miền, Cây Rơm cũng ở khu vực ấy, rồi Năm Mạnh ở trong chợ Phúc Hải…  Những buổi chiều, mỗi quán với thực khách quen thuộc, hợp “gu” của mình ngồi kín những dãy bàn… Ai bảo ăn thịt chó không phải là một cái thú?

 

***


Comments