Những đám mây màu khói Tôi lên lớp đệ Tam (lớp 10 bây giờ), học ban B - ban Toán. Lớp tôi học ở dãy sau của trường Ngô Quyền mà mở cửa sổ nhìn ra ngoài thấy có mấy cái mả đá ong vô chủ. Năm đó là năm 1965, lính Mỹ và lính đồng minh của họ đã bắt đầu qua Việt Nam tham chiến. Hằng ngày, tôi vẫn đọc báo cho cha tôi nghe và có quan tâm hơn đến các tin chiến sự nhưng quả tình tôi không thể hiểu nổi vì sao lại có chiến tranh. Cha tôi bảo còn nhỏ thì cứ lo học hành đi đã, chiến tranh là chuyện của người lớn! Thật ra, hình ảnh về chiến tranh khó tìm thấy cụ thể ở tỉnh lỵ Biên Hòa. Trong trí óc non nớt và sự hiểu biết hạn hẹp của học sinh chúng tôi, Biên Hòa có sân bay quân sự, từ nơi đó các loại máy bay trực thăng, máy bay phản lực chiến đấu... đã xuất phát đến các mặt trận, nhưng các mặt trận đó ở đâu, chiến tranh diễn ra thế nào, chúng tôi chẳng làm sao biết được! Những chiếc máy bay phản lực chúng tôi cũng chỉ nhìn thấy trên bầu trời thật xa khi chúng bay đi hay bay về, như những mũi tên lao vun vút rồi mất dạng, để lại trên nền trời xanh một vệt khói trắng kéo dài. Thường nhật hơn là tiếng động cơ của những chiếc máy bay khi đậu trong sân bay và được cho nổ máy bảo dưỡng. Hình ảnh về sân bay mà chúng tôi thường gặp trong thành phố lại là… những người mặc quân phục phi công đẹp trai, cao lớn thường hay lượn xe díp hay xe Vespa Ý quanh các trường trung học buổi nữ sinh với bao tà áo dài trắng thướt tha trên đường phố. Một buổi học nọ, chúng tôi được nhà trường huy động ra xe GMC nhà binh chở từ Biên Hòa đến Dĩ An. Xuống xe, chúng tôi phải đứng thành hàng một hai bên quãng đường dài cả cây số để… đón chào lính Đại Hàn đến đóng quân ở đây! Trời nắng dần. Đám học trò nhỏ chúng tôi bắt đầu xôn xao đòi giải tán nghỉ thì đoàn xe chở lính Đại Hàn mới đến. Tò mò muốn biết “mặt mũi người Đại Hàn” ra sao, tôi nhướng mắt nhìn kỹ. Gương mặt đầu tiên là một gương mặt bầu bĩnh, mắt một mí. Đến gương mặt thứ nhì cũng tương tự thế! Rồi những gương mặt tiếp theo… Trên đường về, một đứa bạn nói với tôi: “Mấy thằng Đại Hàn ngó mặt khờ trân”. Một đứa khác tỏ ra hiểu biết: “Coi vậy chớ họ có võ giỏi lắm đó!”. Đứa thứ ba trề môi: “Rồi cũng phải đem xác về nước thôi!”. Đó có lẽ là ý kiến “chính trị” nhất so với lứa tuổi học trò chúng tôi! Ở nội ô Biên Hòa, lính Mỹ xuất hiện chủ yếu nơi các quán bar, nhất là khu Dốc Sỏi. Lính Mỹ trắng, lính Mỹ đen cao nghều, mặt coi già chát, đầy tàn nhang chứ thực ra phần lớn chỉ ở tuổi trên dưới hai mươi một chút, tuổi quân dịch của nước họ. Ỷ là nước lớn, lại viện trợ cho chính quyền miền Nam, họ có thái độ khinh thường người Việt. Có những người lính Mỹ ngồi trên xe Jeep chạy chầm chậm qua mặt người phụ nữ đi xe đạp, vươn tay giật nón lá rồi quẳng lại cùng tiếng cười hô hố. Có những người Mỹ khác ném sinh gôm về phía đám trẻ Việt Nam... Tất cả chỉ góp phần làm cho hình ảnh của họ xấu đi trong mắt người Việt bấy giờ. Có một sự kiện chấn động tỉnh lỵ hồi ấy là vụ nổ ở sân bay Biên Hòa, do quân giải phóng pháo từ trong rừng chiến khu qua. Nhưng thị dân Biên Hòa cũng chỉ nghe những tiếng nổ đinh tai nhức óc, thấy cửa kính vỡ, nhà cửa rung lên như trong cơn động đất, thấy những cột khói bốc cao ngút trời, âm ỉ nhiều ngày liền phía sân bay. Còn "trận địa" thì chỉ nằm trong trí tưởng tượng của họ. Bao nhiêu lớp hàng rào đã ngăn sân bay Biên Hòa thành một thế giới riêng với đường phố, với khu dân cư trong tỉnh lỵ. Có lẽ chỉ những thay đổi phố xá là rất rõ ở cái tỉnh lỵ Biên Hòa nhỏ bé hiền hòa này. Ở phía Tam Hiệp, ở phía đầu Hố Nai, người ta mở rộng và tráng nhựa lại xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn đã được hoàn thành cơ bản từ năm 1961, mặt đường rộng đến hai, ba mươi mét. Tôi nghe nói nhà thầu Mỹ làm đường rất nhanh nhưng đến mãi sau này, khi quốc lộ 1 ngang qua nhà tôi được sửa sang, chính mắt được chứng kiến với nỗi ngạc nhiên lớn thì tôi mới tin là lời đồn kia không phải là lời nói dối. Buổi sáng hôm ấy tôi lên xe đạp đi đến trường học, đường vẫn là đường cũ, thế mà trưa về nhà, một nửa con đường đã được trải lên một lớp đá và nhựa đường dày hàng tấc, xe cộ đã đi lại được. Thì ra người ta không đào đường cũ rồi lần lượt rải từng lớp đá hộc, đá mi, tưới nhựa đường nấu trong những thùng phuy lớn đặt bên lề đường trước khi cho xe lu lăn qua như kỹ thuật cũ nữa. Mặt đường cũ được để nguyên, một chiếc xe chở đá và nhựa đường trộn sẵn rải lên mặt đường cũ, rồi xe lu làm phẳng, thế là thành mặt đường mới. Nhiều người dân hiếu kỳ chịu khó đi theo hai chiếc xe làm đường cả cây số để nhìn cho tận mắt. Ngoài xa lộ Biên Hòa, khoảng năm 1965, Khu kỹ nghệ Biên Hòa được xây dựng với nhiều nhà máy lắp ráp, cả công nghiệp nặng lẫn công nghiệp nhẹ. Sự xuất hiện của khu kỹ nghệ này báo hiệu sự phát triển về kinh tế, dù chỉ là bước đầu, đồng thời cũng tạo được nhiều chỗ làm cho người Biên Hòa ngày ấy. Nếp sống công nghiệp dần đến với một bộ phận lao động có gốc nông thôn, nhưng quả tình hình ảnh “người thợ” vẫn chưa hấp dẫn người ta bằng hình ảnh công, tư chức hoặc thương nhân! Kiểu nhà mái bằng xuất hiện rải rác đây đó rồi ngày một nhiều hơn ở những phố ven quốc lộ. Những nhà không có điều kiện đổ bê tông tạo mái bằng thì làm mái tôn nhưng chỉ là một mái xuôi chứ không còn theo kiểu nhà hai mái, có nóc truyền thống nữa. Mặt tiền nhà thì mốt thời thượng lúc ấy phải là làm đá mài màu đen trắng hoặc màu xanh trắng. Nền thì “mốt” là lát gạch bông khổ vuông mỗi cạnh hai tấc. Người ta thường lát gạch hai màu, một màu trắng và một còn lại là màu xanh, đỏ hay vàng. Sau này, gạch bông một màu trơn được cải tiến với những hoa văn đẹp hơn... Dọc theo một bên phố ở quốc lộ 15, người dân Tân Mai xây hàng loạt nhà hai tầng giống hệt nhau, rồi các cửa hàng buôn bán vật liệu mở cửa, khiến cho người đi xa trở lại cứ tưởng mình đang đứng trước một khu vực lạ! Khu Phúc Hải bên quốc lộ 1 do nằm sát với doanh trại quân đội nên không được phép xây nhà tầng, nhưng nhà cửa cũng dần đổi khác theo kiểu nhà mái bằng và một vài nhà vẫn "xé rào" xây hai tầng bằng cách tầng hai không có lan can, không có cửa ra vào phía mặt đường, cũng không có cả cửa sổ! Xe Nhật bắt đầu tràn ngập đường phố Biên Hòa, bắt đầu từ chiếc xe gắn máy hiệu Honda. Hồi ấy, xe Honda được nhập vào bán ưu tiên cho quân đội và công chức, tôi nhớ giá khoảng 30 - 35 ngàn đồng (so với lương công chức trên dưới 10 ngàn đồng mỗi tháng). Ở đề bô Thanh Hải của cha tôi, chiều hôm ấy có một người sĩ quan quân đội chạy chiếc Honda mới tinh đến mua bia về cùng bạn bè nhậu “rửa xe”, mọi người đã xúm quanh để xem chiếc xe Nhật này! Trước đó, người ta đã kháo nhau là xe Honda của người Nhật sản xuất làm bằng nhựa, bugi thì nhỏ xíu, ống pô không thấy phun khói, chạy xăng không pha nhớt. Có người bĩu môi: "Hàng mã, chạy một vài tháng là tơi tả ngay thôi!". Xúm quanh chiếc xe Honda sơn màu xanh lá cây nhạt, những người tò mò sờ cái bửng xe bằng nhựa màu ngà, tăng ga thử xem có khói hay không, người khác thì thử bấm còi, mở đèn xi-nhan... Lúc chủ xe ra, xin lại xe để về, ông ta sang số dưới chân, xoay tay ga, chiếc xe từ từ lăn bánh mà chỉ nghe tiếng máy nhè nhẹ, mới có tiếng khen: "Xe tốt đấy!". Sau loạt xe Honda, các hãng xe khác của Nhật “theo đuôi” xuất hiện. Hãng Yamaha mà người ta hay đùa gọi là "Già mà ham", hãng Suzuki (gọi tắt là Su), hãng Kawasaki... với đủ kiểu dáng và tính năng na ná xe Honda. Mở Radio nghe quảng cáo, xe Nhật nào cũng “an toàn trên xa lộ” và bao thứ khác đều “trên cả tuyệt vời”... Thế là các loại xe gắn máy cũ "xuống giá". Xe hiệu Gôben của Đức bị chê là máy nổ dòn, ồn ào, chạy động cơ hai thì nhiều khói. Môbilét bị chê là chạy yếu như sên. Xe hai thì có giá ngày ấy chỉ còn loại Vespa kiểu Super, kiểu Sprint mà giá đến hơn một trăm ngàn đồng một chiếc. Xe hơi cũng bắt đầu có những nhãn hiệu Nhật. Xe Daihatsu đầu rụt được mua về chở khách, cạnh tranh với xe lam, xe lambrô. Xe du lịch thì nào Toyota, Datsun, Mazda...Với giá tiền trên dưới một triệu đồng một chiếc xe hơi loại du lịch như thế, không phải là không có nhiều người đủ sức mua. Xe hơi các hãng cũ như loại con rùa (Volwagen – của Đức), con cóc (Citroen – của Pháp)... tuy chưa bị coi là đồ cổ nhưng ít người còn để ý mua xe mới của các hãng này nữa. Cả hai cha con tôi đều không ai có tính chạy theo thời thượng, thế mà vẫn phải thay đổi theo số đông. Đầu tiên, năm tôi học đệ Nhất, cha tôi mua lại cho tôi chiếc Gôben hai thì chạy xăng pha nhớt, sang số tay để chuẩn bị nếu vào được đại học thì có xe mà đi lại Biên Hòa - Sài Gòn. Chính người chủ cũ của chiếc xe – cũng là một mối hàng của cha tôi - đã chở tôi lên khu rừng cao su đối diện khu Lò Than (nay là khu vực Bệnh viện 7B) để tập cho tôi chạy xe giữa các đường lô vắng vẻ. Với chiếc xe này, tôi đã chạy đi Sài Gòn cùng bạn bè một lần qua ngả Tam Hiệp – xa lộ Biên Hòa, khi đi xem trường thi Tú Tài 2 ở khu nhà thờ Huyện Sĩ. Sau đó, khi tôi đậu vào trường Dược, cha tôi "thưởng" cho tôi chiếc Vespa Sprint 150 phân khối. Chiếc Gôben thì bán lại cho người khác.
***
Với riêng tôi, có lẽ "chiến tranh" mà tôi nhìn thấy cụ thể nhất là... tại khu vườn sau nhà tôi vào khoảng năm 66, 67. Khu đất cha tôi thuê hồi đầu mới dọn đến, sau này ông mua lại của chủ ruộng, làm giấy tờ sang tên, có bản đồ, có số thửa đàng hoàng. Nó vừa có chiều ngang rộng chừng mười lăm thước, vừa có chiều dài rộng hơn năm mươi thước. Cha tôi cho sửa lại ba gian nhà ở và buôn bán phía trước – thay vách gỗ bằng tường xây và nâng mái, lót gạch bông hai gian ở thay cho nền xi măng cũ, riêng gian bán đề pô thì vẫn phải để nền xi măng - phía sau nới thêm nhà bếp, làm một cái sân rộng để phơi trấu và đào cái giếng mới, xây thành giếng cao đến bảy tấc bên cạnh một cái bể chứa nước mưa. Phần đất còn lại bao nhiêu, cha tôi giao cho tôi thích trồng cây gì thì trồng. Tôi thích ăn xoài nên xin ông dẫn đi mua hàng chục gốc xoài tháp. Sau hai ba năm, những cây xoài nhà tôi ra hoa, kết trái chi chít, trĩu cành. Cha tôi tủm tỉm cười nói với cả nhà trong một bữa cơm về tôi: "Nó mạng Mộc nên trồng cây mát tay là phải". Tôi không hiểu điều ông nói có đúng không, nhưng quả tình tôi rất thích trồng cây. Ngoài xoài, tôi còn đi xin gốc chuối về trồng mấy bụi. Rồi tôi trồng thêm một cây vú sữa, một cây mít. Tất cả đều rất tươi tốt. Chuối nhảy con thành bụi, cho quầy mập mạnh, cả nhà đều khen. Rồi một buổi chiều kia, tôi thấy trên bầu trời khá xa nhà tôi, về hướng sân bay Biên Hòa, miệt Tân Phong, Hốc Bà Thức, có một chiếc máy bay loại thám thính có cánh bay ngang, phía dưới là một làn khói kéo thành vệt dài trên nền trời xanh ít mây. Không lâu lắm, đứng trong vườn cây trái, tôi ngửi được một mùi thơm găn gắt. Tôi tự hỏi: "Cái gì vậy?" nhưng rồi sau đó quên đi. Ngày hôm sau, những lá xoài non ngoài vườn tự nhiên quăn lại. Hôm sau, hôm sau nữa, những chiếc lá khô đi. Cả đến lá vú sữa, lá mít lắm nhựa cũng không còn xanh tốt. Số phận các bụi chuối cũng chẳng hơn gì. Đến lúc này thì cha tôi mới đoán là chiều hôm ấy, máy bay rải thuốc khai quang miệt rừng ven sông và một làn gió đã đem một lượng thuốc tạt vào đúng khu vực nhà tôi. Một số nhà hàng xóm cũng bị tương tự. Cả một vườn cây xanh tốt của tôi biến mất. Trên nền đất ấy, tôi phải thuê người chặt bỏ vườn xoài cũ, mua cây con trồng lại nhưng cây không phát triển. Mãi mấy năm sau tôi mới gầy lại được mấy cây ổi lấy giống từ miền Tây.
***
Dù thế nào đi nữa, đáng sợ nhất vẫn là những biến động nơi con người. Sự xuất hiện ồ ạt của những người lính Mỹ, lính đồng minh kéo theo cả những nếp sống khác với nếp sống bình thường của người Biên Hòa. "Đi làm sở Mỹ" là một cụm từ mà người ta dùng với ý nghĩa không thiện cảm gì, dành cho những người xin việc làm ở các cơ sở, căn cứ quân sự của Mỹ, đặc biệt là với những người phụ nữ, các cô gái. Không phải ai "đi làm sở Mỹ" cũng xấu, không phải người phụ nữ nào "đi làm sở Mỹ" cũng có vấn đề về đạo đức. Thậm chí kể cả những cô gái kết hôn với người Mỹ, người Đại Hàn hồi ấy cũng đâu phải là không có cuộc hôn nhân được xuất phát từ tình cảm chân thật giữa hai người khác quốc tịch. Nhưng xã hội Biên Hòa ngày ấy - cũng là của cả xã hội vùng Nam bộ - còn dị ứng nặng nề với những việc không bình thường này, và trong thực tế, đã có nhiều đứa con lai ra đời. Không phải đứa trẻ da trắng, da đen, hay những đứa trẻ lai Đại Hàn nào cũng được mẹ của chúng giữ lại nuôi. Bọn trẻ xấu số này có đứa được người tốt bụng nhận nuôi, có đứa phải vào trại mồ côi... Người ta đặt thơ: “Rớt tú tài anh đi trung sĩ – Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con – Bao giờ xong chuyện nước non - Anh về anh có Mỹ con anh bồng”, nghe sao mà thê thảm! Má Hai, người mà tôi kể ở đoạn đầu, cũng nuôi hai đứa trẻ lai, đều da đen. Bà kể, một đứa là con của một cô gái điếm ở khu Dốc Sỏi, làm vợ hờ một người lính Mỹ đen, đẻ con rồi bỏ về quê ở miền Tây vì gã Mỹ không nhận con; còn đứa kia là con của một phụ nữ "lỡ lầm" với một người Mỹ làm việc văn phòng ở Long Bình. Khi tôi đến thăm bà, má Hai đã khá trọng tuổi, bà chăm sóc hai đứa trẻ với tình thương của một người bà. "Hổng biết tao có còn sống nuôi tụi nó nên người hay không. Thôi thì tới đâu hay đó!". Má Hai đã tiên tri cuộc đời mình, bà mất vào năm 1972, khi hai đứa trẻ lai đen đến tuổi đi học nhưng không có điều kiện cắp sách đến trường, sau đó không biết lưu lạc về đâu. Một người quen biết gia đình tôi thì phất lên nhờ "nghề" thầu rác Mỹ. Từ Tổng kho Long Bình và một số cơ sở khác của Mỹ nằm rải rác trong tỉnh Biên Hòa, nhiều loại "rác" được họ phế thải nhưng vẫn còn giá trị sử dụng, được nhà thầu tân trang rồi đưa ra thị trường, thu những món tiền kếch sù. Chủ thầu mua xe hơi Nhật, thuê lái xe chở gia đình đi Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang chơi vào dịp cuối tuần, sống đế vương cho bõ một thời kỳ gian khổ! Nhưng có tiền thì ông lại "sinh tật", ông công khai cưới vợ bé để hậu quả là gia đình luôn lục đục vì hai bà vợ ghen tuông, mấy đứa con của bà cả thì cùng mẹ lao vào ăn chơi bài bạc phá tán gia sản, "trả thù" người chồng, người cha của mình! Trong đám trẻ còn độ tuổi học sinh ở khu Phúc Hải của tôi, cũng có một vài đứa chơi xì ke, chích choác. Trong khu xóm có những vụ mất cắp đồ đạc mà ai cũng biết rõ thủ phạm, chỉ không bắt được quả tang. Những gia đình gia giáo hết sức lo sợ, không biết bằng cách nào để bảo vệ con cái mình tránh con đường sa đọa, hư hỏng, buông thả theo lối sống hiện sinh, bất cần. Sau 1975, ít nhất có một thanh niên ở đây phải bỏ nhà lang thang ăn xin để có tiền mua thuốc chích và một ngày nọ đã nằm chết trong một cái sạp chợ! Việc buôn bán của đề pô nhà tôi phát triển. Khách hàng đông hơn, là những tiệm giải khát, quán ăn... nằm dọc quốc lộ 1 từ Vườn Mít đến ngã ba Tân Phong (Nay là ngã tư Đồng Khởi). Thời gian này ở khu Phúc Hải đã có thêm hai người nữa mở đề pô, cạnh tranh với đề pô Thanh Hải của cha tôi. Cha tôi không chú ý lắm đến việc cạnh tranh này, ông để tùy khách hàng muốn mua của đề pô nào khác thì cứ chọn. Nhưng ông nâng cao chất lượng phục vụ của đề pô mình bằng cách bỏ một số tiền khá lớn mua một chiếc Lambrô, thuê một chú tài xế chạy xe và một thanh niên phụ việc để hằng ngày chở bia, nước ngọt, nước đá bỏ mối đáp ứng nhu cầu cần có hàng nhanh chóng của mấy chục khách hàng. Ông cũng siêng việc đình, chùa hơn. Mẹ tôi cũng thế. Không ngày rằm, mồng một nào mà bà không qua chùa Phúc Lâm bên quốc lộ 15 để tụng kinh lễ Phật cùng các già ở Hội Phật tử bên ấy. Có lần tôi nghe cha mẹ tôi nói chuyện với nhau mới hiểu là cha tôi đang lo năm 53 tuổi của ông sắp đến (mà theo tử vi ông nội tôi đoán thì là năm ông có thể qua đời) nên muốn làm thật nhiều việc thiện để nếu “cải số” được thì tốt, bằng không thì cũng cảm thấy thanh thản trong lòng về thời gian mình sống với bà con lối xóm! Mẹ tôi thì tin rằng mình đi chùa lễ Phật, đi đền Đức Thánh Trần cầu khấn Thánh thì con cái sẽ được hưởng phúc, sẽ tránh được những cạm bẫy xấu xa đang giăng mắc khắp nơi một xã hội vừa có chiến tranh, vừa nhiễm nhiều mặt xấu của nếp sống Âu Mỹ. Quả thật, có vẻ như ở Biên Hòa những năm tháng này thì mũi tên chỉ đời sống kinh tế nói chung có chiều hướng đi lên còn mũi tên chỉ đời sống văn hóa, đạo đức của một bộ phận, buồn thay lại đi xuống. Cũng may là chính trong thời gian và bối cảnh ấy, tôi đang chuyên tâm vào việc học với nhiều mộng ước tương lai. Tôi đến trường học tập, ở nhà quản lý đề po bia nước ngọt, giải trí với một trong hai cây đàn ghi ta hoặc măngđôlin, giải ô chữ trên báo để hy vọng được nhận thưởng, đôi khi sáng tác truyện, thơ gửi đăng báo thiếu nhi… Cha tôi không cấm nhưng không bao giờ tôi ra hàng quán ăn uống một mình, nhất là các quán cà phê, quán nhậu. Cũng không thể giấu một lẽ này: vào thời gian ấy, bản thân tôi đã rất lo rằng mình sẽ bị mồ côi cha vào năm mười bảy tuổi! Tôi ý thức rất rõ về vai trò của mình trong gia đình: người thay thế cha mình nếu chẳng may…
*** |