Ngã rẽ Tôi nhớ là vào năm 1967, cha tôi đã mua về nhà một cái máy truyền hình. Ngày ấy chỉ có truyền hình đen trắng, chưa có loại màu. Cái máy mà cha tôi mua về khá to, hiệu National của Nhật, màn ảnh đâu khoảng hai mươi ba inch, chạy bằng bóng đèn chứ chưa có loại chạy Transitor như sau này. Vỏ máy được đóng bằng vật liệu tương tự loại ván ôcan bây giờ, mặt ngoài màu nâu bóng, có vân gỗ giả, bốn chân máy khá vững chắc, tính từ mặt đất đến đỉnh thì cao chừng một thước, ngồi xem bằng ghế xalông hay ghế cóc là vừa tầm mắt. Ăng ten thu sóng cũng rất lớn, dài đến thước rưỡi với mười hai nhánh. Khu Phúc Hải hồi ấy chưa có điện lưới, nhà nhà phải câu điện từ một đồng hồ tổng nên điện thế rất yếu, chủ yếu chỉ dùng điện để thắp sáng vài bóng đèn nêông ba tấc, sáu tấc. Loại nêông thước hai và đèn tròn cũng như các loại quạt máy được khuyến cáo hạn chế dùng vì tiêu thụ điện năng nhiều hơn. Vì vậy, có máy truyền hình rồi, cha tôi còn phải mua thêm một cái máy phát điện để dùng riêng cho việc xem truyền hình. Tôi là người “có học” nhất trong nhà, lại hiểu biết về điện nên được giao quản lý cái máy phát điện này. Mỗi buổi tối, khoảng trước bảy giờ, tôi ra sau nhà vận hành máy phát điện, đợi một lúc khi điện thế ổn định mới lên nhà mở máy truyền hình. Cái máy phát điện khá cồng kềnh, tiếng nổ lớn inh tai nhức óc, cha tôi đặt trong phòng tắm cũ của gia đình ở phía sau nhà, đã đóng cửa lại mà vẫn nghe tiếng máy nổ. Chắc chắn là tiếng máy làm ảnh hưởng đến hai bên hàng xóm nhưng không nghe ai than phiền gì cả. Có lẽ vì cho đến lúc ấy, cả xóm chỉ có nhà tôi có máy truyền hình nên bà con kéo tới xem chung rất đông, có cả những người hàng xóm ấy. Mãi chừng nửa năm sau, khi ngành điện Biên Hòa cho mắc công tơ điện riêng, kéo điện lưới trực tiếp vào từng nhà thì nhiều nhà khác mới lần lượt sắm máy truyền hình. Nhờ đó nhà tôi mới hết cảnh tụ tập đông người vào các buổi tối. Cái máy phát điện phải chấm dứt “nhiệm vụ” một thời của nó, cha tôi bán lại cho một người quen ở nông thôn. Tôi mua được một cái máy ghi âm xách tay, loại manhê-tô-phôn chạy được cả hai loại băng cuộn lớn và cuộn nhỏ, vừa dùng pin vừa dùng điện qua cục ađáptơ. Cái máy chỉ là hàng “rác Mỹ” thôi nên giá rẻ, được cái là nghe vẫn tốt. Tôi dùng cái máy ghi âm xách tay này để ghi những bài hát mình thích được phát trên đài phát thanh, thu nối nhau để có một cuộn băng ca nhạc riêng của mình. Ở các nhà hàng hoặc gia đình giàu có, máy ghi âm được trang bị là loại có ampli và loa riêng, nghe hay hơn nhiều. Các hãng sản xuất băng nhạc bấy giờ làm cả hai loại băng cuộn để bán cho khách nhưng việc sang băng lậu cũng chẳng khác bây giờ. Mà ngày ấy dường như người ta còn chưa quan tâm lắm đến bản quyền sản xuất. Ở đường Nguyễn Huệ (Sài Gòn), khách cứ thoải mái đến các ki-ốt thu băng chọn bài hát trong danh mục rồi chờ trả tiền và nhận một cuộn băng manhê lớn hay nhỏ của riêng mình, hoặc một cuộn băng y hệt một băng nhạc được sản xuất chính gốc nào đó. Nhạc Trịnh Công Sơn do chính tác giả hay do ca sĩ Khánh Ly hát. Nhạc do ca sĩ Thanh Thúy, Phương Dung, Minh Hiếu, Nhật Trường, Hùng Cường, Mai Lệ Huyền... thu riêng từng người hay thu chung nhiều người một băng, đủ cả. Các đĩa băng cổ nhạc cũng không thiếu: băng vọng cổ của Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Thành Được, Minh Cảnh, Tấn Tài..., băng từng tuồng cải lương: Con gái Chị Hằng, Nửa đời hương phấn... Sau này trên thị trường xuất hiện thêm loại máy cát-xét chạy băng cát-xét nhỏ xíu, âm thanh nghe không thua loại máy manhê-tô-phôn mà lại gọn gàng, thì bà con mua nhiều hơn để nghe nhạc. Có loại máy cát-xét có cả chức năng nghe radio rất tiện dụng. Nhà tôi còn có một cái máy vừa là radio vừa là máy hát đĩa mà những chiếc dĩa nhựa tân nhạc, cổ nhạc tôi phải giữ thật kỹ để không trầy sướt, chứ không, phải nghe nhạc “cà lăm” thì chẳng thích thú gì! Đài phát thanh Sài Gòn ngày ấy có chương trình thi “Tuyển lựa ca sĩ” hàng tuần phát vào sáng chủ nhật, lại có chương trình dạy Xướng âm Tân nhạc của nhạc sĩ Hoàng Trọng là hai chương trình tôi rất thích nghe. Chương trình dạy xướng âm này có in sách bán khắp nơi, tôi mua về một quyển, tự tập xướng âm trước buổi học rồi sau đó đến giờ phát mới so sánh xem mình hát đúng, sai chỗ nào. Tôi biết đánh đàn măngđôlin từ năm học lớp Nhất, do một anh hàng xóm dạy; biết đánh đàn ghi ta từ năm mười ba tuổi nhờ tự học, biết thổi kèn Ácmônica năm sau đó do chơi với một người bạn là Hướng đạo sinh; vì thế khi học xướng âm, tôi phải hết sức kiềm chế không cho mình đụng tới bất cứ nhạc cụ nào. Chưa hết, tôi còn mua một quyển sách dạy sáng tác nhạc về tự học. Tiếc là trong khi tôi vẫn chưa viết được một đoạn nhạc nào cho ra hồn thì bên lớp Anh văn cùng năm học với tôi ở Ngô Quyền, một người bạn tôi là anh Huỳnh Quan Minh đã có bài hát “Trăng mười sáu” được nam ca sĩ Duy Khánh nổi tiếng ngày ấy lăng xê, vừa đưa đi in nhạc tờ gồm 4 trang khổ A4, bìa trước và bìa sau in ốpxét nhiều màu, ở giữa là bản nhạc in mực đen trên nền giấy trắng. “Trăng mười sáu” của bạn tôi còn được thu âm vào đĩa nhựa, phát hành khắp miền Nam. Nhiều thanh niên, học sinh Biên Hòa là hướng đạo sinh thuộc tổ chức Hướng Đạo có nguồn gốc quốc tế. Vào những ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ, tết, trên đường phố có nhiều nhóm hướng đạo sinh xuất hiện trong trang phục riêng, đầu đội mũ rộng vành cũng đặc trưng. Tổ chức thanh thiếu niên này giúp rèn luyện cho nhiều người sau này trưởng thành có khá nhiều kỹ năng và linh hoạt, dạn dĩ trong cuộc sống. Họ cũng đóng góp công sức vào một số hoạt động xã hội, từ thiện đương thời. Thỉnh thoảng, một nhóm nào đó mời tôi cùng tham dự sinh hoạt và nhờ đó, tôi “học lóm” được lắm điều hay. Một số học sinh Ngô Quyền, Minh Tân, Khiết Tâm... thì thành lập hoặc tham gia các bút nhóm có tên riêng theo phong trào lập bút nhóm của học sinh miền Nam. Mỗi bút nhóm chỉ gồm vài ba người bạn cùng chí hướng, viết văn, làm thơ thuần nghệ thuật hoặc có chút ý tứ chính trị xen vào (cũng chủ yếu là phản chiến). Có bài vở rồi, một người lo chuyện đánh máy lên giấy Stencil rồi đem nhân bản bằng cách thuê quay rônêô. Tiết kiệm và với điều kiện “có nghề” một chút thì tự chế ra bàn quay rônêô bằng một miếng vải dù căng trên khung gỗ được quết mực in màu đen hay màu xanh, rồi dùng bóng đèn nêông cũ hay bất cứ vật gì có hình ống lăn qua thật đều tay. Mực sẽ thấm từ miếng vải dù qua tờ stencil đến tờ giấy đặt phía dưới là được một bản in. Những tập văn thơ của các bút nhóm học sinh như vậy được ra đời không phải ít. Dĩ nhiên chúng là những ấn phẩm in không giấy phép nên không thoát khỏi sự theo dõi của chính quyền Sài Gòn, nhưng họ cũng chỉ dừng lại ở sự theo dõi và thỉnh thoảng mới có một vụ bắt bớ khi xuất hiện một tập văn thơ nào đó có nội dung chính trị “quá đáng”. (Việc in ấn hồi ấy do các nhà xuất bản, các tổ chức hay chính cá nhân đứng ra xin phép. Bản thảo được bộ phận chuyên môn của Nha Kiểm duyệt đặt tại Sài Gòn đọc và sau khi đã cắt bỏ hoặc sửa chữa những đoạn nào đó – nếu cần – họ mới cấp giấy phép. Sách in đúng như bản thảo đã được duyệt là sách hợp pháp) Nguyễn Tất Nhiên là bút danh của Nguyễn Hoàng Hải, học dưới tôi một lớp tại trường Ngô Quyền, đã làm thơ từ dạo ấy. Cậu học sinh mười bảy, mười tám tuổi ấy đã có gan in tập thơ riêng rồi ôm thơ đi các trường học rao bán. Nhà anh ở gần tiệm “Vịt quay Hạnh Phước”. Sau này, khi anh có một hai bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, tên tuổi anh lập tức được chú ý hơn. Anh biết thổi sáo, biết đánh đàn ghi ta, tính cách khá là “nghệ sĩ”, so với tôi từ nhỏ đã bị chê là “nghiêm như ông cụ”. Vả chăng, tính tới năm 1967, ngoài cái truyện ngắn “Nắng lên” được in 2 kỳ trên báo Tuổi Xanh hồi mười lăm tuổi, tôi vẫn chưa thực sự bước vào con đường cầm bút bằng truyện ngắn hay bài thơ nào khác. Việc quan trọng nhất của tôi ngày ấy là học. Và học.
***
Sau Tết Mậu Thân 1968, tôi tiếp tục học nửa năm cuối của lớp Đệ Nhất, lớp cuối cùng bậc Trung học thời ấy. Chiến tranh đã thật sự đến với những thị dân Biên Hòa, đến với những học sinh như tôi. Lúc này thì là nhìn tận mắt, nghe tận tai và không khỏi lo sợ, cầu mong hòa bình sớm trở lại. Khuynh hướng “vào cuộc” hay “bị vào cuộc” nhen nhóm trong giới học sinh chúng tôi, bằng nhiều cách khác nhau. Có người bỏ học đi vào rừng theo Giải phóng. Nhiều người bạn tôi hồi cuối năm Đệ Nhị, thi rớt Tú Tài phần nhất bị chính quyền Sài Gòn tổng động viên đi học các khóa hạ sĩ quan ở Đồng Đế, Nha Trang. Có người trốn lính, thay tên đổi họ nay đây mai đó hoặc khi có động thì lập tức trốn vào hầm nhà. Cảnh sát xét sổ gia đình ban đêm, có khi đột xuất xét cả ban ngày. (Gia đình tôi cũng không ngoại lệ dù ở Phúc Hải, tên tuổi cha tôi ai cũng biết). Số học sinh còn được cắp sách đến trường như tôi, bảo là an thân thì không hẳn, nhưng tham gia các hoạt động mang chút tính phản kháng cũng không có là bao. Một số tham gia phong trào du ca, ôm đàn ghi ta thùng đi hát nhạc phản chiến. Vào những giờ ra chơi, đám con trai có thêm đề tài nói chuyện, đó là chuyện thời cuộc, chuyện chiến sự và những lo âu... Tôi là con trai một, dưới tôi chỉ có một cô em gái nên hơn ai hết, cha mẹ tôi mong tôi được “bình an” trước cuộc chiến, mong chiến tranh sớm chấm dứt, hòa bình sớm trở lại. Ước vọng của ông bà là tôi sẽ thi đậu Tú Tài phần hai, tiếp đó sẽ thi đậu vào trường Y Khoa để sau thời gian học tập kéo dài đến 7 năm thì tình hình chính trị hy vọng đã ổn định, đất nước đã hòa bình. Điều mơ ước thuở nhỏ khi tôi nói với bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh vẫn còn trong tôi. Có lẽ đó là một lý do giải thích vì sao tôi lại say mê học môn Vạn vật, nhất là chương trình lớp Đệ Nhất dạy về cơ thể con người. Đậu Tú tài phần nhất ban B (Ban Toán) với hạng cao nhưng tôi đã xin chuyển qua học lớp Đệ Nhất Ban A (Ban Vạn vật). Ở trường Ngô Quyền năm học ấy, trong 2 lớp cuối cấp theo ban A, nhiều người bạn đã gọi tôi là “Vua Vạn vật” vì tôi học rất giỏi môn học này, cùng hai môn Lý và Hóa. Điều này vô tình lại chớm lên trong tôi một hình ảnh mới của mình trong tương lai: hình ảnh một người thầy dạy môn Vạn vật ở chính trường Ngô Quyền mà mình có bảy năm theo học. Tôi cũng nuôi một ước mơ nhỏ: cuối năm được trường chọn đi thi toàn quốc về môn Vạn vật, cố gắng giành được giải (tương tự như kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 ngày nay). Nhưng tíếc là đúng vào năm này thì các kỳ thi toàn quốc như trên không được tổ chức nữa! Cuối năm học, tôi cùng bạn bè lên Sài Gòn thi Tú tài phần hai vì bấy giờ tỉnh Biên Hòa chưa được phép tổ chức kỳ thi này. Chúng tôi phải rủ nhau thành nhóm lên Sài Gòn tìm nhà trọ trong mấy ngày thi. Tôi và mấy người bạn ở trọ nhà một cô giáo trong một con hẻm bên đường Cống Quỳnh để đi thi tại ngôi trường nằm trong khu vực nhà thờ Huyện Sĩ gần đó. Lớp tôi có tỉ số thi đậu cao nhất trường, chỉ có 4 người bị rớt. Cha mẹ tôi rất mừng. Tính đến năm ấy thì số học sinh thi đậu Tú Tài phần hai ở khu Phúc Hải vẫn còn đếm được trên đầu ngón tay, số người tiếp tục theo đuổi bậc đại học càng ít hơn. Với hoàn cảnh gia đình tôi, một gia đình buôn bán có thể xem là vào hàng trung lưu, thì coi như ước mơ có con được vào đại học của cha mẹ tôi đã được thực hiện. Vấn đề là tôi sẽ học ở trường nào. Bấy giờ, ai có bằng Tú tài phần hai đều có thể ghi tên tự do vào học ở một số trường đại học như Khoa học, Văn khoa, Luật khoa... Chỉ có vài trường là nếu muốn vào học thì phải trải qua kỳ thi tuyển như Y khoa, Dược khoa, Kỹ sư Phú Thọ, Kiến trúc, Nông Lâm Súc... Cha tôi vẫn muốn tôi thành một bác sĩ. Ông nói thêm: “Hay là Dược sĩ cũng được”. Trong khi đó chính vào lúc này thì trong tôi lại nổi lên hẳn ước muốn trở thành thầy giáo dạy môn Vạn vật, mà muốn thế phải có một chứng chỉ ở trường đại học Khoa học trước khi thi vào Đại học Sư phạm. Cuối cùng, để làm vừa lòng cha mẹ, nhưng cũng để thỏa mãn ý muốn riêng mình, tôi làm hồ sơ thi vào cả trường Y lẫn trường Dược, đồng thời ghi tên học khoa SPCN tại trường Đại học Khoa học. Kết quả, tôi đậu vào trường Dược cùng ba chị bạn học cùng lớp ở Ngô Quyền (lại thêm một thành tích của lớp tôi). Không đậu vào trường Y, tôi không buồn lắm nhưng quả tình trong lòng không mấy vui vì dẫu sao thì mình cũng... thi rớt. Vào những ngày chưa đi học đại học ấy, trong tâm trạng vui buồn như thế, tôi ngồi thả hồn tưởng tượng và gõ máy chữ được đến mấy cái truyện ngắn, mấy bài thơ thiếu nhi... sau này đều được in trên một tờ nhật báo có trang thiếu nhi và trên tờ bán nguyệt san thiếu nhi Tuổi Hoa ngày ấy.
***
Một buổi sáng chủ nhật, tôi và mấy người bạn cùng lớp rủ nhau tổ chức một buổi đi chơi vòng quanh tỉnh lỵ Biên Hòa bằng xe đạp. Chúng tôi khởi hành từ cổng trường Ngô Quyền, thả dốc Kỷ Niệm, rẽ trái hướng về Hãng Dầu rồi qua cầu sắt Rạch Cát, qua tiếp cầu Gành đến Chợ Đồn, lại theo hướng Tân Bản đi đến Cầu Hang dưới cuối dốc Chú Hỏa, cuối cùng rẽ vào chân núi Châu Thới gửi xe, cùng leo lên ngôi chùa trên núi. Mấy đứa con trai tuổi mười tám, mười chín chúng tôi không vào chùa thắp hương lễ Phật mà tìm một vị trí nhìn qua bên kia sông Đồng Nai, nhìn ngắm tỉnh lỵ Biên Hòa mà mình sắp phải xa cách để lên Sài Gòn trọ học. Tôi kể cho mấy người bạn nghe một câu chuyện mà mình đọc được trong sách báo. Đó là chuyện của một nhà sư ở Biên Hòa xưa, khi biết mình sắp về cõi Phật đã qua bên này sông, leo lên ngọn núi Châu Thới ngồi kiết già nhìn về hướng Biên Hòa rồi tịch ở đây, trên một phiến đá. Cả lũ nghe xong, lập tức đi tìm một... phiến đá khá bằng phẳng, cùng ngồi xếp bằng, hướng về phía Biên Hòa, mắt nhắm lại, hai tay chắp trước ngực... Chỉ một chút xíu sau, đứa nào cũng hí mắt nhìn những đứa còn lại, rồi chẳng ai bảo ai, tất cả cùng phá lên cười như chưa bao giờ được cười vui như thế! Lượt về, qua khỏi cầu Rạch Cát, chúng tôi rẽ trái nơi mũi tàu hãng Dầu để đi dọc theo đường bờ sông đến công trường Sông Phố khép kín chuyến đi. Đến ngã năm Biên Hùng chuẩn bị chia tay, tôi chợt nhìn về phía trái, về Ngã ba Thành có khu dân cư bên Đất Thánh Tây, nơi gia đình tôi đã ở khi mới đặt chân đến đất Biên Hòa này. Ở đó có bà Má Hai nuôi hai đứa trẻ lai Mỹ đen, có những anh “bậm trợn” và những chị gái điếm biết uống rượu, đánh bài, biết luôn chuyện đâm chém! Mới đó mà đã mười hai năm qua đi... Tự nhiên tôi đạp xe rẽ trái về hướng đường Hưng Đại Vương khiến mấy đứa bạn tôi không khỏi ngạc nhiên...
***
Rồi cũng đến ngày tôi phải từ giã gia đình lên Sài Gòn học. Nơi trọ đã thu xếp xong, tôi chỉ việc đem hành lý lên ở. Mặc thêm chiếc áo khoác, tôi ngồi lên yên chiếc xe Vespa Sprint mới mua của mình, chào mọi người trong gia đình rồi đạp máy, tay trái khẽ xoay sang số một... Chiếc Vespa lăn bánh cùng tiếng nổ hai thì giòn dã. Tôi không ngoái lại nhìn nhưng cũng biết cha mẹ và em gái tôi vẫn đang đứng trước cổng nhìn theo. Tôi đang rời khỏi khu Phúc Hải thân thuộc của mình, sắp rời khỏi tỉnh lỵ Biên Hòa nhiều kỷ niệm của mình... Không lâu lắm, chiếc xe đưa tôi qua cầu Rạch Cát, rồi qua hết cầu Gành, bỏ lại sau lưng dòng sông Đồng Nai và cả một thời nhiều kỷ niệm…
***
|