Vệ quốc đoàn Biên Hoà vốn là lực lượng vũ trang của Ủy ban kháng chiến miền Đông do Lương Văn Tương chỉ huy. Trước khi Pháp đánh chiếm Biên Hoà, lực lượng này đứng chân ở ngã ba Thành Biên Hoà (Dốc Sỏi). Khi quân Pháp đánh chiếm Biên Hoà vào tháng 10 năm 1945, Huỳnh Văn Nghệ đưa 40 chiến sĩ về vùng rừng núi Tân Uyên (trước thuộc tỉnh Biên Hoà, nay thuộc tỉnh Bình Dương) hoạt động. Tân Uyên là quê hương của Huỳnh Văn Nghệ, có địa bàn rừng núi thuận lợi cho việc xây dựng và hoạt động của lực lượng vũ trang. Tại đây, Huỳnh Văn Nghệ thuyết phục và sáp nhập các lực lượng kháng chiến khác để thành lập nên Vệ quốc đoàn Biên Hoà. Các lực lượng được sáp nhập gồm: - Du kích của ông Trần Văn Quỳ - vốn là lực lượng yêu nước, hoạt động tại Tân Uyên trước Cách cách mạng tháng Tám. Lực lượng này rút vào rừng sâu hoạt động khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 thất bại. - Lực lượng tự vệ vũ trang của Cao Văn Bổ chỉ huy ở Tân Uyên. Cao Văn Bổ sau này là chánh văn phòng của Chi đội 10 và tỉnh đội trưởng dân quân Biên Hoà từ năm 1947. - Lực lượng vũ trang công nhân hàng hải từ Sài Gòn lên của Đào Văn Quang chỉ huy. - Lực lượng học viên của Trại Sở Tiêu – Tân Uyên. Vệ quốc đoàn Biên Hoà có 4 phân đội, mỗi phân đội có từ 12 đến 15 chiến sĩ, được trang bị một số súng trường, dao, mã tấu và lựu đạn. Vệ quốc đoàn Biên Hoà do Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy nên nhân dân địa phương thường gọi là “Bộ đội Tám Nghệ”. |