Ông tên là Nguyễn Văn Nổi - hiện nay ông đã 80 tuổi, sinh sống tại ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu. Người dân địa phương thường gọi ông với cái tên thân mật “già làng Năm Nổi”. Ông là một già làng có uy tín trong cộng đồng của người Chơ ro tại địa phương. Ông sinh ra và lớn lên trên địa bàn Chiến khu Đ hùng vĩ - vốn là căn cứ kháng chiến của quân dân Biên Hòa trong hai thời kỳ kháng chiến. Nhiều nhà nghiên cứu trân trọng gọi ông là “báu vật sống”, người “giữ hồn” cho buôn làng Chơro. Đối với công tác bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng người Chơro tại đây, già làng Năm Nổi là người có công gìn giữ rất lớn. Già làng Năm Nổi nắm giữ những bí quyết của người Chơro trong việc nấu rượu cần, cách đánh cồng chiêng, hiểu biết những cách thức của cộng đồng trong phong tục tập quán mà nhiều người Chơro ngày nay đã quên đi. Nhiều năm qua, già làng Năm Nổi đã bỏ công sức sưu tầm nhiều hiện vật của cộng đồng Chơro để bảo tồn. Một phần căn nhà của già làng Năm Nổi trở thành một bảo tàng nhỏ bày nhiều hiện vật gắn liền với tập tục, sinh hoạt, sản xuất của người Chơro. Từ cái tổ ong treo nơi cửa đến cái chà gạc, cái gùi, con dao côi, hòn đá đánh lửa, cây tên cái ná, giỏ, chiếu, cồng chiêng, khèn bầu, đàn tre…treo trên trần, mái nhà. Nơi đặt để bàn thờ Nhang trang trọng với ché rượu, các loại trái cây khô… Bất kỳ một ai đến tìm hiểu về người Chơ ro đều được ông tận tình hướng dẫn, thuyết minh, giải thích cặn kẽ cách làm, cách sử dụng, ý nghĩa hay quan niệm của người Chơro đối với từng loại hiện vật liên quan. Sống gắn bó cả đời với vùng rừng núi Chiến khu Đ thời kỳ kháng chiến, ông thông thuộc địa hình vùng rừng núi Chiến khu Đ với những đồi Củ Chụp, miễu Ông Chồn, suối Ràng…gắn liền với những sự kiện, di tích. Trong những năm vừa qua, lớp Chơro trẻ được già làng chỉ dạy tận tình về các loại nhạc cụ như đàn tre, công chiêng. Những đợt lễ hội, già làng Năm Nỗi nhiệt tình, chỉ bảo cho những người Chơro trẻ tuổi cách thức làm cây nêu, các nghi thức lễ hội, lời khấn thần linh, dạy họ cách đánh cồng chiêng để bảo tồn những giá trị văn hóa đang có nguy cơ bị mai một. Vợ ông, bà Hồng Thị Lịch cũng là một người có vốn sống phong phú, lưu giữ nhiều câu chuyện tích, bài dân ca Chơ ro, thổi kèn môi, kèn lá độc đáo. Ghi nhận những đóng góp của già làng Năm Nổi trong công tác bảo tồn và truyền dạy, phát huy các giá trị di sản của cộng đồng người Chơ ro, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao quyết định công nhân danh hiệu “Nghệ nhân Dân gian” cho ông vào ngày 20 tháng 9 năm 2008. |