08. Lãnh đạo Hội kín chống Pháp Đoàn Văn Cự

Phong trào chống thực dân Pháp ở Biên Hòa đầu thế kỷ XX diễn ra sối nổi. Trong đó, có tổ chức yêu nước được thành lập dưới hình thức Hội kín. Ở Biên Hòa có tổ chức Hội kín do ông Đoàn Văn Cự lãnh đạo.

Ông Đoàn Văn Cự sinh năm 1835, quê tại làng Bình An, Thủ Đức (vùng này trước đây thuộc tỉnh Biên Hòa), trong một gia đình nho học. Cha ông là nhà nho uyên thâm, có tinh thần yêu nước. Gia đình ông bị thực dân Pháp theo dõi. Đoàn Văn Cự đưa gia đình đến vùng Bưng Kiệu, Vĩnh Cửu (khu vực Tam Hòa ngày nay) sinh sống. Dưới danh nghĩa một người dạy học, bốc thuốc chữa bệnh, ông đi nhiều địa bàn tuyên truyền về việc tập hợp nghĩa quân chờ thời cơ đánh Pháp.

Lực lượng của Hội kín do Đoàn Văn Cự lãnh đạo khá đông đảo và có mặt tên địa bàn rộng lớn của tỉnh Biên Hòa thời bấy giờ. Một số hội viên đông đào tập trung vùng Chợ Đồn, Bình Đa, Cù lao Phố, Núi Nứa (nay thuộc Bà Rịa). Để chuẩn bị cho đại cuộc đánh Pháp, ông cho tích lũy lương thực, mua sắm khí giới, lập lò rèn vũ khí, luyện tập cho nghĩa quân… và chọn vùng rừng Bưng Kiệu làm căn cứ.

          Thực dân Pháp nắm được tin tức về hoạt động của tổ chức do Đoàn Văn Cự lãnh đạo và theo dõi. Ngày 8 tháng 4 năm 1905, thực dân Pháp cử một đội lính mã tà dưới sự chỉ huy của viên sĩ quan người Pháp bao vây căn cứ Bưng Kiệu. Biết được tin, Đoàn Văn Cự tổ chức cho nghĩa quân bố phòng, phúc thời cơ khi địch tấn công vào căn cứ. Thế nhưng, mai phục cả ngày vẫn chưa thấy địch xuất hiện, Đoàn Văn Cự cho nghĩa quân nghỉ ngơi. Thừa lúc sơ hở này, đội lính xiết chặt  vòng vây và dẫn quân tiến thẳng vào ngôi nhà Đoàn Văn Cự đang ở.

Trước bàn thờ Tổ, Đoàn Văn Cự trong bộ trang phục uy nghi: đầu chít khăn lụa điều, mình thắt dây lưng màu hồng, hông giắt đoản đao đầu hổ…Khi thấy viên sĩ quan Pháp dẫn lính vào, Đoàn Văn Cự quắc mắt nhìn và vung đoản đao chém thẳng vào chúng. Viên sĩ quan Pháp bị thương nhưng kịp rút súng băn thẳng vào Đoàn Văn Cự.

Sau khi giết được thủ lĩnh của Hội kín này, quân lính địch càn phá căn cứ và truy đánh lực lượng  nghĩa quân. 16 nghĩa quân bị chúng giết đem chôn cùng xác của cụ Đoàn Văn Cự trong một nấm mồ chung bên dòng Suối Linh.

Hội kín Đoàn Văn Cự tan rã nhưng tinh thần yêu nước, vì đại nghĩa của tổ chức này đã tô thắm trang sử chống ngoại xâm hào hùng của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai. Hiện nay, trên địa bàn Biên Hòa, mộ chôn Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa quân tại Long Bình và đền thờ tại phường Tam Hiệp.

Comments