16. Nhà văn, nhà nghiên cứu Bình Nguyên Lộc

Bình Nguyên Lộc là bút danh của nhà văn Tô Văn Tuấn. Ông sinh ngày 07 tháng 3 năm 1914 tại làng Tân Uyên, tổng Chánh Mỹ Trung, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

Lúc nhỏ ông học Trường Pétrus Ký. Năm 1935, ông làm công chức ở kho bạc Thủ Dầu Một, năm sau đổi về làm kế toán ở Tổng nha Ngân khố. Tháng 8 năm 1945, ông tham gia kháng chiến. Năm 1949, ông lên Sài Gòn sinh sống, tham gia viết văn, làm báo. Từ năm 1942, ông đã cộng tác với tạp chí Thanh niên của Huỳnh Tấn Phát, nhưng phải đến năm 1946 trở đi ông mới thực sự bước vào nghề văn, nghề báo.

Bình Nguyên Lộc say mê và sớm có năng khiếu văn chương. Tác phẩm đầu tay Hương gió Đồng Nai được ông khởi thảo từ năm 1935 nhưng đến 1943, truyện ngắn đầu tiên Phù sa của ông mới đăng trên tạp chí Thanh niên của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Số lượng sáng tác của Bình Nguyên Lộc rất đồ sộ, ông viết hàng trăm tác phẩm, nhưng bản thảo bị thất lạc cũng nhiều. Ông có nhiều truyện ngắn đăng tải trên báo, tạp chí và công trình nghiên cứu được xuất bản ở miền Nam những thập niên 50 đến 70, thế kỷ XX. Một số tác phẩm của ông được xuất bản như: Nhốt gió (1950), Đò dọc (1959), Tân liêu trai, Ký thác (1960), Nhện chờ mối ai, Xô ngã bức tường rêu, Bí mật của nàng, Mối tình cuối cùng, Ái ân thâu ngắn cho dài tiếc thương, Tâm trạng buồn, Hoa hậu bồ đào, Bóng ai qua ngoài song cửa, Nửa đêm trăng sụp, Tâm trạng hồng (1963), Mưa thu nhớ tằm, Đừng hỏi tại sao (1965), Tình đất, Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc (1966), Một nàng hai chàng, Quán Tai Heo, Trăm ngàn nhớ thương, Thầm lặng (1967), Đèn Cần Giờ, Diễm Phương, Sau đêm bố ráp (1968), Cuống rún chưa lìa, Khi Từ Thức về trần, Nhìn xuân người khác (1969)…Và các công trình nghiên cứu như: Lột trần Việt ngữ, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt (1971) và chú giải nhiều tác phẩm văn chương cổ điển (Chiêu hồn, Tự tình khúc, Thu dạ lữ hoài ngâm, Tỳ bà hành, Trường hận ca). Về thơ có hai tập: Thơ tay trái, Việt sử trường ca,  Thơ Ba Mén (tiểu thuyết thơ), Thổ ngơi Đồng Nai (ca dao miền Nam, viết chung với Nguyễn Ngu Ý).

       Có ý kiến cho rằng, nổi bật ở Bình Nguyên Lộc là những sáng tác về con người, vùng đất Nam Bộ. Để thực hiện trang viết của mình, Bình Nguyên Lộc đã rong ruổi qua nhiều vùng quê của Nam Bộ. Vì vậy, tác phẩm của ông phản ánh những mặt của đời sống Nam Bộ. Sau này, nhà văn cùng con cái định cư ở Hoa Kỳ. Ông mất ngày 07 tháng 3 năm 1987.

Comments