16. Di tích chùa cổ Bửu Phong trên núi Bửu Long

Chùa Bửu Phong được xem là một trong ba ngôi chùa cổ của đất Biên Hòa. Hiện nay, chùa tọa lạc trên ngọn núi Bửu Long – được xem là thắng cảnh của xứ Trấn Biên xưa. Một số tài liệu cho rằng, chùa Bửu Phong do nhà sư Thành Chí, dòng Lâm Tế khai sơn vào khoảng thế kỷ XVII.

Từ dưới chân núi lên đến chùa phải qua một trăm bậc tam cấp. Cảnh trí chùa tịch mịch, địa cảnh phong quang. Xung quanh chùa có nhiều cây cổ thụ, cùng với những tảng đá lộ thiên tạo hình kỳ thú. Có ý kiến cho rằng chùa được xây dựng từ năm “Bính Thìn niên”, phía trước đề 1616 (?). Di tích cổ tự đã trải qua nhiều lần trùng tu. Dấu vết hiện tồn được xác định vào năm Kỷ Sửu (1829) được khắc trên cột đá tiền điện. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ Tam (=) gồm chính điện, giảng đường và nơi thờ Tổ. Ngoài ra còn có liêu phòng ni phái và nhà dưỡng tăng. Chất liệu xây dựng là gạch thẻ, vôi hợp chất, mái lợp ngói âm dương. Nền lót gạch tàu và gạch bông, bộ khung vì kèo làm bằng gỗ tốt.

Mặt tiền nhìn về hướng đông bắc. Trang trí mặt tiền chùa là những bức phù điêu thể hiện hình ảnh cuốn thư, lân ngậm trái châu, nhật nguyệt, rồng chầu mặt trời, mây dây lá cách điệu... theo lối chạm trổ, ghép sành công phu, tinh vi mang tính nghệ thuật cao. Tất cả các mảng trang trí này làm bằng chất liệu xi măng, bề mặt ghép những mảnh sứ nhiều màu tạo cho toàn cảnh ngôi chùa nét rực rỡ, trang nghiêm, cổ kính.

Chánh điện chia làm ba gian thoáng rộng, trên hai hàng cột đắp rồng ẩn mây sơn son thếp vàng uy nghiêm. Gian chính giữa thờ Tam thế Phật, tả hữu thờ thập điện Minh Vương. Các tượng được tạc rất sống động. Ở giảng đường và nơi thờ Tổ các tấm liễn, hoành phi, bao lam được chạm khắc công phu, thể hiện nhiều đề tài phong phú được bố trí hài hòa. Trong chùa còn lưu giữ được tượng cổ Phật Di Đà và một đầu phướn lục giác chạm rồng.

Đặc biệt có một tượng đá cổ thể hiện một vị thần ảnh hưởng của Ấn giáo được gắn kết bền vững ở hậu điện. Tương truyền, tượng có từ khi lập chùa. Ở nơi thờ Tổ, sự hiện diện của pho tượng Tổ sư Đạt Ma, cùng với hơn chục bài vị sơn son thếp vàng của các sư trụ trì đã viên tịch được bài trí trang trọng trên các bàn hương án. Chùa Bửu Phong hiện lưu giữ xá lợi Phật.

Một số chuyện tích cho rằng, vùng Bửu Long thời xưa hoang vu. Một nhà sư đến đây lập chùa, dân làng sinh sống an lành. Một hôm, có con cọp trắng xuất hiện. Ban đầu dân làng lo sợ nhưng cọp chẳng hại ai. Cọp còn giúp đỡ những người lên núi thăm chùa. Trên núi Bửu Long, có hai tảng đá nằm chồng lên nhau, hình vòng cung. Từ xa nhìn thấy như dáng cọp đang há miệng, bên dưới có tảng đá bằng phẳng. Cọp thường về đây năm nên dân gọi là Hổ đầu thạch. Từ khi có cọp trắng, không có thú dữ nào dám về phá núi và dân làng. Người dân quý mến cọp trắng và cử cọp làm Hương cả trong làng bằng một tờ giấy để sẵn trong hang. Hằng năm, khi đến lễ cúng tại đình làng, dân làng đem cúng tại đá Hàm Hổ.

Cùng với hệ thống cơ sở tín ngưỡng trong khu danh thắng Bửu Long, chùa Bửu Phong được xếp hạng di tích cấp quốc gia theo quyết định số 208/VH-QĐ của Bộ Văn hóa ngày 13 tháng 3 năm 1990.

Comments