33. Di tích đình Bình Quan của vùng Cù lao Phố - xã Hiệp Hoà

Đình Bình Quan thuộc địa phận ấp Tam Hòa, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa. Khi mới xây dựng, đình có tên gọi là Võ Miếu, sau đổi thành Bình Quan cổ miếu. Tên gọi đình cho thấy đây là một cơ sở tín ngưỡng thờ thần hoàng bổn cảnh của dân thôn Bình Quan – một địa bàn dân cư được hình thành khá sớm trên vùng Cù lao Phố.

Đình Bình Quan được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIX. Lối kiến trúc theo kiểu thức nhà tứ trụ. Hiện nay, đình trải qua nhiều lần trùng tu, nâng cấp; người dân còn ghi nhớ vào các năm 1942, 1962, 1989, 2003 và 2009. Tiền đình được dựng với thức kiến trúc nhà xuyên trính hai mái, gồm 3 gian hai chái. Chánh điện theo thức kiến trúc tứ trúc với trung tâm chính thờ Thần Thành hoàng. Phối thờ tại  đình có các ban thờ Tả ban, Hữu ban, Thổ thần, Tiên sư Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ....Trong pạm vi đình còn có miếu thờ Ngũ hành nương nương. Năm 1981, đình Bình Quan được cải để thờ anh hùng liệt sĩ của xã Hiệp Hòa.

Là một sơ sở tín ngưỡng của người dân, hằng năm đình Bình Quan tổ chức lễ Cầu an vào ngày 15 và 16 tháng 11 tính theo âm lịch được đông đảo người dân đến tham dự. Trong năm, ào ngày 27 tháng 7, đình tổ chức lễ dân hương, tưởng niệm anh hùng liệt sĩ của địa phương.

Trong thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm, đình Bình Quan là cơ sở cách mạng quan trọng của phong trào cách mạng xã Hiệp Hòa. Đình là điểm tập họp hoạt động của lực lượng Thanh niên Tiền phong thời kháng Pháp. Trong thời kỳ chống Mỹ, đình Bình Quan là lõm chính trị, địa bàn tập kết, cất giấu lương thực, tài liệu….của lực lượng cách mạng. Từ địa bàn này, các lực lượng vũ trang cách mạng nhận tiếp tế hay hội họp, bàn thảo, xuất quân thực hiện những trận tấn công vào các mục tiêu của địch ở vùng Hiệp Hòa và đô thị Biên Hòa.

Di tích đình Bình Quan được xếp hạng theo quyết định số 6527/QĐ.CTUBT của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ngày 21 tháng 12 năm 2004.

Comments