49. Di tích Tòa Hành chánh trên địa bàn thị xã Long Khánh

Năm 1957,  chính quyền Sài Gòn thành lập tỉnh Long Khánh. Năm 1965, thị xã Long Khánh được xây dựng, mở rộng thành một địa bàn có nhiều căn cứ quân sự, cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn trong việc thực hiện chính sách bình định, chỉ đạo chiến tranh ở Long Khánh. Toà Hành chánh tỉnh Long Khánh được xây dựng là một công sở của chính quyền tỉnh Long Khánh, đặc biệt là đầu não chỉ huy của chính quyền tỉnh Long Khánh trong việc chỉ huy phòng thủ Xuân Lộc trong những tháng đầu năm 1975.

Tòa hành chánh tỉnh Long Khánh ở vào vị trí trung tâm thị xã với diện tích toàn khu là 9.000m2. Đây là tòa nhà hai tầng theo lối kiến trúc Pháp, mặt quay về hướng nam đối diện với sân bay Long Khánh. Tầng trệt bố trí làm ba phòng gồm: phòng hành chánh; phòng Phó tỉnh trưởng; phòng trung gian ngân khố. Bố trí của tầng lầu cũng gồm ba phòng: phòng Tỉnh trưởng; phòng hành chánh văn phòng; phòng họp. Xung quanh được bao bọc bằng vòng tường gạch, cổng ra vào. Hệ thống phịng thủ được bố trí nghim ngặt với  lính gác và các tua, hầm ngầm có lỗ châu mai phòng thủ.

Vào những ngày cuối tháng 3/1975, trước khí thế cách mạng của quân dân ta, chế độ ngụy đứng trước nguy cơ sụp đổ. Để bảo vệ thủ phủ Sài Gòn, địch tập quân xây dựng tuyến phòng thủ Xuân Lộc. Để mở đường cho Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, đầu tháng 4/1975, Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở Chiến dịch Xuân Lộc giải phóng thị xã Long Khánh.

Vào lúc 05 giờ sáng ngày 9/4/1975, chiến dịch Xuân Lộc bắt đầu. Quân giải phóng tiến công quyết liệt vào các mục tiêu. Trưa cùng ngày, lực lượng cách mạng chiếm lĩnh trại biệt động quân, tỉnh đoàn bảo an, trụ sở tình báo CIA và cắm ngọn cờ “Quyết chiến quyết thắng” lên đỉnh cột cờ tiền sảnh lầu 1 của  Tòa hành chánh tỉnh Long Khánh. Cờ giải phóng bay trên nóc tòa hành chánh tỉnh Long Khánh thể hiện ý chí quyết tâm của quân giải phóng, khẳng định thắng lợi cơ bản của chiến dịch và sự sụp đổ không tránh khỏi của tuyến phòng thủ Xuân Lộc.

Cuộc chiến đấu tấn công giải phóng tỉnh lỵ Long Khánh diễn ra hết sức căng thẳng, ác liệt. Quân cách mạng điều chỉnh kế hoạch tấn công. Sau 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, lực lượng cách mạng đã đánh tan hệ thống phòng thủ của quân đội Sài Gòn đóng chiếm, tiếp vận giải cứu, giải phóng thị xã Long Khánh (21/4/1975), tiến về Sài Gòn.

Tòa Hành chánh tỉnh Long Khánh, nơi ghi nhận chiến công oanh liệt của quân dân cách mạng nói chung và quân dân Long Khánh nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.  Ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa ra quyết định số 1288/VH-QĐ xếp hạng di tích Tòa Hành chánh tỉnh Long Khánh là di tích cấp quốc gia.

Comments