11. Phát hiện dấu tích cổ tại miễu Ông Chồn trong phạm vi Khu Sinh thái và di tích Vĩnh Cửu

Di chỉ khảo cổ Miễu Ông Chồn nằm trên ngọn núi phía Tây – Bắc xã Phú Lý, thuộc tiểu khu 58, Khu sinh thái và di tích Vĩnh Cửu. Qua các đợt điều tra  thám sát, các nhà nghiên cứu phát hiện một gò đất nổi cao có dấu tích kiến trúc được xây bằng gạch. Có hai  gò đất này nằm kề nhau theo hướng Bắc – Nam, rộng từ 9 đến 13 mét, cao khoảng 3 mét so với bề mặt đất chung quanh trên sườn núi. Trên các gò đất này còn những mảng tường được xây bằng gạch. Phần dưới tường gạch được lát bằng những lớp đá thạch anh màu trắng. Một số mảng tường bị phá hủy, đổ nát. Trong di chỉ có những phiến đá được mài nhẵn hay đục lỗ. Đây  là những tấm đá được xem là cùng những cấu kiện khác để cấu thành di tích.

          Những dấu tích kiến trúc tại Miễu Ông Chồn bị đào bới, phá hủy. Nhiều người dân trong vùng cho biết, có những nhóm người săn tìm đồ cổ đã đào bới. Một số thông tin cho rằng, những người đào bới này đã tìm thấy được mảnh vàng có khắc những chữ cổ. Sau này, người dân địa phương phát hiện một chân đế bằng đá màu nâu sẫm tại di tích.

Trên những dữ liệu có được, các nhà nghiên cứu cho biết: di chỉ Miễu Ông Chồn là một dạng kiến trúc đền tháp khá lớn phục vụ cho tín ngưỡng của những cư dân cổ sinh sống trên vùng rừng núi miền Đông Nam Bộ cách đây nhiều thế kỷ. Rất tiếc, những hiện vật trong di tích không được phát hiện do nạn đào phá bừa bãi. Riêng về phân chân đế bằng đá cho thấy đó là phần dưới của bệ một tượng thần được thờ tại đền tháp này. Niên đại được ước đoán vào khoảng thế kỷ VII – VIII sau công nguyên. Dấu di tích không còn nguyên vẹn nhưng chúng có những đặc điểm kiến trúc đền tháp như Rạch Đông, Cây Gáo, Nam Cát Tiên, ĐạLak, Cát Tiên được phát hiện trên vùng đất Đồng Nai và các vùng kế cận.

Comments