Từ thế kỷ XIX, địa bàn Bến Cá là huyện lỵ huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa khi hàng loạt các tên của chợ, phố, cầu gắn liền với nó. Sách “Đại Nam nhất thống chí” cho biết: chợ Bình Thảo, thôn Bình Thảo, huyện Phước Chánh có tên nữa là chợ Ngự Tân – tức Bến Cá, người buôn tấp nập, đường thủy, đường bộ giao thông, hàng ngoài và thổ sản, giang vị sơn hào không thiếu thứ gì, là một chợ lớn ở miền núi. Vùng Tân Bình còn dấu vết của một con rạch mang tên Bến Cá, được sử sách chép rằng: do lụt lội vào năm 1774 làm xói lở, cù lao Ngô và cù lao Tân Triều chia làm hai, ở giữa là con sông nhỏ, nước cạn và hẹp, nước sông nhỏ chảy ngược ra sông lớn không theo tiết. Người dân đia phương có câu ca dao “Nước sông trong sao lại chảy hoài/ Thương người đáo xứ lạc loài tới đây...”để lý giải hiện tương này. Ở Bến Cá đã phát hiện một số di vật cổ bằng đá của người tiền sử nhưng đây là những phát hiện ngẫu nhiên, lẻ tẻ chưa thể chứng minh đây là vùng đất con người cổ đã sinh sống. Có chăng, ở đây có sự liên hệ với di chỉ thời đại đồ đá ở vùng Đại An cách khoảng mấy cây số về hướng bắc. Bến Cá xưa –Tân Bình nay là địa phận có nhiều đình chùa. Hầu hết, các đình ở đây đều có sắc phong nhưng qua thời gian, một số không còn lưu giữ được. Đình Bình Ý còn giữ được sắc phong thời Tự Đức và một số châu bản liên quan đến việc việc đo đạc ruộng đất thời Minh Mạng. Lễ hội Kỳ yên là lễ lớn, trọng ở các đình, một nét sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương. Hiện nay, vùng Tân Bình có sáu ngôi chùa và một di tích chùa cổ có tên là Kim Cang bị phá hủy do chiến tranh. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Bến Cá là một trung tâm Phật giáo của Nam Bộ với sự hiện diện của chùa Kim Cang và bảo tháp Tổ sư Nguyên Thiều dòng Lâm Tế đời thứ 38. Bên cạnh đạo Phật, đạo Công giáo cũng được truyền bá vào đây khá sớm. Họ đạo Tân Triều là một trong những họ đạo được hình thành sớm ở miền Đông Nam Bộ. Sự phát triển của họ đạo Tân Triều có liên quan đến những hoạt động của Nguyễn Ánh trước đây trên vùng đất này. Trong truyền thống đấu tranh cách mạng, vùng Tân Triều – Bến Cá là cái nôi của phong trào cách mạng Biên Hòa. Năm 1935, chi bộ Đảng Cộng sản Bình Phước- Tân Triều đầu tiên của Biên Hòa được thành lập , là hạt nhân lãnh đạo phong trào đấu tranh Biên Hòa trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược. Bến Cá nổi danh về bưởi Tân Triều với nhiều loại như: bưởi đường, bưởi thanh, bưởi cam, bưởi ổi, bưởi long, bưởi xiêm...Đất Tân Triều màu mỡ phù sa, nguồn nước dồi dào nên thích hợp với cây bưởi phát triển nhanh, sản lượng cao, chất lượng tuyệt hảo. Vào mùa thu hoạch, vườn bưởi cây trái xum xuê, trái vàng rực trên cành, oằn nặng dưới tàng cây, sà trên mặt đất, đong đưa trong gió. Nhiều vườn bưởi trở thành địa điểm quen thuộc của du khách đến tham quan, thưởng thức. Hiện nay, phần lớn diện tích Bến Cá và các vùng phụ cận được quy hoạch phát triển cho giống bưởi, từng bước trở thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn.Người dân Bến Cá rất say mê với công việc và có lòng hiếu khách, chân tình. |