12. Một số miếu thờ Đá trên địa bàn Biên Hoà

Ông Đá là tên gọi chung chung cho một số miếu thờ Ông ở Biên Hòa như: Miếu Ông Đá (phường Bửu Long), miếu Ông Đá có tên gọi là Cổ thạch miếu (đình Tân Lân, phường Hòa Bình), miếu Đắc Phước (phường Tân Vạn). Tên gọi với chủ thể nói về Ông Đá nhưng đối tín niệm trong cách thờ phản ánh có những dung biệt như sau:

          - Miếu Ông Đá (phường Bửu Long) được tín niệm là một thần hoàng của làng. Chuyện tích liên quan khi những trẻ mục đồng (chăn trâu bò)  trên cánh đồng thấy xuất hiện một tảng đá kỳ thú, khấn vái thấy linh ứng nên đồn đại ra. Dân làng nghe tin, đến khấn và thấy sự linh ứng nên họp bàn dựng miếu thờ Ông Đá. Miếu được hình thành ngay tại địa điểm  Tảng Đá. Tảng đá có hình đầu người, được phủ vải khăn màu đỏ. Trong miếu có tùng tự một số thần linh khác. Hằng năm, dân làng tổ chức cúng Ông Đá vào ngày 15 – 16/2 âm lịch.

- Cổ Thạch miếu (đình Tân Lân, phường Hòa Bình) có tảng đá vừa được phủ vải, bên trên có thần vị là Thổ thần.  Như vậy, Ông Đá được tín niệm là vị Thổ thần của đình nói riêng và của chung làng xã nói riêng.

- Miếu Đắc Phước (phường Tân Vạn) thờ một Tảng Đá hình đầu người được dân làng tôn xưng với cách gọi là Ông Đá, Thần Đá. Chuyện tích về tảng đá được thờ có nhiều chi tiết ly kỳ. Trước đây, dân làng Đắc Phước năm nào cũng lâm vào cảnh thiếu thốn, đói kém dẫu họ cố gắng làm ăn. Một hôm, dân làng thấy có một vật gì trôi giữa sông, đến gần làng như cứ lượn lờ không muốn trôi đi. Nhiều người  hợp sức kéo vào thì biết đây là một tảng đá. Tảng đá thật kỳ lạ, không chìm mà nổi trên mặt nước. Dân làng cho đây là Đá thần nên thỉnh về dựng miếu tôn thờ. Điều linh ứng là từ khi dân làng thờ Ông Đá thì làng Đắc Phước không còn xảy ra mất mùa, đói kém nữa. Họ tín niệm ông Đá là thần Thành hoàng của làng.

Như vậy, khảo sát ba miếu thờ Ông Đá ở Biên Hòa, cho thấy, đối tượng Ông Đá chỉ là một “lớp vỏ” cho tín niệm thờ cúng Thổ thần và Thần Thành hoàng làng.

Comments