03. Nghề làm gốm ở Biên Hoà

Vùng Biên Hòa – Đồng Nai có nguồn nguyên vật liệu thuận lợi cho nghề gốm phát triển. Trên vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, qua phát hiện của khảo cổ học, cho thấy nghề gốm đã phát triển từ lâu đời. Trong các di chỉ khảo cổ, số lượng hiện vật gốm chiếm tỉ lệ lớn với nhiều loại hình, chủng loại. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng, các cư dân cổ trên vùng Biên Hòa – Đồng Nai trong tiến trình phát triển của mình đã biết chế tác đồ gốm với trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao. Nghĩa là có một truyền thống chế tác gốm mang phong cách của cộng đồng người cổ ở Đồng Nai. Đặc trưng của truyền thống gốm Đồng Nai thời cổ là sự đa dạng về chất liệu, màu sắc, sự phong phú về kiểu dáng, rắn chắc, mộc mạc trong trang trí, ổn định trong loại hình và dồi dào về số lượng.

Nghề gốm được xem là một nghề truyền thống ở Biên Hòa. Nói đến gốm Biên Hòa là nói về gốm mỹ nghệ. Gốm mỹ nghệ Biên Hòa phát triển mạnh từ đầu thế kỷ XX. Trước đó, sản phẩm gốm Biên Hòa đã phát triển khá mạnh nhưng chủ yếu là sản phẩm gốm gia dụng như: nồi, ơ, trả, trách, lu, hũ, chậu, ghè, ấm, chén, đĩa… để sử dụng chứ chưa mang yếu tố trang trí mỹ thuật và chịu ảnh hưởng của nhiều nguồn.

Đặc biệt, từ khi Trường Bá nghệ Biên Hòa được thành lập vào năm 1903, dưới sự hỗ trợ của các chuyên viên người Pháp, những giáo viên đầu tiên của trường đã tập trung nghiên cứu, cải tạo qui trình sản xuất, tạo mẫu, pha chế men màu, đặc biệt là cải tạo nguyên liệu gốm… Qua nhiều lần thử nghiệm, năm 1923, nghệ nhân Biên Hòa đã chế tạo thành công "gốm mỹ nghệ Biên Hòa". Liên tiếp từ năm 1925 đến năm 1955, gốm mỹ nghệ được đem đi dự triển lãm quốc tế và giành được nhiều huy chương vàng tại Paris (1925, 1933), Indonesia (1934), Bangkok (1955)... Gốm mỹ nghệ Biên Hòa là sự kết hợp khéo nghệ thuật giữa Tây và ta, giữa cũ và mới, là sự kết tinh của kinh nghiệm điêu luyện làm gốm thủ công cổ truyền với kỹ thuật hiện đại của công nghệ Pháp. Nhưng cái cốt lõi, cái hồn vẫn ở nguyên liệu đất Biên Hòa và men thực vật truyền thống do nghệ nhân Biên Hòa tạo nên. Kỹ thuật tạo hình gốm mỹ thuật Biên Hòa dựa trên ba phương pháp chính là: in, xoay và rót.

Gốm Biên Hoà ngày xưa đẹp về kiểu dáng, hoạ tiết và cả chất men. Gốm Biên Hoà có chất men độc đáo riêng. Chính điều này đã làm cho nó khác với gốm của các địa phương khác. “Độ lửa” đã làm cho gốm xưa có được sự hấp dẫn kỳ lạ của chất men. Đặc điểm gốm Đồng Nai và gốm Nam Bộ là kỹ thuật khắc, chấm men và lộng. Các kỹ thuật men truyền thống như trắng tàu, đỏ đá và xanh đồng trổ ở Biên Hoà xưa rất cần được tập hợp, nghiên cứu và lưu giữ. Loại men này đang có nguy cơ bị mai một.

Sau này, những kỹ thuật làm gốm ngày càng được cải tiến và đi vào sản xuất chuyên nghiệp. Hiện nay, có nhiều xí nghiệp, tổ hợp, công ty sản xuất gốm. Và sản phẩm gốm Biên Hòa được xuất khẩu nhiều nước trên thế giới. Sự ra đời của gốm mỹ nghệ Biên Hòa là một bước ngoặt quan trọng trong phát triển nghề gốm ở Biên Hòa. Sản phẩm gốm Biên Hòa không chỉ đơn thuần với chức năng công dụng của từng loại hình mà còn mang giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao.

Comments