10. Tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng bổn cảnh ở Đồng Nai

Đối tượng thờ trong các đình Đồng Nai rất phong phú. Đó là tập hợp những thần linh mà dân làng tôn thờ và thể hiện trong việc bài trí trong khuôn viên đình và nội thất của đình. Có ý kiến cho rằng: đình ở Đồng Nai “thờ hàng chục, có khi đến ba bốn chục vị thần, gồm có Thành hoàng, Phúc Thần, Thần linh và những danh nhân sanh tiền có công xây dựng, kiến thiết địa phương... “.

Đối tượng thờ chính trong các đình Đồng Nai là thần Thành hoàng bổn cảnh. Việc lý giải và nguồn gốc ảnh hưởng trong việc thờ thần Thành hoàng của người Việt còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu. Điều chắc chắn rằng, hầu hết đình làng Biên Hòa thành lập có niên đại sớm từ khi vùng đất này được khai khẩn, tổ chức làng xã mang đậm tính chất nông thôn. Trong làng xã của người Việt ở Đồng Nai, người dân của làng xã có đình hiểu là thờ vị thần bảo vệ của làng. Tên gọi chung nhất mà người dân địa phương gọi là Thành hoàng bổn cảnh hoặc thần làng với cách gọi dân gian cung kính là Ông, là Ngài. Đây là cách định danh chung, khá phổ biến ở những đình làng Đồng Nai. 

Thần Thành hoàng được thờ trong chánh điện. Trên bệ thờ chánh điện thường có một ngai  gỗ vàng đựơc chạm trổ tinh vi, sơn son thếp vàng để ở giữa, phía bên có bộ áo, mão, hia. Giữa chánh điện thường có chữ Hán đại tự “Thần”. Một số đình thì thần được thờ có tên gọi hẳn hoi và chánh điện có tượng thờ. Thường những đình thờ thần có nguồn gốc là những nhân thần thì có tượng thờ như ở đình Tân Lân, đình Mỹ Khánh... Việc tạc tượng này thường do những bô lão địa phương tạo tác trước đây. Tượng được tạo tác với dáng vẻ của vị nam thần có thế ngồi, uy nghi trên ngai, dáng vẻ trang ngiêm với đôi mắt sáng trên gương mặt phúc hậu.

          Các thành hoàng thờ trên địa bàn Đồng Nai được nhà nước phong kiến phong tặng thể hiện qua một văn bản gọi là sắc thần. Đây là một loại văn bản do vua ban ra lấy danh nghĩa công nhận hoặc gia phong tước hiệu cho vị thần đựơc thờ. Một số đình ở Đồng Nai có sắc phong của các triều vua nhà Nguyễn. Một số đình có sắc phong từ triều vua Thiệu Trị nhưng chiếm số lượng lớn là sắc phong thời vua Tự Đức (Tự Đức ngũ niên) và Khải Định. Trên một số văn bản sắc phong của các đình trên địa bàn Biên Hòa, đa phần niên đại ban sắc thường đề là “Tự Đức ngũ niên, thập nhất nguyệt, nhị thập cửu” nghĩa là vào ngày 29 tháng 11 âm lịch, niên hiệu Tự Đức thứ năm (tương đương với ngày 08/01/1853).  

          Khảo sát các đình có sắc phong ở Đồng Nai, cho thấy có hai dạng Thành hoàng được phong tặng tước hiệu: Thượng đẳng thần và thành hoàng chung chung (có thể hiệu là hạ đẳng thần).

          Thành hoàng bậc Thượng đẳng thần ở các đình Đồng Nai có những vị như Nguyễn Hữu Cảnh (thờ ở đình Bình Kính/ đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh), Trần Thượng Xuyên (đình Tân Lân/ đền thờ Trần Thượng Xuyên), có công lao lớn với dân, với nước. Lúc mất đi được triều đình biểu dương công trạng cho lập đền thờ hoặc bởi lòng dân tôn kính mà thờ. Các bậc Thượng đẳng thần đều có sự tích, công trạng và họ tên rõ ràng. Còn những đình khác có sắc phong thần Thành hoàng bổn cảnh với những mỹ tự: Quảng Hậu, Chánh Trực, Hữu Thiện Đôn Ngưng chi thần. Đây là những vị thần mà người dân của địa phương thờ tự không rõ danh tính, sự tích nhưng thuộc trong hệ thống chính thần được triều đại phong kiến thời bấy giờ công nhận hay theo lòng dân tôn thờ mà nhà vua theo lòng dân mà phong thần một cách chung chung. Bên cạnh đó, có những đình dầu không có sắc phong của nhà vua nhưng người dân dựng đình để thờ thần hoàng bổn cảnh. Người dân tín niệm, tôn thờ là vị thần của làng, của xã.

          Tín ngưỡng thờ thần làng là một vị thần linh, phúc thần công chính, hiển linh. Theo quan niệm của người dân, vị thần này được dân làng tôn thờ vì là thần linh thương dân, bảo vệ cuộc sống bình yên của dân làng, làm cho mưa gió thuận hòa, mùa màng tốt tươi…Nét tín ngưỡng dân gian này còn bảo lưu trong đời sống cộng đồng các khu dân cư ngày nay và gắn liền với những giá trị di sản văn hoá của dân tộc.

Comments