1. Đặc điểm chung Người Việt đã đến vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai từ rất sớm để khai khẩn lập nghiệp. Có thể vào khoảng những năm trong thế kỷ XVI. Trong quá trình khẩn hoang lập nghiệp trên vùng đất mới, họ từng bước khẳng định sự tồn tại của cộng đồng bằng việc ra sức xây dựng một cuộc sống ổ định. Trong đời sống tinh thần, người Việt hình thành những cơ sở tín ngưỡng sinh hoạt cộng đồng để gắn kết cộng đồng, thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Từ lúc ban đầu, những cơ sở tín ngưỡng được dựng lên với quy mô nhỏ, bằng những vật liệu vốn sẵn có tại chỗ như tre, lá, cây gỗ. Thường thì nhóm cộng cộng đồng dân cư tại một vùng chung sức nhau để dựng lên. Về sau, trong quá trình phát triển, những cơ sở tín ngưỡng được nâng cấp lên cả quy mô lẫn hình thức do sự lớn mạnh của chính cộng đồng dân cư cư trú tại chỗ. Có thể nói, đình làng là một dấu ấn xác định sự hình thành của cộng đồng xã tộc người Việt trên vùng đất mới. Khi nhà nước chưa đến quản lý, những người di dân tự do đến vùng đất mới gắn kết nhau trong làng xã qua hình thức cộng đồng chung tyrong tín ngưỡng thờ phượng mà ngôi đình là cơ sở tiêu biểu nhất. Trải qua bao thời kỳ, qua bao thay đổi về đia lý hành chánh hay tác động của xã hội thì ngôi đình vẫn tồn tại. Nó minh chứng cho sức sống mãnh liệt không chỉ về mặt tâm linh mà còn sự gắn kết thuộc “ đời sống vật chất ” của người Việt. Và vì vậy, có thể nói, những giá trị di sản vật thể, phi vật thể đều ẩn chứa trong những di tích đình làng một cách sinh động. Thông thường, mỗi làng người Việt đều có một ngôi đình. Người xưa chọn đất dựng đình thờ thần cho nhu cầu tâm linh làng xã nhưng cũng chính là ước vọng sự sung túc, thịnh vượng của cả cộng đồng. Nên thường, ngôi đình được xây dựng trên những “ cuộc đất “ có long mạch quý, phong trào, phong cảnh minh quang tỏa xuất các hướng theo quan niệm về thuật phong thủy xưa. Những ngôi đình ở Đồng Nai thường bắt nguồn từ các miếu, đền. Từ lúc ban đầu, do những điều kiện, có thể một số làng lân cận cùng chung dựng một ngôi đình. Sau này, về mặt phân chia hành chánh, những làng rộng lớn trước kia đông dân cư, phát triển thì được chia ra nhiều làng thôn khác. Bên cạnh yếu tố này, một số yếu tố khác mà các thôn làng khác lập dựng những ngôi đình mới cho cộng đồng theo cộng đồng dân cư mới, địa lý quy định. Số lượng các ngôi đình ở vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai ngày càng nhiều lên theo sự phát triển của cộng đồng dân cư. Có nhiều trường hợp minh chứng cho tính phát triển này; cụ thể như Miễu Ba Làng tại phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa hiện tại. Tên gọi Ba Làng cho thấy xuất xứ từ một ngôi miễu chung của ba làng là Lân Thị, Phước Lư và Vinh Thạnh cùng xây dựng, thờ tự. Về sau, miễu Ba Làng chỉ còn của làng Lân Thị, hai đình mới được lập thêm là Phước Lư và Vinh Thạnh. Đặc điểm này có tính quy luật cho sự phát triển trong xã hội. Tên gọi của các ngôi đình gắn liền với tên gọi của làng xã. Đó là những tên gọi làng xưa. Đây là một dữ liệu cho việc nghiên cứu về làng xã trên vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai. Mặc dầu cho đến nay, nhiều địa bàn có sự thay đổi về tên gọi, vùng nông thôn xưa giờ lên phố thị nhưng thường các ngôi đình vẫn giữ nguyên tên trong cách gọi dân gian. Trong quá trình phát triển, trải nhiều thời cuộc, biến động xã hội, đình liên tục được trùng tu, tôn tạo. Thuở sơ khai, kinh tế khó khăn, lại thêm sự khống chế của trềiu đình nên đình, miếu xây dựng với quy mô nhỏ. Từ thế kỷ XIX, đình miếu được phép trùng tu, mở rộng quy mô. Quy mô kiến trúc những ngôi đình lớn dần theo tỷ lệ thuận với sự mở mang thịnh vượng của cộng đồng.Phần lớn những ngôi đình ở Biên Hòa – Đồng Nai được xây dựng theo kiểu thức kiến trúc nhà tứ trụ. Đây là kiểu thức nhà rường nhưng gian trung tâm gồm 4 cột cái bố trí cách đều; từ bốn cột cái, các kèo đấm, kèo quyết đưa ra bốn hướng nhau tạo không gian vuông vức. Đây chính là không gian thiêng, trung tâm cho việc thờ tự chính trong đình. Ngoài chánh điện, tùy nơi mà ngôi đình có nhà Võ (Vỏ ca ), nhà hội, nhà trù (bếp). Theo truyền thống, trên cuộc đất rộng thì ngôi đình bố trí theo thứ tự như: cổng đình, bình phong, nhà Võ, chánh điện, nhà hội, nhà trù. Nhưng, cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều ngôi đình ở Biên Hòa – Đồng Nai không theo thứ tự này hoặc không có những nếp nhà ngoài khu chánh điện. Tùy nơi mà quy mô và các nếp nhà, vật liệu xây dựng, tôn tạo khác nhau nhưng cơ bản chánh điện những ngôi đình vẫn giữ được dạng kiến trúc truyền thống này. Đối tượng thờ cúng chính trong các ngôi đình ở Biên Hòa – Đồng Nai là Thần Thành Hoàng. Đây là vị thần linh được xem là bảo hộ của làng thôn. Thường ở khu chánh điện, gian thờ trung tâm, thần được thờ với biểu tự chữ Hán ( đại tự ) thếp vàng. Ở một số đình thờ nhân thần thì một số đình có tượng thờ. Có thể trước đó chưa có, sau nầy, tưởng nhớ công đức của những người có công đức, giúp dân của làng xã, xư sở nên dân làng tôn thờ họ, tôn họ thành phúc thần. Như đình Mỹ Khánh thờ Nguyễn Tri Phương, đình Bình Kính thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đình Tân Lân thờ Trần Thượng Xuyên, đình Tam Hiệp thờ Đoàn Văn Cự…Đây là những vị được xem là anh hùng của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, đã có nhiều công lao giúp cho người dân vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai nói riêng hay Nam Bộ nói chung khai khẩn, đánh giặc, dẹp loạn biên cương, mở mang làng xã. Tại đình Mỹ Khánh, tượng thần được thờ được tạc với dáng thế uy nghiêm. Tương truyền, một bô lão ở địa phương nằm mộng thấy Đức ông Nguyễn Tri Phương hiện về với áo mão lẫm liệt, vũ khí trong tay oai hùng, bèn chặt cây mít trước nhà tự tay tạc như hình trong mộng. Đó là bức tượng chính của đình hiện nay, cũng cần nói rõ tác giả bức tượng không hề là nhà điêu khắc. Bên cạnh đối tượng thờ chính là Thần Thành Hoàng, những nhân thần được tôn làm phúc thần thì ở các ngôi đình còn phối thờ một hế thống nhân thần, thần linh khá phong phú. Bên cạnh Thần Thành Hoàng cùng với ban bệ bộ hạ tả hữu gọi là Tả ban, Hữu ban liệt vị. Một số đình còn có nhóm thần linh dân gian được tích hợp do người dân địa phương đưa vào phối thờ trong đình. Các bàn thờ cho các vị thần linh này được bố trí dọc theo vách hoặc một địa điểm thích hợp trong chánh điện như: Thổ thần, Bạch Mã Thái giám, Chúa Tiên, Chúa Xứ, Quan Đế thánh quân, Thiên Hậu thánh mẫu…Các Vị Tiền hiền khai khẩn ( mở mang làng xã ), Hậu hiền khai cơ ( mở đưa làng xã phát triển ), những danh nhân sanh tiền như Hương chức, hội viên, người hiến đất, góp phần trong xây dựng, trùng tu đình…đã quá vãng. Việc bài trí các đối tượng trong đình có khánh, bàn, miếu thờ…tùy địa phương đặt để. Ngoài ra, trong văn cúng tế, ở một số đình khi cúng có xướng danh mời khẩn hàng loạt các vị thần linh khác. Điều này lệ thuộc vào văn tế của từng đình làng cụ thể. Hễ ngôi đình nào có sắc phong của triều đình thì đó là niềm tự hào của người dân địa phương. Một số những ngôi đình ở vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai có sắc phong của triều đình nhưng rất ít những sắc phong của các đời vua đầu triền Nguyễn. Một số ngôi đình cổ ( gọi là đền ) được nhắc đến trong sử sách triều Nguyễn hiện nay thuộc địa phận Đồng Nai như: - Đền Lễ Công ( đình Bình Kính ) thờ Nguyễn Hữu Cảnh. - Đền Trung Tiết ( chưa xác định ) vốn được ghi ở tây bắc tỉnh, thôn Bình Thành huyện Phước Chính tức Biên Hòa ngày nay, thờ những vị tướng có công trong việc dẹp cuộc khởi binh của Lê Văn Khôi. - Miếu Hội đồng ( có thể là đình Bình Thiền hiện nay ), được ghi là phía tây tỉnh thành, thờ 68 người là văn công võ tướng có công lao thời khai quốc/ đối với triều Nguyễn. Nhiều ngôi đình ở Biên Hòa - Đồng Nai có sắc phong vào thời Tự Đức ngũ niên ( tức năm 1852). Đây là thời điểm mà triều vua Tự Đức ban hành hàng loạt sắc phong để đưa hệ thống Thần hoàng bổn cảnh vào trong hệ thống quản lý của mình. Về sắc phong, nhiều đình ít còn giữ được. Do nhiều yếu tố: chiến tranh, mất cắp, mục nát do bảo quản không chu đáo. Nhiều sắc phong của đình làng Biên Hòa – Đồng Nai bị thiêu hủy từ trào “ Việt Minh chống Pháp ” khi thực hiện chủ trương Tiêu thổ kháng chiến. Đối với vận mệnh đất nước, người dân chấp nhận hy sinh bằng cách tự đốt đình để không cho quân xâm lược chiếm lấy, đóng giữ. S8ác thần trong thời kỳ chiến tranh lọan lạc cũng bị đốt cháy, thất lạc. Tình trạng mất cắp thường do để khẳng định tính giá trị của ngôi đình mà nhiều người của làng có đình mà không có sắc phong thường thông qua nhiều cách để lấy đem về cho đình làng mình. Nhiều trường hợp, một số đối tượng khi lấy xong thì sợ bị Thần Thành hoàng quở phạt nên đã tìm cách trả lại. Nhiều câu chuyện xung quanh việc Thần Thành Hoàng quở phạt nặng đối với những người phạm thượng nơi thờ tự, danh thần, lấy cắp sắc phong được truyền tụng trong dân gian cũng đã góp phần làm cho những kẻ tà trả lại sắc phong đã lấy cắp. Nhiều đình có sắc phong thường không bảo quản tại đình. Để giữ cho chu đáo, một người có uy tín trong làng, có điều kiện tốt được giao cho bảo quản. Được cất giữ sắc thần của đình trong nhà là niềm vinh dự và trọng trách lớn. Đối với sắc phong, người dân xem chúng có giá trị và rất tôn trọng như sự hiện diện của chính vị Thần Thành Hoàng của làng xã. Cho nên, khi đình tổ chức lễ, nghi thức thỉnh sắc đến đình rất trang trọng tạo nên sắc thái cho ngày hội đình. Nhân nói về cách quan niệm giá trị sắc phong cho đình, mà không ít nơi có đình làng hiện nay không có sắc phong đã tìm nhiều cách làm hoặc mua sắc phong cho đình làng của mình. Đình có sắc phong thật như một minh chứng cho nguồn gốc của đình. Nhưng điều kiện đó chưa đủ để một công trình đình trở thành một di tích lịch sử, kiến trúc nếu tự thân chưa hội đủ những yếu tố này. Trong thời gian qua, một số đình đã mua hay làm giả những sắc thần rồi trình báo cho việc xin xếp hạng di tích hay khẳng định niên đại cổ của ngôi đình. Khi được báo tin, cơ quan chuyên môn đã phát hiện ra điều này. Phải cần biết thêm rằng những sắc phong của triều Nguyễn có những định chuẩn để phân biệt rõ ràng. Lễ hội cúng đình thể hiện phần hồn của đình. Lễ Kỳ Yên là lễ chính của đình với mục đích là Cầu an như: quốc thái dân an ( đất nước, người dân xứ sở yên bình ), phong điều vũ thuận ( mưa gió thuận hòa ), phong đăng hòa cốc ( mùa màng tốt tươi ); đồng thời có những nghi thức tống ôn, tống phong để bảo vệ làng xã. Mỗi đình định ngày cúng Kỳ Yên riêng, phổ biến là trong 3 tháng đầu đầu năm hoặc 3 tháng cuối năm tính theo âm lịch. Một số đình làng thờ nhân thần thì chọn những ngày liên quan đến đối tượng thờ tổ chức lễ cúng. Lễ hội thường diễn ra trong 3 ngày, gồm có các lễ chính như Túc yết, Đàn cả (Đoàn cả ), Tiền hiền – Hậu hiền. Thường đáo lệ 3 năm, dân làng tổ chức tại đình Đại lễ Kỳ yên. Trong đại lễ Kỳ Yên, ngoài những lễ chính trong các kỳ cúng Kỳ Yên hằng năm còn có những nghi thức thỉnh, khánh sắc; Xây chầu đại bội; hồi sắc, đưa khách… Ở Bến Gỗ ( xã An Hòa, huyện Long Thành ), lễ hội Kỳ Yên cuốn hút đông đảo quần chúng tham gia. Tại đình An Hòa, gánh hát ở địa phương biểu diễn những câu chuyện lịch sử, tích xưa. Hai bên bờ sông, dân làng hào hứng chen nhau xem hội đua thuyền. Đêm đến, nghi cúng xô giàn cầu lợi cuốn hút nhiều người tham dự tạo nên một không khí náo nhiệt, vui tươi. Tại đình Mỹ Khánh, nơi thờ danh nhân Nguyễn Tri Phương dân làng thức đến canh ba, dưới ánh trăng dìu dặt để tổ chức lễ hạ thuyền. Một chiếc thuyền được trang trí hàng trăm ngọn nến lung linh với cờ hoa lộng lẫy được hạ thủy nơi bến sông trước đình rồi trôi dần theo con nước. Dân làng đứng trên bờ mà hoài niệm về tổ tiên, những con người không quản gian lao để dựng cơ lập nghiệp đồng thời cũng mong tống tiễn ôn phong, dịch bệnh mơ ước về cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Những nghi thức trong lễ hội Kỳ Yên được tổ chức long trọng với các nghi thức tuân theo điều lệ của triều đình phong kiến qui định trước đây. Các nghi cúng được Ban tế tự và các học trò lễ thể hiện trang nghiêm, phối hợp nhịp nhàng theo trình tự cụ thể. Những sinh hoạt văn hoá như hát bộ, muá lân, đua thuyền, đấu võ... được người dân tham gia, hưởng ứng nhiệt tình. Trong những ngày hội, dân làng tham gia như quên hết những âu lo, cực nhọc đời thường, hội nhập vào không khí thiêng liêng của lễ hội nhưng cũng rất gần gũi trong nếp sinh hoạt thường nhật của mình. Lễ hội đã tạo nên niềm vui và là dịp cho mọi người hoài niệm công đức các bậc tiền hiền, hậu hiền, cha ông đi trước có công khởi dựng cơ nghiệp cho làng xã; đồng thời thể hiện nghĩa tình, sự gắn kết cộng đồng trong mối giao cảm với nhau. Hiện nay, trên địa bàn Đồng Nai có nhiều ngôi đình đã được nhà nước liệT hạng di tích quốc gia. Những ngôi đình này hội đủ những tiêu chí cho việc xếp hạng, thuộc loại hình lịch sử, kiến trúc, danh nhân như: đình An Hòa thuộc huyện Long Thành; đình Mỹ Khánh ( đền thờ Nguyễn Tri Phương ) thuộc phường Bửu Hòa, đình Bình Kính ( đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ) thuộc xã Hiệp Hòa, đình Tân Lân ( thờ Trần Thượng Xuyên ) thuộc phường Hòa Bình, đình Tam Hiệp ( đền thờ Đòan Văn Cự ) đều thuộc thành phố Biên Hòa. Bên cạnh các di tích đình được xếp hạng di tích, ở Đồng Nai vẫn còn nhiều ngôi đình có giá trị lịch sử, văn hoá. Đây là những di sản văn hoá cần được giữ gìn, tôn tạo. Những di tích đình ở Đồng Nai được xây dựng sớm và trải qua nhiều lần trùng tu. Vì vậy, việc bảo lưu kiến trúc ban đầu là không thể. Trải qua nhiều thời gian tồn tại, đình làng ở Biên Hòa – Đồng Nai cùng “ lớn lên ” với sự phát triển của cộng đồng dân cư, diễn trình lịch sử của vùng đất này. Ngôi đình làng ẩn chứa những giá trị di sản truyền thống cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống hiện tại. 2. Những ngôi đình được liệt hạng di tích quốc gia ( Dựa theo tài liệu Đồng Nai di tích lịch sử văn hóa ). Đình An Hòa Đình An Hòa xưa kia thuộc làng Bến Gỗ, nay thuộc xã An Hòa, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Đình An Hòa được khởi dựng vào thời gian nào thật khó mà khảo chứng chính xác. Các cụ già cho biết, trên xà kèo nhà võ cac ó khắc năm dựng miếu vào năm 1792. Điều này cho thấy, chí ít đình An Hòa nguyên thủy là ngôi miếu được xây dựng năm 1792. Đình An Hòa đã trải qua 3 lần trùng tu lớn: Lần thứ nhất vào năm 1944: các cột chính trong đình được nối dài thêm 1 mét để nâng cao chánh điện và mái đình. Nền nâng cao thêm 0,3 mét để tránh ngập lụt khi mùa mưa đến. Lần thứ hai vào năm 1953: quân Pháp chiếm đình làm đồn, khi trả lại cho dân, chúng phải xuất tiền đền bù để các bô lão và nhân dân trong làng sửa chữa lại một số hạng mục như: thay đòn tay, lót gạcg bông ở tam cấp, tô lại đầu rùa bên phải mái đình. Cũng dịp này nhân dân sở tại đóng góp công của xây dựng thêm nhà võ ca ở phía trước chánh điện. Lần thứ ba vào năm 1994: sau khi đình An Hòa được Nhà nước xếp hạng là di tích quốc gia, cũng là thời kỳ ngôi đình bị xuống cấp nghiêm trọng. Bộ Văn hóa Thông tin, Cục Bảo tồn Bảo tàng đã cấp 400 triệu đồng cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của địa phương, Nhà Bảo tàng đã trùng tu lại ngôi đình khang trang, bề thế như hiện tại. Đình An Hòa thờ Thành Hoàng bổn cảnh, vị thần bảo trợ làng và những vị tiền hiền, hậu hiền... có công khai phá, mở mang làng, xã. Nhân dân sở tại hàng năm đến đình cúng bái cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, cuộc sống bình an, thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc. Đình An Hòa xây dựng theo hướng Đông-Nam, ban đầu kiểu chữ nhị (=) gồm một chánh điện và tiền bái. Sau này hai bộ phận trên được nối với nhau bằng một nhà cầu (nơi hành lễ) nên trở thành chữ Công (I). Mái đình lợp ngói âm dương, đỉnh chánh điện có gắn cặp rồng chầu pháp lam bằng gốm men màu. Nền lót gạch tàu, chia làm ba gian rõ rệt. Từ nhà võ ca nhìn vào chánh điện sẽ thấy ở gian giữa là những cặp liễn, hoành phi chữ Hán, xung quanh chạm khắc hoa văn tinh xảo, sơn son thếp vàng nổi bật trên hai hàng cột và xà ngang chạy suốt chiều dài 47 mét của khu chánh điện làm cho ngôi đình trở nên trang nghiêm và huyền bí. Chánh điện: là loại nhà 3 gian 2 chái truyền thống ở Nam Bộ. Chái phía sau bàn thờ thần (dãy hàng hiên sau) là hậu trường, đây là nơi phục vụ việc tế lễ. gian giữa thờ thần. Hương án bằng gỗ sơn son thếp vàng, chạm khắc hoa lá, rồng uốn lượn. Khám thờ mang hàng chữ “Vạn cổ anh linh”. Bên trong là một đại tự lớn, chữ “Thần” viết bằng mực đen trên nền đỏ. Phía dưới là chiếc hộp sắt, sơn đỏ trong đựng sắc thần nội dung như sau: “Sắc An Hòa thành hoàng chi thần, nguyên tặng Bảo An, Chính Trực, Hữu Thiện, Đôn Ngưng, Chi Thần Nhưng chuẩn Long Thành huyện, An Hòa thôn, y cựu phụng sự thần, kỳ trương bảo ngã lê dân Khâm sai” Ấn có chữ: Sắc mệnh chi bảo Tự Đức ngũ niên, thập nhất nguyệt, nhị thập cửu nhật. Tạm dịch: Sắc phong thần Thành Hoàng An Hòa, trước (đã) tặng là thần: Bảo An, Chính Trực, Hữu Thiện, giữ nước, giúp dân, linh ứng tính đã lâu. Ta (nay) ít đức, lãnh mệnh (tư dân), luôn nghĩ đến thần nên tặng thêm là thần: Bảo An, Chính Trực, Hữu Thiện, đôn Ngưng. Nhưng cho thôn An Hòa, huyện Long Thành thờ phụng thần như cũ, để thần bảo vệ (lê) dân của ta Kính vậy thay Ngày 29 tháng 11 năm tự Đức thứ năm (29/1/1852). Nét đặc sắc nhất của ngôi đình là nghệ thuật chạm khắc, trang trí hoa văn ở khu chánh điện. Các khối gỗ được các nghệ nhân chạm trỗ, bố cục và thể hiện hài hòa các đề tài truyền thống trong nghệ thuật điêu khắc Việt Nam. Toàn bộ các đầu dư, trụ đỡ, xà ngang, bức cốn... của đình đều được tạc đình đầu rồng và lưỡng long chầu nhật, cúc liên chi, mây sóng nước, dơi ngự lâm môn... biểu tượng ước mơ thịnh vượng, tốt lành ngàn đời của nhân dân Việt Nam. Các đường nét chạm khắc rất uyển chuyển tinh tế, sống động như được vẽ trên giấy mang đậm đà màu sắc dân gian. Đáng chú ý nhất là hình ảnh lưỡng long chầu nhật ở xà ngang gian giữa trước chánh điện đã được cách điệu hóa: đầu rồng, thân là xương cá đao nối thành hai khúc, đối xứng với bông cúc viền quanh và mây sóng nước, hoa lá... Toàn bộ mảng trang trí này được chạm khắc rất tinh xảo như thể hiện nghề chài lưới của nhân dân địa phương xưa kia. Nhà Cầu: là nơi hành lễ. Nhà cầu là cầu nối giữa chánh điện và nhà bái. Nhà cầu ngoài chức năng là nơi hành lễ còn thờ Tiên Sư và Thổ Công. Nhà Bái: còn gọi là tiền bái hay tiền đường. Nhà Bái và Nhà Cầu dược thông liền với nhau nhưng được phân định bởi một hàng đá. Phía trước là ba cửa bằng gỗ để vào đình. Nhà Bái được tạo dựng bởi hai hàng cột gỗ tròn lớn ở gian giữa và hai hàng cột gỗ vuông ở hai gian bên. Nhà võ ca: được xây riêng biệt ở sân đình, mặt tiền đối diện với chánh điện. Nhà võ ca xây dựng đơn giản không có tường bao quanh, chỉ có một sân khấu để diễn hát bội và nghi lễ cúng thần. Nhà võ ca đều đối diện với chánh điện để khi diễn hát bội, hoặc diễn trò người trình diễn đối mặt với thần, còn thần Thành Hoàng cũng chỉ là một khán giả cùng ngồi xem với dân. Cách bố trí này tạo sự gần gũi, thân thiện giữa thần với dân. Về mặt tạo hình, đình An Hòa được xem là gương mặt của nghệ thuật kiến trúc cổ ở Đồng Nai và tiêu biểu cho kiểu dáng đình ở một vùng Nam Bộ. Đình An Hòa là nơi bảo tồn khá nguyên vẹn những đặc điểm của nền kiến trúc dân tộc, không chịu ảnh hưởng của kiến trúc Trung Hoa như một số ngôi đình khác. Hàng năm vào rằm tháng tám (âm lịch) đình An Hòa diễn ra lễ rước thần theo nghi thức truyền thống cuôn hút đông đảo người dân tham dự. *** Đình Bình Kính ( Còn gọi là Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ) Di tích lịch sử tồn tại hơn ba thế kỷ ở vùng đất Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa. Đình tọa lạc trên diện tích đất rộng, bên tả của nhánh sông ôm trọn Cù lao Phố, dưới chân cầu Ghềnh, mặt tiền nhìn về hướng Tây Nam, soi bóng xuống dòng nước Đồng Nai trong xanh, hiền hòa. Ngôi đền được dựng vào năm nào, ngày nay chưa có văn liệu nào đề cập cụ thể. Chắc rằng, sau khi Nguyễn Hữu Cảnh mất, người dân thôn Bình Hoành cảm nhớ vị công thần của nước nhà có công lớn đối với vùng Biên Hòa – Đồng Nai nên mới dựng ngôi đền thờ. Ban đầu, ngôi đền nhỏ, được làm từ vách ván, mái lợp ngói âm dương. Sử sách có ghi chép về di tích với tên gọi là đền Lễ Công như sau: “... ở phía Nam Cù lao Phố, thôn Bình Hoành, huyện Phước Chính, thờ khai quốc công thần Tráng hoàn hầu Nguyễn Hữu Kính (Cảnh). Đền trông ra sông Phước Giang, lấy đá ngầm làm thủy thành, dưới có cá chép lạ, lớn 6,7 thước, cứ đêm khuya tĩnh mịch, thường hướng vào đền, quãy nhảy dưới sông bơi lội ngược xuôi, như hình múa lạy. Sau qua loạn Tây Sơn, hương tàn khói lạnh. Đến đời trung hưng, cấp cho 10 người từ phu, hàng năm cho tiền công tế vào mùa xuân, cầu đảo thường linh ứng; năm Tự Đức thứ tư, quan tỉnh tâu rằng đền lâu ngày mục nát, lại bị nước xói, phụng mệnh cấp cho 400 quan tiền giao dân sở tại mua vật liệu, dựng lại đền ở sau cách 10 trượng...”. Tư liệu trên cho thấy, thời bấy giờ đền Lễ Công có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Biên Hòa – Đồng Nai. Kiến trúc ban đầu của đền không còn lưu giữ được do sự hủy hoại của tự nhiên. Năm 1851, đền được xây lại và cách vị trí cũ khoảng 400 mét. Hơn 100 năm sau, đền được tu sửa bao nhiêu lần không ai rõ. Năm 1960, Ban quý tế đền đứng ra chủ trì việc trùng tu. Trước chánh điện mở thêm hành lang rộng 2 mét, các cột chính được đắp rồng, các cửa gỗ dược thay bằng cửa sắt kéo, mái lợp ngói âm dương thay cho loại vảy cá trước đây. Kiến trúc hiện tồn của di tích thuộc vào niên đại này, lối kiến trúc tương đối hiện đại, các nét xưa còn lại ít, có chăng là ở nội thất trong các trang trí hoa văn, đồ thờ. Di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh xây theo dạng chữ Đinh, mặt tiền hướng ra sông Đồng Nai, phía Tây Nam. Chánh điện đền hình vuông, tường gạch trát đá rửa, bốn mái lợp ngói vẩy cá, nền lát gạch tàu. Phía trước mái đền gắn đôi rồng chầu pháp lam bằng gốm men xanh, đối xứng hai bên là cặp lân. Hàng cột hành lang mặt trước được đắp trang trí hình ảnh rồng cuộn, chầu đối nhau bằng chất liệu xi măng, sơn phết rực rỡ. Từ ngoài vào theo lối chính có ba cửa. Hai bên cửa có khắc chìm hàng chữ Hán với nội dung nói về đền thờ Bình Kính, công lao của Nguyễn Hữu Cảnh với vùng đất Biên Hòa-Đồng Nai. Nội điện có ba hàng cột gỗ lớn. Trên các cột đều có treo liễn đối. Các hoành phi thể hiện dưới dạng đại tự chữ Hán , liễn đối được trang trí hoa văn sơn son thếp vàng vẫn giữ tươi màu dù đã trải qua nhiều năm tháng. Dưới những hoành phi là những bao lam gỗ được chạm trổ các đề tài lưỡng long chầu nhựt, hoa chim sơn kim nhũ óng ánh. Gian giữa chánh điện thờ thần, hai bên thờ tả ban, hữu ban liệt vị. Một góc bên bàn thờ có tủ kiếng giữ bộ áo mão tương truyền là của Đức Ông Nguyễn Hữu Cảnh thuở sinh thời. Trứơc bàn thờ thần là bàn La liệt, bàn thờ Hội đồng, xung quanh đắp nổi bộ tứ linh và ở trên có đôi hạc và lưỡng long. Gian giữa bày hai hàng bát bửu bằng đồng. Dọc theo bờ tường hai bên có bốn bệ bằng xi măng thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền, thế hiền và thánh nương mẫu. Điểm nổi bật trong nội điện về điêu khắc gỗ là các hương án được thực hiện công phu, dụng công nhiều của các nghệ nhân khi thể hiện các đề tài rồng chầu, tứ linh, muông thú, hoa lá....rất tinh vi, sắc sảo. Phía sau chánh điện là khu nhà khách, nhà bếp và nhà kho. Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh là một trong số ít những di tích ở Biên Hòa còn lưu giữ được sắc thần, trong đó ghi rõ tên họ, chức tước vinh hiển, thứ bậc Thượng đẳng thần của vua ban phong cho Nguyễn Hữu Cảnh. Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650, tại xã Chương Tín, huyện Phong Lộc (nay là xã Van Ninh, huyện Quảng Ninh), tỉnh Quảng Bình. Từ thuở nhỏ, ông thông minh, học giỏi, sớm rèn luyện tài thao lược, văn võ song toàn. Lớn lên, ông theo cha là Tiết Chế Chiêu Võ hầu Nguyễn Hữu Dật tham gia nhiều trận mạc, lập nên công lớn, được chúa Nguyễn tin yêu, phong cho Chưởng cai cơ. Năm 1698 (Mậu Dần), Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào kinh lược vùng đất phương Nam. Ông đặt bản doanh tại Cù lao Phố, cùng các quan chức dưới quyền lập bộ máy hành chánh, tổ chức cai trị từng bước có quy củ. Ông đặt Nam Bộ làm phủ Gia Định, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, đặt dinh Trấn Biên; lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, đặt dinh Phiên Trấn. Dù thời gian chuyến kinh lược ngắn nhưng Nguyễn Hữu Cảnh đã thực hiện những công việc quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với công cuộc khai khẩn toàn vùng Nam Bộ. Từ một vùng lưu dân tự phát, Nguyễn Hữu Cảnh định hướng phát triển, thu nạp, chiêu mộ thêm dân từ vùng Ngũ Quảng, khai khẩn ruộng đất, đặt đơn vị phường xã, chuẩn định thuế, lập bộ tịch đinh điền...tạo cơ sở cho việc phát triển vùng đất Đồng Nai, chính thức hóa nền hành chánh nơi đây vào bản đồ nước Việt. Cuối năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh được triều đình triệu về trấn giữ dinh Bình Khương (thuộc Khánh Hòa ngày nay). Tháng 7 năm 1699 (Kỷ Mão), do vua Nặc Thu của Chân Lạp chống lại chúa Nguyễn, Nguyễn Hữu Cảnh và một số tướng lĩnh được cử đi dẹp loạn. Hoàn thành sứ mệnh, Nguyễn Hữu Cảnh cùng đại quân trở về. Trên đường, đại quân đóng tại đồn Cây Sao (thuộc cù lao Ông Chưởng, địa phận tỉnh An Giang ngày nay). Tại đây, Nguyễn Hữu Cảnh bị bệnh. Ngày 16 tháng 5 năm 1700 (Canh Thân), Ông qua đời tại Sầm Giang (Rạch Gầm). Linh cữu đưa về bản doanh Cù lao Phố huyền táng. Chúa Nguyễn truy tặng Nguyễn Hữu Cảnh Hiệp tán công thần, đặc tiến Chưởng dinh, Tráng Hoàn hầu. Thời vua Nguyễn, Nguyễn Hữu Cảnh được truy phong Thượng đẳng công thần đặc Trấn Phủ Quốc Chưởng cơ với tước Lễ thành hầu. Khi Nguyễn Hữu Cảnh mất, nhân dân Biên Hòa thương kính, tỏ lòng biết ơn đã đồng tâm lập miếu võ trang nghiêm, tôn thờ ông như vị thành hoàng đầy hiển linh, luôn giúp cho xứ sở bình an, thịnh vương. Nơi huyền táng linh cửu ông tại Cù lao Phố, người dân địa phương xây ngôi mộ để tưởng vọng nằm ở phía Đông của đền khỏang 50 mét. Ngôi mộ xây theo hình khối chữ nhật, nguyên thủy bằng hợp chất, sau được tô một lớp xi măng. Tường bao xung quanh có cột, bình phong và lân chầu. Hàng năm, tại đền, người dân địa phương tổ chức hai lần lễ tế (tính theo âm lịch) vào các ngày 16/5 và ngày 11/11, cầu cho quốc thái dân an và tưởng nhớ công lao của bậc tiền nhân có công mở mang vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Trong dịp lễ kỷ niệm 300 năm (1698-1998) hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa-Đồng Nai, Đồng Nai xây dựng nhà bia trong phạm vi di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Đây là một công trình văn hóa, tưởng nhớ công đức các bậc tiền nhân có công khai phá, xây dựng và truyền thống anh dũng của quân dân Đồng Nai trong công cuộc bảo vệ, xây dựng vùng đất này. Công trình Nhà văn bia được xây dựng hiện đại, theo lối kiến trúc truyền thống, gắn liền trong phạm vi di tích, tạo nên một cảnh quan đẹp đẽ, hài hòa và gần gũi với con người. Nơi đây, trở thành một địa điểm sinh hoạt văn hóa lành mạnh, thu hút nhiều người đến sinh hoạt, vui chơi, tham quan. *** Đình Tam Hiệp ( còn gọi là Đền thờ Đoàn Văn Cự ) Di tích liên quan đến cuộc đời của Đoàn Văn Cự gồm hai phần: mộ và đình Tam Hiệp. Tại phường Tam Hiệp, trên quốc lộ 15, một ngôi đình cũng được xây cất từ năm 1956 làm chỗ tôn thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh, cách phần mộ khoảng 1km về hướng đông bắc 640. Đền tọa lạc trên khu đất bằng phẳng, rộng 3.000m2, kiến trúc theo kiểu chữ tam (=), gồm hai phần chính: nhà võ ca và chánh điện. Nhà võ ca đối diện với đền thờ chính. Bên trong có sân khấu nhỏ dùng để hát bội trong những dịp lễ đền. Mặt sân khấu đối diện với chánh điện. Trước khi vào chánh điện phải qua nhà bái. Đây là nơi khách thập phương ra vào hành lễ, mái lợp ngói móc, nền cao xây bằng đá ong lót gạch bông, được chia làm ba gian, mỗi gian đều có bàn hương án. Trước đền có cặp lý ngư hóa long chầu mặt trời, biểu tượng cuốn thư cây giáo, hai bên là hai con rồng bằng gốm men xanh. Nối tiếp nhà bái là chánh điện, gồm bốn mái lợp ngói móc, trên nóc có cặp rồng chầu pháp lam, chia thành ba gian bởi những hàng cột gỗ sao, trên cột đều có liễn đối. Gian chính giữa thờ thần, bàn hương án bằng gỗ khắc chạm rồng chầu mặt trời, chim muông... được sơn son thếp vàng, hai bên là hàng bát bửu. Hai gian bên thờ tả hữu ban liệt vị. Dọc mặt tường tả hữu thờ Tiền Hiền, Bạch Mã, Tiên Sư, Thổ Công. Phía sau chánh điện là nhà khách và nhà bếp. Nơi đây dùng để tiếp khách và nấu ăn trong những ngày lễ trọng. Phần mộ là nơi an táng Đòan Văn Cự, thủ lĩnh hội kín “Thiên Địa hội” ở Biên Hòa và 16 nghĩa binh tử vong trong trận tấn công của Pháp vào bưng Kiệu năm 1905. Đây cũng là nơi mà lúc sinh tiền Đoàn Văn Cự xây dựng căn cứ kháng chiến. Mộ tọa lạc trên khu bình địa tổng kho Long Bình, phường Long Bình, cách trung tâm thành phố Biên Hòa 8km đường chim bay. Nguyên thủy chỉ là nấm mồ chôn cất đơn sơ, năm 1956 và 1990 được nhân dân trùng tu lại theo lối xây cất mới. Mộ hình chữ nhật. Phía sau là ngôi miếu nhỏ thờ hương hồn Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh, bày trí đơn giản. Khu mộ được bảo vệ bởi hai vòng rào bằng gạch, có cổng ra vào. Gần như bao quanh khu mộ là dòng Linh Tuyền, tiếng nước róc rách suốt ngày đêm đưa hồn các tử sĩ vào cõi vĩnh hằng. Đoàn Văn Cự lãnh đạo hội kín “Thiên Địa hội” ở Biên Hòa, một tổ chức yêu nước chống ách thống trị của thực dân Pháp. Ông đã quy tụ được đông đảo lực lượng nghĩa quân tiến hành cuộc kháng chiến trong những năm đầu thế kỷ XX. Tuy thực dân Pháp nhanh chóng dập tắt nhưng hoạt động của ông đã có ảnh hưởng sâu rộng ở vùng miền Đông Nam Bộ trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Thời gian cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ở Nam Kỳ có nhiều hội yêu nước của nhân dân rất bí mật, báo chí gọi là “hội kín”, về sau gọi là “Thiên Địa hội”. Thật ra, các hội đó không mang một tên thống nhất nào, mà có nhiều tên gọi khác nhau. Hội hoạt động riêng lẻ, liên lạc ngang với nhau, khi có điều kiện thì kết hợp thành hệ thống dọc như một lực lượng yêu nước mạnh mẽ. Mục đích là đánh đuổi ngoại bang, giành độc lập, thiết lập chế độ quân chủ, khẩu hiệu đấu tranh là “bài Pháp phục Nam”. Hình thức đấu tranh là bạo động. Các tổ chức này còn chịu ảnh hưởng sâu của hệ tư tưởng và đạo đức phong kiến pha màu thần bí. Vốn giàu lòng yêu nước, nhân dân Nam Kỳ lục tỉnh đã nhanh chóng biến hội kín thành hình thức hoạt động khá phổ biến để đấu tranh quyết liệt với giặc vào cuối thế kỷ XIX đều những thập niên XX. Trong tình hình chung của phong trào Nam Bộ lúc bấy giờ, nhân dân Biên Hòa hưởng ứng nhiệt thành phong trào chống Pháp của “Thiên Địa hội”, mở đầu là tổ chức hội kín của Đoàn Văn Cự tại vùng bưng Kiệu, thôn Vĩnh Cửu. Đoàn Văn Cự sinh năm 1835 tại làng Bình An, huyện Bình An, tỉnh Biên Hòa (nay là huyện Thủ đức, thành phố Hồ Chí Minh) trong gia đình nho học yêu nước. Bị Pháp và bọn tay chân theo dõi, ông lánh giặc đến tá ngụ ở bưng Kiệu, thôn Vĩnh Cửu (nay là phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) mưu đồ đại sự. Ngụy trang dưới nghề dạy học, cắt thuốc kiêm coi bói, ông ngấm ngầm tập họp lực lượng, tích trữ vũ khí, lương thảo. Đội ngũ chống Pháp của ông rải khắp cả miền Đông Nam Kỳ, đông nhất là Chợ Đồn, Chợ Chiếu (Cù lao Phố), Bình Đa, Vĩnh Cửu đến núi Nứa (Bà Rịa). Lực lượng ngày càng hùng hậu, hoạt động của ông dần đến chỗ công khai nơi bưng rừng khuất tịch. Tất nhiên không tránh khỏi sự dòm ngó, theo dõi của chính quyền thực dân. Để ngăn chặn ảnh hưởng và dập tắt phong trào ngay từ trong trứng nước, sáng ngày 12/4/1905 (dương lịch), một tiểu đội lính mã tà do tên sen đầm chỉ huy kéo xuống bao vây căn cứ bưng Kiệu. Đoàn Văn Cự bố trí nghĩa quân do các tướng Hoàng Mè, Hoàng Giáp chỉ huy chuẩn bị đón đánh giặc. Phục binh cả ngày mà không thấy giặc động tĩnh, đến chiều tối, ông ra lệnh cho nghĩa quân về ăn cơm. Đúng lúc không còn quân canh phòng, giặc Pháp rầm rộ kéo đến, một toán quân khá đông bao vây nhà ông. Tên quan ba cùng tốp lính vượt suối Linh tiến vào. Đến ngưỡng cửa, chúng gặp ông trong bộ chiến phục oai nghi: đầu chít khăn lụa điều, mình buộc thắt lưng màu hồng, giắt đoản đao đầu hổ. Thấy địch, ông vung đao chém tên quan ba Pháp bị thương. Hắn rút súng bắn lại, Đoàn Văn Cự trúng đạn hy sinh trước bàn thờ Tổ. Lúc bấy giờ, đã bảy mươi tuổi mà tướng mạo ông hãy còn phương phi, nằm chết trên vũng máu với vẻ hiên ngang của một trang võ tướng. Pháp xả súng vào căn cứ nghĩa quân, đốt phá lương thực. Thêm 16 người bị trúng đạn chết trong cơn tán loạn. Hôm sau, dân làng an táng 17 liệt sĩ vào ngôi mộ chung. Người dân Biên Hòa –Đồng Nai tỏ lòng biết ơn cụ Đòan Văn Cự nên đã lập mộ và thờ cụ tại đình của làng Tam Hiệp. Đáo lệ hàng năm, đến ngày 8 tháng 4 âm lịch, nhân dân địa phương thiết lễ giỗ bằng một độ tế rất long trọng, tưởng nhớ hùng khí của Đoàn Văn Cự và 16 tử sĩ vì đại cuộc xả thân. *** Đình Mỹ Khánh ( Còn gọi là Đền thờ Nguyễn Tri Phương ) Đình Mỹ Khánh tọa lạc bên bờ hữu ngạn sông Đồng Nai thuộc địa phận phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa (nguyên trước kia là làng Mỹ Khánh, dinh Trấn Biên). Xung quanh ngôi đình là cảnh cây, sông nước hữu tình, phía trước có rừng dương liễu ngày đêm vờn gió vi vu, phía trên có đường thiên lý Bắc Nam (quốc lộ I cũ) vượt qua sông Đồng Nai bằng cầu Gềnh, bao bọc phía sau là cả vành đai khu dân cư với vườn cây trái sum xuê. Hiện hữu trong một không gian thoáng rộng nên thơ, đồng hành với thời gian nhiều biến cố, đình Mỹ Khánh trở thành một ấn tích đẹp đẽ, một biểu tượng thiêng liêng của con người Đồng Nai vốn có truyền thống thủy chung với tổ tiên. Tại đây, có ngôi miếu nhỏ tên là Mỹ Khánh đình được nhân dân địa phương dựng nên để thờ thần Thành Hoàng bổn cảnh cầu xin mưa gió thuận hòa, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Đến đầu khoảng thế kỷ XIX (1803), ngôi miếu được nhân dân sở tại xây dựng thành ngôi đền. Từ đó, cho đến nay, ngôi đền được nhiều lần trùng tu khang trang như hiện nay, Tương truyền, vào năm 1861, nhân dân địa phương có thờ cụ Tán lý Định Biên Nguyễn Duy – một tướng tài được triều đình Nguyễn cử vào lo việc chống quân Pháp xâm lược. Trong trận đánh giặc pháp tấn công đồn Chí Hòa, Nguyễn Duy tử trận “ thi hài tan nát không phân biệt được, có người nhận ra dấu áo và đai lưng của ông bèn đem về chôn tạm ngoài cửa Đông thành Biên Hòa “. Về sau, vua Tự Đức thương xót bề tôi tuẫn tiết, giao cho danh tướng Nguyễn Tri Phương (anh ruột của Nguyễn Duy) đích thân trông coi việc cải táng, đưa quan cửu của Nguyễn Duy về quê Đường Long an táng. Sau khi cải táng, nhân dân tại Biên Hòa đắp lại chỗ cũ một ngôi mộ để thờ. Năm 1873, khi danh tướng Nguyễn Tri Phương mất, để tỏ lòng ngưỡng mộ và thương tiếc vị anh hùng đã có công trong việc di dân lập ấp, mở mang lãnh thổ Đàng Trong, cùng với Nguyễn Duy làm vẻ vang thêm trang sử Biên Hòa, nhân dân tạc tượng Nguyễn Tri Phương và thờ ông tại đình. Từ đó, Mỹ Khánh đình được gọi là đền thờ Nguyễn Tri Phương. Đứng ở phía Tây của cầu Gềnh vượt qua sông Đồng Nai, nhìn xuống phía hữu ngạn, ta sẽ thấy một bức tranh hoành tráng mỹ lệ lung linh giữa trời nước mênh mông. Ngôi đền tọa lạc trên một khu đất rộng, khá bằng phẳng, in bóng xuống dòng sông Đồng Nai giữa những cây cổ thụ và khu dân cư đông đúc. Mặt trước của đình nhìn ra sông Đồng Nai, theo hướng Đông Bắc. Bờ bên kia, Cù lao Phố sầm uất với những vườn cây trái xanh tươi. Trước đình có khoảng sân rộng tráng xi măng, hai bên có bàn thờ Thần Nông và Đài chiến sĩ. đình Mỹ Khánh được xây dựng theo lối kiến trúc hình chữ công (I) gồm ba phần: tiền đình, chánh điện và nhà khách. Xung quanh đình có hàng rào bảo vệ xây bằng gạch khá vững chắc. Họ tộc Nguyễn Tri tại Tp.Hồ Chí Minh đã dựng bia khắc ghi công trạng của Nguyễn Tri Phương dựng trước sân đình. Mái đình lợp ngói vảy cá. Mặt trước của đền được đắp nổi với dòng chữ : “Mỹ Khánh đình” bằng chữ Hán và hai bên là cặp Lý ngư hoá long, nhựt nguyệt. Trên đỉnh cao của chánh điện trang trí hình ảnh lưỡng long tranh châu, hai bên có cặp phụng nghinh bằng gốm men xanh. Từ ngoài nhìn vào ta thấy sự uy nghi bề thế của đình. Ở giữa là các tấm bao lam bằng gỗ được điêu khắc đề tài hoa điểu, tứ linh rất công phu. Các bức liễn và hoành phi khắc chữ Hán, sơn son thếp vàng treo khắp cột và xà ngang theo chiều dài khu chánh điện. Chánh điện của đình ngày đêm nhang khói nghi ngút, hai bên thờ tả ban, hữu ban liệt vị... Bàn hương án có điểm khắc lưỡng long triều nhựt, mô típ hoa văn dây, hoa, lá được cách điệu rất tinh tế. Bàn la liệt bằng đá. Trước bàn thờ có đặt ngai gỗ chạm khắc tả hình đầu rồng, long vân sơn son thếp vàng tinh xảo. Chánh điện có tượng Nguyễn Tri Phương được tạc khắc bằng gỗ. đình Mỹ Khánh luôn được nhân dân địa phương và ban qúy tế trông coi gìn giữ ngăn nắp, sạch sẽ. Vào các ngày lễ, hội bao thiện tâm tín hữu tụ họp về đền dâng hương cầu phúc. Hàng năm, đền tổ chức lễ Kỳ yên rất long trọng. Lễ được tiến hành vào ngày 16 và 17 tháng 10 âm lịch. Lễ Kỳ yên được chuẩn bị rất chu đáo. Trước khi hành lễ, các vị hương chức lớn nhỏ đều hội tại đền để yết kiến thần thánh. Đến tối lễ bắt đầu từ lúc trăng lên cũng là khi con nước bắt đầu lớn. Lễ kéo dài trong hai ngày với những nghi thức tiến thần, diễn hành lễ bộ, tống phong... rất độc đáo và đẹp mắt. Dân trong làng cùng các nơi xa gần cùng các ban qúy tế đình, đền trong vùng đến dự. Với danh nhân Nguyễn Tri Phương, tài năng đức độ, cuộc đời và khí tiết của Ông vẫn mãi sống toàn vẹn trong niềm tin kính của con người Đồng Nai. Một phần cuộc đời Nguyễn Tri Phương gắn với mảnh đất Biên Hòa nhưng sự đóng góp của Ông rất quan trọng. Trang sử vẻ vang chống thực dân Pháp xâm lược trên mảnh đất thiêng nầy vinh dự gắn liền với tên tuổi Nguyễn Tri Phương. Tháng 2/1861, khi Gia Định thất thủ, đại bộ phận quân ta rút về lập tuyến phòng ngự ở Biên Hòa. Nguyễn Tri Phương liền thiết lập củng cố trận tuyến phòng thủ và cho quân trấn giữ các nơi xung yếu, Ông cho quân đắp lũy ở Tân Hoa, Trúc Giang, Sông Ký, củng cố lũy Đông Giang, Phước Tứ và Đồng Môn. Ở pháo đài Phước Thắng và cửa Cần Giờ, ông điều quân canh giữ mặt biển. Trên sông Đồng Nai, Nguyễn Tri Phương cho đắp cản bằng đá ong để ngăn chặn tàu thuyền địch. Chỗ đắp cản quan trọng nhất là khúc sông Long Đại, độ phân nửa đường sông Nhà Bè – Biên Hòa. Hễ dưới sông có “cản“ thì trên bờ có đồn lũy, bố trí đại bác. Một trong những bức tường cản còn lưu lại tới ngày nay là “cản“ ở khúc sông trước đền thờ Nguyễn Tri Phương bây giờ. Tương truyền khi Nguyễn Tri Phương rút quân về Biên Hòa, công việc phòng thủ đang gấp rút tiến hành thì triều đình có lệnh triệu hồi ông. Nhân dân Biên Hòa thương kính, tin yêu đã cản đầu ngựa , khẩn cầu ông ở lại đánh giặc cho đến cùng. Sau đó, Nguyễn Tri Phương được triều đình điều ra trấn giữ thành Hà Nội. Trong một trận quyết chiến với kẻ thù, Nguyễn Tri Phương bị thương, con trai ông là Nguyễn Lâm hy sinh, thành Hà Nội bị thất thủ. Hòng mua chuộc ông, người Pháp đưa ông đến điều trị vết thương nhưng Nguyễn Tri Phương cương quyết cự tuyệt, hất bỏ thuốc men, cơm cháo, nêu cao tinh thần bất khuất, khí phách của mình. Ngày 20/12/1873 (tức 1/11/ At Dậu), Nguyễn Tri Phương mất tại dinh Tổng đốc thành Hà Nội để lại niềm thương tiếc vô hạn đối với triều đình, binh sĩ và nhân dân. Sống oai hùng, chết oanh liệt, người dân Biên Hòa đã tôn vinh ông như một phúc thần tại đình Mỹ Khánh với niềm tin son sắt rằng chính ông làm cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa đem lại thịnh vượng cho xứ sở. *** Đình Tân Lân ( Còn gọi là Đền thờ Trần Thượng Xuyên ) Đình Tân Lân, xưa kia thuộc thôn Tân Lân, huyện Phước Chính, dinh Trấn Biên, nay là phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đình tọa lạc giữa vùng dân cư trên đường Nguyễn Văn Trị, mặt tiền hướng ra dòng sông Đồng Nai lộng gió, cách Ủy ban nhân dân tỉnh 500m về hướng tây bắc. Từ khi xây dựng, nhân dân lấy tên gọi của thôn là Tân Lân (Xóm Mới) để đặt cho đình. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tên địa phương nhiều lần thay đổi nhưng tên đình vẫn tồn tại cùng tháng năm. Tương truyền, nguyên thủy đình Tân Lân là ngôi miếu nhỏ ở thành Kèn do dân làng dựng lên từ thời Minh Mạng (1820-1840) để tỏ lòng ngưỡng vọng Trấn Biên đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên, người có công lớn trong việc khai phá đất đai và mở mang thương mại vùng Đồng Nai-Gia Định. Sau hai lần dời chuyển (vào năm 1861 và 1906), ngôi đình ở vị trí hiện nay. Tọa lạc trên khuôn viên đất rộng, đình Tân Lân bề thế, uy nhgiêm với lối kiến trúc đậm dấu ấn của văn hóa Trung Hoa. Khách đến tham quan sẽ nhận thấy sự trang nghiêm, đầy hưng thịnh của ngôi đình. Mặt đình hướng về phía Tây Nam, được kiến trúc theo kiểu chữ tam (=) gồm ba gian: tiền đình, chánh điện và hậu cung nối tiếp nhau. Hai bên tả hữu là miếu thờ Bà và thờ Ông. Mái đình lợp ngói âm dương. Nền cao 60cm bằng đá xanh, lót gạch bông (20cm X 20cm). Bên trong đình, mỗi gian được bày trí điện thờ, hoành phi, câu đối, bao lam bằng gỗ do các nghệ nhân dân gian chạm trổ tinh vi, sắc sảo mang tính nghệ thuật cao. Các đề tài đều tượng trưng cho hạnh phúc, phồn vinh, tước lộc, công hầu... theo thông tục của người phương Đông. Phần tiền đình với bộ khung vì bằng gỗ, trên các xà ngang chạm khắc đề tài dơi, đào, hoa, lá... biểu tượng cho sự phước thọ, trường tồn. Trên nóc trang trí đề tài “Lưỡng long tranh châu nhật”, “Lý ngư hóa long”... biểu tượng cho sự thịnh vượng, như ý. Mái đình mặt tiền là cả một công trình nghệ thuật đặc sắc tô điểm cho nền trời xanh thoáng đãng. Hằng trăm tượng người, vật bằng gốm sứ men xanh thể hiện các đề tài cổ điển phương Đông một cách sinh động, tài hoa. Khó có ai ngờ rằng, gần một trăm năm qua, những “Bát tiên quá hải”, “Quan Công phò nhị tẩu”..., những chuyện tích thời Chiến Quốc, nhật nguyệt, lân phụng.... sống động trên mái ngói, thi gan với nắng mưa mà vẫn nguyên vẹn sắc màu và đường nét. Phần chánh điện chiếm diện tích khá rộng. Tôn nghiêm nhất là gian giữa với những hàng cột gỗ lim khá lớn, với tượng thần uy nghiêm ngự trên ngai sơn son thếp vàng, với những cặp chim trĩ, loan, phượng... bằng đồng đứng chầu trong tư thế duyên dáng và trang nghiêm. Trước bàn thờ thần là bàn La Liệt, tiếp đến là bàn Hội đồng nội. Song song với bàn La Liệt và bàn Hội đồng nội là hai bộ bát bửu bằng đồng. Hai gian bên thờ Tả và Hữu ban. Dọc tường tả hữu có các bệ thờ Thái Giám, Hậu Hiền, Bạch Mã và Tiền Hiền. Toàn bộ khung vì được làm bằng gỗ tốt, có cột chống ở giữa kiểu bình nước, được lắp ghép với kỹ thuật mộng chốt và gắn đầu rái đảm bảo độ bền vững cao. Hậu cung có được chia thành ba gian, chính giữa thờ Tiên Sư, hai bên thờ Tiền Thứ Việt Nam và Tiền Thứ Trung Hoa, được đặt trên bệ thờ bằng xi măng lót gạch men xanh. Ngoài ra, sau đình còn có khu nhà bếp nối liền với hậu cung, kiến trúc đơn giản. Gía trị nghệ thuật của đình được sáng tạo bới những nghệ nhân với bàn tay tài hoa qua các tác phẩm điêu khắc đá, chạm khắc gỗ, phù điêu ghép sành, cẩn xà cừ, tượng sành kiểu Hoa Nam... trong đó ẩn chứa những triết lý nhân sinh sâu sắc. Toàn bộ những mảng trang trí trên là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn với yếu tố kiến trúc nghệ thuật đặc trưng vùng Hoa Nam Trung Quốc. Đình Tân Lân đã thể hiện được sự tôn nghiêm mà trữ tình, hoành tráng mà tinh xảo, xứng đáng với lòng ngưỡng mộ của nhân dân đối với “Đức Ông” Trần Thượng Xuyên. Trần Thượng Xuyên tự Trần Thắng Tài, sinh vào năm nào không rõ và mất khoảng năm 1720, người tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), nguyên là Tổng lãnh binh ba Châu Cao-Lôi-Liêm dưới triều Minh. Năm 1649, vương triều Minh sụp đổ. Năm 1679, sau khi phất cờ “bài Mãn phục Minh” thất bại, ông đem hơn 3.000 quân thân tín cùng gia quyến trên 50 thuyền đến Đại Việt xin thuần phục. Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) chấp thuận cho vào khai khẩn xứ Đông Phố đang còn hoang sơ. Ông đưa lực lượng của mình đến định cư tại vùng Nông Nại đại phố (địa phận Bàn Lân). Cùng nhóm lưu dân người Việt đến trước, ông và lực lượng của mình tiến hành khai khẩn quy mô lớn vùng đất màu mỡ phương Nam. Mặt khác, ông chiêu tập thương nhân người Hoa kiến thiết phố xá, tạo lập các cơ sở thương mại. Với biệt tài tổ chức, chẳng bao lâu Trần Thượng Xuyên đã biến vùng đất hoang sơ thành thị tứ buôn bán sầm uất, kinh tế phát triển nhanh chóng. Nông Nại đại phố (còn gọi là Cù lao Phố) trở thành thương cảng phồn thịnh, là trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế vào bậc nhất phương Nam lúc bấy giờ. Ông được lịch sử xác định như người có công lớn trong việc khai phá và xây dựng vùng đất Đồng Nai-Gia Định. Công đức to lớn của ông được nhân dân ghi tạc, tôn thờ, xem như vị thần đã khai sáng vùng đất này. Về hoạt động quân sự, Trần Thượng Xuyên là một dũng tướng thao lược của chúa Nguyễn. Ông đã nhiều lần cầm binh đánh dẹp Cao Miên, giữ an bờ cõi, mở rộng biên cương nước Việt. Khoảng đầu những năm 1690, ông cùng Mai Vạn Long đánh bắt được Nặc Ông Thu, chiếm ba lũy Cầu Nam, Nam Vang, Gò Bích. Năm 1700, ông cùng Nguyễn Hữu Cảnh tiến đánh vua Chân Lạp lần hai. Sau trận tiến công này, vùng đất Biên Trấn, Phiên Trấn, Định Tường, Long Hồ, An Giang đã được sát nhập vào lãnh thổ Đàng Trong. Năm 1715, ông lại cùng với Nguyễn Cửu Phú đi đánh dẹp bọn Nặc Ông Thâm, hạ được thành La Bích. Trần Thượng Xuyên mất ngày 23 tháng 10 âm lịch khoảng năm Canh Tý (1720) an táng tại mạn bắc dinh Trấn Biên (nay thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Ghi nhớ công đức của Ông, Chúa Nguyễn ban danh hiệu cao quý “Nguyễn vi vương, Trần vi tướng, đại đại công thần bất tiệt”. Các vua Minh Mạng, Thiệu Trị đều phong Ông làm “Thượng Đẳng Thần”. Để tỏ lòng ngưỡng mộ và đền đáp công ơn người đã có công tổ chức khai phá, mở mang vùng đất Đồng Nai-Gia Định, nhân dân hai nơi này đều lập đền thờ Ông, khói hương không dứt. Hàng năm, nhân dân lấy ngày ông mất làm ngày giỗ trọng. Ngày ấy, đình Tân Lân nghi ngút khói hương, dập dìu khách thập phương đến dự với những nghi lễ truyền thống thể hiện lòng biết ơn đối với danh tướng có công của xứ sở.
Ts Huỳnh Văn Tới Ths Phan Đình Dũng Đỗ Bá Nghiệp Nguyễn Tuyết Hồng |
Văn hóa Đồng Nai >