13. Những làng cổ ở Đồng Nai

Đồng Nai là vùng đất được khai phá sớm ở Nam Bộ. Trong đó, một số làng cổ là nơi đứng chân cho công cuộc khẩn hoang lập nghiệp. Dọc theo sông Đồng Nai, những vùng đất như Bến Gỗ, Cù lao Phố, Bến Cá được những lớp cư dân Việt, Hoa đến khai phá, xây dựng thành những vùng trù phú mà những dấu tích của một thời vẫn còn bảo lưu cho đến tận hôm nay. Trong dòng chảy của lịch sử, những làng cổ đã đóng một vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa của vùng đất Đồng Nai.

Làng Bến Gỗ

Làng Bến Gỗ thuộc xã An Hòa, huyện Long Thành, cách thành phố Biên Hòa khoảng 7 km theo đường chim bay. Tên Bến Gỗ được dùng chỉ cho nhiều nơi như làng, chợ, họ đạo, nhà thờ...trên một vùng có lẽ thuộc Bến Gỗ xưa, nay là địa giới hành chánh của phường Long Bình Tân, các xã An Hòa, Long Hưng, một phần xã Phước Tân, Tam Phước. Trong lòng đất Bến Gỗ, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều di vật của lớp cư dân cổ từng sinh sống. Mảnh đất này được các tộc người của nhiều nền văn minh đến định cư, lập nghiệp xuyên suốt cả một thời kỳ lịch sử từ thời đại đồng thau cách nay hàng ngàn năm. Sách “Đại Nam nhất thống chí” đề cập vùng Bến Gỗ có giải thích hai địa danh:núi Thiết Khâu và sông An Hòa. Núi Thiết Khâu tục gọi là núi Lò Thổi, gò đống gồ ghề, rừng rú rậm rạp, có mỏ sắt và nhân dân trong vùng đến khai thác nấu quặng; sông An Hòa là chi lưu của sông Phước Long, ngoài cửa là sông Đồng Châu, chảy về phía bắc đến chợ An Hòa làm bến tre gỗ, tục gọi Rạch Gỗ.

Khu vực Bến Gỗ xưa là vùng đất có nhiều đền, chùa, miếu nhưng qua nhiều biến động của xã hội, một số bị phá hủy nay không còn dấu vết. Họ đạo Bến Gỗ là một trong những họ đạo ra đời sớm trên đất Biên Hòa – Đồng Nai, xây dựng vào năm 1882. Làng Bến Gỗ hiện tại có nhiều đình, chùa, miếu và mỗi di tích thường gắn liền với những câu chuyện kể dân gian đầymàu sắc huyền bí như: bà Mụ Trời, miễu bà Khoanh, chuyện ông Tượng...Đình An Hòa là ngội đình bề thế còn bảo lưu nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật chạm khắc độc đáo. Các bô lão của làng cho biết, đình được xây dựng vào năm 1792, niên đại này chỉ ước đoán. Ngôi đình đã được nhà nước liệt hạng di tích quốc gia năm 1989. Kiến trúc đình xây theo lối chữ nhị, mặt hướng ra sông.Đình bề thế với nhưng hàng cột gỗ quí to, chắc được trùng tu tôn tạo nhiều lần kể từ khi khởi dựng. Nét đặc sắc của di tích là nghệ thuật chạm khắc nơi chánh điện. Nhiều cặp liễn đối, hoành phi với các hoa văn tinh xảo được sơn son thếp vàng, treo dài từ các hàng cột từ trong ra ngoài. Toàn bộ các đầu đao, trụ đỡ, xà ngang...của đình được các nghệ nhân chạm trổ thể hiện các hài hòa các đề tài: lưỡng long triều nhựt, cúc liên chi, mây sóng nước, ngũ phúc lâm môn ...một cách hài hòa, tinh tế, sắc sảo. Đáng chú ý là hình ảnh lưỡng long triều nhụt được cách điệu hóa: đầu rồng, thân xương cá đao với các họa tiết mà các nhà nghiên cứu cho là sự thể hiện ước mơ thịnh vượng, lòng khao khát về lễ nghĩa, phản ánh nghề chài lưới của cư dân cổ trên vùng đất này.

Đất Bến Gỗ còn nổi tiếng về đua thuyền. Tương truyền, từ thời Minh Mạng, dân Bến Gỗ đã thành lập đội đua để tham gia vào cuộc đua tổ chức ở Biên Hòa. Ngày nay, đội đua thuyền ở Bến Gỗ còn duy trì dù là tự nguyện nhưng đã giật nhiều giải cao trong các kỳ thi trên toàn quốc. Lễ hội ở Bến Gỗ cũng rất đa dạng. Đặc biệt, tại đình An Hòa và chùa Ông, đáo lệ ba năm được tổ chức lễ hội kéo dài nhiều ngày với các hình thức diễn xướng dân gian độc đáo như hát bội, xô giàn, đua thuyền... người dân tham dự đông đảo.

Muốn đến Bến Gỗ, chúng ta có thể đi bằng đường bộ và đường thủy rất thuận tiện, dễ dàng. Thật thú vị biết bao khi đến với vùng đất giàu truyền thống văn hóa, bảo lưu nhiều di tích, đa dạng về tín ngưỡng này.

Làng Bến Cá

Bến Cá là địa danh văn hóa của vùng đất được người Việt định cư khá sớm, nay thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu. Tên Bến Cá có từ bao giờ thật khó mà khảo chứng thế nhưng khi nhắc đến địa danh này, mọi người đều hiểu nó đồng nghĩa với vùng Tân Triều- một nơi nổi tiếng về bưởi Biên Hòa.

Từ thế kỷ XIX, địa danh Bến Cá là huyện lỵ huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa khi hàng loạt các tên của chợ, phố, cầu gắn liền với nó. Sách “Đại Nam nhất thống chí” cho biết: chợ Bình Thảo, thôn Bình Thảo, huyện Phước Chánh có tên nữa là chợ Ngự Tân – tức Bến Cá, người buôn tấp nập, đường thủy, đường bộ giao thông, hàng ngoài và thổ sản, giang vị sơn hào không thiếu thứ gì, là một chợ lớn ở miền núi. Vùng Tân Bình còn dấu vết của một con rạch mang tên Bến Cá, được sử sách chép rằng: do lụt lội vào năm 1774 làm xói lở, cù lao Ngô và cù lao Tân Triều chia làm hai, ở giữa là con sông nhỏ, nước cạn và hẹp, nước sông nhỏ chảy ngược ra sông lớn không theo tiết. Người dân đia phương có câu ca dao “Nước sông trong sao lại chảy hoài/ Thương người đáo xứ lạc loài tới đây...”để lý giải hiện tương này. Ở Bến Cá đã phát hiện một số di vật cổ bằng đá của người tiền sử nhưng đây là những phát hiện ngẫu nhiên, lẻ tẻ chưa thể chứng minh đây là vùng đất con người cổ đã sinh sống. Có chăng, ở đây có sự liên hệ với di chỉ thời đại đồ đá ở vùng Đại An cách khoảng mấy cây số về hướng bắc.

Bến Cá xưa –Tân Bình nay là địa phận có nhiều đình chùa. Hầu hết, các đình ở đây đều có sắc phong nhưng qua thời gian, một số không còn lưu giữ được. Đình Bình Ý còn giữ được sắc phong thời Tự Đức và một số văn bản cổ đáng lưu tâm. Lễ hội Kỳ yên là lễ lớn, trọng ở các đình, một nét sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương. Hiện nay, vùng Tân Bình có sáu ngôi chùa và một di tích chùa cổ có tên là Kim Cang bị phá hủy do chiến tranh. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Bến Cá là một trung tâm Phật giáo của Nam Bộ với sự hiện diện của chùa Kim Cang và bảo tháp Tổ sư Nguyên Thiều dòng Lâm Tế đời thứ 38. Bên cạnh đạo Phật, đạo Công giáo cũng được truyền bá vào đây khá sớm. Sự phát triển của họ đạo Tân Triều có liên quan đến những hoạt động của Nguyễn Ánh trước đây trên vùng đất này.

Trong truyền thống đấu tranh cách mạng, vùng Tân Triều – Bến Cá là cái nôi của phong trào cách mạng Biên Hòa. Năm 1935, chi bộ Đảng Cộng sản Bình Phước- Tân Triều đầu tiên  của Biên Hòa được thành lập , là hạt nhân lãnh đạo phong trào đấu tranh Biên Hòa trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược.

Bến Cá nổi danh về bưởi Tân Triều với nhiều loại như: bưởi đường, bưởi thanh, bưởi cam, bưởi ổi, bưởi long, bưởi xiêm...Đất Tân Triều màu mỡ phù sa, nguồn nước dồi dào nên thích hợp với cây bưởi phát triển nhanh, sản lượng cao, chất lượng tuyệt hảo. Vào mùa thu hoạch, vườn bưởi cây trái xum xuê, trái vàng rực trên cành, oằn nặng dưới tàng cây, sà trên mặt đất, đong đưa trong gió. Nhiều vườn bưởi trở thành địa điểm quen thuộc của du khách đến tham quan, thưởng thức.

Người dân Bến Cá rất say mê với công việc và có lòng hiếu khách chân tình. Nếu có dịp, du khách hãy đến nơi đây, miền đất đỏ ven sông Đồng Nai có vườn bưởi thơ mộng, thơm ngon. Đến nơi đây, con người như hòa trong hương đồng cỏ nội, chốn quê yên lành, thưởng thức hương bưởi danh tiếng một vùng.

Làng Hiệp Hòa ( Cù lao Phố )

Từ thác Trị An đến biển Đông, dòng chảy sông Đồng Nai để lại nhiều cù lao lớn nhỏ, quanh năm xanh mượt những vườn cây trái, hoa màu tươi tốt. Ở địa phận thành phố Biên Hòa, dòng sông bỗng chia ra làm hai nhánh, ôm trọn một dải đất có “địa thế khuất khúc chạy tới hình con Hoa cù, uốn lượn giữa dòng nước”. Đó chính là Cù lao Phố, còn có nhiều tên gọi khác như Đông Phố, Giản Phố, Bãi Rồng hay Nông Nại Đại Phố – nay là xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa.

Sử sách chép, năm 1679, được phép của chúa Nguyễn, Trân Thượng Xuyên dẫn theo một đoàn người Hoa đến định cư tại Biên Hòa. Khi đến vùng Cù lao Phố, thấy dải đất này có ưu thế cho việc phát triển nông nghiệp, thuận tiện giao thông thủy bộ, có lợi cho việc buôn bán nên Trần Thượng Xuyên xây dựng nơi đây thành một thương cảng. Đường xá được mở mang, phố xá được xây dựng, chợ búa được thành lập, hàng hóa dồi dào, nhiều tàu buôn từ các nước đến đây buôn bán, tạo nên cảnh phồn vinh của một đô hội lớn.

Trong lịch sử phát triển của xứ Đồng Nai, Cù lao Phố là nơi phát triển nhiều ngành nghề như dệt chiếu, trồng dâu nuôi tằm, nghề gốm, đúc đồng, làm mộc, trồng mía nấu đường...Sản phẩm đường làm ở Cù lao Phố được xem là đặc sản xuất bán cho nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á vào thế kỷ XVII, XVIII. Thế nhưng, kiến trúc phong quang của Cù lao Phố bị tàn phá bởi cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh vào năm 1776. Qua thời cuộc bể dâu, thời kỳ hoàng kim Cù lao Phố lui vào dĩ vãng, hoàn thành sứ mệnh của một đô thị cổ, một thương cảng sầm uất vào bậc nhất ở đất phương Nam cách nay hàng mấy thế kỷ.

Từ sau ngày đất nước thống nhất, người dân Cù lao Phố cần cù, sáng tạo đã xây dựng, biến cải vùng đất màu mỡ này thành vựa lúa lớn ở Biên Hòa. Ở Cù lao Phố hiện nay có 5 ngôi chùa, 3 tịnh xá,11 ngôi đình, 3 ngôi miếu, 1 biểu tòa Cao Đài và ngôi chùa Hoa cổ kính. Có thể nói, Cù lao Phố là đơn vị hành chánh cấp xã có số lượng cơ sở đình, chùa, đền, miếu thuộc loại nhiều nhất ở Nam Bộ; phong phú về dạng thức tín ngưỡng, tạo thành một cơ cấu đan xen, hòa trộn vào nhau. Hầu như mỗi di tích ở Cù lao Phố đều gắn với những chuyện tích vừa mang tính giáo huấn của nhà Phật đồng thời thể hiện triết lý nhân sinh sâu sắc như chuyện Thủ Huồng, tích chùa Hoàng Ân, chùa Đại Giác...

Ngày nay, Cù lao Phố là một vùng quê yên ả trong lòng thành phố với cảnh trí nên thơ hữu tình,những vườn cây trái xum xuê, cánh đồng lúa trải dài, nước sông bốn mùa tươi mát ...và nó mang trên mình bao chứng tích của một thời lịch sử, huyền thoại về bao lớp người thời mở cõi. Cù lao Phố xứng đáng là một quần thể di tích, điểm du lịch sinh thái và hoạt động văn hóa về nguồn hấp dẫn. Nơi này – Cù lao Phố, nơi thiên nhiên trữ tình đã đi vào lời thơ của bao thi sĩ: “ Phải giận hờn mà sông chia hai ngả, Đi chưa xa thương nhớ lại chung dòng. Rồi để lại hòn Cù lao êm ả, Nằm xoải dài giữa hai cánh tay sông.” (Xuân Sách)

Trong quy hoạch tổng thể phát triển của thành phố Biên Hòa, làng Hiệp Hòa với địa thế thuận lợi, thiên nhiên hữu tình sẽ phát triển trở thành khu du lịch sinh thái độc đáo trong lòng của thành phố công nghiệp Biên Hòa, giữa khu vực động lực kinh tế ở miền Đông Nam Bộ. Những ứu thế về di tích văn hóa lịch sử, những giá trị di sản vốn có trên làng quê chắc chắn sẽ làm cho du khách càng mến yêu thêm vùng đất này.
Ths Phan Đình Dũng
Comments