Trên địa bàn Đồng Nai, các cơ sở tín ngưỡng người Hoa rất đa dạng và có mặt hầu hết ở các địa bàn hành chánh cấp huyện, thành phố. Những cơ sở tín ngưỡng được chúng tôi thống kê, khảo sát, phản ánh đủ loại hình cơ sở tín ngưỡng nhưng chưa đầy đủ về số lượng cụ thể, hiện có trên địa bàn toàn tỉnh bởi có những cơ sở có tính đồng dạng, phổ biến. Trong đó, loại hình miếu thờ thổ địa chiếm số lượng nhiều và khó có thể thống kê đầy đủ. Đặc biệt, loại hình cơ sở tín ngưỡng nầy tập trung ở những địa bàn cộng đồng người Hoa canh tác vườn, rẫy (hầu hết ở các huyện Long Khánh, Long Thành, Xuân Lộc, Thống Nhất, Tân Phú). Thành phố Biên Hòa là nơi tập trung nhiều cơ sở tín ngưỡng, trong số này, có cơ sở của cộng đồng người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh (Nghĩa từ Phúc Kiến tại địa bàn xã Hóa An). Số liệu cơ sở tín ngưỡng người Hoa được khảo sát, phân bố như sau: Biên Hòa (16), Định Qúan (8), Long Khánh (5), Long Thành (3), Nhơn Trạch (2), Tân Phú (5), Thống Nhất (13), Vĩnh Cửu (0), Xuân Lộc (7). (Qúa trình khảo sát diễn ra trước tháng 10 năm 2003/ tức một số địa bàn huyện chưa được chia tách lại). I Tên gọi cơ sở tín ngưỡng Cơ sở tín ngưỡng người Hoa có nhiều tên gọi như miếu, cung, đền, tự, nghĩa từ… Trong đó, tên gọi miếu chiếm đa số: miếu với cách gọi chung như miếu thần hay miếu được định danh cụ thể (miếu Quan Đế, miếu Thiên Hậu, miếu Đại Vương, miếu Uy Linh, miếu An Thủ, miếu Quan Âm, miếu Địa Mẫu, miếu Sơn Lâm bà bà, miếu Ông Bổn/ ông Công...). Tên gọi miếu Quan Âm theo kiểu gọi tắt, đầy đủ là Quan Âm Hộ Quốc miếu. Thông thường tên gọi của cơ sở tín ngưỡng gắn liền với đối tượng thờ chính hay đặc điểm của địa danh hoặc tính dung hợp trong phối thờ nên chúng có nhiều tên gọi. Một số điển hình:
II. Thời gian xây dựng Qua khảo sát điều tra, cho thấy cơ sở tín ngưỡng người Hoa ở Đồng Nai được xây dựng trong nhiều thời điểm khác nhau, bắt đầu từ cuối thế kỷ XVII đến nay. Có thể tạm chia ra hai giai đoạn tương ứng với những đợt người Hoa đến Đống Nai sinh sống, đó là từ cuối thế kỷ XVII đến trước 1954 và từ sau năm 1954 đến nay. Cộng đồng người Hoa đến trong giai đoạn trước đến Việt Nam bằng đường thủy, giai đoạn sau bằng đường bộ (xem chi tiết trong chương I). Một số cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa đến trong giai đọan trước được xây dựng khá sớm như: miếu Quan Đế/xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch; miếu Quan Đế/xã An Hòa, huyện Long Thành; miếu Quan Đế/xã Hiệp Hòa và Thiên Hậu cổ miếu/phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa. Thời gian khởi lập các cơ sở nầy kể từ khi cộng đồng người Hoa đến định cư từ cuối thế kỷ XVII (tính từ năm 1679) và xây dựng kiên cố từ thế kỷ XIX. Hầu hết, các cơ sở tín ngưỡng nầy đều trải qua nhiều lần trùng tu, trùng kiến, nhiều bộ phận kiến trúc không đồng nhất nhưng trong đó vẫn còn bảo lưu những thành tố kiến trúc cổ. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ năm 1894-1895, các cơ sở nầy trải qua một đợt trùng tu lớn mà vật liệu chủ yếu là đá xanh, gỗ. Hầu hết, các cơ sở tín ngưỡng còn lại đều được khởi lập, xây dựng trong thế kỷ XX. Các cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa đến sau năm 1954 được tạo dựng trong thập niên 60, thế kỷ XX và một trong những số đó được mở rộng, xây kiên cố sau này. III. Đối tượng thờ cúng Đối tượng thờ cúng trong cơ sở tín ngưỡng người Hoa rất phong phú. Tùy thuộc vào đặc điểm của từng nhóm cộng đồng mà người Hoa thỉnh thờ trong cơ sở tín ngưỡng. Đối tượng thờ cúng chính trong cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa đến Đồng Nai từ cuối thế kỷ XVII đến trước năm 1954 chủ yếu là: Những ngưới đã chết, bà Thiên Hậu, Quan Đế và một số nhân thần. Đối tượng thờ cúng chính trong cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa đến Đồng Nai từ sau năm 1954 chủ yếu là: Quan Âm, Quan Đế, An Thủ công công và một số vị phối thờ khác. Qua số liệu khảo sát cho thấy, trong cơ sở tín ngưỡng người Hoa có rất nhiều đối tượng được thờ, phối thờ được định danh rõ ràng và cả không rõ nguồn gốc hoặc mang tính danh chung chung. Một số đối tượng thờ điển hình sau:
Trên địa bàn Đồng Nai, có hai cơ sở định danh cụ thể là miếu An Thủ, một ở phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa(có tượng thờ)và một ở xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất (không có tượng). Hầu hết, các miếu Quan Âm đều có phối thờ Án Thủ công công.
Ngoài các đối tượng thờ cúng chính, trong nhiều cơ sở tín ngưỡng người Hoa có nhiều đối tượng khác xin lược nêu danh xưng như sau: Khổng Tử (551-479 trước CN); Cửu Thiên Huyền nữ (nữ thần tiên cai quản chín tầng trời là: Quân Thiên, Thượng Thiên, Biến Thiên, Huyền Thiên, U Thiên, Hiệu Thiên, Chu Thiên, Viêm Thiên, Dương Thiên); Kim Huê Thánh Mẫu và bà Mẹ Sanh (là những nữ thần chủ quản việc sinh đẻ và bảo dưỡng trẻ em); Mã đầu tướng quân (người giữ ngựa cho Quan Công); Thái Thượng lão quân và một số thân vị của Phật (nhưng không đáng kể). Trong nhiều cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa đến Đồng Nai sau năm 1954, thường có bài vị bằng chữ Hán nêu danh các vị được thờ (tùy theo từng cơ sở mà bài vị nêu nhiều hay ít) như sau: Thần Nông Hoàng Đế, Lý Xã Đại Vương, Hộ Thôn Hộ Quốc Đại Vương, Bảo Thôn Bảo Quốc Đại Vương, Cao Sơn Đại Vương, Đê Sơn Đại Vương, Địa Đầu Đại Vương, Thủy Khẩu Đại Vương, Ô Lôi Đại Vương, Diệp Thắng Đại Vương, Đặng Thông Đại Vương, Bàn Cổ Đại Vương, Bùi Thắng Đại Vương, Trương Chân Đại Vương, Bổn Cảnh Phước Chủ Đại Vương, Hoa Quang đại đế, Lê Thánh Lão Gia, Hồng Cảnh Lão Gia, Phục Hổ Lão Gia, Tam Thánh Công Công, Tam vị Bà Bà,Phục Ba Tướng Quân, Mãnh Dũng Tướng Quân, Nguyễn Đại Nhất Lang, Hà Địa Nhị Lang, Trần Đại Tam Lang, Trần Công Minh, Trần Công Hầu, Trần Công Thánh, Phạm Pháp Long. IV. Quy mô kiến trúc của cơ sở tín ngưỡng Qua tổng hợp số liệu thống kê, khảo sát, chúng tôi tạm chia các cơ sở tín ngưỡng người Hoa trên địa bàn Đồng Nai làm ba dạng: nhỏ, vừa và lớn. Lối kiến trúc hầu hết ở các cơ sở theo một trong các lối kiểu chữ sau: chữ nhất, chữ công, chữ tam, chữ khẩu. Các cơ sở có quy mô nhỏ có số lượng nhiều, thuộc vào loại hình miếu thờ thổ thần (miếu rẫy), kiến trúc không đáng kể, tập trung ở các vùng người Hoa canh tác, sản xuất thuộc các huyện Xuân Lộc, Long Khánh, Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất. Các cơ sở có quy mô vừa tập trung ở các địa bàn có đông dân cư người Hoa (đến Đồng Nai sau 1954) sinh sống. Kiến trúc cơ sở xây chủ yếu theo lối chữ nhất, chữ khẩu, bằng vật liệu kiên cố, thờ thần thể hiện bằng bài vị chữ Hán. Hầu hết, ở địa bàn huyện, thành phố đều có loại hình cơ sở tín ngưỡng này, tập trung trong cộng đồng người Hoa đến Đồng Nai sau 1954. Các kiến trúc có quy mô lớn tập trung vào các cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa sinh họat theo bang hội như: Thiên Hậu cổ miếu/ phường Bửu Long, miếu Quan Đế/xã Hiệp Hòa, Phụng Sơn tự/phường Quyết Thắng(thành phố Biên Hòa); miếu Quan Đế/xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch; miếu Quan Đế/xã An Hòa, huyện Long Thành; miếu Quan Đế/thị trấn Xuân Lộc, huyện Long Khánh…và của nhóm cộng đồng người Hoa đến sau năm 1954 như: miếu Quan Âm ở Bảo Bình, Xuân Tây, Lang Minh, Xuân Bảo…huyện Xuân Lộc; miếu Quan Đế xã Cây Gáo, Bàu Hàm, Thanh Bình…huyện Thống Nhất; miếu Quan Âm thị trấn Định Quán; miếu Quam Âm ở thị trấn Tân Phú; miếu Quan Âm ở xã Bình Lộc và ở thị trấn Xuân Lộc, huyện Long Khánh. Những cơ sở miếu Quan Âm có quy mô lớn thường được xây theo lối chữ nhất. Kiến trúc trong nội điện thường được chia làm ba gian tương ứng với các đối tượng thờ và tùng tự. Trên nóc miếu thường được trang trí hình ảnh lưỡng long triều nhựt và có long, lân chầu hay ngư long, phụng nghinh (cá biệt có trường hợp như miếu Quan Âm/xã Bảo Bình, huyện Xuân Lộc trang trí đôi phụng triều nhựt). Mái miếu thường được xây hai tầng, tạo kiểu lầu trống thông thiên. Trong số các cơ sở tín ngưỡng có quy mô lớn, mang đặc trưng kiến trúc Hoa gồm: Thiên Hậu cổ miếu/ phường Bửu Long, miếu Quan Đế/xã Hiệp Hòa, Phụng Sơn tự/phường Quyết Thắng và một số các nghĩa từ…trên địa bàn thành phố Biên Hòa; miếu Quan Đế/xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch; miếu Quan Đế xã Cây Gáo, huyện Thống Nhất. Các cơ sở tín ngưỡng nầy thường xây theo lối chữ công (là hai kiến trúc song song, nối liền nhau ở giữa) hay chữ Quốc (lối chữ công thường có tường bao bọc hình tứ giác, tạo nên kiểu “nội công ngoại quốc”). Đặc điểm chung của các cơ sở này là các bàn thờ và điện thờ được bố trí thứ tự từ thấp lên cao theo chiều dọc. Cấu trúc các gian miếu theo chiều ngang, nhưng xét theo trục dọc có ba gian: tiền điện, trung điện và chánh điện. Từ tiền điện đến các phần sau thường phải qua một khỏang sân trống (gọi là thiên tĩnh hay giếng trời). Nét độc đáo của các kiến trúc này còn ở hình dáng và lối trang trí bên ngoài như mái được đúc, được lợp loại ngói ống, diềm mái là loại ngói có tráng men xanh. Các đầu bờ mái được tạo dáng cong vuốt lên, tầng mái gian giữa cao hơn các gian khác. Hai bên mặt tiền trên mái thường có tượng thể hiện ông Nhựt bà Nguyệt. Trên bờ nóc mái được trang trí bởi các mảng, tượng, phù điêu gốm, đá rất độc đáo. Những cơ sở tín ngưỡng như Thiên Hậu cổ miếu/ phường Bửu Long, miếu Quan Đế/xã Hiệp Hòa, đình Tân Lân/ phường Hòa Bình thuộc địa bàn thành phố Biên Hòa được trang trí những mảng phù điêu gốm, đá là những tập thành có giá trị nghệ thuật cao. Mặt tiền các cơ sở thờ Bà thường có cặp lân, thờ các võ thần thì có đôi sư tử. Các ngạch cửa, khung cửa và bậc cửa thường xử dụng chất liệu đá. Những phần kiến trúc hai bên thường được dùng vào hoạt động chung của bang hội: hội họp, tiếp khách, chuẩn bị các nghi lễ. VI. Tính cộng đồng và mối liên hệ Các cơ sở tín ngưỡng phản ánh mối liên hệ tính cộng đồng của người Hoa. Trong cộng đồng người Hoa đến Đồng Nai trước năm 1954, chúng ta dễ dàng nhận thấy được mỗi bang hội đều có cơ sở tín ngưỡng riêng và đồng thời cũng là hội quán. Cụ thể như trên địa bàn thành phố Biên Hòa: bang hội Phúc Kiến với cơ sở Phụng Sơn tự/ phường Quyết Thắng; bang hội Sùng Chính và Triều Châu với cơ sở Thiên Hậu cung/ phường Hòa Bình; bang hội Quảng Đông với cơ sở miếu Quan Đế/phường Thanh Bình; bang Hẹ ở địa bàn với cơ sở Thiên Hậu cổ miếu/phường Bửu Long. Trên địa bàn huyện Long Khánh có cơ sở miếu Quan Đế/thị trấn Xuân Lộc của người Quảng Đông. Từng bang hội thường tổ chức bầu ban quản lý cơ sở tín ngưỡng đồng thời cũng là Ban đại diện của bang hội theo nhiệm kỳ, số lượng được thống nhất chung. Các ban quản lý tại các cơ sở tín ngưỡng kiêm quản lý nghĩa từ của bang hội. Trên địa bàn Biên Hòa, cơ sở tín ngưỡng miếu Quan Đế/xã Hiệp Hòa là cơ sở, hội quán chung của cộng đồng người Hoa bốn bang Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến, Sùng Chính ở thành phố Biên Hòa. Mỗi bang hội cử ba đại diện tham gia vào ban quản lý chung theo những quy định được các bang thống nhất. Trong nhiệm kỳ một năm, ban đại diện của từng bang chịu trách nhiệm trông quản các mặt họat động tại miếu. Trong cộng đồng người Hoa đến Đồng Nai sau năm 1954, các cơ sở tín ngưỡng phản ánh từng nhóm cộng đồng tham gia. Loại hình miếu thờ Thổ địa/miếu rẫy có quy mô nhỏ thường do một nhóm người Hoa cùng canh tác, sản xuất trên một khu vực tham gia (thậm chí chỉ một hộ gia đình). Loại hình này mang tính chất tự quản. Loại hình miếu thờ Thần, có quy mô kiến trúc vừa thường do cộng đồng người Hoa cùng sinh sống trên một khu vực (thường của một đơn vị hành chánh ấp) tạo dựng và tham gia. Quản lý các cơ sở tín ngưỡng này, người Hoa cử ban quản lý. Loại hình miếu thờ Quan Âm/Hộ quốc miếu, có quy mô kiến trúc lớn và do cộng đồng người Hoa sinh sống trên địa bàn chung một xã, thị trấn, phường… tham gia. Ban quản lý các cơ sở được bầu cử theo nhiệm kỳ, số người được phân công, quy định cụ thể. Hầu hết, các miếu thờ Quan Âm / Hộ quốc miếu của người Hoa đều có mối quan hệ nhau. Đặc biệt, các miếu Quan Âm của người Hoa trên địa bàn Đồng Nai khi khởi công xây dựng, cộng đồng người Hoa thường tổ chức lễ rước chân nhang từ miếu Quan Âm ở Sông Mao, xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận hoặc tại phường 19, quận Tân Bình. Hai cơ sở tín ngưỡng này được xem như điểm gốc của miếu Quan Âm của người Hoa trong khu vực miền Nam. Miếu Quan Âm gốc của người Hoa theo thứ tự sau: miếu Quan Âm ở tỉnh Quảng Ninh, đến miếu ở Sông Mao rồi mới đến miếu ở Tân Bình. Khi người Hoa ở địa bàn nào muốn lập miếu Quan Âm thì có thể rước chân nhang ở các miếu nầy. Ngoài ra, trên địa bàn Đồng Nai, cá biệt có cơ sở tín ngưỡng của một dòng họ Lâm ở xã Phú Vinh, huyện Định . Các cơ sở tín ngưỡng người Hoa trên địa bàn Đồng Nai (chủ yếu là các cơ sở có quy mô kiến trúc lớn, cộng đồng tham gia đông đảo), đều có tục xin xăm. Một số cơ sở tín ngưỡng người Hoa có tính dung hợp, trở thành cơ sở tín ngưỡng chung của cộng đồng dân cư tại chỗ; một số cơ sở có tính chất Việt hóa mạnh mẽ như: đình Tân Lân, Thiên Hậu tự, miếu Cây Quăn, miếu Bà Thánh thuộc dịa bàn thành phố Biên Hòa. VII. Di sản chữ Hán tại các cơ sở tín ngưỡng tiêu biểu Trong số các cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa trên địa bàn Đồng Nai, có hai cơ sở được xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật. Đó là di tích đình Tân Lân/ đền thờ Trần Thượng Xuyên, phường Hòa Bình và miếu Quan Đế/ Thất phủ cổ miếu/ chùa Ông, xã Hiệp Hòa thuộc địa bàn thành phố Biên Hòa. Hiện nay, cơ sở tín ngưỡng Thiên Hậu cổ miếu/ miếu Tiên sư, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa đang được cơ quan chuyên môn lập hồ sơ khoa học để trình duyệt xếp hạng di tích. Chúng tôi giới thiệu một số di sản chữ Hán tại ba cơ sở tín ngưỡng này theo tài liệu: “ Di sản chữ Hán trong các đình, chùa, miếu mạo, từ đường ở Biên Hòa – Đồng Nai” của UBND Tp Biên Hòa chủ biên, Giáo sư Huỳnh Minh Đức và các CTV thực hiện năm 1998 và một số tài liệu khác, để tham khảo. Tại các di tích nầy, phần lớn các liễn đối, hoành phi đại tự bằng chữ Hán đều ca ngợi công đức, tài năng, sự uy linh, phò trợ, giúp người của các đối tượng được thờ chính và tùng tự, sự tôn nghiêm của chốn thờ tự và những ước vọng của người dân. Ngoài ra, còn phản ánh về sự gắn kết cộng đồng người Hoa với nhau, với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai và cộng đồng người Việt. * Ca ngợi về đối tượng được thờ: + Tại đình Tân Lân, một số hoành phi, liễn đối ca ngợi Trần Thượng Xuyên, vị phúc thần của làng xã như sau: - “ Đức tham thiên”: Cái đức của thần linh xứng đáng tham với trời. - “ Thần ân quảng bị “: Ơn của thần đã đầy đủ. - “ Công vĩ tích”: Công lao của thần linh thật bao la. - “ Thần ân tý hựu”: Thần ân che chở và bảo hộ cho dân. - “ Thần quang phổ chiếu”: Ánh sáng của thần linh soi sáng khắp nơi. - “Thánh đức dương dương nghiễm thượng chân phò chân hữu đức/ Thân ân trạc trạc phổ quang chứng chiếu thị vô tư ”: Cái đức của bậc thánh thật cao vời vợi bên trên, phò hộ người dân, thật sự là có đức/ Cái ơn của thần linh sáng chói và linh hiển tuyêt vời, soi sáng khắp nơi, chúng chiếu vạn dân, đó là lòng vô tư. - “ Linh sảng đồng thiên chiêu nhật nguyệt / Ân ba tự thủy bái san ha”: Sự khóang đạt sáng sủa của thần linh ví với mặt trời mặt trăng/ Cái ơn của thần linh như nguồn nước chảy tràn ngập núi sông. - “ Thánh đức hiển thiên niên dân thọ tài phong tứ hải đồng xưng Thuấn nhựt / Thần quang linh vạn tải quốc long phú thạnh cửu châu cộng ngưỡng Nghiêu thiên”: Cái đức của bậc thánh hiển linh ngàn năm, người dân được sống lâu, của cải được dồi dào, khắp bốn biển cùng nhau ca tụng đây là thời kỳ của vua Thuấn / Cái ánh sáng của thần linh chiếu rạng muôn đời, đất nước hưng long, giàu có, khắp chín châu đều ngưỡng mộ như thời vua Nghiêu. + Miếu Quan Đế / Thất phủ cổ miếu ca ngợi công lao, nghĩa khí vị Quan Vũ như: - “Trung nghĩa thiên thu”: Trung nghĩa ngàn năm. - “Thiên cổ nhất nhân”: Ngàn xưa chỉ có một người / anh hùng như Quan Đế, từ xưa đến nay chỉ có một người. - “ Uy chấn Hoa Hạ”: Oai trấn khắp cả Trung Hoa... - “ Xích Thố mã Thanh Long đao phò Hán an Lưu tinh trung chiêu nhật nguyệt / Đọc Xuân Thu duy xã tắc phá Ngô phạt Ngụy nghĩa khí tráng sơn hà”: Nói về Ngài Quan Vũ với con ngựa Xích Thố, thanh Long đao đã theo phò nhà Hán, giúp cho dòng họ Lưu được bình an, lòng tinh trung của ngài thật ví sáng với mặt trời mặt trăng / Ngài với quyển Xuân Thu, đã duy trì xã tắc, phá Ngô (Tôn Quyền), phạt Ngụy (Tào Tháo), nghĩa khí của ngài đã trấn được núi sông. - “ Tướng mạo trượng Thanh long anh hùng đệ nhất / Oai phong thừa Xích Thố hậu kiệt hữu tam”: Với dáng mạo của tướng cầm Thanh long đao, (Quan Vũ) đã là vị anh hùng đệ nhất / Với uy phong của vị tướng cưỡi Xích Thố mã, (Quan Vũ) thật là một trong ba vị hào kiệt sau này (cùng với Lưu Bị và Trương Phi). - “ Đại nghĩa trong thiên thu, bảo tướng trang nghiêm huy hải quốc / Sanh linh khâm bách đại, đan tâm hạo đảng tế càn khôn”: Đại nghĩa trong ngàn năm, tướng quí trang nghiêm ngời hải quốc / Sanh linh thờ trăm đời, lòng son rờ rỡ rạng trời đất. - “ Thất mã trảm Nhan Lương Hà Bắc anh hùng giai tán đởm / Đơn đao hội Lão Túc, Giang Đông hào kiệt tận hàn tâm”: Một ngựa chém Nhan Lương , bọn anh hùng Hà Bắc đều vỡ mật / Một đao gặp Lỗ Túc, đám hào kiệt Giang Đông thảy đứng tim. - “ Thiết trạch vi tâm, thị Hán thất kình thiên nhất trụ / Xuân Thu đắc lực, dữ Ni sơn bạt địa lưỡng phong”: Lòng dạ như sắt đá, với nhà Hán chống trời duy một cột / Công lực sánh Xuân Thu, cùng núi Ni vạch đất thành hai non. + Miếu Thiên Hậu / miếu Tổ sư nghề đá, có một số câu đối ca ngợi Tổ sư, Quan Vũ và bà Thiên Hậu: - ” Sáng bá nghệ nguyên lưu tượng tâm độc vận / Thùy thiên thu thằng mặc sư thị hàm tôn”: Tổ sư đã sáng tạo ra trăm nghề, là cái nguồn cho những người thợ giỏi / Tổ sư là những người dùng bút mực, đào tạo những bậc thầy từ ngàn năm qua, chúng ta phải biết tôn trọng. - “ Tinh công diệu đạt quy củ chí kin vô song sĩ / Mặc thằng xảo tạo tự cổ truyền lưu đện nhất nhân”: Tổ sư là người làm ra tác phẩm tinh xảo, đo đạc khéo léo, mọi việc đều rất khuôn mẫu, cho đến này nay không có người thứ hai / Tổ sư là người sử dụng dây và mực để tao ra tác phẩm tinh xảo, từ xưa nay, được xem là người giỏi nhất được lưu truyền. - “ Diệu thủ tu thành kim bửu điện / Tinh công xảo tạo ngọc long lâu”: Bàn tay khéo léo của tổ sư đã xây dựng ngôi điện vàng ngọc / Việc làm tinh xảo, xây dựng khéo léo tạo nên ngôi lầu xinh đẹp như con rồng bằng ngọc. - “ Tận nghĩa tận nhân thị ni thất kình thiên nhất trụ / Chí cương chí đại dử thủy sơn bạt địa tề phong”: Quan Vũ là người tận nghĩa, tận nhân, người quả thật là một cây chống trời trong một ngôi nhà gìn giữ theo đạo Khổng / Quan Vũ là người bẩm thụ được khí hạo nhiên chí đại cí cương, là người đã đưa ngọn núi dưới lòng biển lên ngang tần núi lớn. - “ Vạn phái hồi lan y hậu đức / Thiên thu trứ tự tụng từ hàng”: Mọi người nhớ ơn của Thiên Hậu đã chống đỡ làn sóng dữ và nguyện noi theo cái đức của bà / Vì vậy cho nên mọi người cùng xây nên đền thờ để ca ngợi chiếc bè từ của bà. * Ca ngợi nơi thờ tự (miếu Tân Lân): - “ Tân nhật khai cơ thiên cổ tráng / Lân trình thoại khí vạn đại hưng”: Miếu Tân Lân đã có cái ngày bắt đầu xây dựng cái nền tảng của mình và sẽ hùng tráng mãi ngàn năm / Miếu Tân Lân biểu hiện được bầu khí lành làm cho nơi đây được hưng thạnh muôn thuở. - “ Lộ tiền nhật chiếu thôn trung thạnh / Thủy nhiễu trường lưu ấp nội hưng”: Con đường trước miếu Tân Lân đón ánh mặt trời làm cho xóm làng được thạnh vượng / Con sông chảy quanh miếu Tân Lân lâu dài làm cho thôn ấp được hưng thạnh. - “ Miếu tiền đại tân cựu thôn trung quy mô thiên cổ / Vũ hậu nhân mục chiêu lý nội bồi trúc vạn niên”: Thời kỳ trước, ngôi miếu từ cho đến cũ vẫn giữ nét mẫu mực của mình cho đến ngàn năm / Người đời sau trong thôn xóm vẫn giữ nét tôn ti trên dưới, tất cả đềo lo việc sửa sang tôn tạo cho ngôi miếu mãi đến vạn năm. * Sự gắn kết của cộng đồng người Hoa với Biên Hòa – Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung (miếu Tân Lân và miếu Quan Đế): - “ Quảng dự trứ dung môn đại tiểu tam nguơn thiên cồ trong / Triệu nhân sùng Việt hải hinh hương tứ quỵ vạn niên xương”: Chúng ta hết lòng khen tặng và biểu dương cánh cửa cao thượng của nước Việt Nam, vì thế suốt trong những ngày lễ lớn nhỏ: tam nguơn trong năm đều được xem trong ngàn năm / Chúng ta bắt đầu lo việc tế lễ một cách trân trọng và tỏ ra sùng bái nước Việt Nam, vì thế mà bốn mùa đều lo việc nhang khói mong cho được hưng thịnh muôn đời. - “ Hòa bình hữu tương thành năng cách / Đại tạo vô tư đức thị thân”: Cuộc sống chung hòa bình với kết quả rõ ràng, thành ý đó (của cả nhóm Hoa kiều và người dân Việt Nam) có thể đáng ghi nhớ / Sự xây dựng to lớn mang tính cách vô tư tạo thành cái đức to lớn làm cho hai bên được thân nhau. - “ Nhạc tấu vân hà ca cảnh phước / Năng xung ngọc chiếu vinh an khương”: Khúc nhạc hòa điệu (giữa Việt Nam và nhóm Hoa kiều) bay vút tới trời xanh, mọi người như muốn ca tụng cái cảnh hạnh phước / Nếu có thể được, chúng ta hãy xem đây như là viên ngọc quí chiếu sáng làm cho chúng ta mãi mãi yên lành và khỏe mạnh. - “ Việt quốc kiến trung từ thiên tải danh lưu vĩnh thùy bất hủ / Biên Hòa nguyên thắng địa vạn dân chiêm ngưỡng thế đại hình hương”: (Người Trung Quốc) đã xây dựng nên ngôi “Trung nghĩa từ” ở Việt Nam, nhằm lưu danh mãi mãi một cách bất hủ / Đất Biên Hòa nguyên là một nơi thắng địa, hàng vạn người dân cùng chiêm ngưỡng và nhang khói qua bao thế đại. Ths Phan Đình Dũng và các cộng tác viên (Bài viết có tham khảo một số tư liệu tại Bảo tàng Đồng Nai) |
Văn hóa Đồng Nai >