Đến định cư trên vùng đất Đồng Nai, cộng đồng người Hoa ngoài việc ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế họ vẫn không ngừng bảo lưu đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của dân tộc mình. Với một hệ thống cơ sở tín ngưỡng đa dạng, đối tượng thờ phong phú, những hình thức nghi lễ trong việc thờ phụng của cộng đồng người Hoa đã góp phần tạo thêm sự đa dạng về văn hóa lễ hội của văn hóa Đồng Nai. I. Lễ vía Quan Đế 1. Đối tượng thờ cúng Quan Đế là tên gọi dân gian có tính chất tôn kính đối với Quan Vân Trường (Quan Vũ, Quan Công...), một nhân vật lịch sử nổi tiếng đời Tam Quốc, người làng Giải Lương, đất Hà Đông (Hà Đông thuộc tỉnh Sơn Tây, phía Đông sông Hoàng Hà - Trung Quốc). Ông sinh năm 162 và mất năm 219. Quan Đế là vị thần được người Hoa ở Đồng Nai thờ trong hai trường hợp. Thờ trong gia đình, Quan Đế là vị thần độn mạng cho người nam gia chủ; thờ trong đền miếu là thần phù hộ cộng đồng. Chung quanh cuộc đời Quan Đế có những truyền thuyết về sự linh hiển đã tạo nên một tâm lý sùng bái ông, để rồi trải qua nhiều đời trở thành một tín ngưỡng dân gian độc đáo. Quan Đế được người Hoa tôn thờ như một bậc thánh hiền với đầy đủ các đức tính và nhân cách cao qúi: lòng dũng cảm, đức độ, trọng danh dự, thủy chung và sự tín nghĩa tuyệt đối. Trong gia đình người Hoa ở Đồng Nai, bàn thờ Quan Đế được bày trí bên cạnh bàn thờ Phật Bà Quan Âm. Bài vị của ông thường được vẽ trên kiếng với hình ảnh một ông quan mặc triều phục màu xanh thẫm, mặt đỏ sậm, có năm chòm râu màu đen dài đến ngực. Hai bên có Quan Bình (con nuôi Quan Đế) tay cầm hộp nhỏ đựng ấn “Hán Thọ Đình Đầu”, bên trái có Châu Xương (người hầu thân cận Quan Đế) tay cầm bảo kiếm ’’Thanh Long’’ . Phía trên bài vị của ông thường viết thêm bốn chữ Hán: “Ngũ Công Vương Phật’’ và được kết một dây lụa màu đỏ có một bông hoa ở giữa, hai góc có cắm lông công. Tại các miếu Quan Đế, vị trí điện thờ Quan Đế được bố trí ở gian trung tâm chánh điện. Tại các cơ sở tín ngưỡng phối thờ, điện thờ Quan Đế thường được bố trí ở gian bên phải hoặc bên trái chánh điện. Các tượng Quan Đế thờ tại các cơ sở tín ngưỡng được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau nhưng đều được tạo theo các quy ước tiêu chí truyền thống: khuôn mặt đỏ sậm, mày ngài, mắt phượng, có năm chòm râu dài màu đen, mình khoát áo màu xanh, tướng mạo uy phong. Bày trí hai bên Quan Đế là tượng Quan Bình và Châu Xương. Phía trước có ngựa Xích Thố và Mã Đầu tướng quân. Một năm, Quan Đế có ba ngày lễ vía (thời gian theo âm lịch): ngày13 tháng 1, ngày 13 tháng 5 và ngày 24 tháng 6. Lễ vía ngày 24 tháng 6 là lễ vía được tổ chức long trọng, kéo dài trong hai ngày. 2. Lễ vía Quan Đế hiển Thánh Trước đây, tại các miếu thờ Quan Đế là đối tượng chính tổ chức lễ rất long trọng. Trong đo có nghi thỉnh Quan Đế đi khắp cung đường hoặc những nhà có đăng cầu chúc an, phước, thọ, tài... của cộng đồng người Hoa sinh sống trong khu vực. Hiện nay, những nghi này không còn được duy trì. Lễ vía Quan Đế chỉ diễn ra trong phạm vi cơ sở tín ngưỡng. Lễ được chuẩn bị trước nhiều ngày. Mọi công tác chuẩn bị từ các khâu lễ phải hoàn thành trước trưa ngày 23 tháng 6. Bắt đầu từ đêm 23, thực hiện nghi cầu an. Tất cả những lễ vật được thưng đăng trên các bàn thờ trong miếu. Lễ vật có thể là heo, vịt nhưng phải cử gà (con gà được xem là ân nhân cứu mạng trên đường vào chùa quy y của Quan Đế. Khi bị quân giặc truy đuổi, Ông đã dùng huyết gà hóa trang khuôn mặt để không ai nhận ra). Đặc biệt, trong lễ vật dâng Quan Đế có bộ áo, mũ, hài bằng hàng mã. Lực lượng thầy cúng đảm nhiệm những nghi hành lễ tại miếu. Nghi cầu an cho cộng đồng được tiến hành trước. Sau đó mới đến nghi cầu an cho những gia chủ. Tất cả các nghi đều thực hiện việc trình tấu lúc ban đầu và hỏa sớ khi kết thúc. Ngày 24 tháng 6 bắt đầu lễ nghi khai quan điểm nhãn tượng Quan Đế. Ban Tổ chức cử những người lớn tuổi, có uy tín, đạo đức thực hiện các nghi dâng hương đăng, hoa quả và lễ vật. Sau đó, thầy cúng tấu sớ trình và tụng niệm kinh, chú khấn những nội dung cầu an. Tiếp theo, những người tham dự có lòng thành, tâm nguyện vào diện trước bàn thờ Quan Đế trình lễ, nêu sở cầu của bản thân. Tại một số cơ sở, sau các phần nghi cúng có tổ chức đấu gia đèn hoặc cho bá tánh cung thỉnh. Tùy mỗi cơ sở tín ngưỡng mà quy định số loại đèn lồng. Thông thường, có 9 đèn lồng được đem ra đấu. Trước khi đấu, các đèn đều được các thầy cúng làm phép, khai quang điểm nhãn để chứng sự thiêng ứng của Quan Đế. Những đèn lồng đấu thường được đặt những thành ngữ có nội dung chúc phúc, lộc cho con người. Một số tên được dùng cho đèn lồng đấu ứng với thứ tự như sau: - Nhất mã hội tề - Tài phước thịnh vượng - Phước lộc thọ toàn - Tứ quí hưng thịnh - Ngũ phúc lâm môn - Lục mã phù trì - Thất tinh cao chiếu - Bát tiên gia khánh - Cửu long hiến thoại (hiến châu) Những người theo sở cầu đấu thắng được đem về thờ. Nguồn kinh phí thu từ đấu đèn được Ban Tổ chức chi cho lễ hội và các hoạt động cơ sở hay đong1 góp vào các công việc phúc lợi, cứu trợ cho cộng đồng. Nhiều nơi, nguồn kinh phí được dùng trong việc phát tế cho người nghèo trong lễ hội. Người Hoa suy tôn Quan Đế là bậc thánh hiền với những đức tính và nhân cách cao quý. Ở Quan Đế, người Hoa học nhận về đức tính nhân nghĩa;, khí tiết can trường; tín dũng vẹn toàn... Hình tượng Quan Đe được người Hoa xem là chuẩn mực về nhân cách sống của một con người tài đức vẹn toàn, ân nghĩa phân minh để các thế hệ noi theo. Thờ cúng và giữ lòng thành đến với lễ vía Quan Đế là một biểu hiện tình cảm thiêng liêng của người Hoa nói riêng và mọi người đối với bậc minh quân, thánh hiền. *** II. Lễ vía Bà Thiên Hậu 1. Đối tượng thờ cúng Bà Thiên Hậu được dùng với nhiều mỹ từ tôn kính như: Thiên Hậu Thánh Mẫu, Thiên Hậu nương nương là đối tượng giàu thần tích và linh ứng trong tín ngưỡng người Hoa. Truyền tụng, Bà Thiên Hậu có tên là Lâm Mặc, sinh ngày 23 tháng 3 (âm lịch) năm 960, tại huyện Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc (đời nhà Tống). Khi Bà được sinh ra có đám mây ngũ sắc và hương thơm bao phủ khắp nhà. Từ khi còn nhỏ, Lâm Mặc đã có tài tiên đoán rất chính xác về thời tiết, giúp cho ngư dân trong vùng tránh được nhiều tai ướng trên nghề đi biển. Một hôm, Lâm Mặc đang ngồi dệt lụa cùng với mẹ ở nhà, bỗng nhiên mắt nhắm nghiền lại, hai tay đưa ra trước như cố níu kéo một vật gì. Một lát sau khi mở mắt ra, Lâm Mặc ứa nước mắt nói với mẹ rằng cha và hai anh đang gặp nạn ngoài biển nhưng Bà không cứu được cha. Quả nhiên, mấy ngày sau, hai người anh sống sót trở về, còn người cha thì bặt âm vô tín sau cơn bão biển. Bà mất ngày 19 tháng 2 (âm lịch) năm 987. Sau khi mất, Bà rất hiển linh. Người dân đii biển truyền kể thường gặp Bà khoác bộ y phục màu nâu, bay lượn trên biển để cứu những thuyền bè lâm nạn. Bà cũng từng hiển hiện cứu được những đoàn chiến thuyền và sứ thuyền của các Hoàng đế Trung Hoa khi gặp nạn. Vì vậy, các đời Hoàng đế Trung Hoa đã phong tặng Bà nhiều danh hiệu cao quý. Đời nhà Nguyên, Bà được sắc phong là Thiên Phi nương nương, đến năm 1682, vua Khang Hy (nhà Thanh) gia phong Bà làm Thiên Hậu Thánh Mẫu, tôn thờ như bậc hiển thánh. Tại Đồng Nai, Bà Thiên Hậu được thờ chính và tùng tự trong nhiều cơ sở tín ngưỡng của người Hoa. Tượng Bà Thiên Hậu được tạo hình từ nhiều chất liệu 1, tư thế ngồi, nét mặt phúc hậu, lỗ tai có đeo bông lấp lánh. Tượng được khoác áo choàng màu đỏ thêu kim tuyến, hoặc đính kim sa hình rồng phụng, đầu đội mão Cửu Long có thêu hoa trang trí nhũ vàng và rèm châu rủ xuống trước trán, hai bên mão có hai tua dài màu vàng rủ xuống qua vai. 2. Lễ vía ngày sanh Thiên Hậu Ngày 23 tháng 3 (âm lịch) hàng năm là ngày vía chính của Bà Thiên Hậu. Lễ vía Bà Thiên Hậu thường chỉ diễn ra trong một ngày. Trước ngày 23, tại bàn thờ Bà được dọn dẹp sạch sẽ và được thưng hương, đăng, hoa quả. Các loại hoa chưng thường là hoa huệ, hoa cúc trắng, hoa cúc vạn thọ. Vào ngày cúng chính, người ta dâng lễ vật cho Bà. Lễ vật cúng thường là heo quay được đặt nằm úp xuống mâm, 4 chân choãi ra hai bên, đầu quay về phía điện thờ, hai lỗ tai cắm hai bông giấy đỏ, gà luộc chín cắm bông giấy đỏ ở (nếu không có đủ con heo thì chỉ tượng trưng thủ vĩ / đầu heo). Ngày xưa lễ vía Bà Thiên Hậu thường phải cúng đủ “tam sanh” gồm heo, gà, dê làm thịt để sống. Nay tục lệ cũng như vật dâng cúng Bà được giản lược hơn 1. Khoảng 8 giờ nghi thức cúng lễ bắt đầu. Ba người trong Ban Trị sự cơ sở tín ngưỡng được cử làm Chánh tế. 2 Họ mặc áo dài thụng, đầu đội nón bánh tiêu, mỗi người cầm 3 cây nhang lớn khấn niệm trước bàn thờ Thiên Hậu và các bàn thờ phối tự. Nội dung khấn niệm hàm ý ca ngợi công đức của Bà Thiên Hậu và cầu Bà gia ân độ trì, cưú giúp tất cả mọi người. Những người tham gia vào lễ vía cầm 1 cây nhang nhỏ khấn vái theo các vị Chánh tế. Sau khi dâng 3 tuần trà và 3 tuần rượu, một Chánh tế thâu nhang các người dự lễ đem cắm vào các bàn thờ Thiên Hậu. Tại Thiên Hậu Cổ Miếu (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa), vào ngày vía sanh Thiên Hậu, có mời thầy cúng chủ trì buổi lễ. Trước đây, còn có tục đốt pháo mừng, dâng bộ xiêm mão (tượng trưng bằng giấy với kích cỡ lớn) cho Bà. Sau khi khai lễ xong, một hồi chuông trống được gióng lên. Đây là thời điểm bắt đầu cho mọi người đến vía Bà. Những người dâng lễ vật, cúng viếng Bà Thiên Hậu rất đông. Từng cá nhân hay tập thể dâng lễ vật cho Bà. Lễ vật dâng cúng không có những qui định cụ thể mà tuỳ thuộc ở tấm lòng và điều kiện người đến cúng nhưng phải có nhang đèn, tiền mã vàng bạc là không thể thiếu. Khi dâng lễ, người cúng thể hiện lời cầu khấn của mình. Lễ vật sau khi cúng, thân chủ giữ một phần đem về nhà với quan niệm để “hưởng lộc thánh”. Trong khi cúng lễ, thân chủ có thể mua ngay tại miếu những “vòng nhang cầu an” lớn. Tên của thân chủ được ghi trên tấm giấy đỏ đính kèm vòng nhang, treo đốt bên tại miếu thờ. Những người tham dự lễ vía Bà, thường thỉnh nhận các tấm giấy đỏ đóng triện son, nội dung chữ Hán: “Thánh Mẫu tọa trấn”, “Hợp gia bình an”, “Bảo hộ an khang” với quan niệm “rước vía Bà” về thờ tại nhà. Sau các nghi cúng Bà, tại miếu bắt đầu hội đấu giá đèn lồng. Số lượng thường có 9 đèn lồng (người Hoa quan niệm số 9 là con số tốt). Thầy cúng cầm từng đèn lồng thực hiện nghi thức cúng. Sau đó, từng đèn được đặt tên, xướng lên câu thành ngữ mang ý nghĩa theo số thứ tự để mọi người đấu theo sở cầu. Hội đấu đèn diễn ra rất sôi nổi và hào hứng, cuốn hút nhiều người tham gia. Số tiền đấu giá đèn lồng được Ban quản lý dùng vào công việc hoạt động miếu và các công tác xã hội. 3. Lễ cúng chay Bà Thiên Hậu Lễ hội diễn ra tại cơ sở tín ngưỡng Thiên Hậu Cổ Miếu/ Miếu Tổ Sư, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa. Đáo lệ 3 năm, lễ hội được tổ chức một lần; thời gian kéo dài 4 ngày từ ngày 10 đến 13 tháng 6 (âm lịch). Đây là lễ hội có tính chất đa hợp: vía Bà Thiên Hậu, cúng Tổ nghề với mục đích cầu an, cầu siêu. Trong lễ cúng cầu siêu do các pháp sư khoa nghi Đạo giáo cùng với giàn nhạc lễ chuyên trách thực hiện một hệ thống tiết mục, nghi lễ độc đáo. + Công tác chuẩn bị và cách bài trí khu vực hành lễ Đây là một lễ hội lớn, cho nên công tác chuẩn bị rất quan trọng. Vào năm định kỳ, ngay từ lễ vía sanh Bà Thiên Hậu (23 tháng 3 âm lịch), Ban Quản trị miếu thông báo tổ chức lễ và phân công những bộ phận phụ trách các phần việc liên quan. Ban tổ chức được bầu và thực hiện ngay việc đăng ký danh sách những người tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội. Những người đăng ký có thể góp tiền trước hoặc đăng ứng. Tất cả nguồn kinh phí được tổng kết trước ngày bắt đầu lễ (10/3 - âm lịch). Mức đóng góp tùy có tính chất tự nguyện, tùy điều kiện người đăng ký. Người Hoa quan niệm càng bỏ nhiều tiền vào lễ làm chay, càng được nhiều phúc của Bà và các thần nên có nhiều người tham gia góp phần. Mức chi phí cho lễ hội rất cao, lên tới hàng trăm triệu đồng. Trước ngày lễ tiến hành, những bài trí trong khu vực hành lễ phải được hoàn tất. Khắp nơi từ trong miếu đến ngoài cổng nhiều đèn lồng, hoa kết, cờ lễ được treo lên tạo một cảnh quan nhiều màu sắc độc đáo. Tại sân miếu, một cây phướng được dựng lên. Cây phướng gồm ba cây tre cao thẳng (trên 10m), dựng thành một hàng, ngọn hương thẳng lên trời. Giữa ba cây tre có chín thanh ngang nối nhau vừa giữ cho chúng đứng vững vừa tạo hình như một chiếc thang bắc lên cao. Trên cây phương treo 52 ngọn đèn lồng màu trắng, chữ Hán màu đỏ (mỗi đèn có một chữ), treo thành 5 dây song song với nhau tượng trưng cho năm bậc thần thánh, Tổ nghề được thờ trong miếu. Dây đèn lồng ở giữa treo cao hơn và dài nhất (gồm 20 đèn), phía trên có biểu tượng cờ lệnh và mão, chữ đề “Cung chúc Ngũ Đăng Tiên Sư bửu đán”. Bốn dây còn lại đối xứng hai bên (mỗi dây 8 đèn) với các dòng chữ “ QuốcTrì Tiên Sư”, “Lỗ Ban Tiên Sư”, “Thiên Hậu Thánh Mẫu” và “Quan Thánh Đế Quân”. Cây phướng là điểm báo cho các vị thần linh, Tổ nghề chứng giám lễ cầu an, cầu siêu. Dưới cây phướng có bàn hương án. Đối diện bên phải có lều bày hương án và hình nộm Ông Tiêu phết màu sắc rực rỡ. Ông Tiêu với hình dáng cao to, đầu đội mão, hai tay cầm thẻ bài, cờ lệnh, mắt quắc uy nghi, lưỡi thè ra. Ông Tiêu được quan niệm là một biến thể của Quan Âm để chiêu tập tất cả các loại cô hồn. Hai bên Ông Tiêu có là các hình nhân Thổ Địa, Tướng Quân và Thủy Quân có chức năng hộ vệ. Trong sân còn có dựng đàn có rạp che chắn bốn bên. Đây chính là đàn chay nơi các đạo sĩ thực hiện các nghi cúng tế. Trong rạp được trang trí bàn thờ, tranh ảnh, cờ trướng, liễn đối, nhang đèn, hương hoa... như một điện thờ. Phía trên là tranh bức vẽ Tam Thánh gồm: Thái Thượng Lão Quân, Thông Thiên Giáo Chủ và Hải Triều Thánh Nhân (những vị được xem là Giáo chủ của Đạo Giáo do Lão tử sáng lập). Phía dưới Tam Thánh là một điện thờ phủ vải đỏ, nơi đặt các bài vị các vị Tổ, bài vị thỉnh từ các miễu, chùa và bài vị của trăm họ được thỉnh dự lễ. Dưới điện thờ là bàn hương án và các đồ tế khí của đạo sĩ dùng cúng lễ. Hai bên rạp dán các bức mô tả Thập Điện Diêm Vương (10 cửa ngục âm phủ). Bên cạnh, còn có lều che, bày bàn hương án có hình nộm tượng Phán Quan và các vị lính hầu đội mũ chóp nhọn màu vàng, xử án ở địa phủ. Trước cửa chùa, hai hình nộm Quan Văn và Quan Võ uy phong trấn giữ Thánh môn. Trong chùa, cảnh trang trí với màu đỏ chủ đạo với hàng trăm đèn lồng treo khắp xà cột. Các bàn thờ, đồ cúng, kiệu rước, giá biểu bài vị, đồ bát bửu sắp xếp ngăn nắp. Tất cả trong tư thế sẵn sàng cho việc lễ khi tiến hành. Nội dung các nghi thức chính lễ hội Ngày thứ nhất tổ chức lễ thỉnh sắc Bà Thiên Hậu. Lễ được bắt đầu vào giờ tốt trong buổi sáng với chuông trống gióng lên báo hiệu. Vị đạo sĩ chủ tế mặc áo choàng đỏ tay cầm nhạc khí vừa gõ vừa tụng kinh Thái Thượng Lão Quân mời Bà Thiên Hậu và các thần thánh cho phép, chứng giám lễ làm chay. Những người được phân công phụ tế, giúp lễ mặc áo dài gấm, đội nón bánh tiêu có lưỡi trai cầm nhang cung kính vái lạy theo đạo sĩ. Sau khi khấn, đạo sĩ cầm xấp kim phong bảng màu đỏ tụng kinh xin keo đi thỉnh sắc Bà. (Kim phong bảng là danh sách tên những người đóng góp kinh phí tổ chức lễ) Những người được chọn hành lễ vía Bà theo tiêu chí tuổi hợp, đạo đức, đóng góp công, cuả...mặc áo dài có băng vải đỏ bắt chéo qua được phép phục vụ Bà từ lúc khởi lễ cho đến chung cuộc. Tham dự trong thành phần này là một niềm vinh dự cho nhiều người. Khi xin keo được, một người đi thâu nhang thưng lên bàn thờ Tổ, một người châm rượu và đốt giấy mã vàng bạc tạ ơn. Bài vị Tổ Sư, Thiên Hậu Thánh Mẫu và Quan Thánh Đế Quân được rướcra kiệu. Kiệu Bà được chạm khắc sắc sảo, có hai tầng, sơn đen thếp vàng và trang trí các dây băng đỏ rực rỡ. Trên kiệu, đặt bát nhang lớn và hoa tươi, trái cây để thỉnh bài vị. Trước khi khởi kiệu, các đội lân, rồng múa nghinh sân lễ và kiệu Bà. Đòan rước thỉnh theo lộ trình từ Miếu Thiên Hậu đến miếu Cây Quăn (nơi thờ Bà trước đây- cách khoảng 1 km). Đi đầu là các đội lân, rồng và đoàn người mang cờ hội, cờ trướng, dàn nhạc ngũ âm. Tiếp sau là bàn hương án do 4 người khiêng, những người cầm bát bửu 1 và 7 cặp biển bài vị “Tiêu Chinh”, “Quỳ Bí” “Thiên Hậu Nguyên Quân”, “Lỗ Ban Tiên Sư”, “Quốc Trì Cung”, “Ngũ Đinh Tiên Sư” và “Hiệp Thiên Thượng Đế” (tức Quan Thánh Đế Quân). Theo sau là đòan 4 người hóa trang thầy trò Tam Tạng thỉnh kinh rồi đến vị đạo sĩ chánh tế. Sau vị chánh tế là cặp lọng đỏ, kiệu Bà, kiệu được khiêng cẩn trọng. Tiếp sau kiệu Bà đòan người nhiều thành phần đông đảo theo lễ rước. Tại Miếu Cây Quăn, khi xin keo thỉnh sắc xong, đoàn rước trở ra đi vào đến thỉnh bài vị Tiên Cô Nương Nương (miếu Bà Thánh trong khu du lịch Bửu Long) bài vị Thổ Công (tại Miếu thờ cổng khu du lịch) rồi trở về miếu. Tại các điểm thỉnh sắc, đạo sĩ chánh tế chủ trì và Ban tế tự thực hiện các nghi cúng trong khi đoàn rước chờ bên ngoài. Trên lộ trình đoàn rước đi qua, nhiều gia đình sắp sẵn lễ vật cúng nghênh đón Bà, sau đó hòa vào đoàn rứơc về miếu.Tất cả các bài vị thỉnh rước được đặt lên tầng cao nhất của điện thờ. Sau đó, vị chánh tế và thành viên Ban Tổ chức thực hiện việc thỉnh Bà từ Thiên Hậu Cung (một cơ sở thờ Thiên Hậu của người Hoa bang Sùng Chính, phường Hòa Bình) về miếu. Sau khi cung thỉnh sắc hoàn tất, trước sân miếu, các đội võ thuật biểu diễn các trò hội như múa đao, múa võ... tạo nên không khí vui nhộn. Sau đó, miếu bắt đầu đón khách đến lễ Bà. Số người tham dự viếng Bà Thiên Hậu trong ngày đầu lễ rất đông đảo. Chiều tối, bắt đầu lễ khai đàn, khai quang điểm nhãn các tượng thờ và các đồ vật cúng trong chùa. Lễ khai đàn do vị đạo sĩ chủ tế1, và 6 phụ tế thực hiện tại đàn chay. Mỗi người cầm một nhạc khí như: trống, chập chõa, phèng la, kèn, mõ... phụ họa theo lời tụng của chủ tế. Vị chủ tế cầm kim phong bảng và 3 cây nhang vừa tụng kinh vừa làm phép nhiều lần. Sau hai tuần dâng rượu, vị chủ tế đốt giấy mã vàng bạc và dùng đồ binh khí 1 nhúng vào chén rượu (trong có lá bưởi) để trấn đàn. Sau đó, chủ tế dẫn đòan người đi khắp khu vực hành lễ để thực hiện nghi tẩy uế và trở về đàn chay làm phép cuối, đốt sớ. Tại các bàn hương án, vị chủ tế và hai phụ tế (một người gõ trống, một người đánh chập chõa) tụng kinh bắt đầu nghi thức khai quang điểm nhãn. Chủ tế cầm con gà trống còn sống 2 nhấc lên cao, đầu gà chúc xuống trước bàn hương án, dùng móng tay cấu vào mồng gà cho máu nhỏ vào chén rượu (hòa lẫn với thần sa có vài lá bưởi). Vị chủ tế cầm cây cọ tàu cán dài nhúng vào chén rượu chấm các đồ vật, các tượng trong khu vực hành lễ. Một đạo sĩ phụ tế cầm một cây nhang dài khoảng chấm nhang vào các vị trí, các đồ vật được chủ tế điểm nhãn. Sau khi khai quang điểm nhãn, vị chủ tế trở về bàn hương án điểm nhãn và đốt ba con ngựa giấy (trên lưng có ba vị tướng quân mặc áo màu vàng, đỏ và xanh) đại diện thiên binh, sứ giả mời các thần linh về dự lễ Bà. Tại đàn chay, các đạo sĩ tiến hành đọc kinh. Ngày thứ hai tổ chức khai kinh cầu an1. Từ sáng sớm, một bộ phận giúp lễ và đội lân các gia đình rước các lễ vật cúng (mâm lễ, tháp giấy, bánh...)các gia đình tham gia cúng về miếu. Chọn giờ tốt, vị chủ tế bắt đầu khai kinh cầu an tại đàn chay và các bàn hương án dưới cây phướng, bàn thờ Ông Tiêu. Sau mỗi đoạn kinh, chủ tế và cộng đoàn tham dự cầm nhang vái tạ và đốt giấy mã vàng bạc. Tiếp đến, đòan cúng lễ đến hương án ông Phán Quan tụng kinh Quan Âm, Địa Tạng kinh và Vãn Sinh kinh để cầu siêu cho cô hồn. Chủ tế và cộng đoàn đến cúng tại các bàn thờ trong miếu và sau đó trở lại đàn chay. Các đạo sĩ tiếp tục đọc kinh cầu an. Lúc này, những người tham dự cầm bông huệ cung kính chầu nghinh cho đến khi đốt giấy mã, thắp nhang kết thúc. Chiều tối, các đạo sĩ nhập đàn, tụng các kinh Thái Thượng Lão Quân, Thái Nguyệt kinh, tiếp tục làm phép trấn đàn, tẩy uế. Từ đàn chay, các vị đạo sĩ đến bàn hương án trước miếu làm lễ Ngũ môn chắc tướng. Sau một tuần trà, tuần rượu, các vị đạo sĩ thay nhau làm nghi dâng sớ, múa cờ lệnh, tụng kinh, đăng hương. Tuần tự, các vị thứ nhất (tượng trưng cho hành Mộc) cầm sớ và cờ lệnh màu xanh; vị thứ hai (tượng trưng cho hành Hỏa), cầm sớ và cờ lệnh màu đỏ; vị thứ ba (tượng trưng cho hành Kim) cầm sớ, cờ lệnh màu trắng; vị thứ tư (tượng trưng cho hành Thủy) cầm cờ lệnh màu xanh dương; vị đạo sĩ chủ tế (tượng trưng cho hành Thổ) cầm kiếm lệnh và cờ lệnh màu vàng thực hiện nghi đăng. Vị chủ tế tiếp tục làm nghi tẩy uế trước 4 con ngựa (có 4 vị tướng quân), múa điệu bắt ấn, tụng kinh và đốt giấy mã. Một người rót lần lượt ba chung rượu lên 4 con ngựa và bốn đạo sĩ làm động tác cưỡi ngựa đi vòng quanh bàn hương án 4 vòng theo chiều ngược kim đồng hồ.Lần lượt mỗi đạo sĩ cầm sớ tụng kinh và kết thúc vị chủ tế dâng sớ báo với các thần thánh . Sau cùng 4 đạo sĩ cầm 4 con ngựa đi theo chiều kim đồng hồ vòng quanh bàn hương án 4 vòng ra cổng chùa hỏa mã. Buổi chiều, tại các bàn hương án, bàn thờ và các vị trí quan trong trong khu vực hành lễ được các đạo sĩ tiếp tục đọc kinh cầu an, cầu siêu. Buổi tối, các đạo sĩ đọc kinh cầu an tại đàn chay lần thứ ba. Ngày thứ ba là chính lễ với nhiều nghi thức lễ hội như khai Kim phong bảng, đấu giá đèn lồng, phóng đăng, phóng sanh, hát bội, bắc cầu Bà, lập đàn chay, cúng thí... Buổi sáng, các đạo sĩ thay phiên nhau tụng kinh cầu an khắp các nơi hành lễ. Khu vực sân lễ, các đội lân múa hòa vào với dàn nhạc ngũ âm tạo nên một không khí náo nhiệt, cuốn hút nhiều người. Ngay từ ngày đầu khai lễ, Kim phong bảng được xếp lại thành 3 xấp (tượng trưng cho phúc-lộc-thọ) luôn để trên khay trong các lễ cúng. Vào nghi khai mở, có hàm ý cầu cho những người đậu tiền phụng cúng được phúc lộc thọ). Đạo sĩ chủ tế thắp ba cây nhang trường tụng kinh, và dán Kim phong bảng lên tường và tiến hành nghi thức tẩy uế, khai quang điểm nhãn. Sau đó, vị chủ tế xướng tên và tụng kinh cầu phúc cho những người trong Kim phong bảng. Kết thúc, những người trên dâng nhang bái tạ ơn Thiên Hậu. Sau lễ khai Kim phong bảngbảng, tại miếu tổ chức hội đấu đèn lồng. Số lượng đấu là chín đèn. Khi đấu, thầy cúng đọc những câu thành ngữ tương ứng với thứ tự đèn. Bất kỳ ai thấy hợp với sở cầu thì đấu giá. Thông thường, đèn đầu tiên và cuối cùng được nhiều người đấu giá cao. Mỗi đèn có khi giá đấu lên hàng chục triệu đồng. Không khí đấu đèn rất sôi nổi, hào hứng. Những người tham gia hội vỗ tay, cổ vũ nồng nhiệt mỗi khi giá đèn được nâng lên cao trong tiếng trông hội dồn dập. Ai đấu thắng thì chiếc đèn ngay lập tức được ghi tên chủ nhân. Tục đấu đèn lồng là một trong những nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng trong tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa. Tại Thiên Hậu Cổ Miếu, (kể từ lễ chay năm 1995 cho đến nay, Ban tổ chức không còn tổ chức tục đấu đèn). Vào hội chay, miếu sắm nhiều loại đèn lồng, cờ, trướng treo sẵn. Sau lễ khai quang điểm nhãn thì mọi người đều có thể thỉnh tùy theo mỗi loại. Hình thức này được mọi người tham dự lễ hưởng ứng gia đông đảo vì ai cũng có khả năng “rước lộc” Bà trong mà số tiền không cao. Buổi chiều, vào nghi xin keo tổ chức phóng đăng, phóng sanh cầu siêu cho thập loại cô hồn. Vị pháp sư chính 1 (mặc áo choàng màu vàng, đội mão giống Địa Tạng, có hai tua dài thả phía trước) tụng kinh, thắp nhang xin phép thần thánh khởi hành đòan rước kiệu đến bến sông tổ cức. Kiệu Bà được trang trí rất nhiều dây băng đỏ, hai bông vải tròn lớn, hai lọng đỏ, hai ngọn thủy đăng, hai đèn lồng trắng. Khi khởi kiệu, đội lân múa chào khắp sân lễ. Đòan rước gồm toán người cầm cờ lễ, đội nhạc trống,bàn hương án, những người cầm bát bửu, pháp sư và 4 vị phụ tế (mặc áo màu đỏ), đòan kiệu Bà và những người tham dự. Lộ trình của đoàn rước từ miếu tới bến sông Tân Thành 2 (thuộc khu phố 3, phường Bửu Long) - địa điểm phóng đăng, phóng sanh. Tại bến sông, bày một đàn chay, trên có hương án đầy đủ nhang, đèn cầy, bông cúc bông huệ tưới, trái cây, 3 chung rượu. Khi kiệu Bà đến, người ta thỉnh bát nhang, các bài vị đặt lên đàn. Trước đàn là một sân giấy mã và 360 bộ giấy áo trải tới bến sông. Xen kẽ cắm những nén nhang, đặt 18 chén đồ chay cúng cô hồn (gồm 5 món: bún gạo, tàu hũ, củ cải muối, đậu que xào, đậu trắng - đây là 5 món bắt buộc) và một số món chay khác. Trước bàn hương án người ta đặt một con ngựa giấy màu vàng 1, đèn hoa, chim cá đểphóng sanh. Pháp sư thượng đàn, tung nắm nhang thẻ đang cháy khai hỏa bãi giấy mã, tụng kinh cầu siêu. Lễ phóng đăng bắt đầu khi pháp sư niệm chú. Ba mươi sáu chiếc đèn hoa được thả sông. Tiếp theo, pháp sư khai lễ phóng sanh, 2 người trên bờ thả chim se sẻ, người xuống bến sông thả cá trê, cá lóc. Khi bãi giấy cháy gần hết, người ta đốt con ngựa giấy. Vị pháp sư niệm chú, tung gạo và bông cúng xuống đàn. Lúc này có nhiều người tranh hau đồ vật cúng thí với quan niệm những thứ này đã được Bà chứng, phù hộ. Từ trên đàn, pháp sư rung chuông kết thúc lễ và đòan rước trở về miếu. Buổi tối, bắt đầu nghi thức lập giàn chay và lễ bắc cầu cho Bà. Người ta trải tấm vải đỏ rộng, dài từ bàn hương án đàn chay vào tới điện thờ chính trong miếu. Các vị đạo sĩ cầu kinh, những người phụ tế rắc đều bông vạn thọ, cánh bông huệ kín mặt cầu. Bài vị trăm họ (còn được gọi là “phúc lộc đình”) được thỉnh từ trên đàn chính đến trước bàn hương án đàn chay để cầu phúc. Phúc lộc đình là thùng gỗ tròn, vừa được sơn đỏ, bên trong chứa gạo, trên cắm bài vị “Bản mạng nguyên thần” ,ba mặt phất giấy kiếng trắng, mái hình chóp. Bên cạnh, có bộ tam khí gồm:cây kiếm lệnh, cây thước mộc và một chiếc gương tròn 1. Bàn hương án bày đủ các bộ lễ cúng từ cặp đèn cầy lớn, cây đèn dầu Thất tinh bằng đồng, bình bông, mâm trái cây, lư nhang, ba chung trà, ba chung rượu và Phúc lộc đình. Sau 3 giờ tụng niệm, dâng ba tuần trà,ba tuần rượu, tẩy uế Phúc lộc đình, vị đạo sĩ hành lễ nghi bắc cầu. Hai người lớn tuổi thắp bảy ngọn đèn trên cầy Phúc lộc đình. Mỗi người đứng một bên cầu thỉnh Phúc lộc đình vào trong điện thờ chính một cách cẩn trọng, không cho ngọn đèn nào bị tắt 1. Việc rước Phúc lộc đình có ý nghĩa rước phúc lộc đến với trăm họ. Sau khi Phúc lộc đình đi qua, hai người đi sau từ từ cuốn cầu lại. Lúc này, người tham dự tranh nhau bông tươi rắc trên với ý niệm hưởng lộc Bà. Phúc lộc đình và vải cầu cuốn đặt trên điện thờ Tổ (đúng một tháng sau mới mở ra, lúc đó gạo và bông được phong vào những bao giấy đỏ để bá tánh đến thỉnh lộc) . Người thỉnh đem trộn với gạo ở nhà nấu cơm ăn, bông thì pha cùng trà uống với quan niệm như thế sẽ được phúc của Bà Từ 2 giờ sáng ngày thứ tư, bắt đầu khai lễ cúng thí, xô giàn. Một bàn hương án bày trước đàn chay. Trên có hai đài cắm đèn cầy, một bình bông, ba chung trà, ba chung rượu, một dĩa gạo, một dĩa muối, một dĩa tàu hũ ki. Đặc biệt, có ba tháp đồ chay được làm bằng cải xanh, bánh bao chay và xôi nếp trắng 2. Trên đầu mỗi tháp có ba vòng tròn nhỏ dần lên (tượng trưng cho Tam thế Phật giáo) và Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng). Trên đỉnh mỗi tháp có hình tượng bàn tay Phật bắt ấn. Chọn giờ tốt, vị pháp sư (mặc áo choàng màu vàng, đội mão Địa Tạng) thượng đàn tụng kinh cầu. Pháp sư vừa tụng vừa múa hai tay bắt ấn, sau đó rung chuông (thức tỉnh các cô hồn tề tựu về dự chay siêu thoát), tung giấy mã trong tiếng chuông, trống, chập chõa... tấu lên. Sau ba tuần trà, ba tuần rượu, pháp sư ra ngoài cổng cúng thí. Giữa cây phương và Ông Tiêu bày đầy giấy mã và 3.600 bộ giấy áo (gấp mười lần ở bến sông phóng sanh) 1 Trên có nhiều đèn cầy, bạch lạp, hoa tạo nên một cảnh huyền ảo giữa lúc trời chưa sáng hẳn. Chung quanh bày nhiều tháp đồ chay do các gia đình đem tới cúng thí. Khi bãi giấy mã được khai hỏa cũng là lúc nghi xô giàn bắt đầu. Vị pháp sư vừa tụng kinh, làm phép đốt 3.600 bộ giấy áo. Người ta lần lượt đem hình nộm Ông TiêuPhán Quan và các hình nhân khác ra đốt. Cây phướng được hạ xuống và đưa 52 chiếc đèn lồng ra đốt. Pháp sư quăng tháp bánh bao ra ngoài thí cô hồn, (hai tháp rau cải và xôi nếp tượng trưng choPhật được giữ lại trả cho miếu). Nghi xô giàn cuốn hút nhiều người tham gia, họ tranh nhau những đồ cúng thí, mảnh vỡ từ hình nộm Ông Tiêu, đèn lồng, tháp bánh trong cảnh náo nhiệt, vui nhộn. Trở vào miếu, pháp sư vừa tụng kinh kết thúc lễ cầu siêu. Những đồ vật dùng trong lễ như: Kim phong bảng, tranh, ảnh, liễn trang trí được đặt lên vị sứ giả cuỡi ngựa bằng giấy màu đỏ2 đem ra sân khai hỏa. Buổi sáng, bắt đầu cúng nhả mặn. Trong miếu sọan sẵn những mâm cúng mặn gồm: một con dê đực làm thịt để sống cúng trước bàn thờ Quan Đế 1, một con heo làm thịt để sống cúng trước bàn thờ Tổ và một con heo quay đỏ cúng trước bàn thờ Bà Thiên Hậu. Trên các bàn thờ còn có gà luộc và các loại trái cây, nhang đèn. Trên bàn thờ chính nơi thờ Tổ đặt Phúc lộc đình, cây đèn dầu thất tinh (bảy ngọn), hai đài nến, bông, nhang trường và chò trái cây. Năm vị thầy cúng tụng kinh, gõ nhạc khí phụ họa lời cúng tạ ơn Bà và các thần thánh. Sau đó, đòan hành lễ rước đến đàn chay khai lễ thỉnh an bài vị. Hình thức như ngày thỉnh sắc, đòan rước theo lộ trình đưa bài vị các vị thần an vị nơi mình được thờ trước khi về chứng lễ. Trong những đêm diễn ra lễ hội, nhiều đòan hát đến diễn những tuồng tích xưa, thu hút nhiều người xem. Trở về miếu, các thầy cúng tụng kinh kết thúc cho toàn lễ chay. * Lễ hội Bà Thiên Hậu (phường Bửu Long), có tính đặc trưng cho tín ngưỡng thờ Thiên Hậu của cộng đồng người Hoa ở Biên Hòa. Đây là lễ hội Bà có quy mô lớn nhất ở Đồng Nai và thu hút nhiều người dân tham dự. Những nghi thức lễ cho thấy có sự dung hợp của Đạo giáo, Nho giáo và Phật giáo; trong đó vai trò của Đạo giáo chủ đạo với lực lượng đạo sĩ hành lễ. Nghi lễ của Đạo giáo được dùng trong lễ cầu an, cầu phúc; nghi lễ cầu siêu, cúng thí cô hồn thì lại mang tính chất Phật giáo. Tính dung hợp nhiều lễ nghi trong hội lễ miếu Bà Thiên Hậu là một hiện tượng khá độc đáo. *** III Lễ vía Bà Quan Âm 1. Đối tượng thờ cúng: Nguyên ủy, trong hệ thống thần linh thờ phụng của Phật giáo, Quan Âm được xem là “Vị thần linh nhìn xuống” chúng sinh với lòng từ bi, là một trong những vị Bồ Tát quen thuộc tông phái Đại thừa. Ngài là vị Bồ Tát tùy tùng của Phật A Di Đà ở thế giới cực lạc Tây phương, được mọi người tôn kính như là biểu hiện của sự từ bi, nhẫn nhục, cứu độ con người. Đối với cộng đồng người Hoa, vị Quan Âm đã được dân gian hóa thành vị nữ thần phù hộ cho những ai cầu khẩn đến người, hay nghe tiếng kêu của chúng sanh. Đối với cộng đồng người Hoa đến Đồng Nai từ giai đoạn 1954 trở về trước, thì Quan Âm được tùng tự trong các cơ sở tín ngưỡng. Đối tượng Quan Âm được thờ trong các cơ sở tín ngưỡng này không giữ vai trò chủ đạo nên vị trí bài thờ cũng không chiếm vị trí quan trọng. Đối với cộng đồng người Hoa đến Đồng Nai từ năm 1954 trở về sau thì Quan Âm là đối tượng thờ chính trong các cơ sở tín ngưỡng. Các cơ sở tín ngưỡng này có quy mô kiến trúc khá bề thế, tính cộng đồng cao. Tên gọi đầy đủ của cơ sở là ”Quan Âm Hộ Quốc Miếu“, người dân hay gọi tắt là chùa / miếu Quan Âm. Đối tượng Quan Âm được bài trí chiếm vai trò trung tâm của cơ sở. Ngoài địa bàn huyện Vĩnh Cửu, các cơ sở tín ngưỡng dạng này có mặt hầu hết các địa bàn huyện, thành phố ở Đồng Nai. ( tham khảo thêm phần chương II ). Một điểm chung trong các cơ sở tín ngưỡng người Hoa ở Đồng Nai là tượng thờ Quan Âm được bài trí trong nội điện thường ở tư thế tọa trên đài sen, đầu đội mão, toàn thân phủ áo trắng, thêu nhiều kim tuyến. Riêng ở trước các cơ sở Quan Âm Hộ Quốc Miếu thì có hồ phóng sanh, trên đó có tượng Quan Âm Nam Hải đứng trên đài sen, hay chiếc thuyền lướt sóng hoặc con rồng dâng dạ kim châu, hai bên có Thiện Tài Long Nữ và Huê Ngạn Hành Giả cung chầu. 2. Những lễ cúng Quan Âm Tại các cơ sở tín ngưỡng thờ Quan Âm của người Hoa, hằng năm có rất nhiều lễ cúng vía. Đối tượng Quan Âm có các ngày cúng (có tính chu kỳ) như sau: vía ngày sanh vào ngày 18 và 19 tháng 2; vía ngày nhập đạo vào ngày 18 và 19 tháng 6; vía ngày đắc đạo ngày 18 và 19 tháng 9. Ngoài ra, nhiều nơi tổ chức cúng ngày kỷ niệm khánh thành cơ sở tín ngưỡng với mục đích cúng Quan Âm và Cầu an. Thời gian tính theo âm lịch. Ở các cơ sở tín ngưỡng mà Quan Âm được phối thờ thì không có tổ chức lễ lớn. Những ngày cúng lớn tại cơ sở thì bàn thờ Quan Âm cũng thực hiện nghi lễ dâng vật cúng ( hầu hết là trái cây, bông hoa- đồ chay), dâng nhang. Riêng ở các cơ sở tín ngưỡng mà Quan Âm là đối tượng thờ chính thì tổ chức lễ rất trang trọng, thời gian trong hai ngày, thu hút nhiều người trong và ngoài địa phương đến tham dự. Ban Quản lý (còn gọi là Ban Quản trị ) cơ sở tín ngưỡng đảm nhận mọi công tác tổ chức cho lễ cúng. Cũng cần nói thêm là Ban Quản lý có những thành viên được cộng đồng người Hoa tại địa phương bầu, giữ trong trách trong nhiệm kỳ cụ thể. 3. Lễ vía ngày sanh Quan Âm Đây là lễ chính tại các miếu Quan Âm của cộng đồng người Hoa. Thời gian lễ trong hai ngày 18 và 19 tháng 2 âm lịch. Tùy thuộc vào từng cơ sở tín ngưỡng mà điểm khởi đầu cho buổi cúng khác nhau. Nhưng có điểm chung là giờ cúng thường vào buổi tối (miếu Quan Âm / Bảo Bình, huyện Xuân Lộc bắt đầu từ 18 đến 20 giờ; miếu Quan Âm / Bình Lộc, huyện Long Khánh bắt đầu từ 22 đến 24 giờ...). Những công tác chuẩn bị cho lễ cúng được Ban Quản lý cơ sở lo chu tất từ những ngày trước: dọn dẹp, bài trí, lễ vật cúng, tiếp nhận đăng ký cầu an của các gia chủ... Lễ vật trong các buổi lễ cúng Quan Âm có các đồ mặn và cả đồ chay. Bởi lẽ, trong cơ sở tín ngưỡng có phối thờ Quan Thánh, Án Thủ công công và một số được cho là tướng quân của lệnh Bà. Lễ vật đồ mặc thường là gà, vịt, heo; lễ vật chay gồm trái cây, các loại bánh , món chế biến từ thực vật. Bài trí các món theo quy định: bàn thờ Quan Âm đồ chay, các bàn thờ khác là đồ mặn. Ngày thứ nhất (ngày 18 / 2)bắt đầu lễ vào buổi tối. Các thầy cúng gồm nhiều người (tùy theo mỗi cơ sở tín ngưỡng mời mà số lượng thầy cúng khác nhau; thông thường mỗi lễ có ít nhất là 3 người trở lên) tựu trung trước bàn thờ Quan Âm đọc sớ trình xin lễ và đọc kinh cầu an. Kinh cầu an ban đầu đọc trình xin cho cộng đồng xong mới đọc kinh cầu an cho những gia chủ có đăng ký với Ban Quản lý. Nội dung kinh cầu an cho cộng đồng có tính chất chung chung như mưa gió thuận hòa, quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi, làng xóm yên lành, không xảy ra dịch bệnh..., riêng các gia chủ thì theo nội dung yêu cầu cụ thể như sinh con như ý, buôn bán thạnh lợi, phúc đức lâm gia, thọ an bất bệnh..... Thời gian đọc kinh kéo dài hàng mấy tiếng đồng hồ. Sau khi tiến hành nghi thức đọc kinh xong, các thầy cúng và Ban Quản lý tổ chức đốt các sớ trình, xin cầu trong các “ tụ bảo lư “ được đặt trong cơ sở tín ngưỡng. Việc thực hiện các nghi thức đốt sớ thể hiện ý niệm Quan Âm đã được nghe và chấp nhận những sớ trình, lời kinh trước tấm lòng thành kính của thầy cúng, của các gia chủ. Sau phần cúng chay, đọc kinh cầu an là thời gian lễ cúng cho các tướng quân, nhân thần phối thờ với Quan Âm. Lễ vật cúng mặn và được luộc chín. Lễ cúng này cũng được các thầy cúng đọc kinh với lòng mong muốn sự chứng giám và giúp đỡ của lực lượng này trong công việc chung đã thỉnh an Quan Âm trước đó. Cũng tùy thuộc vào từng địa điểm mà thời gian kết thúc sớm hay trễ. Thông thường, các lễ cúng trong đêm đầu kéo dài đến hoặc không quá giờ Tý (tức 12 giờ đêm). Ngày thứ hai (ngày 19 / 2), lễ cúng bắt đầu vào buổi sáng. Thời gian từ 8 giờ. Đây là thời gian dành cho mọi người trong cộng đồng có nhu cầu, thể hiện lòng thành với Quan Âm đến dâng lễ vật, cầu khấn, cúng dường. Từ 10 giờ trở đi, Ban Quản lý cơ sở tín ngưỡng tiến hành những nghi hội đấu giá phúc pháo và thánh đăng hoặc thỉnh phước đăng. Phúc pháo hiểu theo nghĩa nôm na là pháo đem đến những điều phước. Nguyên thủy, phúc pháo không bán mà tại lễ Quan Âm được bắn lên không trung (pháo có tiếng nổ) và bay đi. Trong phúc pháo có ghi những nội dung cầu chúc những điều tốt đẹp trong cuộc sống cho con người, cho làng xóm. Phúc pháo bay đi và tự rơi xuống, nhiều người trong lễ hội canh chừng khi phúc pháo được bắn lên, chạy theo, đón lấy tranh giành khi phúc pháo rơi. Ai nhặt, tranh được phúc pháo đem về nhà treo thờ thì xem như đón được cái phúc vào bản thân, gia đình hay cho làng xóm mình. Hiện nay, phúc pháo được đem đấu giá. Về thánh đăng (lồng đèn), trên ghi những điều tốt, được trưng trong các lễ cúng Quan Âm. Người Hoa quan niệm đó là những thánh đăng có được sự linh nghiệm, báo ứng do Quan Âm truyền vào. Những thánh đăng sẽ được đem đấu giá, ai trả giá cao thì được bán. Người Hoa hoặc bất kỳ ai tham dự tùy thuộc vào ý muốn, sở cầu của mình mà đấu giá theo từng lời chúc được ghi trên thánh đăng. Trong các thánh đăng, quan trong nhất là Liên Hoa bảo đăng. Đây là lồng đèn lớn nhất trong các loại thánh đăng. Mỗi dịp cúng lễ chỉ có một Liên Hoa bảo đăng. Gía cả đấu của Liên Hoa bảo đăng khá cao. Phước đăng là dạng lồng đèn nhỏ. Loại đèn lồng này được Ban Quản lý mua về treo trong dịp lễ cúng, ai có nhu cầu thì thỉnh sau khi đóng góp một số tiền theo quy định. Tuy vậy, cũng tùy theo mỗi dịp lễ, địa phương mà giá cả đấu các phúc pháo, thánh đăng hoặc phước đăng được Ban Quan lý định giá phù hợp và mọi người có thể đấu, thỉnh. Tùy thuộc vào từng cơ sở tín ngưỡng mà số phúc pháo, thánh đăng có số lượng nhiều hay ít để đấu, thường thì không quá con số 12; số lượng mỗi năm cũng không thống nhất. Ở miếu Quan Âm xã Bình Lộc huyện Long Khánh trong mỗi dịp lễ tổ chức đấu 1 Liên Hoa bảo đăng, 12 phúc pháo, 12 thánh đăng; miếu Quan Âm Lò Than, huyện Long Khánh tổ chức đấu 1 Liên Hoa bảo đăng, 10 phúc pháo, 10 thánh đăng. Cũng có nơi không dùng phúc pháo mà dùng Kim thân Phật Bà (hình Quan Âm tranh kiếng). Ý nghĩa không khác phúc pháo. Cũng tùy thuộc vào mỗi cơ sở mà thứ tự đấu các loại này theo trình tự khác nhau hoặc xen kẻ. + Đấu Liên Hoa bảo đăng: Ban Quản lý giới thiệu về Liên Hoa bảo đăng, nêu lên lịch sử của nó cũng như những lần đấu giá trước, những chủ nhân đã đạt được những sở cầu qua những lần thắng đấu, giữ bảo đăng...Song cũng có nơi không cần giới thiệu, chỉ nêu lên danh đăng, giá cả ban đầu để mọi người tham gia. Trong những người tham dự, ai có nhu cầu và điều kiện tài chánh thì đấu. Có những Liên Hoa bảo đăng được đấu với giá cao, chủ nhân sau đó nhận và đóng tiền. Cũng có trường hợp đấu thắng nhưng sau này không đến nhận, hoặc nhận nhưng cho thiếu một phần kinh phí. + Đấu phúc pháo, thánh đăng: Tên gọi của những phúc pháo, thánh đăng rất đa dạng. Có nơi đặt tên cho các loại này theo thứ tự như: đệ nhất phúc pháo, đệ nhất thánh đăng...cứ thế cho đến cái cuối cùng. Hoặc cũng có nơi đặt tên cho các loại này theo các thành ngữ có tên số thứ tự gắn với nội dung những điều lợi, phúc, vinh, danh. Sau đây là một số tên gọi của phúc pháo, thánh đăng nhiều ý nghĩa: * Tên gọi cái thứ nhất: + Nhất bổn vạn lợi ( một đồng vốn thu hàng vạn đồng lời). + Nhất lộ thuận phong ( thuận buồm xuôi gió ). + Nhất định thành công ( làm thì thành công ). * Tên gọi cái thứ hai: + Song hỷ lâm môn ( Niềm vui cứ tiếp vào nhà ) + Tài phước thịnh vượng ( Nhiều phúc, giàu có ). * Tên gọi cái thứ ba: + Tam nguyên cập đệ (đỗ đạt cao trong thi cử ). * Tên gọi cái thứ tư: + Tứ quý phong thu (bốn mùa bội thu - cầu mùa màng). + Tứ quý bình an ( bốn mùa đều yên ổn ). + Tứ quý hưng long (buôn bán bốn mùa phát đạt ). * Tên gọi cái thứ năm: + Ngũ phúc lâm môn (năm cái phúc vào nhà ). * Tên gọi cái thứ sáu: + Lộc mã phù trì ( sáu ngựa giúp sức ). + Lục tục thuận cảnh (may mắn tiếp may mắn ). * Tên gọi cái thứ bảy: + Thất tinh cao chiếu ( bảy ngôi sao chiếu sáng). * Tên gọi cái thứ tám: + Bát tiên tề chúc ( tám vị tiên cùng chúc phúc ). + Bát diện oai phong (tám mặt oai phong). * Tên gọi cái thứ chín: + Cửu tử đăng khoa (đông - “chín” người con đều đỗ đạt). + Cửu long hiến thoại (chín rồng dâng châu ). * Tên gọi cái thứ mười: + Thập toàn thập mỹ ( tất cả đều đẹp / vạn sự như ý). Khi đấu, Ban tổ chức đọc câu thành ngữ có ý nghĩa tương ứng với số thứ tự của phúc pháo, thánh đăng. Nếu cá nhân nào thấy phù hợp với ước vọng sở cầu của mình thì bỏ tiền ra đấu giá. + Thỉnh phước đăng, Kim thân Phật Bà: Phước đăng, Kim thân Phật Bà thường không tổ chức đấu giá mà được những người có nhu cầu đăng ký thỉnh với số tiền tự nguyện nộp vào quỹ từ thiện cho cơ sở tín ngưỡng. Miếu Quan Đế (xã Sông Thao, huyện Thống Nhất) dịp vía ngày sanh Quan Âm, tổ chức thỉnh đèn với số lượng từ 9 đến 20 cái (tùy từng năm). Trong thời gian đấu giá các loại phúc pháo, hoa đăng, thánh đăng diễn ra sôi nổi, náo nhiệt. Gía từng loại đấu được nhiều người tham gia cứ tăng lên đến mức trần, hoặc không ai đấu nữa thì Ban Quản lý công bố chủ nhân thắng cuộc. Đây là thời gian lễ hội cuốn hút nhiều người tham gia, tham dự. Sau nghi thức đấu phúc pháo, hoa đăng, thánh đăng, thỉnh đèn những người tham dự lễ được dự tiệc liên hoan tại ngay cơ sở tín ngưỡng với ý niệm được hưởng lộc của Quan Âm. 4. Lễ cúng Phật Bà Quan Âm nhập đạo, đắc đạo Những tư liệu về khoảng thời gian định vị này liên quan đến sự kiện nhập đạo, đắc đạo của Quan Âm qua khảo sát cho thấy, không có người Hoa nào giải thích tường tận. Họ cho rằng, việc bảo lưu, duy trì các ngày cúng vía này theo sự truyền lại của những người đi trước. Cho đến nay, cộng đồng người Hoa tổ chức hai lễ cúng này trong thời gian: ngày 18 hoặc ngày 19 của tháng 6 và 9, tính theo âm lịch. Hình thức, quy mô của hai lễ cúng này giống nhau. Cách bài trí trong ngày lễ cúng cũng đơn giản. Bàn thờ của Quan Âm với các đối tượng tùng tự được bày trái cây, hoa quả. Bàn thờ Quan Âm có lễ vật chay, các bàn thờ khác cùng đồ mặn. Tất cả được thắp đèn, nhang liên tục trong thời gian cúng. Ban Quản lý dâng trình lễ vật cúng và trình bày lòng biết ơn đến đức Quan Âm. Trong các lễ vía cúng nầy không có lực lượng thầy cúng. Sau đó, những cá nhân trong cộng đồng có nhu cầu có thể tự đem lễ vật đến vía, cầu an. Mục đích lễ cúng này là tỏ lòng biết ơn Quan Âm khi thực thi nhập và đắc đạo để sự hy sinh, cứu độ chúng sinh. Qua đó, thể hiện tấm lòng tôn kính của cá nhân, cộng đồng người Hoa đối với Quan Âm. Đồng thời, qua cúng vía trong các ngày này, người Hoa cầu an cho gia bản thân, gia đình, dòng tộc hay cho cộng đồng theo lời trình cầu của mình. 5. Lễ kỷ niệm ngày khánh thành cơ sở tín ngưỡng Quan Âm Mỗi cơ sở tín ngưỡng của người Hoa thường tổ chức ngày lễ cúng kỷ niệm ngày khánh thành cơ sở. Những miếu Quan Âm qua khảo sát cho thấy, hình thức tổ chức khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm, tình hình kinh tế, quản lý tại chỗ. Nếu tổ chức cúng thì đối tượng chính vẫn là Quan Âm, mục đích chính vẫn là cầu an. Trong phần mục này, chúng tôi nêu lên lễ hội tại miếu Quan Âm xã Láng Minh, huyện Xuân Lộc. Tại cơ sở tín ngưỡng này, lễ cúng trong ngày kỷ niệm khánh thành cơ sở vào ngày 8 và ngày 9 tháng 2 (âm lịch ) là lễ chính, lớn nhất trong năm. Những nghi thức lễ hội tại cơ sở này giống các lễ vía ngày sanh Quan Âm tại các miếu khác: có đấu giá, cung thỉnh các loại phúc pháo, thánh đăng. Lễ vật cúng gồm: 1 con heo quay, 1 con gà, thịt heo (đồ cúng chín), trái cây, bông hoa được bày trên các bàn thờ của miếu. Trước bàn thờ Bà chỉ bày cúng trái cây (đồ chay), các bàn thờ còn lại bày cúng đồ mặn. Đêm của ngày thứ nhất (tức ngày 8 tháng 2) lễ cúng bắt đầu vào lúc 20 giờ. Các thầy cúng thực hiện các nghi thức trình sớ cho Quan Âm và đọc kinh cầu an cho cộng đồng, gia chủ đã đăng ký. Ngày thứ hai (tức ngày 9 tháng 2), lễ cúng bắt đầu vào lúc 8 giờ đến 10 giờ. Ban Quản lý tổ chức lễ mộc dục (tắm và thay áo cho tượng Quan Âm). Sau đó, những ai đến tham dự lễ lần lượt vào thắp nhang, cúng bái, cầu khấn Quan Âm. Từ 10 giờ bắt đầu vào hội đấu phúc pháo và hoa đăng (gồm Liên hoa bảo đăng, thánh đăng và phúc đăng). Theo quan niệm của cộng đồng người Hoa tại địa phương thì: + 1 Liên hoa bảo đăng: đèn của Phật Bà Quan Âm. + 10 phúc pháo: tượng trưng cho 10 vị tướng của Quan Thế Âm Bồ tát. + 12 thánh đăng. + 12 phúc đăng: chỉ tổ chức thỉnh chứ không đấu giá. * Đấu giá Liên hoa bảo đăng, một người trong Ban Quản lý cơ sở sẽ giới thiệu về chúng bằng hai ngôn ngữ Hoa - Việt. Nội dung như sau: “Ngã cẩn hướng các vị giới thiệu Quan Âm nương nương chi Liên hoa Bảo đăng hệ xuất y thiên hoa liên tọa chi thượng, Thánh hiện các bảo kim đài trung, quang vọng vạn trượng triều diệu thiên cổ, quang thải diệu mục, phổ chiếu y nhân gian, xử cửu khúc chi ba lăng, vĩnh lưu chi phước hải, thời giáng cát tường, âm tý phúc đức chi gia, cố bất quý danh vi liên hoa bảo đăng tức tuyết liên đăng. Truyền thuyết hệ Quan Âm nương nương tọa tuyết liên, nhi tọa hóa thành đạo dư Nam Hải chi trúc lâm trung, ký quảng tuyết liên hoa hệ hy hư thế chi bảo kỳ xuất mụt hư miễu linh thánh, phàm nhân thực đắc nan kiến, cố liên hoa bảo đăng, kỳ linh thánh bảo quý khả tri. Cẩn thỉnh các vị quý tân tiêu đầu Liên hoa bảo đăng, đặc biệt dụng tâm, đặc biệt lưu ý”. Lời dịch: “Tôi xin giới thiệu cùng quí vị đại biểu Liên hoa bảo đăng của Quan Âm Bồ tát, soi sáng ngàn năm, muôn dặm sáng ngời, chiếu sáng cả mắt, chiếu sáng khắp thế gian, thời giáng cát tường. Liên hoa bảo đăng danh trên hư không tức là Tuyết liên đăng, truyền thuyết Quan Âm Bồ tát ngồi trên cao Tuyết liên hóa thành đạo, vật này xuất hiện linh thánh, phàm người nhân gian khó thấy được. Vậy nên biết Liên hoa bảo đăng linh thánh bảo quý. Kính mong quý vị đặc biệt lưu ý để thỉnh cho được Liên hoa bảo đăng này”. (lời của ông Hồng Xín Pẩu). * Đấu phúc pháo: (10 phúc pháo ) 10 phúc pháo được đặt tên theo số thứ tự. Khi đấu, Ban Quản lý đọc một câu thành ngữ tiêu biểu cho mỗi phúc pháo để bá tánh thấy phù hợp với việc cầu xin của mình thì tham gia đấu giá đem phúc pháo về thờ. Dưới đây là những nội dung được đặt phổ biến cho từng số thứ tự của phúc pháo khi tiến hành đấu giá: - Phúc pháo số 1: Nhất phàm phong thuận / Bảo hữu đắc chủ / Tứ quý hưng long / Nhất bổn vạn lợi / Nhất kỷ thành danh / Vạn phước tập nhất môn / Phước lộc tự thiên giáng. - Phúc pháo số 2: Song hỷ lâm môn / Tứ quý bảo hữu đắc chủ / Bình an phát tài / Danh lợi song thu / Nhân tài lưỡng thắng. - Phúc pháo số 3: Tam đài củng chiếu / Tứ quý bảo hữu đắc chủ / Phú quý trường thọ / Quyền oai tam chúc / Chính phụng nhân ứng thụy. - Phúc pháo số 4: Tứ quý bảo hữu đắc chủ / Tứ quý hưng long / Tứ hải dương danh / Tứ phương bát diện / Quý nhơn trùngphùng / Tài lợi tứ phương. - Phúc pháo số 5: Ngũ phước lâm môn / Tứ quý vĩnh bảo đắc chủ / Thêm đinh phát tài / Thêm hỷ, thêm phúc, thêm thọ / Ngữ phước tề lai. - Phúc pháo số 6: Lộc mã phù trì / Lục tục thuận cảnh / Tứ quý bảo hữu đắc chủ / Hồng đồ tài triển / Tài lợi nhật long / Hỷ sự trùng trùng / Lục tục đáo lai. - Phúc pháo số 7: Thất tinh phổ chiếu / Tứ quý bảo hữu đắc chủ / Sự nghiệp xương thuận / Hữu như thất tinh bán guyệt / Quan vọng vạn lý / Bình an phát tài / Tài nguyên cổn cổn nhi nhi. - Phúc pháo số 8: Bát diện oai phong / Tứ tự cát khánh / Bát phong tài phú / Tường thụy doanh môn / Khai xuất thái vân / Tài triển hồng đồ. - Phúc pháo số 9: Cửu thiên giáng phúc / Bảo hữu đắc chủ / Trường trường cửu cửu / Bách sự dị thuận / Tâm tưởng sự thành. - Phúc pháo số 10: Thập toàn thập mỹ / Phú quý vinh hoa / Tứ quý bảo hữu đắc chủ / Thập túc tề toàn. * Đấu thánh đăng: (12 cái ) Thánh đăng là đèn lồng bát giác, xung quanh có vẽ cảnh trang trí và ghép những câu thành ngữ có ý nghĩa ứng với mỗi số thứ tự của đèn. Những nội dung thành ngữ được đặt cho các thánh đăng: - Đèn số 1: Nhất phàm phong thuận - Đèn số 2: Đình tài lưỡng thắng - Đèn số 3: Phước lộc thọ toàn - Đèn số 4: Tứ quý hưng long - Đèn số 5: Ngũ phước lâm môn - Đèn số 6: Lộc mã phò trì - Đèn số 7: Thất tinh báo hỷ - Đèn số 8: Bát tiên khánh hạ - Đèn số 9: Cửu như hiến thụy - Đèn số 10: Thập túc thu thành - Đèn số 11: Bộ bộ cao tăng - Đèn số 12: Chư niên thuận cảnh. Liên hoa bảo đăng và thánh đăng đấu giá xong, gia chủ có thể đem về nhà hoặc để lại thờ tại Miếu để lấy phước. Còn phúc pháo thì luôn luôn được gia chủ đưa về thờ tại nhà. Về phúc đăng, Ban Quản lý trình sẵn trong lễ Quan Âm, ai có nhu cầu thì bỏ ra một số tiền, theo quy định của miếu mà thỉnh về thờ. Sau khi lễ hội đấu giá phúc pháo và thánh đăng kết thúc, những người tham dự lễ hội dự tiệc liên hoan thọ lộc của Quan Âm và kết thúc lễ cúng. Ngày 11 tháng 2 (âl) Ban Quản lý cơ sở đem xe chở các phúc pháo, đèn thánh, đèn phước tới nhà các gia chủ đã đấu được. Tới ngày 2 tháng 2 (âl) năm sau, Ban Quản lý cơ sở Quan Âm sẽ đến từng nhà trúng đấu thầu năm trước thỉnh các phúc pháo về miếu cho sửa sang lại để chuẩn bị cho lễ hội đấu giá tiếp tục. *** Trong các cơ sở tín ngưỡng mà Quan Âm là đối tượng thờ chính, chu kỳ trong một năm có ba lễ cúng vía chính vào các ngày liên quan đến đối tượng như: ngày sanh, nhập đạo, đắc đạo. Lễ lớn nhất là lễ vào ngày vía sanh (tức ngày 18, 19 tháng 2). Lễ thường được tổ chức trong hai ngày. Đêm của ngày thứ nhất dành mục đích Cầu an cho cộng đồng, những nghi thức Cầu an do lực lượng thầy cúng đảm nhiệm. Ngày thứ hai là ngày vía Quan Âm dành cho mọi người. Tính chất hội trong ngày thứ hai thể hiện rõ nét. Đó là các hội từ việc đấu giá, thỉnh các loại Liên Hoa, phúc pháo, thánh đăng, phước đăng. Có trường hợp ngoại lệ là miếu Quan Âm tại xã Láng Minh, huyện Xuân Lộc: lễ Quan Âm lớn nhất được tổ chức vào ngày kỷ niệm khánh thành cơ sở. Đây là cơ cở tín ngưỡng chung của cộng đồng các dân tộc như Hoa, Tày, Nùng, Mán... Tại các cơ sở tín ngưỡng mà đối tượng Quan Âm được phối thờ thì các ngày lễ liên quan đến đối tượng được tổ chức đơn giản. Nhưng dù ở cơ sở nào, chúng có điểm chung là bàn thờ Quan Âm bao giờ cũng được cúng chay (trái cây và hoa quả). Hầu hết những lễ cúng lớn tại các miếu thờ Quan Âm của cộng đồng người Hoa đều có tục đấu giá phúc pháo và hoa đăng. Những hành thức trong việc đấu giá thể hiện quan niệm của cộng đồng người Hoa đối với sự phù trợ của thần linh được tôn thờ, đồng thời là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo giàu tố chất văn hóa Trung Hoa trong lễ hội. Kinh phí từ nguồn thu qua việc đấu giá được Ban Quản lý chi dùng trong việc tổ chức, trùng tu cơ sở đồng thời đóng góp tích cực một phần quan trọng trong công tác từ thiện, quỹ phúc lợi xã hội tại địa phương như: xã hội hóa giao thông, giáo dục (đặc biệt các trường Hoa ngữ). Đây là lễ hội tiêu biểu của cộng đồng người Hoa (đến Đồng Nai từ sau năm 1954) trong tín ngưỡng thờ Quan Âm ở Đồng Nai. Lễ hội góp phần tích cực vào việc bảo tồn giá trị vật chất và tinh thần cho văn hóa cộng đồng người Hoa, làm phong phú đa dạng sắc thái văn hóa Đồng Nai trong tính đa dạng, thống nhất. ***
IV. Lễ Tả Tài Phán 1. Mục đích và ý nghĩa lễ hội Đây là lễ hội của cộng đồng người Hoa đến Đồng Nai sinh sống từ sau năm 1954. Tên gọi Lễ Tả Tài Phán cho đến nay chưa thể dịch sát nghĩa qua tiếng Việt, nôm na có thể hiểu là Lễ Đại Phan. Lễ hội này có tính chất cầu an và có nghi thức tấn phong (lên chức) của thầy cúng ở các bậc Tài Phán Xí. Những khu vực tập trung người Hoa cư trú thường có một miếu thờ Thổ Thần hay Quan Âm. Đây là cơ sở tín ngưỡng có tính cộng đồng quy mô, kiến trúc lớn của người Hoa. Về miếu Quan Âm thường được đặt biển đề là “Quan Âm Hộ Quốc miếu”, người dân hay gọi tắt là Miếu Quan Âm. Khi khởi dựng Miếu Quan Âm đều có một thủ tục là làm lễ Rước chân nhang. Một trong hai địa điểm để đến rước chân nhang là Miếu Quan Âm tại vùng Sông Mao, tỉnh Bình Thuận hoặc Miếu Quan Âm ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Như một quy định bất thành văn, nếu những cơ sở nào khi xây dựng có tổ chức rước chân nhang tại hai địa điểm trên (hoặc có điều kiện thì tổ chức rước ngoài vùng quê Quảng Ninh) thì mới được xem là trong hệ thống chính thống hội của miếu thờ Quan Âm. Điều này cho thấy các cơ sở tín ngưỡng miếu Quan Âm của người Hoa trên địa bàn Đồng Nai có một mối liên hệ khá chặt chẽ hệ thống miếu Quan Âm của nhóm cộng đồng người Hoa. Và cũng chính từ đó, những lễ hội này đều có những nghi thức quy định, hay chí ít, lúc ban đầu, cũng chịu ảnh hưởng của lực lượng thầy cúng xuất phát từ hai địa điểm trên. Mục đích của lễ hội Tả Tài Phán là cầu an, cầu siêu thể hiện qua các kinh câu do thầy cúng đảm nhiệm, thực hiện trong các nghi thức bắt buộc; thể hiện sự tấn phong cho thầy cúng và những thứ bậc cho đệ tử qua công tác tổ chức và thực hiện nghi lễ. 2. Công tác chuẩn bị cho một lễ hội Đây là lễ hội thu hút đông đảo cộng đồng người Hoa tham dự, không chỉ ở nhóm cộng đồng nơi cư trú, tổ chức lễ hội mà còn nhiều địa phương khác tham gia. Kinh phí cho việc tổ chức lễ hội này rất lớn. Nguồn kinh phí này do nhiều nguồn: một từ phía thầy cúng nhận thầu (thầy cúng trong lễ hội sẽ được phong chức Tài Phán Xí); một phần do những người dân đóng góp khi gia đình, thân tộc có hữu sự, liên quan mà phải cần cầu cúng trong dịp tổ chức lễ hội. Tùy thuộc vào sự đóng góp kinh phí của lực lượng tham gia này mà Ban tổ chức cho được dự những phần việc theo các nghi thức, quy định cụ thể. Ngoài ra, còn có những người không chủ đích trước nhưng khi đến tham dự, tham gia lễ hội mới đóng góp tiền, vật để nhờ thỉnh cầu. Tính chất đóng góp kinh phí với một cơ chế mở để ai cũng có thể tham gia, không chỉ riêng trong cộng đồng người Hoa mà cho tất cả những ai muốn tham gia, tham dự. Nguồn thu kinh phí đều tập trung cho lễ hội và do một Ban tổ chức quản lý, điều hành một cách chặt chẽ. Thời gian lễ hội không được quy định cụ thể mà nó phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố. Có những nơi khi trong vùng gặp bệnh dịch hay mất mùa, nhiều người chết... thì nhóm cộng đồng cùng cư trú đóng góp tiền để mời thầy cúng tổ chức lễ hội; cũng có nơi khi có một nguồn kinh phí tài trợ hay thầy cúng có nhu cầu thăng bậc...thì người Hoa tổ chức lễ Tả Tài Phán. Thông thường, thời gian các lễ Tả Tài Phán diễn ra vào khoảng ba tháng cuối đến ba tháng đầu của một năm. Thời gian chuẩn bị cho một lễ Tả Tài Phán rất chu đáo và thường trước đó ba tháng. Bất kỳ một cộng đồng người Hoa cư trú nào cũng có thể tổ chức lễ Tả Tài Phán khi hội đủ những yếu tố trên. Nhưng về mặt xã hội thì có những quy định bắt buộc: Ban tổ chức phải là những người đại diện cho cộng đồng nơi cư trú, mà cụ thể là các thành viên trong Ban Quản trị miếu Quan Âm, miếu Thần tại địa phương. Chính những người này mới có tư cách pháp nhân để xin phép các cấp quản lý Nhà nước theo luật định. Về mặt quản lý Nhà nước, một lễ hội như lễ Tả Tài Phán với quy mô, kéo dài nhiều ngày thì chỉ được tổ chức khi có giấy chấp thuận của các cấp, ngành liên quan. Trên điạ bàn Đồng Nai, thường là ba năm trở lên hoặc có thể nhiều hơn nữa, vì còn tùy thuộc nhiều yếu tố mỗi vùng người Hoa sinh sống mới tỗ chức lễ Tả Tài Phán . Những công tác cho việc tổ chức lễ Tả Tài Phán rất chu đáo và cần có nhiều thời gian. Khi hội đủ những yếu tố cho việc tổ chức lễ Tả Tài Phán thì người Hoa thành lập một Ban tổ chức để điều hành. Người thầy cúng bậc cao nhất (Cam Tù) và người sẽ được phong là Tài Phán Xí sẽ lo khâu lực lượng thầy cúng. Cũng cần nói rõ thêm về các cấp của thấy cúng: lực lượng này có nhiều cấp bậc với những quy định cụ thể. Qua thông tin thu thập, mỗi địa phương có chia các thứ bậc như sau: + Cấp I là những người mới nhập môn, tìm một người thầy để học. Thông thường, những gia đình có người làm thầy cúng đều truyền nối nghề lại cho con trai. Những người khác thì tự tìm đến xin thầy để nhập môn. + Cấp II gọi là Tích ấn. Thầy cúng có ấn riêng nhưng chưa được khắc tên trên ấn. Cấp này chỉ được tham gia phụ cúng. + Cấp III gọi là Túc chức. Thầy cúng được khắc tên mình trên ấn. Cấp này được chủ trì các lễ cúng có quy mô nhỏ nhưcúng mừng thọ, tang ma... + Cấp IV gọi là Đô đốc. Được phong qua lễ Tài Phán Xí. + Cấp V gọi là Cam tù. Khi người thầy cấp Tài Phán Xí được mời chủ trì lễ Tả Tài Phán. Một lễ Tả Tài Phán thường cần đến một lực lượng thầy cúng từ 10 đến 20 người. Mỗi người đều được phân công phần việc cụ thể, gọi nôm na là giữ một bộ môn trong lễ. Trong lễ hội, vị thầy cúng chủ trì là Cam Tù. Mọi việc đều phải được trình qua Cam Tù và khi có ấn đóng của ông mới được thực hiện. Thầy cúng với chức danh Tài Phán Xí lo mọi việc liên quan đến bên võ. Ngoài ra, còn có sự phân công cụ thể với các chức phận như: Minh Chứng Sư, Bảo Cử Sư, Bỉnh Chân Sư, Tấu Cáo Sư, Tấu Điệp Sư, Thông Dẫn Sư, Đại Phán Sư, Gíam Độ Sư. Theo phân công đó mà mỗi thầy cúng cứ hành sự đã quy định và có trách nhiệm cao. Hầu hết những vị thầy cúng đều biết chữ Hán, có ấn, cờ lệnh, phục trang (nhiều màu sắc theo quy định cấp bậc, của giới và nhiệm vụ được giao) cùng sách cúng, kinh kệ, sớ tấu, các nhạc, khí lệnh như thanh la, trống, sáo, nhị, tù và...để thực hiện những nghi thức liên quan. Chính từ sự làm việc trách nhiệm cao và phối hợp chặt chẽ của lực lượng thầy cúng mới đảm bảo cho một lễ Tả Tài Phán thành công. 3. Cách thức tiến hành và bài trí khu vực hành lễ + Chọn khu vực để hành lễ: Do người thầy cúng và Ban tổ chức chọn. Khi đã đồng ý thì tiến hành nghi thức niêm phong niêm yết tại khu vực đã chọn. Về niêm phong thì thầy cúng tổ chức cúng nhỏ, tụng kinh đuổi tà ra khỏi ranh giới khu đất chọn, không cho chúng xâm nhập vào cho đến khi tổ chức. Về niêm yết, người thầy cúng sẽ được thụ phong trong lễ hội chọn một cây tre, trên có treo miếng vải đỏ viết những nội dung đến việc tổ chức lễ và sẽ thăng chức nhằm thông báo cho mọi người biết. Đây cũng là “thông báo” có tính chất cho mọi người biết để đến đăng ký cầu cúng trong lễ hội: nội dung cần cầu, khoản kinh phí đóng góp, địa chỉ cụ thể để cho việc cung thỉnh những nghi thức cần thiết tại nhà....Những địa điểm như miếu, suối, cung đường rước thỉnh, cầu tế quanh khu vực dân cư sinh sống diễn ra trong lễ hội cũng được chọn trước một các cụ thể. Thời gian từ khi chọn khu vực hành lễ đến tổ chức lễ khoảng ba tháng. + Bài trí trong khu vực hành lễ: Công việc này chuẩn bị chu đáo và phải hoàn tất trước một ngày khi tiến hành chính thức. Khu vực hành lễ được dọn sạch sẽ, phân định những nơi dựng các công trình phục vụ cho các nghi thức cúng, tế, cầu đăng.... Trên khu vực hành lễ có ba địa phần chính (tính từ cổng vào theo thứ tự) như sau: khu vực cổng chào, khu vực cầu thí, khu vực thờ cúng. Khu vực cổng chào gọi chung là Cổng thành (còn gọi là Ngũ Nhạc Lầu). Tùy mỗi nơi tổ chức mà thể hiện Cổng thành lớn hay nhỏ. Nhìn chung, cổng thành làm theo lối ba cửa, gồm một cửa lớn chính giữa và hai cửa nhỏ hai bên. Phía trên cửa chính thường dựng cao lên kiểu lầu từ hai đến ba tầng. Cổng thường được làm bằng tre, trang trí giấy màu rực rỡ, dán những câu chữ Hán có nội dung định danh cửa và chào mừng những người đến tham dự. Bắt đầu từ Cổng vào được xem là nội thành. Khu vực Cầu thí cách Cổng thành không xa, khoảng 10 m. Nơi đây có dựng một lều che. Bên trong có hình Sơn Đại Nhân với vóc hình cao to, nét mặt dữ tợn. Vị Sơn Đại Nhân sẽ được thỉnh cung chiêu hồn trong khu vực dân cư sinh sống và đồng thời cũng có trách nhiệm trấn giữ trong thành trong thời gian hành lễ. Hai bên tả, hữu của lều Sơn Đại Nhân là nơi dựng những cây nêu cầu thí của những gia chủ. Những cây tre chừa ngọn, trên có tâm vải đỏ dài viết nội dung cầu tế, có đèn treo được dựng cao lên. Hai hàng cây nêu hướng về phía khu thờ cúng chính là gian Chung Tổ Đường. Những mảnh vải đỏ tùy theo nội dung câu tế mà khi hành lễ được kéo nối với các gian thờ theo quy định. Nội dung cầu phúc thì nối vào Văn đàn, cầu thọ thì nối vào Võ đàn. Khu vực gian thờ chính gọi là Chung Tổ Đường. Từ Cổng thành vào Chung tổ đường khoảng từ 30 đến 33 mét theo quy định chung. Nơi đây có ba gian thờ. Mặt chính của Chung Tổ Đường nhìn ra phía Cổng thành. Ở giữa là nơi thờ tổ tiên, nơi để những bài vị, chân nhang của những người tổ chức, của các thí chủ tham dự và đăng lĩnh. Bên phải là Võ đàn, nơi để bàn thờ Ngọc Hoàng và các vị thần linh, võ tướng phối tự (có nơi cho là Võ đàn Tam Thanh: Thượng Thanh, Ngọc Thanh, Đại Thanh; hoặc là Thái Thượng Lão Quân). Bên trái là Văn đàn, bài trí thờ Tam Bảo Phật mà biểu trưng nhất là Quan Thế Âm. Phía bên trong mỗi gian thờ bài trí một bàn thờ, trang trí nhiều giấy màu sặc sỡ, long mão gắn lông công, nhiều hình ảnh liên quan đến những đối tượng cúng thờ trên. Có ba cửa chính ngang hàng, trên các cửa có nhiều câu chữ Hán ca tụng công, đức, sự hiển linh, báo đáp...của những đối tượng được thờ. Trong khu vực từ chỗ hàng nêu Cầu thí đến Chung Tổ Đường được dùng làm đàn cho các thầy cúng hành lễ liên quan ngoài trời, bàn thờ tế, nơi dựng Cây nêu lớn (gọi là Cửu Lườn Trúc), nơi tế sống vật tế (như bò, heo ) và dựng đao cầu giải, hành dẫn qua dãy than hồng...theo quy trình của lễ hội. 4. Nội dung các nghi thức chính của lễ hội Bất kỳ cho một tiến trình, nghi thức nào liên quan trong lễ hội khi thực hiện đều phải cúng trình, dâng sớ, xin quẻ và được sự chấp thuận, đóng ấn của vị chủ trì (Cam Tù). + Trước ngày khai mạc, người nhận chức Tài Phán Xí vào dịp lễ này sẽ lập đàn lên ngựa (thượng mã triều) tại gia đình. Thời gian từ 8 giờ đến 11 giờ buổi tối. Tham dự lễ cúng này có vị Cam Tù, Ban tổ chức, các môn đệ, bà con dòng họ. Đây là một lễ trọng đối với người chuẩn bị nhận chức bậc Tài Phán Xí. Lễ vật cúng gồm: heo, gà, vịt (chín), nhang đèn... Khi làm lễ cả hai vợ chồng người thầy cúng phải mặc lễ phục để cúng. Họ phải trình cúng đến chư vị thần linh, tổ tiên và chuẩn bị lực lượng “binh mã” cho một cuộc đến thành (nơi hành lễ), giữ nhận trách nhiệm quan trọng. Vào ngày thứ nhất, buổi sáng, vị Cam Tù chọn giờ tốt khai lễ. Thường vào khoảng thời gian từ 8 đến 10 giờ sáng với các hoạt động múa lân mừng lễ tại Miếu Quan Âm và khu vực hành lễ. Tại gian Chung Tổ Đường bày trang thờ làm lễ xin thánh chỉ Ngọc Hòang cho phép lập đàn chay. Các thầy cúng làm lễ rước bài vị, chân nhang nơi bàn thờ tổ tiên của những người đăng cầu. Đoàn thầy cúng chia nhiều toán nhỏ, tiến hành những nghi thức đọc kinh, xin quẻ, rước bài vị, chân nhang từ các gia chủ đến an vị trong Chung Tổ Đường. Trước khi bài vị, chân nhang an vị, đoàn thầy cúng thực hiện đi lại 3 vòng xung quanh khu vực hành lễ để kiểm tra, tiếp tục ấn pháp trai đàn. Mỗi bài vị, chân nhang được an vị phải thông qua nghi thức phát sớ, gieo keo rồi trình, đốt sớ. Buổi tối, một lễ cúng thí được thực hiện. Các đồ vật như tiền mã, gạo, muối, bánh, kẹo... được rải khắp khu lễ. Sau đó, thầy cúng làm lễ thỉnh mời các vị Tổ tiên, Sư Tổ, Phật Tổ, thần thánh chứng giám cho cuộc lễ. Ngày thứ hai tiến hành nghi dựng nêu bên Văn đàn và đăng đàn cho Tài Phán Xí. Tại hương án trước Chung Tổ Đường thỉnh lễ Thần Công Tào (người có nhiệm vụ trình tấu sớ – hình ảnh ngồi trên ngựa) lên Ngọc Hòang và Phật Tổ. Mỗi sớ trình của các bên cầu an, cầu siêu và đăng tước thầy cúng đều thực hiện nghi trình và hỏa sớ. Sau đó, các cây nêu bắt đầu dựng lên. Các thầy cúng hành lễ, khi đại diện cho bên Phật (áo cà sa, mão Phật), bên Đạo gia (áo, mão hình âm dương), bên Thánh gia (áo bào, mão bình thiên) làm lễ bên các cây nêu mà gia chủ có sở cầu. Trên các cây nêu treo cuộn vải viết lời cầu, dưới gốc bày bát nhang và lễ vật cúng Thổ địa. Thầy cúng vận phục như Tam Tạng cúng thí và tụng kinh Sám hối. Sau đó, các dây vải từ cây nêu được kéo dài tới văn đàn với ý niệm là chiếc cầu cho Thần, Phật đến dự, chứng giám. Sau khi tụng kinh xong, thầy cúng làm lễ báo hoàn nghi trước đàn của Sơn Đại Nhân. Nghi thức đăng đàn tước vị cho thầy cúng nhận chức Tài Phán Xí trước Võ đàn. Các thầy cúng làm lễ trấn đàn với hình thức vừa đi vừa đập gậy tung giấy bùa. Sau đó, trải tấm vải đen từ Võ đàn đến bàn hương án trước Chung Tổ Đường. Trên bàn hương án bày nhiều lễ vật và bằng chức sắc của Tài Phán Xí . Chúng được khiêng diễu hành 7 vòng ở khu vực hành lễ trong tiếng nghinh tấu của nhiều loại nhạc khí rồi dừng lại nơi cổng thành. Lúc này, 2 tướng quân vào quan sát lại chay đàn. Khi báo mọi việc tốt đẹp, đoàn thầy cúng và các gia chủ do pháp sư dẫn đường tiến vào Võ đàn. Trên đường vào, các pháp sư vừa đi vừa làm động tác múa trừ tà, trấn quỷ không cho chúng xâm phạm. Tiếp theo, lực lượng thầy cúng thực hiện nhiều nghi bên các gian thờ trung tâm. Mỗi nghi cúng đều thực hiện đầy đủ lễ vật, trình và hỏa sớ kết thúc. Ngày thứ ba khai nghi dựng nêu bên Võ đàn và thỉnh Sơn Đại Nhân chiêu vong hồn. Các pháp sư hành nghi thức dựng nêu bên Võ đàn giống như bên văn đàn. Bên Võ đàn các cây nêu được dựng nhiều hơn và có treo đèn dầu trên mỗi cây. Đây là những cây nêu mà gia chủ cầu cầu lợi, cầu phước, cầu tho, cầu tự...cho người sống. Những sở cầu trên vải từ cây nêu được bắt cầu đến Võ đàn. Sau đó, đòan pháp sư thỉnh rước Sơn Đại Nhân đi khắp những cung đường trong thôn xóm tổ chức lễ để chiêu vong. Mỗi nơi Sơn Đại Nhân được dừng lại thì các pháp sư làm phép, tụng niệm pháp chu thu phục oan hồn. Đòan thỉnh rước có nhiều người dân đi theo dự. Buổi chiều, thầy cúng hành lễ rước Thủy Thần và Cây nêu lớn (gọi là Cửu Lườn Trúc). Lễ rước Thủy thần tại bến sông, suối hoặc ao hồ đã được chọn trước. Nước được rước về khu hành lễ được các thầy cúng làm phép để tẩy uế, trừ tà trong các nghi cúng. Cây nêu lớn được chọn từ trước . Đó là một cây tre với tiêu chí thẳng, cao, không dây leo bám, có ngọn quay về hướng Đông. Trước khi hạ cây, thầy cúng làm phép cúng và người đóng kinh phí nhiều nhất cho lễ được khởi nhát chặt đầu tiên. Khi hạ cây phải tuân thủ theo quy tắc một cách cẩn trọng: không cho thân cây chạm đất để giữ tính thiêng. Khi rước về khu hành lễ đặt trên giàn đỡ chờ đến ngày làm phép dựng. Nơi để Cửu Lườn Trúc kiêng kỵ nhiều điều: Khi chưa dựng không ai được chạm đến, hay đi ngang qua... Bắt đầu từ đêm thư ba của lễ, những đòan ca kịch diễn tuồng, hát bội tại sân khấu trong khu hành lễ. Ngày thư tư, nhiều nghi hội lễ được thực hiện liên tục. Sau những nghi cúng cầu an, cầu phúc, hai bên Văn đàn, Võ đàn những cầu vải được cuộn lại trên mỗi cây nêu. Lễ trảm tế vật sống khai cuộc. Vật tế sinh là bò và heo được buộc chầu trên giá cây. Các pháp sư dâng sớ trình và làm phép từ dao trảm. Những thấy cúng trong vai tướng quân thực hiện nghi trảm một cách nhanh gọn. Các tướng quân tay xách đầu vật tế rải huyết trên hai hàng chén bày dọc sân lễ cùng gạo, mắm, muối, bánh...với quan niệm cho các vong hồn dự hưởng. Cây nêu lớn được khởi dựng. Vị Cam Tù và Tài Phán Xí thực hiện nghi làm phép cho Cửu Lườn Trúc. Một dải vải đỏ dài được treo từ ngọn sau đó cuộn lại buộc phía dưới gốc. Trên dải vải thưng lời cầu an, cầu siêu và đăng tước cho thầy cúng. Tại Chung Tổ Đường và bàn hương án, vị Cam Tù tiến hành thăng chức cho thầy cúng nhận chức Tài Phán Xí và các bậc thầy cúng cấp dưới. Tất cả các nghi đều trình sớ tấu, gieo quẻ xin keo và trao bằng chức. Sau nghi nhận bằng, những hành thức trong lễ hội về sau do Tài Phán Xí chính thức điều khiển. Vị Tài Phán Xí cùng các pháp sư tụng niệm kinh chú và dựng Cửu Lườn Trúc. Dải vải đỏ được các pháp sư cầm giữ đi quanh cây Cửu Lườn Trúc trong khi nhiều thầy cúng thực hiện những nghi khởi binh phá ngục đưa hồn siêu thoát. Những nghi hành lễ này thu hút nhiều người tham dự với các kiểu làm phép, động tác mang tính phép thuật, kỳ bí. Những gia chủ cầu siêu đưa bát nhang thông luồn những cửa ngục trước đàn Sơn Đại Nhân cho đến hồi từng ngục bị phá hỏa. Nghi dựng Cửu Lườn Trúc an vị theo quan niệm là một điềm lành cho các nghi cúng cầu an, cầu siêu, đăng tước. Nó chứng cho những sở cầu, chức phong của bá tánh, thầy cúng được Thần, Phật chứng giám, công nhận. Tiếp theo sau là hội đấu thánh đăng. Thánh đăng là những đèn lồng được Ban tổ chức thỉnh cho cuộc lễ. Tùy theo từng nơi tổ chức lễ mà có số lượng được quy định cụ thể. Thông thường có 10 thánh đăng được đấu giá, còn nhiều loại đăng khác chỉ thỉnh mừng. Ai có sở cầu chọm lộc thì tùy theo số tiền mà thỉnh thờ. Thời gian đấu giá thánh đăng diễn ra sôi nổi, náo nhiệt. Mỗi thánh đăng đều có những thành ngữ ứng những điều chúc tốt lành. Ví dụ như: - Thánh đăng thứ nhất: Nhất bổn vạn lợi. - Thánh đăng thứ hai: Song hỷ lâm môn. - Thánh đăng thứ ba: Tam đa đại kiết. - Thánh đăng thứ tư: Tứ quí hưng long. - Thánh đăng thứ năm: Ngũ phúc lâm môn. - Thánh đăng thứ sáu: Lục mã phú trì. - Thánh đăng thứ bảy: Thất tinh cao chiếu. - Thánh đăng thứ tám: Bát tiên chúc thọ. - Thánh đăng thứ chín: Cửu tử đăng khoa. - Thánh đăng thứ mười: Thập túc toàn diện. Mỗi thánh đăng khi được giới thiệu, người nào có sở cầu tương ý thì đấu. Người nào đấu thắng thì được thỉnh về thờ. Buổi chiều, nghi thượng đao giải oan khai lễ. Hai cây gỗ to, chắc được làm phép dựng lên song hành. Trên mội cây buộc 12 con dao tạo thành bậc thang hai đầu, đều có phần lưỡi chìa ra. Một cây buộc dao ngửa, một bên buộc dao úp tượng trưng cho âm dương hài hòa. Hai pháp sư trước khi leo lên cầm lắc lệnh và con gà sống làm phép trấn cho thượng đao. Hai pháp sư thự chiện những động tác múa vặn cổ gà cho huyết văng ra tẩy uế, đuổi tà nhập, lắc lệnh khua liên hồi với các điệu nhảy như lên đồng. Hai pháp sư rửa chân và quỳ trên thang đao thứ nhất cho vị chủ trì đóng ấn vào hai bàn chân trước khi thượng đao. Trên ngọn đao, hai pháp sư phun nước làm phép, thổi tù và tựu Thần linh, ma quỷ, tổ tiên về nghe lời kinh giải oan. Pháp sư thổi tù và trước mỗi nội dung lời kinh được đọc lên. Kinh giải oan theo thứ tự: giải người chú trời đất, chú Tổ Công Thần, giải việc không biết quí trọng hương hỏa, giải kẻ nghịch bất ân với cha, giải việc tiền công tô thuế, giải cho gia cầm lục súc, giải vợ chồng bất thuận bất hòa, giải cho huynh đệ tương tranh, giải cho cửu tộc oan gia, giải cho chúng sanh bất cập. Ngoài những kinh trên, nếu gia chủ nào có nhu cầu cân giải thì đăng dung trên sớ đỏ thượng lên cho pháp sư cầu giải. Thông thường, số gia chủ cầu giải rất nhiều. Lễ giải oan kéo dài hàng mấy giờ đồng hồ. Khi tụng kinh xong, các pháp sư hạ đao. Khi rời khỏi bậc đao nào là phải gỡ dao đó xuống cho đến bậc dao cuối cùng. Vào buổi sớm sáng ngày thứ năm (khoảng 2 giờ), bắt đầu nghi thức đi qua dãy than hồng. Dãy than hồng dài 3m, được chuẩn bị và làm phép cúng, trấn trong đêm khuya. Hai đầu dãy than hồng bày hai đàn và bàn thờ tả hữu. Tại đây, các pháp sư và tướng quân thỉnh rước bốn vị giám lễ (tượng trưng bằng bốn tranh vẽ) thỉnh thượng. Các pháp sư bưng Bài vị Tổ và những người tham gia có sở cầu , chân nhang tại Chung Tổ Đường xin quẻ keo trước khi hành diễu. Khi keo ứng, những người thưng bát nhang được theo pháp sư làm lễ rửa chân, tẩy uế, được niệm ứng chú và nối bước chậm rãi qua dãy than hồng. Khi đã qua khỏi dãy than phải bước qua chảo than nhỏ và chờ xin keo thuận của Tổ. Nếu keo thuận thì bát nhang sẽ được đưa về an vị tại Chung Tổ Đường. Sau đó, nghi hành diễu qua than hồng dành cho những người tham dự lễ có tâm niệm hướng cầu điều phúc, sở nguyện. Những nghi thức đều được pháp sư tiến hành cẩn trọng. Nghi kết thúc khi các thầy cúng tay thưng những vật tế sống đi ngược hướng người đi qua dãy than. Dãy than được tải ra rồi gom lại thành đống. Buổi sáng thứ năm bắt đầu nghi cúng thí tiễn Thần, Phật, Tổ về nơi an vị trước khi được thỉnh mời dự lễ. Từng gia chủ thỉnh an bài vị, chân nhang trở về nhà. Mọi nghi đều có lễ vật trình và do thầy cúng tụng niệm kinh chú, làm phép. Nghi xô gian cúng thí kết thúc lễ hội diễn ra vào buổi tối và đông đảo người tham dự. Từ đàn chay, hình nộm các hình nhân, cây nêu, hàng mã, tranh vẽ, bùa chú...được hỏa kết và lễ vật cúng nhiều loại được rải thí khắp sân lễ. Cây Cửu Lườn Trúc được hạ xuống và được phân chia cho những Mạnh thường quân có công đóng góp tiền của nhiều cho lễ như một chứng phúc của Thần, Phật Tổ. Những người tham dự lễ xô giàn cúng thí tranh đua trong cảnh náo nhiệt để lấy những vật cúng hỏa kết, cúng thí với ý niệm giành giữ cho bản thân những lộc mà Thần, Phật, Tổ đã chứng ứng. Như vậy, họ sẽ được toại nguyện trong sở cầu, tâm nguyện của mình trong lễ hội. * Đây là lễ hội truyền thống của cộng đồng người Hoa chuyên canh về nông nghiệp. Lễ hội có quy mô lớn, diễn ra trong nhiều ngày với nhiều nghi thức mang tính dung hợp từ nhiều tín ngưỡng. Trong đó, những nghi thức của Đạo giáo chiếm vai trò chủ đạo do lực lượng các pháp sư chủ trì và hành lễ. Nguồn quỹ thu được trong lễ hội, được dùng cho các hoạt động liên quan đến cơ sở tín ngưỡng và một phần dùng cho đóng góp phúc lợi xã hội.
*** IV. Lễ Cầu Siêu 1. Nguồn gốc, mục đích lễ Cộng đồng bang, hội của người Hoa thường có một khu nghĩa địa riêng (gọi là nhị tỳ). Trong khu vực nhị tỳ, người Hoa xây một nghĩa từ để đặt các bài vị của người quá cố. Trong ý niệm tương đồng như bao dân tộc khác, người Hoa tin vào một thế giới bên kia của người chết. Thế giới của cõi âm đó vẫn có những nhu cầu thiết yếu trong sự tồn tại. Thế nhưng, điều quan trong hơn là linh hồn của mỗi người sau khi chết. Người sống quan niệm rằng, đã là chúng sinh thì sau khi chết cần phải được cầu siêu nhằm để giải thoát khỏi những nghiệp chướng do đã gây thuở sinh thời. Sau khi chết, một linh hồn được siêu thoát cần phải tổ chức cầu siêu liên tục trong 3 năm liền. Vì vậy, khi tại nghĩa từ có tổ chức lễ cầu siêu thì những nhà có người chết chưa quá hạn 3 năm thì họ tham dự vào lễ. Điều đó, cho thấy mục đích của lễ cầu siêu là nhằm cầu độ cho linh hồn của những người chết. Lễ được tổ chức tại các nghĩa từ, trong phạm vi nghĩa địa của bang hội. Lễ cầu siêu của người Hoa được tổ chức vào dịp Trung ngươn, tức ngày 15 tháng 7 (âm lịch); kéo dài hai đến ba ngày. Theo quan niệm đạo giáo dân gian tháng bảy là tháng “trực phá” – tháng phá địa ngục. Rằm tháng bảy còn được gọi là ngày vía Địa Quan giải ách. Những linh hồn sau khi chết đều bị giam cầm tại địa ngục. Chính nơi đậy sẽ diễn ra những nghi xét hỏi công tội của mỗi người thuở sinh thời. Ai có công thì linh hồn được giải thoát, còn ngược lại sẽ bị cảnh giam cầm, đày ải, nhục hình của địa ngục. Ngày Rằm tháng bảy theo Phật giáo là ngày lễ Vu Lan. Lễ Vu Lan có gốc gác từ Kinh Vu Lan Bồn, có nhắc đến tích chuyện Mục Kiều Liên cứu mẹ là Thanh Đề. Mục Kiều Liên là một trong những đệ tử của Đức Phật, luyện được sáu phép thần thông. Mục Kiều Liên một hôm nhìn thấy cảnh mẹ sống trong đói khổ, quỷ đày tại địa ngục. Thanh Đề thuở sinh thời ghét những vị sư trọng phú, khinh bần nên lấy thịt chó làm nhưn bánh cúng dường nên đắc tội. Mục Kiều Liên thương mẹ nên dùng phép đưa cơm dâng mẹ. Bởi đắc tội nên Thanh Đề không thể ăn được cơm vì khi cơm đến miệng thì hóa thành lửa. Tìm đến Đức Phật, Mục Kiều Liên xin chỉ dạy cách cứu độ. Theo lời khuyên, Mục Kiều Liên sắm lễ vật để trong chậu Vu Lan cúng dường nhờ chư tăng Phật nhân ngày an cư tự tứ chú nguyện, chuyển nghiệp cho vong nhân vào ngày Rằm tháng bảy. Nhờ vậy, Thanh Đề thoát khỏi âm cung, sau đó tỉnh ngộ hương thiện không còn bị đọa đày. Có một số tích chuyện giải thích về ngày Rằm tháng bảy, nhưng chung quy đều hướng đến việc xá tội vong nhân. Nhân ngày lễ Rằm tiết Trung ngươn, người Hoa tổ chức lễ cầu siêu để cứu độ cha mẹ, tổ tiên, người thân quá cố. 2. Bài trí và các nghi cúng lễ Việc chuẩn bị lễ rất chu đáo. Bang, hội thông báo cho thành viên biết để tham gia đăng ký cầu cúng. Thông thường mỗi hộ gia đình có người thân bị chết đăng ký một bài vị. Bài vị được viết trên giấy màu vàng, mỗi bài vị có thể ghi một hay nhiều tên người chết nếu có cùng quan hệ huyết thống. Chính giữa bài vị ghi tên người quá cố (tên ghi màu đen, họ ghi màu đỏ), góc dưới bên trái ghi tên người đăng ký cầu siêu, còn gọi là: dương thượng (họ và tên người dương thượng ghi màu đỏ). Bên dưới bảng đăng ký các bài vị lập bàn thờ để người dương thượng thắp nhang, dâng cúng trái cây, hoa qủa, rượu, trà, bánh ngọt và giấy mã vàng bạc,…Trên bảng đăng ký bài vị là hình tượng mắt Phật (Phật quang) với quan niệm Phật soi sáng, dẩn dắt các oan hồn. Tại sân nghĩa từ, trước lễ cầu siêu, phải dựng cây nêu. Đây là một cây tre được chọn với tiêu chí: cao, to, không dây leo bám, không bị dị tật, ngọn tre lúc chưa đốn phải quay về hướng Đông. Cây nêu có một số điều kiêng kỵ nhằm giữ cho thiêng: quá trình hạ và chuyển về nơi dựng nêu phải giữ cây không cho chạm xuống đất . Tuyệt đối không cho người và súc vật bước ngang qua thân cây. Trên ngọn nêu treo một đèn lồng. Y nghĩa việc treo đèn là nhằm báo cho các vong hồn thấy, biết mà tề tựu để dự lễ siêu thoát. Dưới cây nêu bày bàn thờ, trên bàn thờ đặt bát nhang, bình hoa và các món chay: 3 chén cơm, 3 đôi đũa, 3 ly nước, 3 ly rượu, bánh, trái. Mỗi ngày phải cúng đủ 3 lần (sáng, trưa, chiều). Bên phải cửa nghĩa từ lập gian thờ: Âm Dương Đô Tổng Quản, người cai quản các linh hồn cõi âm. Phía bên trong gian thờ bày bức tranh cảnh xét xử nơi âm phủ. Mỗi ngày cúng chay một lần vào buổi sáng. Bên trái cửa nghĩa từ lập gian thờ Ông Tiêu, người cai quản và phân phát lương thực cho các linh hồn. Ông Tiêu được làm bằng khung tre, phết giấy bồi, màu sắc sặc sỡ, tư thế ngồi, tay trái cầm cờ lịnh (xanh và đỏ), tay phải cầm lịnh bài, mặt che một tấm vải, tọa trên đài cao. Phía dưới bày bàn thờ, đặt bát nhang, đèn dầu, đèn cầy. Mỗi ngày cúng chay một lần vào buổi sáng. Trong thời gian diễn ra lễ, bá tánh đến cầu siêu thường cúng Ông Tiêu bánh kẹo, giấy tiền vàng mã, để Ông Tiêu ban phát cho các linh hồn. Chánh điện lập đàn chay. Chính giữa thưng ảnh thờ Phật Tổ. Qui mô đàn chay tùy thuộc vào thầy tụng, nếu thầy tụng là người Phúc Châu thì chay đàn sẽ có 3 cấp. Bậc cao nhất dành cho thầy chủ trì, bậc tiếp theo dành cho các thầy xướng lễ, bậc cuối dành cho các thầy giúp lễ. Hai bên chay đàn dựng các cặp liễn: một cặp đại diện cho Phật Tổ, một cặp đại diện cho Quan Thế Âm Bồ Tát. Gian thờ Phật được bố trí chuông, mõ, nhang đèn và các lễ vật cúng chay. Trước tiền điện lập bàn thờ cúng cô hồn và những linh hồn không có người thân đăng ký bài vị cầu siêu. Bá tánh đến ủng hộ lương thực, thực phẩm như: gạo, muối, nước tương ..được bày tại đây cũng như phần lương thực Ban Tổ chức dùng để phát chẩn. Mỗi ngày cúng chay một lần vào buổi sáng. Phụ thuộc vào cấu trúc từng cơ sở tín ngưỡng mà cách bày đạt các bàn thờ có khác nhau hay bày trên những bàn thờ vốn có. Thông thường, tại bàn thờ Thổ Thần đặt các lễ vật như: Núi vàng (kim sơn), Núi bạc (ngân sơn), và các lễ vật lương thực, thực phẩm cúng làm theo hình như: tháp rau, tháp bánh, tháp đậu phộng, tháp kẹo,(tháp dạng hình nón, làm bằng khung tre bồi giấy màu xanh, xung quanh đính lương thực). Các lễ vật này do bá tánh đem đến cúng, với mục đích tạ ơn Thổ thần và thí cô hồn. Mỗi ngày cúng chay một lần vào buổi sáng. Tiền điện còn bố trí thuyền chở linh hồn. Thuyền làm bằng khung tre bồi giấy màu, trước mũi thuyền có tượng Tam Tạng, đuôi thuyền có tượng người chèo thuyền. Thuyền trong lễ cầu siêu mang ý nghĩa chở linh hồn về nơi siêu thoát Tất cả những bàn thờ, đàn chay được bày đều tổ chức cúng từ ngày khai lễ cho đến hối nghi kết. Chủ trí và thực hiện các nghi do lực lượng thầy cúng chủ trì bắt đầu từ khi khai đàn. Số lượng thầy cúng không qui định, thường chủ chì cho một lễ có từ 10 người trở lên. Khi tiến hành các nghi tại đàn chay, thầy cúng mặc lễ phục vàng và nâu; người giúp lễ đứng thành hai hàng ở hai bên bàn thờ Phật mặc lễ phục màu đen. Các thầy cúng tụng kinh nhà Phật, thực hiện xin lễ và tiến hành các nghi thức: mời Am Dương Đô Tổng Quản nhập điện thờ; khai quan điểm nhãn Ông Tiêu (lúc này tháo tấm vải che mặt); điểm nhãn bài vị, mời các linh hồn đến nghe giảng kinh Phật. Thời gian tụng kinh nhà Phật bắt đầu từ sáng sớm đến 12 giờ trưa mỗi ngày. Sau 12 giờ đến tối là thời gian tụng kinh cầu siêu. Người Hoa quan niệm thời khắc từ 01 giờ đến 12 giờ là dương, sau 12 giờ đến 24 giờ là âm, nên kinh cầu siêu được đọc sau 12 giờ chứ không nhất thiết phải vào ban đêm. Trước khi kết thúc lễ cầu siêu, người Hoa có phong tục đốt giấy mã tiền vàng mã rất nhiều. Đây là phong tục có nguồn gốc lâu đời. Trong lễ cầu siêu, thứ tự hỏa kết các lễ vật, hình nhân, đồ vật dâng cúng theo thứ tự sau: - Hỏa kết Ông Tiêu. Trong quá trình diễn ra lễ cầu siêu, người Hoa giữ gìn Ông Tiêu rất cẩn thận, không cho ai giật lấy một bộ phận nào của hình nhân Ông Tiêu. Để có sự toàn diện, mỹ mãn. - Đốt thuyền chở bài vị . Trong thuyền khi chuẩn bị hỏa kết chứa những bài vị đã đăng cầu, làm phép. - Đốt giấy tiền vàng mã. Khi hỏa kết, người Hoa đốt cháy cho bằng hết thì mới thôi. Những nguồn lương thực, thực phẩm và bánh kẹo và đồ thí do bá tánh cúng lễ được phân phát cho người nghèo tham dự và sinh sống trong khu vực có tổ chức lễ. * Lễ cầu siêu của người Hoa mang tính cộng đồng của bang, hội. Qua lễ hội là sự thể hiện tình cảm sâu sắc giữa người còn sống với những người đã chết theo quan niệm chung về một thế giới tồn tại song hành với thế giới thực hữu mà con người đang sống. Những nghi thức trong lễ phản ánh tín niệm trong Phật giáo và cả Đạo giáo. Nhiều lễ hội không còn chỉ bó hẹp trong cộng đồng của người Hoa theo tổ chức bang, hội mà thu hút những người nào có đăng cầu. Tính chất đó thể hiện tính cộng đồng hóa trong lễ hội này với những quan niệm chung về người chết các cộng đồng dân cư. Ths Phan Đình Dũng Nguyễn Thị Nguyệt Đào Thanh – Hồng Ân 1 Tượng gỗ tại Thiên Hậu Tự (phường Hòa Bình), tượng gốm tại Thiên Hậu Cổ Miếu (phường Bửu Long). 1 Lễ vật cúng Bà Thiên Hậu ngày 23/3 (âl) tại Miếu Quan Đế (Chùa Ông) xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch là đồ chay, hình thức để giảm bớt thủ tục và chi phí cho lễ cúng. 2 Tại Thiên Hậu Cổ Miếu phường Bửu Long, trước đây nghi thức lễ vía Bà Thiên Hậu thường do thầy cúng chính được mời từ TP.Hồ Chí Minh về hành lễ. Hiện nay ngày 23/3 (âl) nghi lễ do Ban trị sự Miếu làm chánh tế. 1 Bát bửu là 8 món đồ khí tế trong chùa bằng đồng là: đàn, sáo, lẵng hoa, sách kiếm, bầu rượu, túi thơ, quạt vốn là đồ dùng của các tầng lớp quý tộc trong các triều đình phong kiến xưa. 1 Đạo sĩ làm chủ tế lúc này bận áo choàng màu đỏ thung kim sa óng ánh, phía sau có hình âm dương bát quái, đầu đội mão có chóp cao hình hoa sen 1 Binh khí: con dao găm xung quanh có vòng sắt dùng để vẩy nước trừ tà 2 Gà trống to khỏe, mào lớn, đỏ biểu hiện sự sung mãn và tốt lành 1 Các loại kinh cầu an, cầu phúc, cầu nghề nghiệp thuận lợi... như kinh Thái Thượng Lão Quân, Thái Nguyệt kinh, Quan Âm kinh. Các loại kinh cầu siêu như Vãn Sinh kinh, Đạo Tạng kinh, Quan Âm kinh. 1 Pháp sư: cách gọi theo phẩn cấp của Pậht giáo (từ sư phụ pháp sư đại sư) 2 Bến sông Tân Thành còn gọi là địa điểm “99 cây tùng”, tương truyền hơn 300 năm trước khi một bộ phận người Hẹ từ Cù lao Phố ngược sông Đồng Nai đến lập nghiệp tại Bửu Long, rất nhiều người đã bỏ mạng tại vùng sông nước này. Vì vậy, nơi đây được chọn làm điềm để phóng đăng cầu siêu cho những cô hồn chết vì sông nước trong lễ hội làm chay. 1 Ngựa giấy màu vàng tượng trưng cho sứ giả của Thủy Long (cõi âm), màu vàng và màu trắng tượng trưng cho sự tang tóc, có ý nghĩa cúng tế cô hồn. 2 Tục phóng sanh được sử dụng như một truyền thống trong lễ nghi Phật giáo (lễ Vu Lan, Tết, Sóc, Vọng... 1 Cây thước mộc có chiếc gương tròn nhỏ trong lễ bắc cầu giải oan cho người chết đuối của người Việt gọi là Kim tích trượng là cây gậy tượng trưng cho dấu hiệu của đức Địa Tạng Vương Bồ tát, chiếc gương như vòng hào quang của chư Phật. Đức Địa Tạng Vương dùng Kim tích tượng làm rung động hoàng tuyền, bẻ rơi khóa ngục và ngăn cản mọi sự khổ não. Tua vải tết múi hình Phật ấn ở đầu Kim tích tượng giúp cho vong linh nạn nhân đi tới được đất Phật. 1 Những người già xưa truyền lại, ngày xưa một lần làm chay khi thỉnh Phúc lộc đình đón Bà về, một trong bảy ngọn đèn cầy đã tắt, tức thì trong làng bị nạn dịch làm chết rất nhiều người. Một tháng sau Bà lên đồng yêu cầu phải làm chay lại, bện một con rồng bằng rơm thắp nhang xung quanh rước đi khắp làng. Lúc đó một người lên đồng xưng là Bà dùng dao phát mía chọn điểm yếm khí gây dịch bệnh phóng vào cắm thẳng xuống đất trừ tà, lạ thay cả đám đông người đi theo đoàn rước nhưng không trúng bất kỳ ai. Quả nhiên sau đó bệnh dịch trong làng không còn nữa. 2 Tháp xôi nếp trắng vẽ hình chân dung Phật Thích Ca, biểu tượng chữ “Vạn” và hoa sen. 1 Người Hoa quan niệm có 36 cô hồn (nếu là ít), 72 cô hồn (cúng lớn hơn chỉ số nhiều), 108 cô hồn (chỉ số đông, cúng lớn hơn), 360 cô hồn (chỉ số đông hơn nữa, qui mô cúng rất lớn) và 3.600 cô hồn (chỉ con số rất đông đảo, qui mô cúng là đại lễ)... Tất cả các con số trên đều là bội số của con số 9, đây chỉ là cách nói của người Trung Quốc trong việc coi trọng con số 9 (cửu trù, cửu đỉnh) là con số may mắn. 2 Ngựa đỏ: tượng trưng cho sứ giả báo công về Ngọc Hoàng, lễ hội kết thúc rất tốt đẹp. Màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, tốt đẹp. 1 Con dê: theo bà con địa phương cho biết người Hẹ vốn tướng tinh con dê, còn người Phước Kiến tướng tinh con cọp (?). vì vậy khi cúng nhả mặn chùa Bà Bửu Long thường phải cúng dê đực. Nhưng có lẽ cúng đủ lễ “tam sanh” gồm heo, gà, dê làm thịt để sống là tục lệ cúng Bà từ xa xưa, đến nay rất hiếm thấy chỉ có trong những dịp cúng lễ trọng đại (vì lễ vật cúng được giản lược nhiều). |
Văn hóa Đồng Nai >