Cư dân Mạ ở Đồng Nai có kho tàng văn hóa rất phong phú và sống
động. Vốn quí văn hóa người Mạ đã góp phần làm phong phú thêm văn hóa Đồng Nai
trong bối cảnh chung của khu vực, của quốc gia trong tính đa dạng, thống nhất.
Các công trình nghiên cứu cho thấy, qua truyền miệng, cư dân
Mạ còn bảo lưu nhiều chuyện cổ, thần thoại, truyền thuyết gắn liền với lịch sử
của dân tộc mình; phản ánh sự nhận thức của họ về vũ trụ, thế giới, thần linh,
nguồn gốc, những cuộc đấu tranh của cộng đồng qua bao thời kỳ lịch sử.
Một trong những loại hình tiêu biểu của vốn văn hóa dân gian
của cư dân Mạ Đồng Nai là thể loại văn thơ truyền miệng: Tăm pơt. Đây là loại
hình hát kể đối đáp tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể xảy ra giữa người Mạ với
nhau. Người Mạ có tâm hồn ca hát nhiệt thành. Họ hát Tăm pơt khi kết bạn, giao
duyên, uống rượu cần, lúc lên nương rẫy hay tại nhà đón khách, trong lúc thể hiện
tâm tư tình cảm hoặc trong các buổi lễ hội cộng đồng. Tùy theo tính chất hay mục
đích mà người hát Tăm pơt thể hiện nội dung hát cho phù hợp. Ví như hát khi kết
bạn, chào mời thì lời hát Tăm pơt được thể hiện giữa những người mới quen, giữa
chủ và khách. Hát trong lúc giao duyên, tình cảm thì người hát là nam thì đáp
là người nữ. Hoặc thi thố, đối kể cùng nhau thì không phân biệt tuổi tác, giới
tính, miễn người hát cùng tham gia/ đặc biệt trong các buổi lễ hội mà cộng đồng
tham gia đông đủ. Cũng có khi chỉ một nhân vật hát kể về dân tộc, lịch sử, những
điều muốn khuyên dạy con cái qua lời Tăm pơt, khi ấy, người hát đóng vai những
nhân vật mà nội dung của lời hát. Có thể nói Hát kể đối đáp của người Mạ (Tăm pơt)
được diễn xướng bất kỳ nơi đâu khi người Mạ muốn. Họ cũng có thể hát một mình
hoặc lúc có nhiều người tham gia mà ở đó, những người hát lúc đối, lúc đáp hoặc
đóng những vai của trong nội dung bài hát.
Trong Tăm pơt, người Mạ thường đề cập đến lịch sử của dân tộc
mình qua trí nhớ của nhiều thế hệ truyền lại, theo cách hát kể của người diễn xướng.
Họ ca ngợi về quê hương, xứ sở cộng đồng mình sinh sống, nói về những câu chuyện
xưa, những lời khuyên răn của ông bà, kể về những câu chuyện tình ca đẹp đẽ...
mà họ lồng trong lời hát theo cách thức, vần điệu có tính ngẫu hứng nhưng không
hoàn toàn tự do.
Tăm pơt của người Mạ có nội dung được thể hiện phong phú, đa
dạng. Và đặc biệt, tùy theo cách thể hiện mà những người hát làm cho câu chuyện
càng thêm sinh động, cuốn hút người nghe. Có thể khẳng định, Tăm pơt của người
Mạ vừa có tính sử thi cũng vừa có tính dân gian. Qua những người hát, họ vừa
thi thố tài năng với nhau, nhắc về lịch sử cộng đồng với những gì họ biết, họ
nhận thức và thể hiện theo chủ đề trong một bối cảnh phù hợp nhất định. Những
người biết hát Tăm pơt có thể xem họ là những nghệ nhân của lối Hát kể đối đáp
rất độc đáo.
Những nghệ nhân hát Tăm pơt là những người có trí nhớ tốt,
có cách biểu đạt ngữ điệu, lời kể rất hay, thích ứng trong từng nội dung diễn đạt.
Mỗi bài hát Tăm pơt khá dài, gồm nhiều câu, mỗi câu mỗi ý được nghệ nhân ứng
tác dài, ngắn tùy theo nội dung. Những người tham gia phải có khả năng tiếp
thu, ứng tác nhanh và đối đáp giỏi. Đó cũng là một nét độc đáo riêng của loại
hình này.
Ngày nay, người Mạ ở Đồng Nai, số người biết hát Tăm pơt chỉ
đếm trên đầu ngón tay. Lớp trẻ đa số hiểu được lời hát Tăm pơt nhưng không biết
hát. Điều này có nhiều yêú tố tác động. Hầu hết, những nghệ nhân hát Tăm pơt đều
lớn tuổi. Loại hình Tăm pơt đang đứng trước nguy cơ ngày càng bị mai một nghiêm
trọng.
Những nghệ nhân hát Tăm pơt của người Mạ ở Đồng Nai giờ chỉ
còn: Bà Ka Bào, Ka Vèm, Ka Deo, Ka Kel và ông Ka il (Tà Lài - Tân Phú), bà Ka
Rôp, Ka Rã, Ka Rõi, Ka Mỗi và ông K'Kel (Hiệp Nghĩa - Định Quán).
Tình ca trường thiên giữa chàng K' Yai và nàng Ka Koong/ biểu
tượng đẹp đẽ của tình yêu chung thủy luôn được người Mạ nhớ tới. Trong những
câu chuyện của người Mạ, chuyện chàng K'Yai và nàng KaKồng được xem như chuyện
tình đẹp đẽ. Đó là biểu tượng của tình yêu chung thủy. Trong công trình nghiên
cứu của J.Boubet, tác giả cho đây là cuộc đối thoại trữ tình. Trong phần giới
thiệu về bài ca tình yêu giữa K'Yai, KaKồng, tác giả cho rằng đây là một khúc
ngâm, loại có chiều sâu âm vang, được hát theo mọi kiểu kéo dài, khúc ngâm làm
từ những câu thơ tự o, từ những lời sáo rỗng hiễn nhiên, từ những câu lặp lại được
dùng không chán, chẳng có sự khởi đầu cũng chẳng có sự kết thúc. Nội dung của
cuộc đối thoại trữ tình này được ghi chép lại với những câu thơ, hình ảnh được
ví von sống động, đẹp đẽ và chân thật (Tham khảo: Cuộc đối thoại trữ tình của
người Mạ, J.Boubet, Nxb Trường Viễn Đông Bác Cổ - tập LXXXV). Người Mạ ở Tà
Lài, Hiệp Nghĩa cũng biết đến câu chuyện của chàng K'Yai với nàng KaKồng, được
họ cho rằng đó là một chuyện tình cảm động, đẹp đẽ của dân tộc mình. Thế nhưng,
họ biết đến không pgải là những câu từ đối thoại của hai người đang yêu nhau mà
là cả câu chuyện được hát kể theo lối ngẫu hứng. Lúc thì ca ngợi vẻ đẹp của
nàng KaKồng, tính tình đức hạnh của một cô thôn nữ mà trong buôn làng ít ai
sánh kịp; lúc thì họ ca ngợi vẻ đẹp, lòng dũng cảm của chàng K'Yai. Hoặc họ hát
kể về mối tình với những mong đợi, trắc trở và kết quả của mối tình đó. Điều đặc
biệt là trong những trường hợp, tình huống của câu chuyện kể mà lời hát của người
Mạ được dùng với nhiều hình ảnh để ca ngợi, để trách móc, để động viên và để
khuyên nhau. Thật khó có thể tách ra từng phân đoạn hoặc từng câu chữ để phân
tích. Vì những hình ảnh, lời ca trong những tình huống gắn chặt với nhau. Những
hình ảnh tưởng như được dùng có vẻ sáo rỗng nhưng mang sự hỗ trợ cho điều cần kể
về chuyện tình, về những điều liên quan.... một cách sâu sắc. Thông thường, một
vấn đề được nói đến luôn đi theo nhiều cách ví von, hình ảnh được dùng... rất
phong phú, nó không phải ở đâu xa xôi mà gắn chặt với bối cảnh sống của họ
[Tham khảo bản dịch tiếng Việt - Phần chuyện của K'Yai và KaKồng do bà Ka Rọp (ở
Hiệp Nghĩa) và Ka Bào (Tà Lài) hát kể].
Đó là những lời lẽ đằm thắm, mượt mà trong cảm xúc của tình
yêu mà cháng K'Yai và nàng Ka Koong dành cho nhau, mang đầy sắc thái độc đáo của
Tâm hồn Mạ. Nó phản ánh tình yêu của con người với nhau mà qua đó, tâm hồn của
người Mạ toát lên: lòng yêu thiên nhiên núi rừng, thác suối, tiếng chim ca và
gió thổi, buổi bình minh và cả lúc chiều hoàng hôn trên xứ sở của núi rừng hùng
vĩ... Mỗi hình ảnh của thiên nhiên, sự vật luôn gợi nhớ cho người Mạ với nỗi nhớ
nhung da diết khi xa nhau và mừng vui cho ngày gặp lại. Tình ca giữa chàng
K'Yai và nàng Ka Koong là một thiên tình ca, được người Mạ thể hiện qua giọng
hát Tăm pơt độc đáo. Tiếc thay, ngày nay không còn ai nhớ hết mà chỉ có những
phân đoạn liên quan không liền mạch.
Trong cách thể hiện tình cảm, kết bạn người Mạ cũng dùng
hình thức Tăm pơt để giải bày, nói lên tâm tư của bản thân. Đáng tiếc, ngày
nay, hình thức này không còn. Nghệ nhân thể hiện như nhớ về một thời mà họ đã
trải qua, trong kỷ niệm của tình yêu mà họ đã sống. Vì vậy, đáng lý cách thể hiện
này giữa nam và nữ thì ngày nay những người biết hát cho nội dung nay không
còn. Chỉ còn một số người hát/ mà chính bản thân của họ hát tức là kể về một thời
trước đây. Nó vừa mang tính chất riêng tư của tình cảm nhưng đó cũng chính là
những nội dung mà xưa kia trai gái thường nói đến trong giao duyên.
Vùng Hiệp Nghĩa, những nghệ nhân hát Tăm pơt thường hát
trong các dịp: mừng lúa, kết bạn, đám hỏi, đám cưới, trong lễ hội đâm trâu,
cúng Thần...
Tăm pơt hát trong dịp mừng lúa, người Mạ đối đáp và kể cho
nhau biết về cách làm lúa của ông bà ngày xưa, những nghi thức của ngày từ đầu
mùa xuống ruộng cho đến khi hạt lúa được đem về nhà. Thông thường ngày trước,
người Mạ hát mừng lúa đến 7 ngày, với những tiệc hội linh đình trong cộng đồng.
Hát mừng lúa
Những lời ca được hát lên trong dịp "gùi lúa về
nhà" như mạch chảy liên tục với bao hình ảnh sống động. Ở đó không chỉ là
niềm vui của một con người riêng rẽ mà hòa trong niềm vui của cộng đồng. Ngày hạt
lúa được gùi mang về làng, về nhà là một ngày hội mà người Mạ đã trải qua bao
ngày tháng vất vả và chờ mong. Lời hát trong ngày lúa về là niềm vui chung của
tình làng, của tinh thần đoàn kết cộng đồng. Đó là ngày họ xem là:
-
Gặp đủ mặt của bạn bè cách nhà cách suối.
-
Gặp nhau rồi sẽ đưa nhau rượu mừng.
-
Uống cho vui thỏa.
-
Ăn thịt (trâu) làm tình.
-
Uống rượu (cần) làm nghĩa.
-
Tay bắt mặt mừng.
-
Trọn tình hòa vui.
Người Mạ đến với ngày hội mừng lúa như:
-
Đàn chin tìm tổ.
-
Đàn gà vào ổ....
với tinh thần:
-
Như con một cha.
-
Như tình nghĩa vợ chồng.
-
Như sấm sét đã thành tia lửa.
-
Như tiếng cồng chiêng vang lên.
-
Như rượu cần với ống hút.
-
Như men rượu hòa trong nước.
-
Như mũi tên với cung với ná.
-
Như dòng chảy của con suối về sông....
Tất cả những hình ảnh đó đều gợi lên sự khắng khít, của tình
nghĩa buôn làng... càng ngày càng thắm và bền chặt hơn.
Tùy từng hình ảnh được dùng trong từng đoạn của lời ca đối đáp
mà đi với nó là những lời tha thiết kêu gọi sự đoàn kết, tương thân, tương ái
nhau:
-
Đừng để rơi giọt nước mắt như những bụi ngãi đang chờ.
-
Đừng để rơi giọt nước mắt trên dòng sông vào lúc xế chiều khi màn đêm sắp tới.
hoặc đừng để:
-
Như nhà không có vách.
-
Như gà con mất mẹ.
Để rồi khi ngày hội qua, một năm sau sẽ gặp lại thì con người
vẫn giữ mãi cái tình, cái nghĩa: "Hãy sống cho đẹp lòng đẹp dạ, đừng nhìn
nhau như người xa lạ".
Hát trong dịp kết bạn, giao duyên, người Mạ dùng những ngôn
từ mượt mà, đằm thắm nói lên cảm xúc của mình. Qua đó, họ thi nhau kể nhiều
chuyện liên quan đến dòng họ, bản thân và xứ sở. Họ vừa hát cho nhau nghe trong
tâm trạng của mừng vui cũng vừa nhắc nhở những kỷ niệm trong tình yêu thể hiện
tình cảm, tâm hồn và ước muốn, hy vọng của bản thân mình.
Hát về chuyện tình yêu nam nữ
Lời hát là lời tâm tình, bộc bạch của nối lòng, cách suy nghĩ
và lời cầu mong, mơ ước, hi vọng của những thanh niên nam nữ. Như lẽ thường
tình của tạo hóa, tình yêu nam nữ của thanh niên nam nữ Mạ rất tự nhiên và cao
quý. Khi gặp gỡ nhau và nảy nỡ tình cảm là một quá trình của thời gian mà họ
không thể không nhớ. Họ ví tình yêu của bản thân với ý trung nhân là "từ
ngàn xa xưa" trên cơ sở của "những người xa trở thành thân
quen". Đó có lẽ cũng chính là / phần lớn đều như thế về quy luật muôn đời
của chuyện tình yêu nam nữ của mọi cộng đồng dân tộc. Họ hát nhưng chính là kể
về những kỉ niệm, lời kể đằm thắm, mượt mà với bao hình ảnh ví von, so sánh rất
độc đáo.
Người con gái được ví như "vũng nước sình lầy"
theo nghĩa của một cách là hồ nước, nơi chứa nước nhưng không phải là dòng chảy.
Nước trong vũng luôn cô đọng, nguyên dạng, không thay đổi để nói lên tình cảm
chung thủy, trọn vẹn của mình. Đồng thời, cô gái cũng là "đôi môi đỏ hồng
như môi con nhồng" ngụ ý về vẻ đẹp và nỗi khát khao muốn bày tỏ nỗi niềm,
tình cảm. Người con trai được ví như "dòng nước chảy mỗi khi mưa to gió thổi"
như đối lập hình ảnh ví von với cô gái. Nhưng chắc chắn trong dạng hàm ý/ ngoài
nghĩa đối lập là sự dũng mãnh của chàng trai cũng như lối ví một hình ảnh về
"lối đi như móng cong nhọn của con cọp".
Trai gái gặp nhau được người Mạ dùng hình ảnh: "Mụt măng
vừa ló ra từ mặt đất, bông lúa vừa ngậm sữa, cây vừa ra bông, như cá gặp nước,
như con nai gặp cỏ non; những hình ảnh này nói lên niềm vui và sức sống mãnh liệt
của tình yêu", và khi đã gặp gỡ, những lời ca vừa như thầm thì vừa như yêu
cầu người yêu vẫn tuôn trào (vừa xin và đừng) với bao hình ảnh phong phú:
-
Đừng mang cồng chiêng chôn trong lòng đất/ Đừng giết chết tình yêu
-
Đừng nhốt gà trống trong lồng/ Kìm hãm, mất tự do
-
Đừng để cán rìu không có người sử dụng/ Sự cô đơn
- Đừng để màn đêm lạnh bao phủ mối tình/ Sự cô đơn
- Để loài hoa dại trên bờ sông/ Sự cô đơn
-
Như những chiếc đò không bến đợi/ Sự cô đơn, vô định
-
Đừng như cây dầu lẻ giữa rừng già/ Sự cô đơn
- Đừng để cá trôi theo dòng nước/ Phó mặc số phận
- Đừng như con lươn chúi nhũi giữa sình lầy/ Trách nhiệm
-
Đừng mượn nước lớn chạy trước trốn thân/ Trách nhiệm
-
Đừng bày trên bãi cát đầy rơm, cỏ rác/ Hãy giữ gìn tình yêu
- Đừng dùng mũi dao nhọn mà cắt xé lẫn nhau/ Hãy giữ gìn
tình yêu
-
Đừng mang đến cho nhau những lời cay đắng/ Tôn trọng nhau, gìn giữ cho nhau
-
Đừng để lung lay theo chiều gió thổi/ Sự dao động
-
Đừng bề ngoài chín đỏ mà trong ruột chua chát/ Sự giả dối
-
Đừng để lá cây rụng dưới ánh nắng mặt trời/ Không sức sống
Trách nhiệm của chàng trai được thể hiện: Hãy cầm cây dầm mà
chèo đò qua sông; Không buông tay giữa dòng sông, không lay chuyển mỗi khi gió
lớn sóng to. Trách nhiệm của cô gái: đừng gây tiếng xấu... gây thêm phiền hà, an ủi chồng... đừng mang lửa đỏ cho chồng, giúp đỡ
chồng trong mọi công việc. Để rồi, tình yêu phải bền chặt, khắng khít với kết
quả: như ngày lúa chín vàng, như hoa vừa chớm nở, như sợi chỉ từ từ ra theo
vòng quay của tơ, phải tìm cho thuyền có bến đậu, dẫu thượng nguồn có xa cách hạ
nguồn vẫn nhìn nhau như một dòng chảy.
Tình yêu là riêng tư của nam và nữ, nhưng không vì thế mà
tách ra khỏi cộng đồng. Đối với mỗi người tìm được ý trung nhân từ "những
người xa đã trở thành người quen", thì cộng đồng bản làng, dòng tộc, gia đình
của người này cũng sẽ là của người kia và ngược lại, thì cả hai phải có cách sống,
cư xử cho phải lẽ: Đừng vì giàu mà bạc đãi kẻ nghèo, đừng vì tình mà mất nghĩa,
đừng vì thương mà hại đến tính mạng... Và cả hai cũng phải cầu xin thần linh: để
mối tình bùng cháy của ngọn lửa đã chất đầy củi, cháy không bao giờ tắt.
Lời ca về tình yêu nam nữ vừa bình dị, gần gũi với cuộc sống,
hàm ý về những quan niệm sống bằng tập thành những hình ảnh ví von đa dạng, sống
động và ý vị.
Một đoạn chuyển ngữ của lời hát Tăm pớt về tình yêu nam nữ/
tình cảm của chàng trai đối với cô gái: "Tôi nhớ đến nàng trong giấc ngủ. Tôi giật mình thức dậy ngỡ nàng đang thỏ thẻ
bên tai. Ồ không, tôi nào thấy nàng tận mắt đâu. Đó chỉ là giấc mơ. Khi đôi ta
mới quen nhau, đã cùng nhau trên một chiếc đò đi qua dòng sông, trên cánh đồng
xanh, dưới bóng mát của cây cổ thụ. Những kỉ niệm đó làm tôi không thể quên
nàng được. Dầu cây lúa có cao tới đâu thì mặt đất vẫn mang đến những dòng nước
mát cho cây lúa thêm xanh tươi. Đừng cách xa nữa nàng ơi, vì từ nay tôi sẽ đến
với và an ủi nàng để nàng không còn rơi lệ. Tôi có phải là núi đá, ngọn đồi kia
mà lặng câm, vô tri vô giác. thân hình nàng như mụt măng vừa ló lên từ mặt đất,
thật tròn và tươi trẻ. Mọi người xin giúp tôi bảo vệ mụt măng được nguyên hình
hài. Mối tình cũng có mang theo những cay đắng nhưng hãy để những giòng suối chảy
bình thường, để hai đứa luôn gặp nhau, tay trong tay với nhau".
Trong dịp hát hỏi, người Mạ thường hát rất nhiều. Lời hát Tăm
pơt kể về chuyện ngày xưa của tổ tiên về tình yêu, hạnh phúc, những cách thức của
từng lễ nghi cho con cháu nghe và là những lời cầu chúc cho đôi trai gái Mạ vui
sống hạnh phúc bên nhau. Hát hỏi
Ngày đi đến lễ hỏi là ngày vui. Lời ca trong ngày vui đó thể
hiện nỗi vui mừng của những người liên quan: của gia đình hai bên trai, gái.
Hình ảnh ngày vui đó thể hiện trong lời ca:
Sửa
soạn như con chim nhồng môi đỏ
Chào
khách bằng tiếng nói như gà con chíp mẹ
Như
chim sẽ ca hát nhảy nhót vui đùa
Đó là ngày mà một tục lệ không thể thiếu của chàng thanh
niên, cô thanh nữ khi được đính ước, được trao vòng:
Sợi
dây đặt trên cổ tay
Sợi chuỗi đeo lên cổ
và
không một ai được phân rẽ, dù chưa thuộc về nhau hoàn toàn (còn chờ vào dịp cưới)
nhưng họ đã như "một giòng suối, một khoảnh rừng đã có ranh hẳn hòi".
Lời ca cũng là một lời trần tình với bao hình ảnh nói về một
quá trình họ để ý đến nhau, được đối xử tử tế với nhau để có ngày hỏi. Không chỉ
họ vun đắp với nhau mà còn có lời kêu gọi "bạn làng" giúp đỡ khi
"Cánh đồng hoang nay đã trở thành đám ruộng với bông lúa vàng mơ ngày gặt
hái, như ngày hội tụ của đàn chim cò trắng và đừng ai ngắt bông của dàn bầu vừa
mới ra bông, đừng đắp đập để chặng dòng nước chảy của con suối".
Lễ đâm trâu, cúng Thần là lễ hội lớn trong năm mà cả cộng đồng
người Mạ tham gia. Họ vui hát nhảy múa trong tiếng cồng chiêng rộn rã, với những
nghi thức cổ truyền. Đâm trâu, bò, heo làm thịt để tế thần và uống rượu cần.
Trong không khí của lễ hội, trai gái thì tìm hiểu tình cảm, người lớn thì thi
nhau kể về chuyện xưa, trẻ con thì vui mừng nhảy múa. Lời hát Tăm pơt trong lễ
hội này cũng kéo dài vô tận. Những nghệ nhân có thể hát suốt trong không khí
náo nhiệt, thời gian diễn ra lễ hội.
Hát về lễ hội đâm trâu
Nói về lễ hội với những nghi thức, lời ca thể hiện: Dân làng
xếp thành hàng giữa đồng ruộng, nhiều bộ cồng chiêng được đem tới, cây nêu với
nhiều màu sắc lấp lánh, đủ loại hình con chim sẽ, những lông công được gắn trên
chiếc khăn đóng trên đầu.... Hãy đem góp
lại nhiều đọt mây, hãy gùi nước cho thật nhiều để dùng cho rượu cần, hãy đưa
lao cho thật cao mà đâm trân và dùng chà gạc chặt hai chân con trâu, hãy lấy ra
từ con trâu vật gì quí giá nhất dâng cho thần linh.
Đối với con trâu là vật hiến tế, người Mạ luôn tỏ lòng biết ơn:
Khi con trâu được đặt dưới cây nêu, dân làng phải thức sáng đêm với trân, châm
lửa cùng với trâu... hãy chia xẻ buồn
cùng trâu vì con trâu đã từng gánh vác việc nặng nhọc cho mình, đừng để hột lúa
đã có hôm nay mà quên đi trân đã chịu nắng chịu mưa... trong thời gian làm mùa.
Đối với những người tham dụ lễ hội, lời hát như giục giã với
tình cảm quí mến: Hãy đến đây cùng vui lên, như con cá đang nhảy nhót chạy theo
giòng suối, trên thác cao. Các thôn nữ
hãy mang lại đây cái mền đẹp nhất để trải cho khách ngồi, rót rượu ngon nhất
cho khách uống, đem thịt ngon cho khách ăn... suốt một đêm dài và ca hát quay
cuồng bên ánh lửa đỏ, thay nhau vừa hát vừa đánh cồng chiêng đưa nhau với những
bầu rượu nồng.
Đối với thần linh, điều mà người Mạ hướng tới chính trong buổi
lễ đâm trâu, lời ca cũng là lời khấn xin được ban ơn tốt lành: Hãy làm điều đẹp
nhất cho thần linh, để thần linh ban cho trúng mùa trên nương rẫy, xin thần
linh cho trời mưa và tươi mát màu mỡ cho đất... để dân làng không phải sống trong âm phủ đầy tối tăm, nghèo khổ, đói
rét... với niềm tin chân chất.
Lễ hội đâm trâu không chỉ là quá khứ, là cái đã qua và luôn được
người Mạ duy trì. Đó là ngày hội lớn của cộng đồng. Phong tục từ bao đời nay
không được phá bỏ. Lời ca trong lễ đều hướng tới sự bảo tồn, dù trong niềm vui
họ không quên nhắc nhở cho con cháu: Khi xưa đã đóng cây nêu xuống đất là có một
ngày hội, xưa đã dựng thì nay phải nhắc lại đời đời cho con cháu nhớ và giữ
gìn.... Hãy tìm cho nhiều sợi dây chuỗi để
đeo trên cổ khách trước khi đâm trâu... hãy nắm lấy cồng chiêng để tập tành cho
dân làng khi có lễ hội....
Do nhiều yếu tố tác động và lâu nay công tác sưu tầm chưa được
quan tâm, nên hình thức hát Tăm pơt nói riêng, vốn văn hóa dân gian nói chung của
người Mạ ở Đồng Nai càng mai một và có nguy cơ bị xóa sổ. Nếu không có biện
pháp sưu tầm, lưu giữ; các nghệ nhân hát Tăm pơt vốn đã ít ỏi lại đang già yếu
dần thì loại hình văn hóa này sẽ chỉ còn là ký ức xa xưa. Vấn đề này đặt ra cho
các nhà làm văn hóa cần đầu tư, quan tâm hơn nữa trong việc bảo tồn và phát huy
vốn văn hóa dân tộc nước nhà.