Cư dân Châu Ro, Châu Mạ là cư dân bản địa ở Đồng Nai. Cộng đồng các dân tộc này có một đời sống tinh thần khá phong phú. Điều đó thể hiện trong các sinh hoạt tinh thần của cộng đồng họ trải qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau mà tiêu biểu là loại hình là hát, múa. Trước đây, khi nghiên cứu về các dân tộc thiểu số bản địa Đồng Nai, một số học giả cho rằng, các dân tộc này có đời sống văn hóa tinh thần phong phú. Trong đó, đặc biệt là dân tộc Mạ, họ cho rằng có một “ Tâm hồn Mạ ” để nói về điều này. Tôi nghĩ, người Châu Ro cũng vậy. Quả thực, khi điền dã vùng đồng bào Châu Ro, Châu Mạ nhiều năm liền – dù rằng không liên tục, nhưng tôi cảm nhận được trong dáng người khắc khổ với cuộc sống còn nhiều khó khăn mọi bề ( nhất là cái ăn và cái ở) thì cộng đồng Châu Ro, Châu Mạ luôn ẩn chứa một tiềm tàng của đời sống tinh thần qua loại hình nghệ thuật hát múa. Có thể nói rằng, trước đây, khi còn sống giữa đại ngàn, người Châu Ro, Châu Mạ muốn “ thấy “ được sự tồn tại của bản thân, cộng đồng mình thì chính họ phải hát lên. Họ hát trong mối trường gắn kết giữa con người với cái thiêng của rừng núi mà bao đời họ từng quan niệm rằng tất cả mọi vật đều có linh hồn. Họ hát để ngợi ca hay bày tỏ của chính bản thân với thế giới xung quanh, họ hát về những điều họ thấy và chính họ làm thường ngày. Điều này, khi đi sâu trong sưu tầm, chúng ta dễ dàng nận thấy nội dung các bài hát có lời ca mộc mạc, thể hiện điều đó. Đặc biệt, trong cộng đồng người Châu Mạ, khi đi tìm hiểu cách hát của họ, tôi nhận thấy, họ có một lối hát kể rất độc đáo. Đây hình như là một nét chung của các dân tộc cư trú lâu đời ở vùng đất Đông Nam bộ va Tây Nguyên. Nhiều đêm liền, tôi đã từng nghe một số các cụ lớn tuổi hát như thế. Chúng ta dễ dàng nhận thấy các bài hát thường thường do người phụ nữ hát với số đông hơn các người đàn ông. Và lời bài hát cũng như cách hát được truyền theo truyền miệng với nhau. Về loại hình hát, cộng đồng Châu Ro, Châu Mạ hát trong bất kỳ thời nào như gian nào: hát trong lúc ở nhà ru con, lên nương, làm rẫy hay vào rừng hái luợm …nhưng thường sôi nổi và hào hứng nhất là vào các dịp lễ hội. Trong các dịp lễ hội còn tính cộng đồng cao, thời gian diễn ra nhiều ngày liên tiếp, ngoại trừ những nghi thức cúng lễ thì phần lớn phụ nữ trong buôn làng tham gia ca hát. Không khí lễ hội cộng đồng là môi trường tốt cho người Châu Ro, Châu Mạ thể hiện tinh thần ca hát của mình. Có những người lớn tuổi trong các tiệc vui của cộng đồng ( cưới xin hiện nay ) đã từng hát kể nhiều tiếng đồng hồ về các bài hát xưa. Qua những lễ hội của họ tôi từng tham dự, lúc ban đầu khi chưa uống rượu cần cho vít cần thì quả nhiều người trong số đông cộng đồng còn e dè, bỡ ngỡ trước sự xuất hiện, tham dự của đông người. Nhưng khi có chất men rượu cần thì dường như một sức sống được khơi dậy trong nhiều người Châu Ro, Châu Mạ. Họ mạnh dạn hòa trong không khí của lễ hội để mà hát, mà múa. Tôi nghĩ, chính những thời điểm như thế, cái chất hát, múa chân chất của chính cộng đồng họ thể hiện sâu sắc nhất. Về loại hình múa, tôi nghĩ, lễ hội cộng đồng cũng là một môi trường thuận lợi đã từng làm nảy sinh cách vui hát, nhảy múa của người Châu Ro, Châu Mạ. Khi tận mắt chứng kiến người Châu Ro, Châu Mạ nhảy múa, qua tiếp cận một số tư liệu liên quan, tôi nhận thấy rằng, các động tác trong thực hiện điệu múa của người Châu Ro, Châu Mạ rất gần gụi với chính đời sống thường ngày của họ. Những động tác như tỉa hạt, giương vũ khí ( cung, ná ) săn thú …được họ thể hiện nhiều lần. Một số điệu múa lấy trục thân làm chính để dùng đôi tay đưa qua hai bên với bàn tay xòe hay chúm lại, từ dưới lên trên và xuống dưới như thể hiện việc chúc tụng hay ngợi ca thần linh. Các bước chân sử dụng trong điệu múa nhẹ nhàng để tạo những điểm nhún chung hài hòa trong đòan múa. Trục thân người ít khi gập mà như tạo dáng đứng, chỉ một số động tác hơi nghiêng người. Riêng, những người đàn ông tham gia vào đòan múa thường là những điệu múa tự do, họ thể hiện như minh họa thêm cho những người phụ nữ đang múa. Họ có thể dùng động tác giương cung, ná cao vút lên hay gù mình xuống, một số thế điệu như đang vờn thú…Điều dễ dàng thấy nhất trong các lễ hội là cách thức múa cộng đồng ( tập thể ) của người Châu Ro, Châu Mạ. Chúng ta dể hình dung hơn khi tham dự trong một lễ hội. Đó là cách bày trí sân lễ hội dù có rộng hay hẹp thì trục chung đều xoay quanh các cây nêu. Người Châu Ro, Châu Mạ thường đi quanh các cây nêu để hát, múa và đánh cồng chiêng. Ho vừa hát, vừa múa đi theo vòng tròn. Cách thức đi có thể đi tới và trở hướng đi ngược lại, đi từ vòng rộng cho tới thu hẹp lại quanh gốc nêu và từ đó dãn ra. Tất nhiên, khi thực hiện ca hát, múa nhảy trong lễ hội, chúng ta thấy người Châu Ro, Châu Mạ sử dụng những nhạc cụ. Tôi chỉ xin nêu một số nhạc cụ của người Châu Ro, Châu Mạ như sau: Cồng, chiêng, trống Talood (sử dụng thể hiện có tính tập thể ); kèn môi, kèn bầu, sáo, đàn tre ( sử dụng thể hiện có tính cá nhân ). Tôi nghĩ rằng, có nhiều môi trường nảy sinh loại hình hát, múa của người Châu Ro, Châu Mạ. Theo tôi, từ quan niệm tín ngưỡng cho đến lễ hội là một môi trường thuận lợi từ xưa đến nay để ngưới Châu Ro, Châu Mạ làm nảy sinh và duy trì tốt loại hình nghệ thuật hát, múa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của cộng đồng họ. Thế nhưng, môi trường đó đã trải qua một thời kỳ dài “ khủng hoảng ” nên đã ảnh hưởng nhiều đến những giá trị di sản văn hóa này. Chúng ta có thể hình dung rằng, suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cộng đồng Châu Ro, Châu Mạ không có một cuộc sống ổn định. Một bộ phận người Châu Ro, Châu Mạ theo cách mạng kháng chiến, buôn làng dời dịch chuyển vào rừng. Trong hoàn cảnh đó, họ vừa lo cái ăn cho chính mình và giúp cách mạng hoạt động trong rừng. Những hoạt động văn hóa tinh thần nhường chỗ cho cái mục tiêu cao hơn. Còn bộ phận đồng bào bị dồn ép vào các buôn làng do chính quyền Sài Gòn thực hiện thì cuộc sống cũng không ổn định. Môi trường sống khác biệt với môi trường mà cộng đồng họ gắn bó với trước đây là núi rừng. Những bộ phận cộng đồng Châu Ro, Châu Mạ tại các đồn điền thì cũng phải ” cày “ cho giới chủ để có cái mà sống. Nhìn chung, xảy ra trường hợp như thế này: bộ phận theo cách mạng bám rừng kháng chiến có tính cộng đồng còn cao nhưng điều kiện phát triển các sinh hoạt văn hóa tinh thần trong hòan cảnh khó có thể duy trì như trước. Bộ phận sống trong các vùng tạm chiếm thì bị ảnh hưởng qua lại của nhiều quan hệ xã hội. Tính cộng đồng không còn chặt chẽ như trước đây; môi trường sống thay đổi. Lại thêm tập quán sinh sống, sự thoát ly khỏi môi trường sống chính với cái thiêng dần mất mà chính cộng đồng họ chưa thích ứng tích cực,cùng với đời sống kinh tế khó khăn, tựu chung, sinh hoạt tinh thần của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa này không có điều kiện để duy trì, phát triển. Đó là một yếu tố lịch sử, xã hội mà tôi cho rằng rất quan trọng ảnh hưởng đến sự mai một những giá trị di sản về loại hình hát, múa của người Châu Ro, Châu Mạ. Và hiện nay, loại hình hát, múa của cộng đồng người Châu Ro, Châu Mạ đang đứng trước những nguy cơ mai một. Những người lớn tuổi còn hát được những bài hát của dân tộc mình thì ít dần và mất dần do tuổi tác. Những người trẻ thì ít ai được dạy bày và thậm chí không còn thích những bài hát dân tộc mình trước những điều mới mẻ trong nhịp sống phát triển hiện tại. Chúng ta cũng không thể trách họ bởi cuộc sống của cộng đồng người Châu Ro, Châu Mạ dầu đã được nhà nước đầu tư quan tâm nhưng nhìn chung, tất cả cộng đồng người thiểu số bản địa ở Đồng Nai vẫn còn khó khăn trong cảnh nghèo. Có nhiều yếu tố xã hội tác động, ảnh hưởng đến vần đề này. Và sự cấp thiết đặt ra để bảo lưu chúng trong yêu cầu phát triển là một vấn đề cấp bách. Loại hình nghệ thuật hát múa được sưu tầm dầu muộn, chưa đầy đủ nhưng đã phần nào “ bảo tồn ” qua những kết quả sưu tầm về loại hình nghệ thuật này của cộng đồng người Châu Ro, Châu Mạ. Nhưng cũng cần phải nói đến vấn đề này, khi thực hiện các đề tài về dân tộc nói chung, những vấn đề liên quan nói riêng, tôi nghĩ cần có sự đầu tư chu đáo, làm cho đến độ chứ không nên dừng lại ở mức độ thô, “ làm cho có ”,thì chưa thật sự phát huy trong thực tiễn xã hội nói chung hay chính cộng đồng các dân tộc thiểu số nói chung. Ths Phan Đình Dũng |
Văn hóa Đồng Nai >