25. Xây dựng, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Vài nét vùng đất, con người

Đồng Nai là đơn vị hành chánh cấp tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ của Việt Nam, nằm vị trí 10 22'30'' đến 10 36' vĩ Bắc và 107 10' đến 106 4'15'' kinh Đông; là vùng đất nối liền giữa Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên.

Tỉnh Đồng Nai có diện tích 5.862,37 km2, chiếm 1,76% diện tích tự nhiên của cả nước và 25,5% diện tích tự nhiên vùng Đông Nam Bộ, giữ vị trí quan trọng trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam của đất nước. Đồng Nai là tỉnh có nhiều thành phần dân tộc cộng cư. Cư dân Đồng Nai có tinh thần đoàn kết, cần cù trong lao động và kiên cường trong công cuộc giải phóng dân tộc. Xuyên suốt lịch sử giải phóng dân tộc, nhân dân Đồng Nai đã anh dũng, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, gian khổ tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Chặng đường đầy thử thách, gian nan nhưng rất hào hùng ấy đã thắm đượm biết bao sự hy sinh của nhiều thế hệ Đồng Nai, góp phần làm nên trang sử vàng của vùng đất “miền Đông gian lao mà anh dũng”.

Với bề dày về văn hoá, truyền thống và ưu thế chiến lược trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế, Đồng Nai là vùng đất đầy năng động trong xu hướng phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay. Kinh tế Đồng Nai sẽ phát triển một khi chúng ta khai thác đúng tiềm năng vốn có của nó, song cũng phải nhìn nhận rằng, với những đặc điểm về dân cư, việc xây dựng, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá trên địa bàn Đồng Nai đặt ra những vấn đề cần giải quyết một cách thấu đáo. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập công tác xây dựng, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản trong đời sống tinh thần trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với mong muốn góp phần vào trong việc: “ xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc “ theo định hướng của Đảng, Nhà nước ta, mà cụ thể là ở địa bàn Đồng Nai.

Xây dựng một môi trường văn hoá lành mạnh

 Bề dày của văn hoá vùng và truyền thống cách mạng địa phương là niềm tự hào song cũng vừa là trách nhiệm của con người Biên Hoà – Đồng Nai trong hiện tại. Do đặc điểm về dân cư trong quá khứ cũng như hiện tại, Đồng Nai luôn luôn là một vùng đất mở nên đã, đang và sẽ đón nhận đối với nhiều bộ phận dân cư từ mọi miền đến sinh sống, làm việc. Tính chất mở này làm cho Đồng Nai đa dạng những sắc thái trong đời sống văn hoá. Về mặt xã hội thì đặc điểm mở này tác động đến đời sống tinh thần chung của cộng đồng tại chỗ trước đây và quá trình hội nhập đã xảy ra và về sau. Những yếu tố tích cực làm cho đời sống tinh thần xã hội Đồng Nai phong phú nhưng đồng thời những yếu tố tiêu cực lại tạo nên những ảnh hưởng không nhỏ trong xã hội. Vì vậy, việc xây dựng một môi trường văn hoá lành mạnh cần phải thực hiện thường xuyên và trên cơ sở tính chất, đặc điểm của địa bàn, của dân cư.

Những điều kiện phát triển kinh tế thị trường đã tác động nhiều mặt trong đời sống xã hội mà trong đó có cả tích cực và tiêu cực. Về mặt tiêu cực thì những tệ nạn xã hội, lối sống lệch chuẩn, trái thuần phong mỹ tục, mê tín dị đoan… vẫn tồn tại (những sự việc, vấn đề mà báo chí đã nêu lên nhiều). Một thời đoạn, chúng ta đã ra sức bài trừ nhưng kết quả chỉ trong chừng mực nhất định. Đề cập đến những điều này, không phải chúng ta phủ nhận những kết quả đã đạt được trong công việc xây dựng đời sống văn hoá trong thời gian qua mà để cần nhận thấy những thiếu sót, cách làm không triệt để hay chưa hiệu quả để có những bước đi đúng và thiết thực hơn.

Trong thời gian qua, ngành Văn hoá thông tin Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, đem lại nhiều lơị ích thiết thực cho đời sống tinh thần của quần chúng. Những thiết chế văn hoá cơ sở được hình thành, cơ sở hạ tầng được xây dựng nhưng cũng chưa đồng bộ do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Hiện nay, trên các địa bàn cơ sở, các ngành, các cấp phối hợp, vận động thực hiện phong trào “ Tòan dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ” đã góp phần tích cực trong những chuyển biến tích cực của đời sống xã hội. Những con số cụ thể từ thống kê, báo cáo nói lên được những thành quả trong công cuộc xã hội hoá hoạt động văn hoá. Những sinh hoạt văn hoá, phong trào hành động được phát động, nhân kỷ niệm lễ, Tết…như: Về nguồn, sinh hoạt truyền thống, tìm hiểu… cho mọi lứa tuổi, mọi giới, các tổ chức ban, ngành, đoàn thểgiúp cho nhiều người hiểu thêm về văn hoá, đem lại những sân chơi bổ ích cho đời sống tinh thần của người dân. Đó là nỗ lực, phối hợp của các cấp chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị trong việc xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh.

Thế nhưng, những điều đó vẫn chưa đủ khi chúng ta chỉ dừng lại ở dạng phong trào, hoặc chăm chú chạy theo thành tích mà nhiều lúc xem nhẹ chất lượng thật sự của chúng. Khi xây dựng một một trường văn hoá lành mạnh ở Đồng Nai, chúng ta cần phải dựa trên những nét đặc thù của địa phương, của từng cụm dân cư. Muốn có một môi trường văn hoá lành mạnh, trước hết phải có một môi trường xã hội lành mạnh, gia đình văn hoá đúng nghĩa. Môi trường văn hoá gắn liền với môi trường sinh hoạt và công tác của tập thể, cộng đồng, dân cưTrên những tiêu chuẩn chung được qui định, chúng ta phải nhận thấy loại hình nào thích hợp cho việc tuyên truyền, xây dựng và vận động cho từng địa bàn, đối tượng, ví như khu dân cư đô thị, địa bàn đồng bào có đạo, khu dân cư nông thôn, khu đồng bào thiểu số, khu công nhân…Các ngành chức năng trong quản lý nhà nước cần củng cố, hoàn thiện những thiết chế văn hoá cơ sở (nhà văn hoá, phòng truyền thống, bưu điện văn hoá, thư viện, câu lạc bộ), khuyến khích các hình thức sinh hoạt văn hoá (hội diễn văn nghệ, hội thi, lễ hội…) theo hướng chủ động và tính tự quản của người dân dưới sự hướng dẫn của cơ quan chức năng. Chúng ta vừa “ xây ” dựng môi trường văn hoá đồng thời phải “ chống ” lại những hiện tượng, tệ nạn xã hội đi ngược lại văn hoá. Phương châm của chúng ta khi thực hiện là “xây” phải đi đôi với “chống”; xây là biện pháp cơ bản và chống thì phải thực hiện triệt để. Nếu không thực hiện đồng bộ thì không bao giờ đem lại kết quả.

Xây dựng một môi trường văn hoá lành mạnh là một nhiệm vụ có quan hệ khắng khít với việc xây dựng con người, là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Nói như thế, không có nghĩa chúng ta xem nhẹ trách nhiệm của ngành văn hoá mà chính ngành văn hoá phải đi đầu trong trách nhiệm ấy, một chức năng mà nhà nước đã giao phó. Trên tinh thần định hướng của Đảng, Nhà nước ta về văn hoá, ngành văn hoá phải nỗ lực hết mình, hoàn thành được nhiệm vụ, điều đó, đòi hỏi cán bộ làm văn hoá phải đặt cao tinh thần trách nhiệm, có trình độ, năng lực và cái tâm vì sự nghiệp văn hoá.

Giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hoá

Trong diễn trình của một dân tộc, di sản văn hóa đóng một vai trò rất quan trọng vì nó là nguồn lực nội sinh cho quá trình tiếp biến, phát triển văn hóa. Di sản văn hóa tạo nên ký ức văn hóa của mỗi dân tộc mà chức năng của nó là tạo nên bức chân dung tự họa của dân tộc, yếu tố cơ bản tạo thành bản sắc văn hóa dân tộc.

Việt Nam là một đất nước có lịch sử lâu đời, đã để lại một di sản lịch sử to lớn và vô cùng quí giá. Trong sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến bảo vệ, phát huy vốn di sản văn hóa nói chung.

Đồng Nai là một trong những tỉnh phía Nam chứa đựng nhiều giá trị di sản văn hoá. Về di sản vật thể, hiện nay Đồng Nai có nhiều di tích lịch sử được xếp hạng với đa dạng về loại hình: khảo cổ, lịch sử, kiến trúc, tín ngưỡng, lưu niệm danh nhân, truyền thống cách mạng…Bên cạnh đó, còn hàng trăm, hàng nghìn di tích khác cũng không kém phần quan trọng đã góp phần tạo nên một diện mạo văn hoá Đồng Nai qua quá trình hình thành, phát triển của vùng đất này. Về di sản văn hoá phi vật thể, mảnh đất Đồng Nai còn ẩn chứa nhiều giá trị mà chính chúng ta hôm nay chưa khai thác, bảo vệ toàn vẹn. Những giá trị văn hoá ấy vẫn còn đặt lên vai của những người làm công tác văn hoá nói chung, bảo tồn bảo tàng nói riêng trong sự bảo vệ và phát huy chúng.

Ngành văn hoá thông tin đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ các giá trị di sản văn hoá. Ngoài các di tích đã được liệt hạng, trên địa bàn tỉnh chúng ta đã thực hiện điều tra, kiểm kê phổ thông và tiến hành lập hồ sơ khoa học cho nhiều di tích khác. Bên cạnh đó, trong các hoạt động hằng năm, nhiều di tích xuống cấp được nhà nước (nguồn Trung ương và địa phương) đầu tư kinh phí để trùng tu, bảo tồn. Tại một số di tích, các cơ quan chức năng thực hiện công tác trưng bày (Chiến khu Đ, Nhà Xanh, Nhà lao Tân Hiệp) để phục vụ cho nhu cầu tuyên truyền, giáo dục. Loại hình văn hoá phi vật thể (lễ hội, phong tục, tập quán, các loại hình nghệ thuật hát, múa nhạc…) cũng được quan tâm sưu tầm để bảo lưu như: Di sản Hán - Nôm trong đình, chùa Biên Hoà; Lễ hội đâm trâu của người Mạ; Nghệ thuật hát, múa nhạc của người Châu Ro, Châu Mạ; Chuyện kể, loại hình hát kể các dân tộc thiểu số bản địa; Tín ngưỡng & lễ hội người Hoa…

Những kết quả trên cho thấy, chúng ta đã không quay lưng lại với giá trị di sản văn hoá bằng những hành động thiết thực. Thế nhưng, do nhiều yếu tố tác động, công tác bảo vệ và phát huy các di sản văn hoá này chưa thật sự được quan tâm đúng mức. Nhiều di tích lịch sử còn quản lý thiếu chặt chẽ, tình trạng di tích xuống cấp chưa được trùng tu, tôn tạo kịp thờib hoặc trùng tu chưa tương xứng, chưa thật sự khoa học, trong đó có những yếu tố vượt khỏi tầm quản lý của ngành văn hoá. Về di sản văn hoá phi vật thể, ngành văn hoá thực sự chỉ mới bước đầu trong việc nghiên cứu, bảo tồn trong khi chúng đứng trước những nguy cơ mai một thật sự; những giá trị sưu tầm chỉ chiếm một phần khiêm tốn trong khối lượng lớn trước nguy cơ mất đi vĩnh viễn; khối tài sản vô giá này chưa được đánh giá, quan tâm đến độ. Bên cạnh đó, mặt trái của sự phát triển kinh tế thị trường luôn làm cho các giá trị truyền thống đối mặt với những nguy cơ tha hoá vì khuynh hướng thương mại hoá, đầu cơ và lợi dụng văn hoá để trục lợi.

Bảo vệ các giá trị di sản là một việc làm thiết thực nhưng chỉ dừng ở đó cũng chưa đủ. Vấn đề đặt ra là chúng ta làm sao phải phát huy những giá trị trong đời sống hiện tại, phục vụ cho đời sống tinh thần của đại bộ phận quần chúng, để biến những giá trị này thành động lực để phát triển đất nước. Để những giá trị di sản luôn sống, chúng ta không chỉ thực hiện công tác bảo tồn mà còn phải tuyên truyền giáo dục, phổ biến kiến thức về giá trị di sản văn hoá bằng nhiều loại hình phong phú, đa dạng đến với mọi người. Chúng ta cần lưu ý quan tâm đến việc đẩy mạnh giao lưu văn hoá với các địa phương trong nước và ngoài nước khi có điều kiện thuận lợi. Trong điều kiện đất nước mở cửa giao lưu, hội nhập về kinh tế, văn hoá nước ta ngày càng gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hoá khu vực và thế giới. Đây là một tiến trình hai chiều. Chúng ta chủ động giới thiệu những giá trị di sản văn hoá đến với bè bạn khắp năm châu song song với việc tiếp nhận những cái hay, cái đẹp, cái tiên tiến từ các nước khác để bồi đắp cho nền văn hoá nước nhà phát triển đồng thời kiên quyết ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực nhân cơ hội xâm nhập vào.

Việc giao lưu, hợp tác trong thời gian qua ngành văn hoá thông tin chúng ta thực hiện chưa thật sự đem lại kết quả. Trong bình diện của nước nhà, chúng ta chỉ mới dừng lại giới thiệu tiềm năng về kinh tế là chủ yếu mà chưa chú trọng đến giới thiệu các giá trị văn hoá. Chúng ta chỉ mới thực hiện có tính chất đơn điệu trong khu vực Đông Nam Bộ mà chưa thật sự nắm bắt cơ hội quảng bá rộng rãi, duy trì thường xuyên. Đối với quốc tế thì càng ít hiệu quả hơn nhiều. Ngành Bảo tồn bảo tàng thì mới hợp tác (chưa ở thế chủ động) trong một số công trình nghiên cứu. Nhưng phải nhìn nhận rằng, việc giao lưu, hợp tác đem lai hiệu quả cao trong việc phát huy các giá trị di sản văn hoá. Thông qua hợp tác (cụ thể với trường Đại học Chiêu Hoà, Nhật Bản), vối di sản nhà cổ ở Đồng Nai được kiểm kê và một trong số di tích được kiểm kê (nhà cổ Trần Ngọc Du ở Tân Vạn) được trùng tu, tôn tạo. Qua đó, chúng ta học được nhiều bài học từ cách quản lý, cách thức trùng tu đối với di tích lịch sử. Không những thế, chính những người làm khoa học Nhật Bản lại giới thiệu vốn di sản của Đồng Nai đến đất nước họ. Lấy một ví dụ ấy để cho chúng ta nhận thấy sự hợp tác, giao lưu đúng nghĩa của nó là một việc làm hết sức cần thiết và đem lai hiệu quả cao trong việc phát huy giá trị di sản.

Chúng ta đã bỏ qua quá nhiều cơ hội thuận lợi để thực hiện quảng bá văn hóa địa phương. Thử hỏi trong thời điểm Việt Nam tổ chức SEA GAMES lần thứ 22 vừa qua, chúng ta đã làm được gì để tận dụng chúng quảng bá cho văn hoá Đồng Nai. Có bao nhiêu công trình, tập sách giới thiệu, tuyên truyền cho văn hoá Đồng Nai được xuất bản, ấn hành quảng bá chúng đến công chúng trong nước, với quốc tế, khu vực khi mà xu hướng phát triển du lịch hiện nay đang gắn liền với việc khai thác di sản văn hoá. Bản thân tôi đã từng đi nhiều nhà sách nhưng quả thật, tìm một đầu sách về văn hóa Đồng Nai trên các giá kệ bày sản phẩm thì hầu như cực hiếm. Dường như chúng ta luôn luôn chậm hay không chịu nắm bắt những cơ hội như thế này. Thật đáng tiếc.

Công việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá cũng chính là một hình thức ” xây “ môi trường đời sống tinh thần có trách nhiệm cho cộng đồng đối với tài sản chung của dân tộc.

*

Gía trị di sản văn hoá không cần phải nhắc lại ai cũng hiểu là tài sản vô giá của quốc gia. Điều quan trong là chúng ta đã có thái độ đối xử, cách thức sử dụng với tài sản đó như thế nào ? Trong suốt sự nghiệp cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy chúng trong công cuộc xây dựng đất nước. Trước những thuận lợi để phát triển và cả những nguy cơ làm phương hại đến giá trị di sản, Nghị quyết V của Trung ương Đảng khoá VIII đã chỉ ra những mục tiêu cụ thể, phương châm cho chúng ta tiến hành xây dựng một “ nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc“.

Ở Đồng Nai chúng ta đã làm được gì ? Khi nhắc lại những kết quả đạt được trong thời gian qua, chúng ta tự hào nhưng đừng ru mình trong đó mà quên rằng công việc xây dựng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản là một việc làm luôn được duy trì thường xuyên. Khi nêu lên những mặt yếu kém trong quản lý, thực hiện không phải chúng ta phủ nhận tất cả thành tựu mà chúng ta đã làm được mà để qua đó, chúng ta nhận được những bài học kinh nghiệm để quản lý tốt hơn, làm tốt hơn công nhiệm vụ mà nhà nước giao phó.

Dẫu có nói nhiều đến nguyên nhân, các yếu tố khách quan chăng nữa, thì trước hết, chúng ta phải nhận thức rằng, trách nhiệm chính vẫn thuộc về con người làm công tác văn hoá, mà cụ thể ở địa phương là trách nhiệm của ngành văn hóa. Bảo tồn các giá trị di sản văn hoá là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay nhất là trong xu thế đất nước ta, tỉnh Đồng Nai “ mở cửa ” hội nhập để phát triển. Lý luận chúng ta đã có, hãy bắt tay vào làm một cách khoa học và tâm huyết . Xin được mượn lời của một bài hát để kết: Làm văn hóa cũng “ cần có một tấm lòng”.

Ths Phan Đình Dũng
Comments