Biên Hòa trăm năm trước

đăng 22:20 1 thg 11, 2022 bởi Pham Hoai Nhan

Bài viết dưới đây của nhà văn Lý văn Sâm có tựa đề Thành phố Biên Hòa bảy mươi năm về trước, đăng trên báo Văn nghệ Đồng Nai số 9 năm 1986. Từ đó đến nay đã 36 năm, do vậy coi như đây là bài viết về Biên Hòa trăm năm trước. Tui xin đăng lại nguyên văn, dựa theo bản in lại năm 2012 của Nhà xuất bản Đồng Nai. Hình ảnh minh họa về Biên Hòa xưa mượn của Mạnh Hải trên Flickr.


THÀNH PHỐ BIÊN HÒA BẢY MƯƠI NĂM VỀ TRƯỚC
(Ki)

Chợ cá Biên Hòa. Ảnh: Mạnh Hải

Cho tới năm 1916, thành phố Biên Hòa (hồi đó gọi là thị xã Bình Trước) vẫn chưa có điện. Đường sá trải toàn bằng đá xanh lấy ở núi Bửu Long và núi Châu Thới. Có những con đường làng trải bằng đá ong màu đỏ như son. Những con đường chánh trong tỉnh ngày trước đều mang tên Tây. Đường Nguyễn Thị Giang là đường Bataille, đường Cách mạng tháng Tám (Hàm Nghi cũ) mang tên Palasme de Champeaux v.v...

Đường phố chính ở Biên Hòa. Dấu trên tem thư là năm 1909. Ảnh: Mạnh Hải

Đêm đến, phố sá tối om. Phần đông nhà dân đốt đèn dầu hoặc đèn khí đá. Người Hoa ở dài theo các phố chung quanh chợ, nhà nào sang thì thắp đèn măng sông đốt bằng dầu xăng. Nhà của tham biện Tây có máy điện riêng. Nhà những tên thực dân cai trị khác (Cò, Đoan, Tòa, Kiểm lâm v.v...) thắp đèn măng sông. Không có xe hơi (hoặc rất ít). Người có chiếc xe hơi đầu tiên là ông L.C bang trưởng Quảng Đông. Kế đó là gia đình ông P.P.T có hai chiếc xe đò hiệu Unic và Delahaye đưa khách lên xuống Biên Hòa – Sài Gòn. Xe đạp cũng rất ít. Người có tiền mới mua được xe đạp, phổ biến là các nhãn hiệu xe Labor, Dainty, Alcyon. Xe ngựa chưa có bánh cao su mà chạy bằng bánh sắt. Đó là loại xe bốn bánh chạy hai ngựa gọi là xe song mã hoặc xe kiếng, hai bánh trước nhỏ hơn hai bánh sau. Xe chạy qua phố, bánh sắt nghiến đá nghe nhức tai. Ban đêm, bánh sắt nghiến đá xanh, xẹt lên những tia lửa như pháo hoa cải.

Chợ Biên Hòa lợp bằng thiếc. Trước chợ là nhà hội của ban hội tề xã Bình Trước. Tối nào cũng một ông già đầu búi tó, ra trước cửa nhà hội châm lửa đốt đèn. Bình đèn to bằng trái bí sơn màu xanh đỏ lẫn lộn. Sáng ra, cũng chính ông già búi tó ấy cầm một cái ống sắt dài như ống thổi lửa kê vào phía dưới bình đèn và nhón gót thổi tắt ngọn đèn. Ông ta làm cái việc ấy trọn mười năm mới mất.

Cầu Rạch Cát. Ảnh: Mạnh Hải

Về chính trị thì, người dân Biên Hòa sống dưới chế độ cai trị khắc nghiệt của Pháp. Mỗi năm đóng bảy đồng rưỡi thuế thân (tiền Đông Dương). Huê kiều đóng trên ba chục bạc. Phần đông Huê kiều xuất thân là những người mua ve chai, bán cà rem, cháo huyết v.v... rồi sau đó chắt mót tiền mở tiệm chạp phô (tạp hóa) và tiến lên làm những ông bang Quảng Đông, Phước Kiến, Triều Châu, Hẹ...

Đại đa số đồng bào sống rất nghèo khổ trong những gian nhà lụp xụp, làm đủ nghề nặng nhọc bằng chân tay để sống qua ngày. Trộm cắp như rươi. Hai tướng cướp Lồ và Súc bị xử tử bằng máy chém trước khám Biên Hòa (trên đường Nguyễn Trãi ngày nay). Lính mã tà gác chợ và giữ trật tự an ninh theo kiểu thực dân Pháp (ức hiếp dân, ăn hối lộ, bắt bớ tràn lan...)

Chung quanh chợ Bình Trước là một cái xã hội nho nhỏ, ồn ào chút đỉnh trong buổi sáng và buổi trưa; buổi chiều phố xá thưa thớt và chợ Bình Trước vắng ngắt. Lâu lâu có gánh hát hội về dựng vách bố hát tại chợ. Một hai ngọn măng sông soi sáng sân khấu và khán giả. Tuồng San Hậu và Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu của Bầu Bo và Bầu Tàng hát quanh năm ở chợ. Có khi hát ban ngày theo yêu cầu khán giả và quan chức cai trị thời bấy giờ. Cọp lảng vảng ở xóm Vườn Mít. Nai chạy lạc vào chợ Bình Trước. Các con đường ra khỏi chợ đều là những “nẻo đời” đáng sợ. Đồn rằng: có con quỉ cái hiện hình ở ngã ba thành Săn Đá, có con yêu râu xanh bị tên Phó tham biện Bernard bắn gãy chân gần đình Tân Lân. Xóm Lò Heo là sào huyệt của những tay anh chị giỏi võ và giỏi nghề múa lân.

Thành Kèn Biên Hòa. Ảnh: Mạnh Hải

Chùa Cô Hồn nổi tiếng là nơi linh thiêng. Ngày xưa Hương hào Hầu (cầm đầu Thiên Địa hội) và đồng chí của ông bị Tây bắn tại đó. Có áp bức tất có đấu tranh. Phong trào Thiên Địa hội báo hiệu cho một sự vùng dậy tất yếu trong những năm về sau.

Cồn Gáo nổi lên giữa sông như một chiếc ghe bầu cắm neo cố định một chỗ. Trên cồn lơ thơ vài ba mái nhà dân chài. Giữa cồn có một ngôi miếu nhỏ. (Do khai thác cát nhiều năm mà ngày nay cồn Gáo lặn dần xuống đáy sông. Cát Biên Hòa nổi tiếng là thứ cát tốt.)

Về văn hóa thì không có gì ngoài văn hóa nô dịch nhằm đào tạo ra những lớp công chức phục vụ bộ máy cai trị. Lúc bấy giờ chỉ có “trường con trai” chớ chưa có “trường con gái” và trường cũng không lớn (Trường con trai ở chỗ trường Nguyễn Du ngày nay). Lục Tỉnh tân văn là tờ báo của ông Nguyễn Chánh Sắt in ở Sài Gòn được phổ biến về các tỉnh, nhưng thường là các công sở Tây mới có. Tiểu thuyết rất khan hiếm. Thơ tuồng thì nhiều: Thơ Lục Vân Tiên, thơ Sáu Trọng, Chàng nhái Kiển Tiên, Cậu Hai Miêng... Tiểu thuyết trinh thám (bắt chước Tây) của Phú Đức với những nhân vật yêng hùng Bách-si-ma, Hiệp Liệt bán rất chạy. Múa lân, cờ bạc, rượu, á phiện, gái điếm v.v... là những thú chơi của thực dân ban cho người dân mất nước. Buồn thảm nhất là cảnh những nghệ nhân mù đàn độc huyền nói thơ giữa buổi chợ chiều.

Sáng sáng, một chiếc thủy phi thoàn cất cánh lên khỏi hồ Biên Hòa (lac de Bien Hoa) bay một vòng xuống Cát Lái rồi trở về. Máy bay của Tây đi canh tuần đường sông như làm một vòng tiêu khiển.

Cầu Mát Biên Hòa, khoảng năm 1930. Ảnh: Mạnh Hải.

***
Nhìn về quá khứ để tự hào với hiện tại. Ngày nay, thành phố Biên Hòa là một thành phố cách mạng, trung tâm kinh tế văn hóa xã hội và cũng là một vị trí có ý nghĩa chiến lược về an ninh và quốc phòng của tỉnh Đồng Nai anh hùng. Con cháu của những người dân nghèo Biên Hòa bị áp bức bóc lột ngày xưa, nay đã là chủ nhân ông của một xã hội mới.

Hình ảnh Biên Hòa xa xưa đã lùi vào dĩ vãng.

Lý văn Sâm
Báo Văn nghệ Đồng Nai, số 69/1986

Những hang đá 'chuyển động' ở Biên Hòa

đăng 03:18 24 thg 12, 2017 bởi Pham Hoai Nhan

Đức Mẹ thêu áo, thánh Giuse bào gỗ, ông già Noel đi phát quà bằng trực thăng, đàn tuần lộc bay trên trời… là những hình ảnh sống động tại một giáo xứ ở Biên Hòa.


Những ngày cận kề Giáng sinh, cả giáo xứ Tân Mai (TP Biên Hòa, Đồng Nai) tấp nập người dân từ các nơi khác đổ về chiêm ngưỡng những hang đá sống động do giáo xứ và giáo dân dựng nên.

Hang đá lớn nhất nằm ngay khuôn viên phía trước nhà thờ. Phía bên trái là hang đá chính, phía xa là đoàn 3 vua đi bằng lạc đà đến cung tiến Chúa Giêsu, rồi gần hang đá là người chăn chiên đang lùa những con chiên. 


Không khí Giáng sinh nhộn nhịp tại nhà xứ giáo xứ Tân Mai, Biên Hòa - Ảnh: GIA TIẾN


Bên trong hang đá là 3 bức tượng thánh Giuse, mẹ Maria, chúa Giêsu bằng kích cỡ người thật. Phía bên phải là đàn tuần lộc kéo xe chở ông già Noel bay ở trên trời, và cũng to như thật. Bên trong các mô hình này có môtơ, giúp mô hình chuyển động như người thật.


Bên phải của nhà thờ là nhà xứ (nơi ở của các linh mục) được thiết kế thành một khung cảnh rất đặc biệt: cảnh sinh hoạt của gia đình Chúa Giêsu. Đức Mẹ Maria ngồi thêu áo, ông Giuse thì bào gỗ (ông vốn là thợ mộc) còn Chúa Giêsu phụ cha đẽo gỗ. 


Giáo xứ Tân Mai nằm trên đường Phạm Văn Thuận, thuộc KP.5, P.Tân Mai, TP Biên Hòa, Đồng Nai, cách trung tâm TP.HCM khoảng 30km. 


Ở hang đá trong các xóm xung quanh nhà thờ cũng đều có các mô hình chuyển động rất độc đáo.

Những hang đá có quy mô lớn, chiếm trọn phần sân của 2-3 căn nhà, hoặc được dựng cao lên 5-6m.

Giáo dân, du khách đi hết xóm này đến xóm khác để ngắm cả chục hang đá được đầu tư công phu, nghe dàn nhạc gồm 4 ông già Noel, thiên thần kéo chuông nhà thờ, thiên thần thổi kèn, ngắm Đức Mẹ Maria xay bột, ông già Noel đi trực thăng… 

Việc dựng hang đá lớn và sống động đã được giáo dân giáo xứ Tân Mai thực hiện hơn 20 năm qua, mỗi năm lại làm nên những điều bất ngờ cho du khách và cho những xóm đạo khác. 

Từ giữa tháng 12, du khách đã đến chiêm ngưỡng, vì nếu đến đúng đêm Giáng sinh 24-12, nơi này không còn chỗ để chen chân.


Từ giữa tháng 12, mỗi đêm có hàng trăm người đến Tân Mai xem hang đá - Ảnh: GIA TIẾN


Một hang đá lớn được dựng giữa lối đi trong xóm. Người dân theo bậc thang lên chiêm ngưỡng Chúa - Ảnh: GIA TIẾN


Nhóm bạn trẻ đến chụp hình, quay phim - Ảnh: GIA TIẾN



Ảnh: GIA TIẾN - VIỆT THÁI


Một hang đá lớn được dựng ở cuối một con hẻm, có cây thông cao khoảng 3m - Ảnh: GIA TIẾN


Đức Mẹ xay bột, ông Giuse ngồi nghỉ sau khi cưa gỗ. Sự sáng tạo của giáo dân Tân Mai luôn tạo bất ngờ cho du khách - Ảnh: GIA TIẾN


Ban nhạc Những ông già Noel biểu diễn sát bên hang đá - Ảnh: GIA TIẾN


Ông già Noel đi phát quà bằng trực thăng - Ảnh: GIA TIẾN


Hang đá nào cũng đẹp, rực rỡ - Ảnh: GIA TIẾN


GIA TIẾN 

Đã gãy nhịp cầu

đăng 17:44 20 thg 3, 2016 bởi Pham Hoai Nhan

Trên header của trang web này là hình ảnh cầu Gành (các phương tiện thông tin thường viết là cầu Ghềnh). Cây cầu này do người Pháp xây dựng đã hơn trăm năm và được xem như biểu tượng của thành phố Biên Hòa.


Cầu Gành. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Trưa ngày 20/03/2016, một sà lan đã đâm vào trụ cầu làm sập cầu, nhịp giữa rơi xuống sông.

Cầu Gành sau buổi trưa 20/03/2016. Ảnh: Lê Ngọc Quốc.

Cầu Gành sau buổi trưa 20/03/2016. Ảnh: Lê Duy Trung trên Tuổi trẻ online.

Thế là đã gãy nhịp cầu. Dù sau này cầu có được phục hồi như thế nào đi nữa thì một phần kỷ niệm đã bị tàn phá. Một phần lịch sử đã gãy đổ.

Tiễn biệt nhịp cầu...

Phạm Hoài Nhân
21/03/2016

Vườn chè lạ trên núi Chứa Chan

đăng 04:17 20 thg 8, 2015 bởi Pham Hoai Nhan

Núi Chứa Chan cao 837m, là ngọn núi cao thứ hai ở Đông Nam bộ sau núi Bà Đen (Tây Ninh). Đây là nơi từng được vua Bảo Đại cho xây dựng một biệt thự trên đỉnh núi để nghỉ dưỡng và trồng một vườn chè nay vẫn còn lưu dấu tích.


Một số gốc chè từ vườn chè của vua Bảo Đại còn sót lại 


Theo Ban quản lý di tích danh thắng (BQL DTDT) Đồng Nai, vào những năm 30 của thế kỷ 20, vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến VN đã cho xây dựng một biệt thự trên đỉnh núi để nghĩ dưỡng. Ngôi biệt thự có cả sân tennis để phục vụ sở thích chơi quần vợt của vị vua này. Đồng thời, do vua Bảo Đại thích uống chè nên đã cho trồng một vườn chè xung quanh ngôi biệt thự này. 

Đến những năm 1970, quân đội Mỹ cho xây dựng một trạm rada quan sát ở đây và một sân bay thực thăng dã chiến. Vì biệt thự và sân tennis của Bảo Đại là nơi bằng phẳng nhất trên đỉnh núi nên quân Mỹ đã phá ngôi biệt thự này làm sân bay. 

Hiện nền móng sân bay vẫn còn và rải rác một vài dấu tích kiến trúc của ngôi biệt thự xưa. Riêng vườn chè của vua Bảo Đại hiện chỉ còn sót lại vài ba gốc chè cổ thụ. Người dân địa phương, thợ rừng vẫn thường xuyên tìm đến đây hái lá chè tươi về nấu nước uống. 

Giống chè lạ 

Được sự dẫn đường của hai cán bộ BQL DTDT núi Chứa Chan là Lê Đức Minh và Phạm Văn Bình, một ngày đầu tháng 8.2015 chúng tôi lên đường đi thăm vườn chè. Sau gần 4 giờ băng rừng, leo dốc, đôi chân như muốn rã rời không trụ vững, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến được đỉnh núi. Chỉ vào những phiến bê tông lẫn trong đám cỏ cú cao hơn đầu người, ông Phạm Văn Bình nói: “Nơi này là sân bay dã chiến hồi xưa của Mỹ”. Đi thêm vài mét thì thấy một nền nhà cao chừng 0,5m lộ hẳn ra bên ngoài đám cỏ cháy. Ông Bình khẳng định chắc nịch: “Đây là móng căn biệt thự của vua Bảo Đại. Chú thấy không, các viên đá được ghép với nhau theo hình lục giác, kiểu kiến trúc cổ thời Pháp thường sử dụng”. 

Riêng vườn chè nằm cách nền nhà và chếch xuống phía dưới núi khoảng 100m. Ông Bình cho biết cách nay khoảng 10 năm, vườn chè còn hơn chục cây nhưng do không ai trông coi nên bị người dân đốt rừng làm rẫy phá hết. Số khác thì người dân bứng về nhà trồng nên giờ chỉ còn sót lại vài gốc. “Hễ có đoàn nào bên di tích hay văn hóa về đây đều muốn chúng tôi dẫn lên núi xem vườn chè cho bằng được”, ông Bình nói. 

Quả đúng như lời ông Bình, trước mặt chúng tôi giờ chỉ còn lại vài ba cây chè đứng chụm với nhau thành một khóm trong phạm vi 4m2, bị cỏ dại và tre bủa vây xung quanh. Điều đặc biệt là chiều cao của những cây chè này phải đến 10m, đường kính gần 50cm, lá chè bé như lá giang, sẫm màu. Bỏ vào miệng nhai mới đầu có vị hơi chát nhưng sau thì lại có vị thanh ngọt. Mọi người ai cũng lạ lẫm, thích thú. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Minh, Trưởng phòng nghiệp vụ (BQL DTDT Đồng Nai), cho hay hiện chưa có thông tin, cứ liệu lịch sử nào thể hiện chính xác thời gian căn biệt thự của vua Bảo Đại được xây dựng cũng như thời điểm vườn chè được trồng. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu, đối chiếu, xem xét nhiều tư liệu thì chúng tôi đoán định là vào những năm 30 của thế kỷ 20. 

“Về giống chè, chúng tôi thấy nó rất lạ chưa gặp bao giờ, lá chè khi nhai có vị thanh ngọt. Phía BQL DTDT Đồng Nai rất muốn lấy mẫu đi phân tích, xét nghiệm để xác định giống trà, độ tuổi nhưng chưa có điều kiện”, ông Minh nói.

Bài, ảnh: Lê Lâm

Anh có biết cây bàng bên dòng sông Đồng Nai?

đăng 01:51 9 thg 3, 2015 bởi Pham Hoai Nhan

Anh có biết cây bàng bên dòng sông Đồng Nai
Đã viết bao nhiêu lá thư tình
Gửi xuống lòng sông
Chờ đợi?


Đó là đoạn đầu bài thơ rất được yêu thích của nhà thơ nữ Khương Hà: Cây bàng bên dòng sông Đồng Nai. Cô sáng tác bài thơ này khi tuổi mới mười tám đôi mươi, ngồi ở quán cà phê Cây Bàng bên dòng sông Đồng Nai, nhìn những chiếc lá bàng lả tả rơi, trôi theo dòng nước.


Bài thơ kết thúc bằng khổ thơ:


Anh có biết cây bàng yêu dòng sông Đồng Nai
mà dòng sông cứ xuôi về biển cả
Không hiểu nổi một điều nghiệt ngã
Phía xa khơi sẽ tan mất chính mình


Cây bàng bên dòng sông Đồng Nai. Ảnh chụp từ quán cà phê Cây Bàng, 2010 (PHN).


Như nhiều quán cà phê bên sông Đồng Nai khác, quán cà phê Cây Bàng nhìn ra dòng sông Đồng Nai lặng lờ trôi. Không được quy mô hoành tráng như những quán khác, nhưng nơi đây có cây bàng lâu năm, xỏa cành lá xuống dòng sông, gơi nên nhiều thi hứng.


Không gian nơi đây yên ả, trầm lắng. Bạn có thể ngồi một mình, lặng im suốt buổi để nhìn dòng sông Đồng Nai lững lờ, nhìn những chiếc lá bàng rơi lả tả theo chiều gió...


...


Một sáng mùa Xuân năm 2015, tôi ngồi ở cà phê Cây Bàng, ngắm cây bàng bên dòng sông Đồng Nai. Không, cây bàng xỏa lá xuống dòng sông năm xưa đã bị đốn hạ mất rồi. Và dòng sông, dòng sông nơi đâu? Sông ở xa kia, thoáng mờ như làn chỉ. Còn nơi đây sông đã bị lấp mất rồi, thay vào đó là những đống đất đá, cát bụi mịt mờ. Quán cà phê vẫn còn cây bàng nho nhỏ, nhưng đã xa, xa con sông nhiều lắm. Lá bàng vẫn rơi, nhưng rơi trên đất đá ngổn ngang.


Trước quán cà phê Cây Bàng, ngày 3/3/2015. Dòng sông ở xa kia, mong manh như sợi chỉ.


Thật sâu, thật xa trong này, những chiếc lá bàng bơ vơ... Bạn có thấy vài chiếc lá vàng rơi xuống đất đen (thay vì rơi xuống dòng sông) hay không?


Vài năm sau, nơi xưa kia là con sông sẽ mọc lên những tòa cao ốc. Nhà thơ Khương Hà liệu có về đây chăng để sáng tác bài thơ Cao ốc bên dòng sông Đồng Nai?


Có lẽ không cần phải sáng tác thêm bài thơ khác, chỉ cần thay đoạn cuối bài thơ cũ:


Anh có biết cây bàng yêu dòng sông Đồng Nai
mà dòng sông ngày qua ngày, bị lấp
Ai đó trôi theo dòng đời tấp nập
Một ngày kia sẽ chôn lấp chính mình


Phạm Hoài Nhân


Yên ba giang thượng sử nhân sầu

đăng 03:02 24 thg 2, 2015 bởi Pham Hoai Nhan

1.

Nhà thơ Thôi Hiệu đời Đường vốn quê quán ở... Biên Hòa. Chiều mồng Hai Tết Ất Mùi ông về cố hương thăm lại dòng sông Đồng Nai. Ông ngơ ngác ngó dáo dác, cóc có thấy sông Đồng Nai đâu hết, Chỉ thấy có chiếc máy xúc nằm chình ình như cái vòng kim cô nhốt núi Châu Thới phía xa xa, còn nơi là dòng sông thuở nào của ông là một bãi đá, bụi mịt mù.



Cảm thán, Thôi Hiệu sáng tác mấy câu thơ:


Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu


Dịch nghĩa:


Chiều tối, cóc biết quê nhà ta ở cái xứ nào

Chỉ thấy bụi mù trên sông làm ta rầu thấy mẹ!


2.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng về thăm Biên Hòa vào dịp này. Trên đường đi, Hoàng Hiệp kể với Trịnh Công Sơn về dòng sông Đồng Nai quen thuộc của mình:


Sông vẫn như thuở ấy

vẫn con đò ngang đón đưa người sang, và từng đêm hát ru đôi bờ


Thế nhưng khi hai người về tới Biên Hòa thì con sông Đồng Nai đâu còn vẫn như thuở ấy, mà đang bị lấp dần từng khúc, từng khúc. Trịnh Công Sơn nghẹn ngào:


Nhìn nhau ôi cũng như mọi người

Có một dòng sông đã qua đời.


3.

Ta biết rằng nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên quê quán ở Biên Hòa, và dòng sông Đồng Nai là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác bài thơ Khúc tình buồn đã được Phạm Duy phổ nhạc thành Thà như giọt mưa, trong đó có đoạn:


Người từ trăm năm 

Về qua sông rộng

Ta ngoắc mòn tay

Ta ngoắc mòn tay

Chỉ thấy sông lồng lộng

Chỉ thấy sông chập chùng



Tết năm nay, hương hồn Nguyễn Tất Nhiên bay về thăm lại dòng sông xưa. Ông bàng hoàng thấy dòng sông chập chùng năm xưa đang bị lấp hẹp dần. Ông cảm thán sáng tác bài Khúc tình rầu:


Người từ trăm năm 

Về qua sông hẹp

Ta ngoắc mòn tay

Ta ngoắc mòn tay

Chỉ thấy sông hẹp dần

Chỉ thấy sông hẹp dần.


Phạm Hoài Nhân

Ghi chép lại vào chiều mồng 2 Tết bên dòng sông Đồng Nai đang bị lấp

2.200 tỷ đồng cho dự án cải tạo cảnh quan phát triển đô thị ven sông Đồng Nai

đăng 03:08 16 thg 9, 2014 bởi Pham Hoai Nhan

Ngày 13-9, Công ty CP Đầu tư kiến trúc xây dựng Toàn Thịnh Phát đã công bố triển khai dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai. Lễ khởi công dự án sẽ diễn ra vào ngày 17-9-2014. Theo chủ đầu tư, dự án có diện tích 8,4 ha trong đó có 70% diện tích dành cho công trình công cộng như: đường, công viên dọc bờ sông và công viên trung tâm, 30% diện tích còn lại dùng cho công trình kinh doanh. Được biết, dự án chạy dài 1,3km từ công viên Nguyễn Văn Trị đến cầu Rạch Cát, phường Quyết Thắng (TP. Biên Hòa), đoạn xa nhất lấn ra ngoài sông Đồng Nai 100m.

Dự án chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn đầu (2013 - 2016), kinh phí 416 tỉ đồng, bước đầu thực hiện xây dựng hạ tầng, xây dựng các tuyến kè lấn sông Đồng Nai, xây dựng trạm bơm nước, quy hoạch lại nhà ở ven sông…; giai đoạn 2 (2016 - 2019), với kinh phí 800 tỉ đồng sẽ tập trung tôn tạo các công trình giá trị lịch sử lâu đời tại Biên Hòa như Trường tiểu học Nguyễn Du, Phụng Sơn Tự, miếu Ngũ hành… và phát triển các khu thương mại dịch vụ; giai đoạn 3 (2019 - 2022), kinh phí 984 tỉ đồng, sẽ hoàn thiện các cao ốc văn phòng, khách sạn, khu dân cư xanh tiện nghi, trung tâm thương mại, mua sắm…



Phối cảnh đô thị ven sông

Việc triển khai dự án phát triển đô thị ven sông có ý nghĩa không chỉ về mặt cảnh quan, văn hóa mà còn tạo động lực để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư.

Ông Huỳnh Phú Kiệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Toàn Thịnh Phát cho biết: “Dự án triển khai xây dựng trong 9 năm, kinh phí đầu tư 2.200 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ góp phần rất lớn vào việc cải tạo cảnh quan, môi trường, tăng diện tích công viên và cây xanh, xây dựng các tuyến kè bảo vệ bờ sông, đồng thời phát triển thêm nhiều dịch vụ tiện ích công cộng của một đô thị thương mại cho người dân TP. Biên Hòa”. Bên cạnh đó, Công ty Toàn Thịnh Phát cũng cam kết trong quá trình thi công tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động, không làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, không bơm hút cát từ sông Đồng Nai, trùng tu, bảo tồn và giữ nguyên vẹn các giá trị văn hóa, lịch sử tránh bị ảnh hưởng bởi dự án.

Ông Huỳnh Phú Kiệt, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Toàn Thịnh Phát giới thiệu về dự án

Hoàng Lộc

Báu vật thiên nhiên của Việt Nam

đăng 05:49 18 thg 12, 2012 bởi Admin VINACOM Garden   [ cập nhật 05:49 18 thg 12, 2012 bởi Pham Hoai Nhan ]

Với 64 bức ảnh sống động của nhiều tác giả về thiên nhiên, động thực vật và con người ở Vườn Quốc Gia Cát Tiên, triển lãm ảnh "Ấn tượng Cát Tiên" tại TP HCM sáng 16/12 đã khiến người tham quan mê mẩn.

Na

Là một trong 6 khu dự trữ sinh quyển được Unesco công nhận tại Việt Nam, Vườn Quốc Gia Cát Tiên có diện tích gần 72.000 ha nằm trên địa bàn 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước và Đồng Nai. Nhiều người cho rằng đây chính là "báu vật" thiên nhiên của Việt Nam.


Đây là khu rừng nhiệt đới ẩm duy nhất còn sót lại tại miền Nam Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết khí hậu cho Tây Nguyên và Nam Bộ.


Triển lãm do nhóm tình nguyện "Yêu quý bảo vệ Cát Tiên" tổ chức nhằm kêu gọi bảo vệ và lưu giữ sự nguyên vẹn cho Vườn quốc gia Cát Tiên, "báu vật" thiên nhiên của Việt Nam.

Vượn đen má vàng nằm trong danh mục nguy cấp của sách Đỏ Việt Nam và thế giới.


Ngày 18/6/2011, Tổ chức Unesco thế giới đã chính thức công nhận Vườn quốc gia Cát Tiên là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đồng thời đổi tên thành Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.


Hệ thực vật tại đây phong phú với gần 1.700 loài trong đó có những loại quý hiếm như gỗ trắc, cẩm lai..., hơn 700 loài chim thú quý hiếm và "đặc biệt quý hiếm" có trong sách Đỏ.

Vườn quốc gia Cát Tiên thu hút rất nhiều khách du lịch nước ngoài đến tham quan.

Vườn quốc gia Cát Tiên còn có khoảng trên dưới 20 đàn bò tót với tổng số lượng khoảng 120 con sinh sống. Theo đánh giá của giới chuyên môn đây là quần thể bò tót hoàn hảo nhất của Việt Nam.



Ngày 17/9 vừa qua tại Đồng Nai, các chuyên gia của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng để thẩm định hồ sơ trình Unesco công nhận Vườn quốc gia Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới.


Không chỉ có một hệ động thực vật phong phú, Vườn quốc gia Cát Tiên vốn còn là nơi cư trú của 11 dân tộc và là nơi có không gian văn hóa, di sản Ốc Eo. Vì vậy đây được xem là hình mẫu về bảo tồn đa mục đích - một mô hình phát triển hài hòa giữa con người với thiên nhiên dựa trên nền tảng sự đa dạng sinh học kết hợp với bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc ít người.


Trong những năm gần đây, việc phát triển nhiều công trình thủy điện trên sông Đồng Nai đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quần thể này. Việc khiến dư luận bức xúc nhất là dự án xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Theo cảnh báo của các chuyên gia, tổ chức khoa học trong và ngoài nước, việc xây dựng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trong vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ gây tác động xấu đến môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học làm ảnh hưởng rất lớn đến hệ động thực vật phong phú và đa dạng của Vườn quốc gia.

Công Nguyên (Ảnh do BTC cung cấp)
VnExpress  17/12/2012

Tổ chức lễ đón nhận bức tranh thêu “Trời Nam - Nguyên khí Trấn Biên”

đăng 01:41 8 thg 2, 2012 bởi Admin VINACOM Garden   [ cập nhật 01:41 8 thg 2, 2012 bởi Pham Hoai Nhan ]

(ĐN)- Chiều 6-2 (nhằm ngày rằm tháng giêng), Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bức tranh thêu “Trời Nam - Nguyên khí Trấn Biên” do Công ty XQ Việt Nam (Lâm Đồng) trao tặng. Các đồng chí: Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Văn Tư, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Minh Phúc, Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh cùng các đồng chí trong Ban TVTU; đại diện các sở, ban ngành, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh đã đến dự.

Lễ đón nhận bức tranh thêu tại Văn miếu Trấn Biên. (Ảnh: Thanh Thúy)

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Long, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch thay mặt lãnh đạo tỉnh cảm ơn tập thể các nghệ nhân Công ty XQ Việt Nam đã đóng góp tâm sức và tài hoa để thực hiện nên  bức tranh thêu “Trời Nam - Nguyên khí Trấn Biên”. Sau khi tiếp nhận, bức tranh thêu sẽ được trưng bày tại Văn vật khố của Văn miếu Trấn Biên cho nhân dân và du khách chiêm ngưỡng. Ngoài 6 bức tranh thêu hoa sen tặng Đồng Nai để trao tặng lại các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ, Công ty XQ Việt Nam còn trao tặng 2 bức tranh “Đóa sen ước nguyện” để gây quỹ tặng trẻ em nghèo ở Đồng Nai.

Các nghệ nhân Công ty XQ Việt Nam (Lâm Đồng) dâng lễ vật tại lễ rước bức tranh thêu "Trời Nam - Nguyên khí Trấn Biên". (Ảnh: T.Thúy)

Thanh Thúy

Du lịch nội tỉnh tăng nhẹ

đăng 01:23 3 thg 2, 2012 bởi Pham Hoai Nhan   [ đã cập nhật 01:23 3 thg 2, 2012 ]

(ĐN) – Thông tin từ các khu du lịch (KDL) lớn trong tỉnh cho biết, lượng khách đến vui chơi trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 chỉ tăng nhẹ so với mọi năm (ở mức từ 10 - 15%). Cụ thể, tính đến hết ngày mùng 6 Tết, KDL Bò Cạp Vàng (Nhơn Trạch) có khoảng 9.000 lượt khách tham quan, chủ yếu đến từ TP. Hồ Chí Minh. Tại KDL Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên cũng có khoảng gần 2.000 lượt khách đến vui chơi và tham quan cảnh rừng vào dịp Tết Nguyên đán (tương đương các năm trước), trong đó có gần 100 khách nước ngoài, còn lại đa số là khách trong tỉnh. KDL Bửu Long thì có khoảng 40.000 lượt khách vui chơi trong dịp Tết và đây là KDL có lượng khách đến đông nhất trong toàn bộ các KDL tại Đồng Nai. Ông Nguyễn Văn Thương, Giám đốc KDL Bửu Long cho biết, lượng khách đến KDL này tăng gần 40% so với các năm trước, trong đó đa phần là khách trong tỉnh, một số ít đến từ Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh. Riêng KDL Thác Giang Điền (huyện Trảng Bom), từ mùng 1 đến hết mùng 5 tết, thu hút khoảng 14.000 lượt khách đến vui chơi, giảm nhẹ so với tết năm trước.

Khách vui cơi tại khu du lịch Bửu Long

Một số điểm vui chơi khác trong tỉnh như thác Hoa Phương, thác Mai (Định Quán), CLB Xanh, Vườn Xoài (Biên Hòa)… cũng thu hút khá đông khách đến vui chơi, mức tăng trung bình khoảng 10 - 20% so với tết năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều KDL nội tỉnh đánh giá, lượng khách đến vui chơi Tết năm nay không đông như mong đợi vì các nguyên nhân: cạnh tranh mạnh mẽ từ các KDL ở các tỉnh, thành lân cận như Đại Nam (Bình Dương), Suối Tiên (TP. Hồ Chí Minh)… Mặt khác, do thời gian nghỉ kéo dài khiến nhiều người chọn phương án đi chơi xa thay vì đến các điểm gần.

VY LÂM

1-10 of 12

Comments